Sức khỏe bé sơ sinh sẽ cung cấp cho mẹ những kiến thức khoa học liên quan đến các bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, giúp mẹ biết cách xử trí khi con bệnh và nuôi con đỡ vất vả hơn.
Tại sao trẻ bị bệnh đường hô hấp cấp? Thủ phạm gây ra bệnh đường hô hấp cấp là virus hợp bào hô hấp RSV. Bệnh đường hô hấp cấp có những triệu chứng giống chứng cảm cúm trong mùa lạnh. Bản thân nó không phải là loại virus nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hoặc sau đó là sự phát triển của bệnh hen suyễn, hay những vấn đề đường hô hấp khác.
Hầu hết trẻ nhỏ gặp phải vấn đề này trước 2 tuổi, tuy nhiên nó đặc biệt nguy hiểm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ có vấn đề sức khỏe bẩm sinh, và trẻ sinh thiếu tháng vì những bé này có hệ miễn dịch yếu hơn.
Làm thế nào để biết bé bị bệnh đường hô hấp cấp?
Ban đầu bé có thể bị cảm nhẹ, nhưng sau vài ngày, cơn ho của bé nặng hơn và hơi thở khó nhọc. Điều này là do virus đã lây nhiễm tới các tiểu phế quản, khiến chúng bị sưng, tiết ra nhiều dịch nhầy làm đầy đường khí và gây khó thở.
Những dấu hiệu cho thấy có thể bé đã bị viêm nhiễm nghiêm trọng gồm: lỗ mũi nở rộng, lồng ngực phồng to khi thở, căng cơ bụng, rên khi thở, hơi thở khò khè, thở gấp hơn 60 lần/ phút, môi hoặc móng tay hơi xanh, và bé có biểu hiện bất thường khi bú.
Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị bệnh hô hấp cấp?
Ba mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để kiểm tra hơi thở và ôxy của bé. Nếu bé quả thực bị bệnh hô hấp cấp, có thể bác sĩ sẽ cho bé thuốc giãn phế quản dạng hít, giúp bé dễ thở hơn. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trên virus hợp bào hô hấp nhưng bạn có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bé tại nhà bằng cách cho bé uống nhiều nước và tránh xa khói và khói thuốc vì có thể khiến việc thở của bé khó khăn hơn.
Bạn nên cho bé bú thường xuyên hơn do bé khó có thể thở và bú cùng lúc. Một số cách khác giúp bé dễ thở là dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và hút chất nhầy trong mũi bé bằng ống hút mũi hình tròn, đặt máy phun sương mát trong phòng bé, đặt đầu bé nâng lên một chút khi ngủ. Có thể dùng một chiếc khăn kê dưới nệm nhưng không kê gối dưới đầu bé.
Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt acetaminophen nếu cần được bác sĩ đồng ý. Với những bé sinh thiếu tháng hoặc bé có bệnh tim hoặc phổi, một cách giúp bảo vệ bé khỏi virus là cho bé tiêm ngừa virus cúm trước khi vào mùa cúm.
Có thể biết bé bị nghẹn bằng mắt hay không? Câu trả lời là có. Khi bé phải cố gắng hít thở hoặc làm bật ra một vật nào đó đang làm tắc đường thở của bé, đó chính là bị nghẹn. Bé có thể bị nghẹn khi bị khó thở và gây ra những âm thanh bất thường hoặc nôn khan, ho, thở khò khè. Da của bé có thể chuyển màu đỏ hoặc xanh và bé có thể bị mất ý thức.
Nên làm gì khi bé bắt đầu bị nghẹn?
Nếu bé có thể ho, khóc hoặc nói và dường như có thể thở được nghĩa là đường thở của bé chưa bị tắc hoàn toàn. Trong trường hợp bé bị mắc nghẹn nhưng có thể tự lấy ra vật gây nghẹn, điều tốt nhất mẹ có thể làm là bình tĩnh và vỗ về bé. Nhưng nếu bé thở hổn hển, mặt chuyển màu từ đỏ sang xanh, bé trông hoảng sợ, mắt, miệng mở to, hoặc có vẻ mất ý thức, mẹ nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Trong lúc đó, mẹ có thể thử giải tỏa đường thở cho bé bằng các cách sau:
1. Nếu bạn nhìn thấy vật gây tắc nghẽn, dùng ngón tay gạt nó ra ngoài. Còn nếu bạn không nhìn thấy vật tắc, tuyệt đối không đưa ngón tay của bạn vào miệng bé vì nó có thể đẩy vật vào sâu trong cổ họng của bé.
2. Ôm bé úp mặt trên cánh tay bạn, đỡ cằm của bé trong tay bạn, giữ đầu bé thấp hơn phần còn lại của cơ thể.
3. Vỗ lưng bé năm lần, vỗ nhanh, chắc nhưng nhẹ bằng ức bàn tay vào giữa bã vai bé, cần nhớ là các cơ quan nội tạng của bé còn mỏng manh.
4. Nếu bé bắt đầu ho, nên để bé cố gắng tống vật nghẹn ra thay vì đưa ngón tay của bạn vào miệng bé để lấy ra. Nếu bé không ho bật vật ra được, cẩn thận lật bé lại và dùng 2 hoặc bốn ngón tay bạn đè lên giữa xương ức của bé 5 lần, nhấn sâu khoảng 1,3 đến 2,5cm.
5. Nếu vật gây nghẹn không bật ra, kiểm tra lại để thấy nguyên nhân gây nghẹn. Đặt bé nằm ngửa bằng phẳng, giữ lưỡi của bé thấp bằng ngón cái của bạn, nâng cằm bé lên để nhìn thấy phía sau cổ họng bé. Nếu vẫn không thể thấy vật gây nghẹn và bạn đã được hướng dẫn về sơ cứu và hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, bắt đầu tiến hành ngay. Nếu không, bạn có thể lặp lại bước 2 và 3. Tiếp tục làm điều tốt nhất có thể và yêu cầu giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Làm thế nào để tránh mắc nghẹn cho bé?
Cho bé ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi, thức ăn nghiền hoặc ép, các loại thức ăn cầm tay an toàn như bánh quy ăn dặm và ngũ cốc hình chữ O, quan sát bé trong khi ăn. Chú ý không cho ăn vội hoặc ăn trong xe và luôn đặt bé ngồi thẳng khi ăn. Không để bé chơi những đồ vật nhỏ, những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ hoặc chai phấn trẻ em. Bạn cũng cần làm theo hướng dẫn về độ tuổi trên đồ chơi của bé, độ tuổi này được xác định không chỉ dựa trên giá trị giáo dục mà còn dựa trên độ an toàn cho trẻ. Nghẹn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ, vì thế các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên tham gia lớp sơ cứu cho trẻ sơ sinh.
Nên làm gì nếu nghi ngờ bé vừa nuốt vật lạ?
Việc trẻ con nuốt phải những vật nhỏ là rất phổ biến. Nếu những vật này đi qua đường ruột mà không gây tổn thương cho bé thì không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu bạn nhận thấy bé chảy nước dãi quá mức hoặc không thể nuốt, đột ngột bỏ ăn hoặc bé có biểu hiện đau ở nơi vật đang mắc kẹt, cần gọi cho bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Để chuẩn bị chăm sóc bé tốt nhất, cha mẹ thường sẽ muốn biết trước sự phát triển tâm lý trẻ sơ sinh từ 01 đến 12 tháng tuổi. Sau đây là những cột mốc thú vị cha mẹ sẽ thấy ở bé cưng nhà mình.
1. Tâm lý trẻ sơ sinh từ 01 đến 03 tháng tuổi
Khi mẹ cho bé bú, tắm hoặc cho bé ngủ, theo tâm lý, trẻ sơ sinh sẽ thể hiện cảm xúc theo cách riêng của mình với mẹ như cười với mẹ; chạm tay vào người mẹ; mắt dõi theo mẹ…
Mẹ nên chú ý đến những lúc bé có biểu hiện như vậy. Vì ở giai đoạn rất sớm của cuộc sống; trẻ sơ sinh có khả năng biểu lộ một mức độ cảm xúc rộng rãi khác nhau bao gồm: thích thú, mỉm cười, khó chịu và đau đớn. Vào khoảng 2 hay 3 tháng tuổi trẻ biểu hiện được sự buồn rầu và giận dữ.
Do vậy, khi bé bắt đầu muốn ngọ nguậy, mẹ có thể nắm tay bé, mỉm cười và ôm bé vào lòng, ê a vài câu cho bé nghe. Vì bé chỉ nhìn và cảm nhận được người khác ở phạm vi 20cm; nên những cử chỉ, hành vi của mẹ sẽ được bé chú ý.
Đây là khoảnh khắc giúp trẻ sơ sinh phát triển tâm lý lành mạnh; những cảm xúc tích cực và tình thương với mẹ sau này.
Lúc này trẻ đã lớn hơn một chút và muốn tìm hiểu thế giới xung quanh mình. Khoảng 2-3 tháng tuổi, trẻ có thể phản ứng khác nhau với các giọng nói khác nhau: một giọng nói giận dữ có thể khiến cho trẻ khóc; trong khi một giọng nói vui vẻ sẽ làm cho trẻ mỉm cười và cất tiếng ê a.
Đến 4-5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thấy thích thú khi chơi một mình với những âm thanh do tự mình phát ra (như tiếng phì phèo nước bọt). Bé thích hóng chuyện của người lớn; và bộc lộ cảm xúc vui mừng như một phản xạ tự nhiên khi có ai nói chuyện riêng với bé.
Kỳ diệu hơn, trẻ nhỏ 6 tháng tuổi không chỉ bập bẹ những từ đơn giản như “mẹ mẹ” hay “bà bà” mà bé còn “giải mã” rất tốt ngữ thái cảm xúc của thú cưng. Khi con vật nghe thấy những âm thanh này; bé cũng đáp lại bằng những hành động vui buồn hay giận dữ. Như vậy, khả năng xã hội của trẻ phát triển rất sớm.
Trong thời gian này, để tâm lý trẻ sơ sinh phát triển mạnh mẽ; mẹ nên chơi cùng trẻ để khiến bé vui, trò chuyện cùng bé để phát triển cảm xúc theo hướng tốt hơn.
Vào giai đoạn này, bé đã biết phân biệt được nhiều và bộc lộ cảm xúc rõ rệt hơn. Ví dụ như vui mừng khi gặp người thân và khóc khi tiếp xúc với người lạ. Bé rất sợ nếu phải xa mẹ; bé sẽ khóc thật to nếu phải ở bên cạnh một người mà bé không quyến luyến.
Bé bắt đầu học nói và muốn nhận được “sự giúp đỡ” của cha mẹ khi bé cố gắng nói những từ đầu tiên. Trẻ sơ sinh sẽ có tâm lý vui sướng nếu cha mẹ đáp lại bằng cách nói chuyện âu yếm với bé, lúc đó bạn sẽ thấy bé đang rất cố gắng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp cho bản thân mình với mọi người.
Cha mẹ không nên giận khi bé nhõng nhẽo quá mức để gây chú ý như la hét, khóc to, đập phá… vì muốn được mọi người quan tâm. Mẹ nên khéo léo dỗ dành bé, nói với bé rằng mẹ rất yêu con bằng một nụ hôn hoặc vuốt ve bé; giúp bé điều chỉnh từ từ cảm xúc một cách cân bằng hơn nữa.
Với trẻ sơ sinh từ 10-12 tháng tuổi, tâm lý của bé cần biểu lộ cảm xúc gia tăng về mặt xã hội và có một chức năng quan trọng trong việc tổ chức hành vi. Trẻ một năm tuổi xét đoán ý nghĩa của các sự kiện thông qua việc học tập từ việc đáp ứng cảm xúc của người chăm sóc đối với các sự kiện đó; hiện tượng này được gọi là tham khảo xã hội (Social referencing).
Lúc này, tâm lý trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và có thể bắt mạch được cảm xúc của mẹ. Nếu mẹ tỏ ra khó chịu, bé sẽ lo sợ, sau đó mếu và khóc. Ngược lại nếu mẹ vui cười, yêu thương bé, bé sẽ đáp lại bạn bằng những tiếng cười khanh khách.
Nếu bé ở trong môi trường có nhiều bạn đồng tuổi, bé sẽ thể hiện bản thân mình một cách rõ nhất: bé muốn giành đồ chơi; bé muốn sở hữu một mình, nhiều khi đánh bạn để ra oai…
Tâm lý trẻ sơ sinh tuổi này đã có tính sở hữu cao, điều đó thể hiện: trẻ vui sướng khi được mẹ chăm sóc, và khi mẹ xoay sang nâng niu một con búp bê; bé trở nên khốn khổ, quơ tay đạp chân để gây chú ý, rồi khóc thét lên để nói rằng mẹ chỉ thuộc về nó mà thôi.
Để tâm lý trẻ sơ sinh phát triển lành mạnh; cha mẹ nên dành nhiều thời gian để chăm sóc bé, quan tâm bé hơn. Bởi khi bé có những biểu hiện thái quá; điều đó có thể do bé đang thiếu thốn tình cảm và muốn được quan tâm nhiều hơn.
Khi nào con bạn cần kiểm tra mắt ngay
Khi bé phát triển trong suốt năm đầu đời, mẹ cần lưu ý khi thấy các dấu hiệu có thể là vấn đề về mắt trẻ sơ sinh hay thị lực dưới đây:
Lé (lác, hiếng): Một hoặc mắt hướng về hoặc cách xa mũi, hoặc chỉ một mắt có chuyển động, hoặc hai mắt chuyển động có vẻ rất khác nhau.
Chứng giật cầu mắt (rung giật nhãn cầu): Mắt chuyển động “nhảy múa”, giật hoặc lượn sóng vẫn tiếp tục kéo dài sau khi bé được 3 tháng tuổi.
Bất kỳ thương tổn mắt hoặc thay đổi vật lý nào ở mắt của bé khiến mẹ cảm thấy lo lắng.
Một dấu hiệu nào đó cho thấy thị lực của bé phát triển không như bình thường.
Nếu mẹ phát hiện bất kỳ những dấu hiện trên, hãy hẹn bác sĩ khám mắt cho bé ngay nhé.
Ai kiểm tra mắt cho bé?
Bác sĩ của bé (bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ riêng của gia đình nếu nhà bạn có điều kiện) sẽ kiểm tra mắt cơ bản và các vấn đề thị lực vào các lần thăm khám kiểm tra sức khỏe cho bé trong suốt năm đầu cuộc đời bé. Bác sĩ của bé sẽ điều trị các vấn đề mắt không nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm nhiễm.
Nếu bạn hoặc bác sĩ của bé có những quan ngại khác về thị lực của bé, bước kế tiếp là đưa bé đến gặp chuyên gia về mắt để kiểm tra và thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Nếu bạn cần tìm chuyên gia về mắt cho bé, cách đơn giản là:
Nhờ bác sĩ nhi của bé giới thiệu.
Hỏi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tên và số điện thoại của các bác sĩ chuyên khoa về mắt của con họ.
Liên hệ với cơ sở ý tế gần nhà để tìm bác sĩ nhãn khoa cho bé.
Bé sẽ được kiểm tra mắt như thế nào?
Trước khi cho bé khám mắt, bạn hãy ghi ra sẵn những câu hỏi mà bạn muốn hỏi. Trong trường hợp bạn cần chờ gặp bác sĩ, hãy mang món đồ chơi yêu thích hoặc thứ gì khác mà bé nhà bạn có thể chơi trong yên lặng. Một món ăn nhẹ cũng được.
Mỗi đợt thăm khám cho bé thường gồm: Tiền sử gia đình về các vấn đề mắt và thị lực.
Kiểm tra mi mắt và nhãn cầu bằng đèn pin: Hai đồng tử có cùng kích cỡ? Mi mắt có vững không, có bị rũ xuống hay không? Có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm, bệnh tật, bị rách hay dị ứng nào không? Mắt, mi mắt và lông mi có bình thường không?
Kiểm tra chuyển động mắt (từng mắt một và cả hai mắt cùng lúc): Bé dõi theo một món đồ (thường là đồ chơi) được bác sĩ di chuyển như thế nào? Nếu cả hai mắt có phản xạ không giống nhau, rất có thể mắt bé có vấn đề.
Kiểm tra phản ứng ánh sáng: Bài kiểm tra này được thực hiện trong phòng tối để đồng tử của bé mở to ra, giúp bác sĩ nhìn tốt hơn bên trong mắt. Chuyên viên về mắt sẽ sử dụng kính soi đáy mắt (ophthalmoscope) hoặc kính soi màng lưới (retinoscope) để tìm phản xạ đỏ trong đôi mắt – mỗi mắt mỗi lần và sau đó là cả hai mắt cùng lúc. Một phản ứng bất thường có thể gợi ý đến các vấn đề như đục thủy tinh thể hay khối u mắt.
Mặc dù hầu hết các bác sĩ đều biết cách khám mắt cho bé và trẻ, nhưng bác sĩ khám cho bé có thể yêu cầu con bạn làm thêm các xét nghiệm, dù với mục đích là tìm hay không tìm các vấn đề về mắt và thị lực. Các chuyên gia có các quan điểm khác nhau trong việc kiểm tra và xét nghiệm thị lực cho bé. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết điều gì là đúng cho bạn.
Trẻ dưới 2 tuổi không nên cho nằm gối
Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi nằm gối, hãy gối đầu cho trẻ bằng chiếc khăn mềm mại cao khoảng 1mm hoặc đặt bé lên một chiếc nệm vừa đủ êm để trẻ có những giấc ngủ sâu. Đó là lời khuyên mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe gửi đến các bậc cha mẹ. Bởi theo các chuyên gia, trẻ dưới 2 tuổi, xương đầu của trẻ vẫn còn rất mềm nên rất dễ bị biến dạng như bị chứng bẹp đầu, xương đầu bị méo khi bé nằm gối ngủ quá lâu với một tư thế nhất định.
Vì xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng, tức là đầu và lưng phải thẳng với nhau nên khi gối đầu, cổ sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển xương sống của trẻ và nguy cơ dị tật xương sống ở trẻ là rất cao. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn này xương cổ và sụn còn rất mềm vì thế bé không có khả năng tự nhấc cổ, do đó khi gối đầu bé không hợp lý, cổ bé sẽ bị gập lại và vùng hầu họng sẽ bị chẹn khiến cho bé dễ bị sặc, dẫn đến ngạt thở.
Đó là chưa kể đến việc làn da nhạy cảm của bé có thể bị kích ứng, mẫn ngứa với chất liệu ruột gối và gây ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, khiến bé khó ngủ, quấy khóc.
Tác động của gối đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ nhỏ
Lựa chọn cho con trẻ một chiếc gối phù hợp giúp bé ngủ ngon là điều mà cha mẹ nên quan tâm vì giấc ngủ đối với bé là vô cùng quan trọng.Một chiếc gối êm ái, phù hợp với trẻ ở từng giai đoạn phát triển sẽ mang đến cho trẻ giấc ngủ thoải mái, dễ chịu, giúp cho hệ mạch máu chạy dọc cột sống cổ lên nuôi não không bị chèn ép, đặc biệt tránh được các nguy cơ biến dạng xương sống, khó thở, trặc vẹo cột sống cổ.
Thế nên, việc lựa chọn cho trẻ một chiếc gối thích hợp là một trong những bí quyết giúp trẻ sở hữu một thể chất, trí não lý tưởng trong suốt quá trình phát triển.
Cách chọn gối cho trẻ Chọn chất liệu gối
Ruột gối, bao gối với chất liệu mềm mại là điều quan tâm đầu tiên trong bí kíp chọn gối cho con trẻ. Ngày nay, chất liệu ruột gối rất đa dạng, từ các chất liệu tự nhiên đến các loại sợi nhân tạo, cho nên các bậc cha mẹ nên chọn những nhãn hàng có uy tín chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho con trẻ. Nên chọn những ruột gối nhẹ, thông thoáng, dễ khô để tiện cho việc thường xuyên giặt giũ, làm vệ sinh ruột gối, bởi trẻ nhỏ thường hay khóc, nhỏ dãi và đổ nhiều mồ hôi nhiều trong lúc ngủ.
Nhưng các gia đình cũng không nên chọn ruột gối quá mềm đến mức khi đặt trẻ nằm lên, gối lún hẳn xuống. Cần chọn ruột gối có độ cứng vừa tới, độ mềm vừa phải. Vì gối cứng sẽ không tốt cho hộp sọ của trẻ, còn gối mềm và lún quá có thể sẽ áp sát vào mũi bé, gây ngạt thở. Đặc biệt những bé đang tập lẫy, khi bé úp mặt xuống thì sẽ rất khó để bé lật lại và khả năng bé bị ngạt thở rất cao.
Kích thước gối phù hợp
Khổ gối không nên quá rộng, chỉ chọn vừa đủ đầu trẻ để tránh gây ngạt thở cho trẻ.
Không chọn những chiếc gối quá cao hay quá thấp vì sẽ gây tác động đến hệ hô hấp và quá trình tuần hoàn máu ở cổ, khiến trẻ khó ngủ.
Cách đặt gối cho trẻ
Theo các chuyên gia, việc đặt gối sâu về phía gáy, sát với cổ vai, cổ hơi ưỡn, ngửa ra sau 10 – 15 độ sẽ cho trẻ tư thế nằm dễ chịu nhất và an toàn nhất.
Ngoài ra, tuyệt đối không nên cho trẻ nằm gối của người lớn vì dễ ngây ngạt thở và lún đầu khi ngủ và không nên dùng quá nhiều chăn gối, hay các tấm chắn mềm trong giường bé, bởi nếu bé vô tình quờ tay, vít vào mặt sẽ có nguy cơ gây cho bé khó thở.
Ngủ không đủ giấc từ lâu đã được liệt vào một trong những nguyên nhân gây tổn hại sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất, đặc biệt việc thiếu ngủ có thể dẫn đến sự suy giảm hệ miễn dịch. Một hệ miễn dịch tốt giúp cơ thể tránh được nhiều bệnh tật. Nếu thường xuyên bị thiếu ngủ, hệ miễn dịch của bé có thể trở nên “chậm chạp và uể oải”, khó chiến thắng được vi khuẩn. Thực tế cho thấy 1/3 trẻ em hiện nay không được ngủ đủ thời gian cần thiết.
Trong khi ngủ, tim được giảm cường độ hoạt động, nhịp độ của hệ tuần hoàn ổn định hơn, huyết áp giảm. Nhưng trên hết, giấc ngủ giúp tăng cường sức đề kháng. Bạch cầu và các kháng thể được sản xuất nhiều hơn. Hệ miễn dịch được tăng cường sẽ giúp bé có đủ sức khỏe để chống lại những tác động xấu của môi trường. Khi bé ngủ, hầu hết các cơ quan trong cơ thể sẽ giảm cường độ hoạt động. Nhưng một số cơ quan khác lại hoạt động tích cực hơn. Đó chính là các cơ quan sản xuất ra hóc môn tạo nên sức đề kháng cho cơ thể. Khi bé thức, hệ miễn dịch phải gồng mình tập trung lực lượng đối đầu với đủ lại kích ứng từ môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể. Chỉ khi cơ thể chìm trong giấc ngủ sâu, các loại bạch cầu và thực bào có công năng truy lùng độc chất, các loại vi trùng, siêu vi trùng, khuẩn và tế bào ung thư… thường mới bắt đầu hoạt động.
Giấc ngủ có lợi như thế, nhưng ta phải làm sao khi bé yêu luôn không chịu ngủ? Mẹ đừng lo, hãy cùng chia sẻ vài cách ru bé ngủ hiệu quả ngay sau đây.
À ơi, con ngủ ngoan nào!
Trẻ sơ sinh có chu kỳ ngủ không đều, và cần khoảng 6 tháng để bé ngủ đều. Trong khi trẻ sơ sinh ngủ trung bình 16-17 giờ/ngày, bé chỉ có thể ngủ 1-2 giờ/giấc. Khi trẻ lớn lên, thời gian ngủ giảm dần. Một bé 6 tháng tuổi thức giấc trong đêm là chuyện bình thường, nhưng bé chỉ thức vài phút rồi tự ngủ lại. Đây là vài gợi ý để giúp bé ngủ ngon hơn:
Cố gắng giữ bầu khí yên lặng. Khi cho bé bú hoặc thay tả cho bé trong đêm, bạn hãy tránh kích thích hoặc đánh thức để bé có thể ngủ lại được dễ dàng.
Đừng để bé ngủ ban ngày lâu quá. Nếu bé ngủ nhiều ban ngày, thì bé sẽ thức giấc ban đêm.
Cứ để bé nằm trong nôi khi bé thức giấc. Bé học thư giãn và tự dỗ giấc ngủ. Nếu bạn tập thói quen bế bé hoặc đung đưa ru bé ngủ, thì bé cần đến bạn ru ngủ khi bé thức giấc trong đêm.
Tránh cho bé ngủ với núm vú cao su. Núm vú này chỉ được dùng để thỏa mãn nhu cầu nút, chứ không phải để ngủ. Nếu trẻ bắt đầu buồn ngủ, thì nên nhẹ nhàng lấy núm vú ra.
Bắt đầu trì hoãn phản ứng của bạn khi trẻ nổi cáu lúc 4-6 tháng tuổi. Hãy chờ vài phút trước khi can thiệp, vì trẻ có thể tự dỗ ngủ. Nếu trẻ tiếp tục khóc, thì bạn kiểm soát bé, nhưng nên tránh bật đèn, chơi đùa, bế lên hoặc đung đưa. Nếu trẻ tiếp tục khóc, hãy chờ vài phút nữa rồi xem bé lại. Có thể bé đói, tiểu tiêu, sốt hoặc khó chịu.
Trẻ nhẹ cân là những trẻ khi sinh có cân nặng dưới 2.5kg bất kể tuổi thai là bao nhiêu. Như vậy, trẻ nhẹ cân sẽ gồm trẻ sinh non và trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung.
Việc chăm sóc và nuôi dưỡng những trẻ này trong những ngày đầu sau khi sinh không hề đơn giản. Với trẻ sinh non, do chức năng tiêu hóa và điều hòa thân nhiệt kém, phổi chưa trưởng thành, trẻ dễ bị suy hô hấp, xẹp phổi, xuất huyết phổi, bệnh màng trong… Còn đối với trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung thì thường có nguy cơ hạ đường huyết do thiếu glucogen dự trữ.
Cách chăm sóc trẻ nhẹ cân
Do vậy việc chăm sóc hàng ngày nên tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản là: Giữ ấm – Vệ sinh – Dinh dưỡng tốt, cụ thể:
1. Giữ ấm
Khi mới chào đời, việc đầu tiên phải làm là giữ ấm cho bé, vì để lạnh sẽ dễ bị phù cứng bì làm trầm trọng thêm bệnh lý của trẻ. Có 2 phương pháp giúp duy trì thân nhiệt là ủ ấm trong lồng ấp và phương pháp bà mẹ Kangaroo.
Phương pháp lồng ấp. Thường được thực hiện tại bệnh viện
Phương pháp bà mẹ Kangaroo. Đặt trẻ nằm da áp da trên lồng ngực mẹ, phủ áo hoặc chăn bên ngoài, ủ ấm trẻ bằng nhiệt độ của cơ thể mẹ.
Phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản, tiện lợi và có nhiều ưu điểm như: giảm được tỷ lệ bệnh lây lan trong bệnh viện; giữ được thân nhiệt cho bé; giúp bé thở đều hơn; gắn bó tình cảm giữa mẹ và con… Nếu mẹ mệt, bố hay người thân trong gia đình có thể thay thế để chăm sóc bé theo phương pháp này.
2. Vệ sinh – Theo dõi
Vệ sinh chăm sóc. Phải đảm bảo vô khuẩn bằng cách:
Tắm bé hàng ngày bằng nước sạch, ấm và khăn mềm. Với bé non tháng cần tắm nửa người trên của bé, lau khô, ủ ấm rồi mới tiếp tục tắm phần còn lại. Với trẻ quá non cần có kỹ thuật tắm bé trong lồng ấp.
Thay băng rốn và sát khuẩn bằng cồn 70 độ hàng ngày sau khi tắm bé cho tới khi rốn rụng và khô thành sẹo.
Theo dõi. Vì trẻ non tháng và nhẹ cân sẽ gặp phải nhiều nguy cơ bệnh lý trong thời kỳ sơ sinh, vì vậy phải theo dõi sát một số các dấu hiệu rối loạn, phát hiện sớm bệnh lý xảy ra như viêm phổi sơ sinh, viêm ruột, xuất huyết não màng não… để điều trị hoặc chuyển viện kịp thời.
Rối loạn hô hấp: thở nhanh > 60 lần/1 phút.
Nôn, sặc (phải xử trí hút thông đường hô hấp tại chỗ trước khi chuyển).
Sắc mặt, môi và các đầu chi.
Rối loạn tiêu hóa: số lần đại tiện, số lượng, tính chất và màu sắc phân.
Phát hiện sớm các bất thường về cơ, xương, khớp, thị giác, thính giác và vận động của trẻ để điều trị hoặc chuyển viện kịp thời.
Chuyển trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân lên tuyến trên phải ủ ấm bằng phương pháp da áp da.
Cần lưu ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ.
3. Dinh dưỡng
Sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là đối với trẻ sinh nhẹ cân.
Đối với trẻ sinh quá non (< 1.500g), chưa có phản xạ bú hoặc những trẻ sinh non chưa bú được, phải kết hợp truyền dung dịch Glucoza 10% theo đường tĩnh mạch (tại bệnh viện). Trẻ bú được thì mẹ cho bú nhiều bữa trong ngày (có thể 12-15 bữa/ngày).
Trẻ bú yếu nhưng đổ thìa sữa nuốt được, mẹ nên vắt sữa ra ly, dùng thìa bón cho trẻ.
Trường hợp mẹ không có sữa, nên dùng loại sữa dành riêng cho trẻ sinh non. Đối với trẻ nhẹ cân do suy dinh dưỡng, vẫn có thể dùng các loại sữa cho trẻ dưới 6 tháng như trẻ đủ cân.
Lượng sữa dùng cho trẻ hằng ngày:
Ngày thứ nhất sau sinh: 50 ml/kg trọng lượng trẻ, chia ra 10-12 bữa/ngày.
Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 6: Mỗi ngày tăng thêm 20 ml/kg trọng lượng của trẻ, cũng chia ra 10-12 bữa/ngày.
Từ ngày thứ 7 trở đi: 170 ml/kg trọng lượng, chia ra 10-12 bữa/ngày.
Từ tháng thứ 5 trở đi, hãy cho trẻ ăn bổ sung và bú mẹ như trẻ đủ cân.
Bí quyết chăm sóc trẻ trong mùa lạnh
1. Bảo vệ mũi cho bé
Chất nhầy trong mũi chính là chiến tuyến đầu tiên giúp trẻ chống lại vi trùng. Tuy nhiên, trong không khí khô và lạnh, các chất nhầy trong mũi bé dày lên, khó di chuyển. Để chăm sóc trẻ tốt trong mùa lạnh, bạn nên nhỏ vài giọt dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ và nhẹ nhàng hút ra. Mũi sạch sẽ, thông thoáng sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tật ở trẻ.
2. Giữ ấm vừa đủ
Hãy mặc cho bé những bộ quần áo vừa đủ ấm. Không nên vì sợ lạnh mà mặc quá nhiều quần áo sẽ gây ngột ngạt, khó chịu cho bé. Bởi da bé cần được thông thoáng. Nhưng cũng đừng mặc quá phong phanh. Nóng quá hay lạnh quá đều dễ khiến bé bị cảm.
3. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng
Khi bị sốt, trẻ thường bị mất cảm giác ngon miệng, vì thế bạn nên chú ý bổ sung thêm các chất lỏng bổ dưỡng cho con như nước trái cây, nước canh và rau quả. Điều này vừa giúp giữ năng lượng và giúp trẻ tích cực uống thêm nhiều nước.
4. Điều chỉnh ánh sáng phù hợp
Khi ốm, trẻ thường có xu hướng ngủ nhiều hơn. Ánh sáng quá gay gắt sẽ khiến trẻ khó chịu, nhưng nếu phòng trẻ tối tăm cả ngày thì cũng dễ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn. Một chút ánh sáng và không khí trong lành sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ.
Chăm sóc trẻ: Dùng thuốc đúng nơi đúng chỗ
1. Khi trẻ bị sốt
Hầu hết các cơn sốt đều nhẹ và không cần đến thuốc. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Khi bé bị sốt, cơ thể thường nóng từ 38oC trở lên. Riêng đối với trẻ sơ sinh thì ngưỡng 37,7ºC đã được xem là sốt. Tuy nhiên, một con số cụ thể cũng không thể nói lên tình trạng bệnh của bé.
Khi chăm sóc trẻ, mẹ cần quan tâm đến cách trẻ ăn uống, hoạt động và cơn sốt đã kéo dài bao nhiêu ngày. Cơn sốt kéo dài trên 3 ngày thường liên quan đến bệnh nhiễm trùng, thường là hô hấp. Nếu cơn sốt đã hoành hành quá 3 ngày, bạn nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra.
Nếu nhiệt độ vẫn thấp hơn 38ºC và bé hoạt động bình thường, bạn không cần cho con uống thuốc.
2. Khi bé bị đau tai
Nhiễm trùng tai thường là hậu quả của một đợt cảm lạnh. Khi trong tai có chất lỏng như mủ, chất nhầy, các loại vi sinh vật có thể khiến cho tình trạng tồi tệ hơn. Nếu tai không bị sưng và chảy mủ hay chất nhầy ít, bác sĩ sẽ giúp con bạn vệ sinh tai. Đừng vội dùng kháng sinh vì chúng chỉ có tác dụng khi bé bị nhiễm trùng tai do vi khuẩn.
Nếu bé đau, các loại thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen là lựa chọn tốt nhất. Trong trường hợp bé cần dùng kháng sinh, mẹ cần báo cho bác sĩ biết loại kháng sinh bé đã uống những ngày gần đó nhất, như amoxicillin chẳng hạn, vì nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây tình trạng lờn thuốc.
Đối với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi hoặc từ 6 đến 23 tháng, kháng sinh chỉ được dùng nếu trẻ có nguy cơ bị tăng gấp đôi khả năng nhiễm trùng và biến chứng, chẳng hạn viêm tai đi cùng hệ miễn dịch yếu, viêm tai khi đang mắc một bệnh lý mãn tính, viêm tai cùng lúc với đau mắt đỏ…
Khi trẻ trên 2 tuổi bị nhiễm trùng tai mà không sốt, không đau nhiều, bạn có thể theo dõi bé trong 48 giờ mà không dùng kháng sinh. Nếu tình trạng không thuyên giảm, hãy đưa bé đi bệnh viện.
3. Khi bé mọc răng
Loại thuốc tốt nhất khi con mọc răng là acetaminophen. Nếu sử dụng gel bôi nướu, bé có thể nuốt và khiến cổ họng bị tê, gây khó khăn khi nuốt.
4. Khi bé đau mắt đỏ
Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nên bé sẽ phải nghỉ học để tránh lây lan. Trong trường hợp đau mắt đỏ do virus, bạn không cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu con bạn bị đau mắt mà không có dử (ghèn) thì chỉ cần vệ sinh mắt với nước muối sinh lý (dạng chai nhỏ có bán ở các nhà thuốc) là đủ. Ngược lại, nếu bé thức giấc với đôi mắt bị dán kín bởi ghèn, đây là lúc nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.
Có nên sơn móng tay cho bé?
Theo các chuyên gia da liễu, trong sản phẩm sơn móng sẽ có hóa chất độc hại. Chỉ một vết xước nhỏ, tạo đường trung gian truyền hóa chất này vào máu, sẽ dẫn đến nhiễm trùng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Khi cho bé làm móng, không nên dùng chất làm mềm da. Da trẻ đã đủ mềm sau khi ngâm nước và không cần đến loại kem làm mềm này.
Sơn móng tay cho bé từ quá sớm là mẹ đã gián tiếp đưa đẩy con “học đòi” làm người lớn từ khi còn quá bé, đồng thời tình cờ “tước đoạt” mất điều lẽ ra bé nên học được ở mai sau.
Chăm sóc trẻ tốt nhất không có nghĩa mẹ nên đưa bé đi spa làm đẹp. Có con gái không đồng nghĩa phải làm điệu mọi lúc mọi nơi, hoặc thiếu việc làm đẹp sẽ không có được sự hoàn hảo. Mẹ không nên dẫn bé đi làm những việc này thường xuyên, nếu không trẻ sẽ nghĩ rằng mình sinh ra vốn dĩ tự nhiên không đủ đẹp hay đủ tốt.
Mẹ cần lưu tâm vấn đề sức khỏe nào của bé giai đoạn 1 tháng tuổi?
Trong lần khám sức khỏe định kỳ cho bé 1 tháng tuổi, bác sĩ có thể quan tâm đến những vấn đề sau:
Cân nặng và số đo của bé để chắc chắn rằng bé đang phát triển bình thường, khỏe mạnh
Kiểm tra nhịp tim và nhịp thở của bé
Kiểm tra mắt và tai của bé
Số đo kích cỡ đầu của bé để đánh dấu sự phát triển của não bé
Kiểm tra xem dây rốn đã teo rụng và cuống rốn có đang lành dần? Nếu là bé trai và bé đã được cắt bao quy đầu, bác sĩ cũng sẽ khám bộ phận sinh dục của bé
Chích ngừa viêm gan B mũi 2 cho bé
Cho trẻ đang bú mẹ uống vitamin D. Trẻ uống từ 17 đến 32 giọt mỗi ngày là đủ lượng vitamin D cần thiết cho trẻ.
Đề cập đến bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe mà mẹ bé đã ghi chú
Mang lại nhận thức về sự phát triển của bé, việc cho ăn và việc ngủ
Chuẩn bị cho những câu hỏi của bác sĩ trước khi khám sức khỏe định kỳ:
Giấc ngủ của bé? Giấc ngủ thất thường là biểu hiện phổ biến của các bé 1 tháng tuổi. Hầu hết trẻ sẽ ngủ các giấc ngắt quãng từ 2 đến 3 tiếng trong ngày với tổng số giờ khoảng 15 tiếng. Cho đến giờ, thời kỳ trẻ có thể ngủ dài hơn những thời kỳ khác. Đó là bước đầu để đến với một đêm trọn cho bé và bạn.
Bé ngủ với tư thế nào? Để hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), đặt bé nằm ngửa khi ngủ.
Bé ăn khi nào? Ăn thế nào? Thường ăn gì? Hầu hết bé 1 tháng tuổi cứ cách 2 đến 3 tiếng lại ăn 1 lần. Bác sĩ hỏi những câu hỏi này để xác định xem bé có bú đủ để phát triển khỏe mạnh không và để hiểu nếu bạn có bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc cho bé ăn.
Vấn đề tiêu hóa của bé như thế nào? Phân mềm là tốt nhất, nhưng màu phân có thể biến đổi. Phân nhão hay phân vón cục là dấu hiệu của thiếu nước hoặc dấu hiệu của táo bón. Nói với bác sĩ nếu bạn lưu ý điều này.
Bé có thức lâu? Không có kết luận chính xác nào về thời gian thức, nhưng quan sát từ các bé cho thấy thời kỳ thức lâu hơn là dấu hiệu cho thấy con bạn đang phát triển bình thường.
Bé có hay “ọ ẹ” khi thoải mái và tỉnh táo? Vẫn còn vài tháng trước khi bé cất tiếng nói đầu đời, những âm thanh hạnh phúc và đáng yêu của bé sẽ là bước khởi đầu.
Bạn có lưu ý bất kỳ điểm bất thường nào về mắt hay cách nhìn của bé không? Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra cấu trúc, sự liên kết của mắt và khả năng dịch chuyển đúng của mắt trẻ.
Bé có hay gắt hơn vào cuối ngày? Đây là biểu hiện thường thấy ở bé 1 tháng tuổi, đặc biệt vào khoảng từ 6h tối đến đêm. Khi bắt đầu thức lâu hơn trong ngày, bé sẽ mệt và dễ cáu kỉnh, gắt ngủ vào buổi tối.
Cho bé tập nằm sấp mỗi sáng? Bắt đầu ngay từ ngày đầu sau sinh khi bé thức giấc vào buổi sáng, tất nhiên với sự canh chừng của mẹ. Thời gian nằm sấp sẽ trợ giúp bé yêu trong quá trình học lẫy, lật và thậm chí biết bò nhanh hơn. Điều này cũng giúp tránh cho đầu và gáy của bé bị bè ra.
Bé có nhỏm đầu dậy khi nằm sấp? Kiểm soát cử động đầu là một trong những mốc phát triển quan trọng của bé 1 tháng tuổi. Nếu con bạn không thể giữ vững đầu của bé trong thời gian ngắn, lưu ý với bác sĩ.
Táo bón ở trẻ sơ sinh và những thay đổi trong chế độ ăn uống
Khi bé bắt đầu ăn dặm trong giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi cũng là lúc những cơn đau bụng đầu tiên liên quan đến thức ăn xuất hiện. Chẳng hạn, đậu có thể làm bé đầy hơi trong những ngày đầu tiên bé bắt đầu thử ăn thức ăn đặc, nhưng đây chỉ là tình trạng tạm thời.
Vấn đề dạ dày phổ biến nhất với những bé bắt đầu ăn dặm là chứng táo bón. Táo bón ở trẻ sơ sinh được định nghĩa là bé không đi tiêu trong vòng 2-3 ngày. Sau đó chỉ đi dưới dạng phân cứng nhỏ. Nếu bé gặp phải tình trạng trên ở giai đoạn đầu ăn dặm, đây không phải là triệu chứng đáng lo ngại. Sau một vài tuần, hệ thống tiêu hóa của bé sẽ tự điều chỉnh theo những thay đổi trong chế độ ăn uống. Bé sẽ bắt đầu đi tiêu thường xuyên hơn.
Nếu bé ăn thức ăn đặc hay các thức ăn rắn, bạn có thể giúp bé bằng cách cho bé ăn những thức ăn giúp nhuận tràng như mơ, lê, mận và cắt giảm những loại có khả năng gây táo bón ở trẻ sơ sinh như chuối, táo, cà rốt, gạo và bí. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng có thể giúp bé tiêu hóa tốt hơn.
Tập thể dục cũng là một biện pháp kích thích ruột hoạt động và góp phần trị bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh. Thử đặt bé nằm thẳng và cho bé làm động tác đạp chân như đang đi xe đạp.
Viêm ruột và dạ dày
Nôn ói hay tiêu chảy đi kèm đau bụng là những dấu hiệu điển hình của viêm ruột và dạ dày. Viêm ruột – dạ dày mô tả tình trạng dạ dày và ruột bị viêm do virus hoặc vi khuẩn. Virus là thủ phạm phổ biến nhất, bao gồm rotavirus, adenovirus, calicivirus, và astrovirus.
Viêm ruột – dạ dày cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như: Salmonella, Shigella, Staphylococcus, Campylobacter, hoặc E. coli. Cũng có trường hợp viêm ruột – dạ dày là do ký sinh trùng như Giardia gây nên.
Các triệu chứng cúm dạ dày của bé sẽ tùy theo mức độ, có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Nếu bé bị nôn mửa hay tiêu chảy, sốt cùng với cảm giác mất ngon miệng có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước.
Điều quan trọng nhất là ba mẹ cần cho bé uống nhiều chất lỏng như sữa bột hoặc sữa mẹ trong khi chiến đấu với bệnh. Bạn cũng có thể cho bé uống từng ngụm nhỏ dung dịch điện giải để thay thế chất lỏng, khoáng chất và muối bé đã bị mất. Nếu bé có dấu hiệu nghiêm trọng của tình trạng mất nước, cần đưa bé đến phòng cấp cứu ngay để các bác sĩ can thiệp y tế.
Sau khi tình trạng đã khá hơn, bạn có thể cho bé trở lại chế độ ăn uống bình thường kể cả thức ăn đặc nếu bé đã bắt đầu ăn dặm. Nên tránh thức ăn nhiều chất béo.
Dấu hiệu bé bị trào ngược dạ dày
Hầu hết bé sơ sinh đều có hiện tượng khó chịu, nôn trớ trong hoặc sau khi ăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên diễn ra thường xuyên, có thể bé đã bị trào ngược dạ dày. Hầu hết các bé đều gặp phải hiện tượng này trong năm đầu đời.
Tuy nhiên, nếu hiện tượng nôn trớ nói trên đi kèm với các dấu hiệu đau bụng khác biểu hiện ở việc bé cong lưng, giơ chân lên cao, ho hoặc nôn sữa trong lúc ăn, bé có thể bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).
Làm gì khi bé bị trào ngược dạ dày?
Khi một em bé mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, thực phẩm và dịch tiêu hóa sẽ trào ngược trở lại thành cổ họng, gây kích thích niêm mạc thực quản. Cảm giác khó chịu này cũng giống như chứng ợ nóng ở người lớn. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có thể gây ra suy dinh dưỡng cũng như các vấn đề khác như mất nước. Lúc này, ba mẹ cần đưa bé đến bác sĩ nếu bé có dấu hiệu mắc bệnh. Hầu hết các bác sĩ đều có thể dễ dàng chẩn đoán trào ngược dạ dày – thực quản hơn các nguyên nhân gây đau bụng khác nhờ vào các triệu chứng sau: bé có vẻ đói ngấu nghiến, bé bám vào núm vú hoặc bình và bú trong khoảng 15 hoặc 20 giây, sau đó cong lưng, quay mặt đi và bắt đầu khóc. Các biểu hiện này kèm theo việc la hét, đó là khi hiện tượng trào ngược xuất hiện.
Nếu nghi ngờ bé mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, bác sĩ sẽ cho bé làm các xét nghiệm cần thiết, đồng thời kê toa thuốc và hướng dẫn ba mẹ cách thức cho bé ăn nhằm giúp bé bớt khó chịu và đau ở vùng bụng.