Đây là nơi cung cấp các kiến thức chăm sóc cho sự phát triển của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi dậy thì, từ sức khỏe thế chất đến tinh thần, đảm bảo con lớn lên khỏe mạnh, toàn diện.
Bé 2 tuổi đã biết sử dụng tay thuận?
Trong suốt một năm đầu đời, nếu để ý quan sát có thể bạn sẽ nhận thấy bé con mới chập chững biết đi của bạn bắt đầu thích sử dụng tay này hơn là tay kia trong sinh hoạt hàng ngày. Khác với khi còn là trẻ sơ sinh, bé có khuynh hướng sử dụng hai tay luân phiên nhau.
Khi bé 2 tuổi, việc sử dụng tay thuận sẽ càng rõ ràng hơn nữa và bạn có thể biết rõ bé thuận tay trái hay tay phải. Ngoài ra, có một cách đơn giản để nhận biết bé thuận tay nào: Cầm đồ chơi trong tay và xem bé sử dụng tay nào để lấy, quan sát bé dùng muỗng tay nào trong bữa ăn. Tay thuận thường là tay mạnh hơn, khéo léo hơn trong mọi hoạt động, vì thế bé sẽ sử dụng nó trong sinh hoạt hàng ngày.
Ít bé nào duy trì được khả năng thuận cả hai tay từ lúc mới sinh, điều đó có nghĩa là bé chỉ dùng cả hai tay cho đến giai đoạn bé vào mẫu giáo. Một số bé sử dụng tay thuận cho việc ăn uống và cầm bút nhưng lại dùng tay còn lại để ném bóng chẳng hạn. Mặt khác, việc bé thuận tay nào còn phụ thuộc phần lớn vào gen di truyền. Chỉ khoảng 1/10 trẻ em thuận tay trái, nhưng nếu cả ba lẫn mẹ đều thuận tay trái, khả năng bé thuận tay trái chiếm đến 50%.
Ba mẹ không nên cố gắng thay đổi thói quen mang yếu tố di truyền này. Việc ép bé 2 tuổi sử dụng tay không thuận chỉ mang lại cho bé nhiều thất vọng về bản thân mình và làm tổn phí năng lực của bé. Thay vào đó, ba mẹ nên dành thời gian và công sức cho việc giúp bé phát triển các kỹ năng khác cũng như học hỏi thêm nhiều điều mới.
Bảo vệ an toàn cho bé ở nhà
Bé 2 tuổi thường phát triển rất nhanh. Thử dạo một vòng quanh nhà qua con mắt nhìn của bé, bạn sẽ nhận ra có bao điều hấp dẫn bé khám phá. Đây cũng có thể là nguồn gốc nguy hiểm đối với bé.
Các bé 2 tuổi tò mò và hiếu động thích đứng chễm chệ trên thùng nước, bất chấp nguy cơ chết đuối rình rập. Bé cũng thích khám phá các ngăn tủ kéo nơi có thể bị kẹp ngón tay hay đụng phải các đồ vật sắc nhọn. Để tránh điều này, thay khóa tủ mới và lắp cao hơn tầm với của bé. Mẹ nên dọn dẹp ngăn nắp và cất các chất tẩy rửa hay hóa chất độc hại ra khỏi tầm với của trẻ.
Ở độ tuổi này, khả năng gặp tai nạn là rất cao bởi vì bé chỉ chăm chăm vào việc khám phá các vật thể lạ mà không nghĩ gì tới nguy hiểm. Do đó, ba mẹ cần dọn dẹp nền nhà sạch sẽ, bởi các món đồ chơi, thảm lót và các vật dụng vướng víu khác mà bé bừa bộn khắp mọi nơi có thể làm bé 2 tuổi gặp nguy hiểm.
Một điều lưu ý nữa là bạn cần trang bị đầy đủ các đồ dùng sơ cứu cần thiết trong nhà như băng cứu thương, thuốc sát trùng… Bạn cũng đừng quên những câu nói vỗ về xoa dịu khi chẳng may bé bị trầy xước hay bầm tím, chúng có tác dụng như một loại thuốc giảm đau hiệu quả với bé đấy.
Những mốc phát triển của bé 2 tuổi
Làm cách nào bạn biết được bé đang phát triển theo đúng hướng? Các bé 2 tuổi bắt đầu phát triển rõ rệt theo mức độ mà bé nắm bắt các kỹ năng mới. Những mốc quan trọng mà hầu hết các bé ở độ tuổi lên 2 đều trải qua đó là:
Chỉ đúng một số đồ vật khi bạn gọi tên.
Gọi được tên của những người quen thuộc, đồ vật và các bộ phận trên cơ thể.
Sử dụng những cụm từ ngắn và các câu ngắn gọn chứa từ 2 đến 4 từ.
Làm theo những chỉ dẫn đơn giản của bạn.
Lặp lại những từ bé nghe được.
Tìm thấy đồ vật cho dù bạn có giấu kỹ dưới 2 hoặc 3 lớp mền.
Phân loại đồ vật theo màu sắc.
Chơi những trò chơi tưởng tượng, đóng giả hay bắt chước người lớn.
Nếu bạn lo sợ con mình bị “chậm” một vài kỹ năng nào và không theo kịp các bạn cùng trang lứa, nên hỏi ý kiến bác sĩ. Cách tốt nhất để chẩn đoán bé có gặp vấn đề hay không là thông qua sự đánh giá chuyên nghiệp và theo dõi của bác sĩ, kèm theo đó là sự tác động đến từ bạn bởi vì không một ai khác có thể hiểu rõ bé bằng chính mẹ của bé cả.
Cuộc sống hiện tại của mẹ: Thể hiện cảm xúc
“Thiên thần” bé nhỏ đáng yêu sẽ tung tăng bước theo bạn ở khắp mọi nơi vì với bé, bạn cũng giống như một người bạn thân thiết vậy.
Bạn tự hỏi có nên kiềm chế hay che giấu những cảm xúc mãnh liệt của bạn trước mặt bé không? Câu trả lời gần như là không trong hầu hết các trường hợp.
Việc bé 2 tuổi hiểu được cách bạn và mọi người xung quanh bộc lộ cảm xúc sẽ tốt cho sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của bé. Bạn nên dùng những lời giải thích đơn giản cho bé hiểu như: “Mẹ đang khóc là bởi vì mẹ nhớ ba và điều đó làm cho mẹ buồn đấy con yêu, nhưng bây giờ mẹ đã cảm thấy tốt hơn. Hãy ôm mẹ nào mẹ sẽ cảm thấy tuyệt vời lắm, sau đó mẹ con mình đi ăn trưa nhé!”.
Tuy vậy, nếu bạn đang sôi sục vì giận dữ việc gì, nhớ trấn an bé không được sợ hãi. Các bậc phụ huynh đôi khi tỏ ra mất bình tĩnh trong phút chốc, mặc dù mục tiêu của bạn là phải giữ bình tĩnh và giải quyết vấn đề dựa trên lý trí. Bạn nên nhớ rằng đây là giai đoạn bé 2 tuổi phát triển mạnh mẽ về mặt cảm xúc nên rất dễ đồng cảm với người khác.
Cũi cho bé cần chọn loại như thế nào mới an toàn và giúp bé ngủ ngon giấc? Mẹ nên tham khảo ngay các thông tin dưới đây để chọn cũi tốt nhất cho bé nhé.
Cách chọn cũi cho bé
Khi lựa chọn cũi cho bé, các bà mẹ và gia đình nên lưu ý một số quy tắc sau để bảo đảm an toàn:
1. Chiều cao của cũi
Bạn cần đảm bảo chắc chắn bé không thể leo hoặc trườn qua cũi. Vị trí đặt cũi cần bảo đảm tránh xa màn, cửa sổ, rèm cửa vì bé có thể leo trèo ra ngoài, nhoài người kéo, bám vào dẫn đến nguy cơ bị ngã. Bạn nên mua loại cũi có thể điều chỉnh từng nấc, khi mới sinh để nấc cao nhất, khi biết lẫy để vào nấc giữa, khi tập đi chuyển xuống đáy.
2. Tiêu chuẩn an toàn khi chọn mua cũi
Các tiêu chuẩn như không được có các góc nhọn, các mép không sắc cạnh, kiểm tra các chi tiết như ốc vít, khoảng rộng giữa các thanh vừa phải bé không thể lọt tay, chân qua khe hở và lưu ý về cũi phải vững chắc, độ cân bằng, vật liệu thành cũi phải thật mịn tránh thô thám vì sẽ làm đau bé. Luôn luôn kiểm tra độ chắc chắn của chốt khóa trước khi bạn đặt bé ngồi chơi trong cũi.
3. Bên trong cũi
Khi sử dụng nệm, nên dùng loại vừa vặn với cũi cho bé, tránh để bé nghịch và kéo nệm ra khỏi cũi. Sử dụng một chiếc nệm phẳng và không sử dụng đệm mềm, đệm nước để giảm rủi ro mắc chứng đột tử đột ngột ở bé sơ sinh và ngăn chặn nghẹt thở, bạn nên đặt bé nằm ngửa trên. Lưu ý mặt cạnh của cũi và nệm nếu có khoảng cách cũng có thể làm bé bị kẹt chân, tay.
Tuyệt đối không để thú nhồi bông, vật liệu đồ chơi, ga vào trong cũi vì nhưng vật này có thể phủ lên mặt gây nghẹt thở cho bé. Loại bỏ tất cả các vật liệu bằng nhựa ra khỏi cũi. Không sử dụng túi nilon bao bọc quanh nệm, túi nhựa là một tác nhân nguy hiểm, có thể phủ kín mặt bé.
Ngay khi đảm bảo các cũi đã thật sự an toàn cho bé, thỉnh thoảng bạn cũng nên kiểm tra tư thế ngủ để chắc chắn biết bé nằm ngửa. Tốt nhất là cũi cho bé nên đặt ngay sát bên cạnh giường bố mẹ để tiện theo dõi. Theo một nghiên cứu thì tư thế ngủ đúng ở các bé sơ sinh có thể giúp đẩy lùi tới 70% các ca tử vong. Với bé sơ sinh, nên sử dụng tấm chăn mỏng, quấn quanh và chỉ cao bằng ngực bé.
Cách đóng cũi cho bé
Tự làm cũi cho bé không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền mà còn bởi cha mẹ cũng muốn tặng con một món quà kỷ niệm đặc biệt. Và có một đôi vợ chồng đã dành 4 tiếng đồng hồ và chi hơn 800 nghìn đồng để tự chế cho con một chiếc cũi làm từ những ống nước nhựa.
Cũi có chiều dài 180cm và chiều rộng 120cm, quây vừa vặn chiếc đệm ở góc nhà. Chiếc cũi vừa là nơi vui chơi, vừa là chỗ ngủ an toàn cho con gái 6 tháng tuổi của cặp vợ chồng.
Chia sẻ về ý tưởng này đôi vợ chồng cho biết: “Bố mẹ tự làm đồ chơi cho con ý nghĩa hơn đi mua. Chiếc cũi làm từ ống nước đẹp và an toàn cho bé. Cũi rất chắc chắn, hơn nữa trọng lượng bé nhẹ nên không thể xô đổ được. Các bố mẹ có thể trải ga có họa tiết đẹp lên đệm; cũi sơn màu hoặc trang trí tùy thích”.
Theo bà mẹ trẻ, nếu đầy đủ dụng cụ, chiếc cũi sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian 6-8 tiếng. Nếu có sự trợ giúp thì chiếc cũi chỉ mất trên dưới 4 tiếng hì hụi. Dưới đây là cách làm cũi bằng ống nước:
♦ Chuẩn bị
9 ống phi 27
4 ống phi 49
8 khúc cong (phần nối 4 khúc cua trên và 4 khúc cua dưới).
♦ Thực hiện
Dùng máy khoan các lỗ có khoảng cách đều nhau trên thân các ống phi 49
Cắm các ống phi 27 vào từng lỗ này
Dùng ống cong để nối 8 góc trên và dưới vào nhau (có thể dùng keo dính dán vào cho chắc chắn).
Cuối cùng làm mua thêm 1 tấm đệm đẹp vừa vặn, sắm đồ chơi cho con. Vậy là có chiếc cũi cho bé hoàn hảo rồi đúng không nào! Quá đơn giản với những ông bố khéo tay hay làm!
[inline_article id=33120]
Cũi cho bé là vật sẽ đồng hành cùng trẻ trong suốt những năm đầu đời, vì vậy mẹ nên lựa chọn kỹ càng và luôn dọn dẹp cũi để đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của bé yêu nhé.
Khi bước vào giai đoạn moc răng cũng là giai đoạn trẻ nhỏ bắt đầu có những thay đổi thói quen trong ăn uống. Đây cũng là giai đoạn các bâc cha mẹ nên cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chế độ dinh dưỡng cho bé, để bé có sự phát triển răng miệng khỏe mạnh và toàn diện.
1. Dinh dưỡng cho bé thời kì bé mọc 2 răng:
Trong giai đoạn từ 4-8 tháng bé sẽ mọc 2 răng cửa và sẽ bắt đầu có các hành động như nhai đũa, muỗng, mút tay (bắt chước người lớn)…
Trong giai đoạn này các mẹ nên cho bé ăn các thức ăn mềm để bé ăn uống dễ dàng, một số món ăn phù hợp với bé, như: khoai tây nghiền, lòng đỏ trứng hay cháo ngũ cốc,…
Tránh xa những thức ăn quá nóng hay quá lạnh, vì chúng đều không có tốt cho sự phát triển của răng bé. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho bé hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.
2.Dinh dưỡng cho thời kì bé mọc 4 răng:
Trong giai đoạn từ 8-12 tháng bé sẽ mọc thêm 2 răng nữa. Do đó, dinh dưỡng cho bé lúc này cũng cần nhiều hơn.
Những loại thực phẩm xay nhuyễn mềm và xốp vẫn được ưu tiên hàng đầu, vì những món ăn được xay nhuyễn này giúp bé ăn nhiều mà không phải nhai. Ngay cả với những em bé lớn hơn cũng có thể ăn loại thức ăn này khi mọc răng nếu việc nhai thức ăn quá khó khăn
Với các loại trái cây hoặc rau củ, bạn có thể sơ chế bằng cách luộc chín, hoặc cho vào máy xay sinh tố nghiền đến khi thật nhuyễn. Có thể cho bé ăn dặm các loại thực phẩm xay nhuyễn này ở dạng ấm hoặc lạnh, nướu răng của bé đang mọc răng sẽ dễ dàng tiếp nhận thực phẩm lạnh hơn, nhưng cần lưu ý là đồ ăn không được quá lạnh.
3. Dinh dưỡng trong thời kì bé mọc từ 6 đến 8 răng:
-Đến giai đoạn này, bé không còn bị những cơn đau răng làm cho khó chịu như khi mới mọc răng. Do đó, việc ăn uống cũng trở nên dễ dàng hơn.
Lúc này răng của bé cũng đã từ từ thích nghi với những loại thực phẩm rắn hơn, chức năng tiêu hóa cũng dần trở nên hoàn chỉnh. Có thể cho bé ăn các loại thực phẩm như trứng, rau. Cha mẹ có thể luộc hoặc hấp rau đến khi chúng chín mềm rồi cho bé cầm các miếng rau để ăn. Cách này giúp bé vẫn hấp thu được chất xơ và các vitamin và các dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn mọc răng.
4. Dinh dưỡng thời kì bé mọc từ 8 đến 12 răng:
Lúc này kỹ năng nhai của bé cũng cần được tăng cường nhiều hơn.
Bạn nên bổ sung vào thực đơn của bé các món mới như: đậu hũ ghiền, thịt băm nhỏ,,,,
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé ăn những thức ăn rắn như bánh mì, gạo, rau, thịt, xúc xích (có thể chế biến xúc xích thành những món ăn bắt mắt vào bữa sáng cho bé)
5. Dinh dưỡng cho giai đoạn răng hoàn thiện và ổn định:
Trong giai đoạn từ 16-20 tháng, các bé đã có từ 12 đến 20 cái răng, lúc này các răng của bé dần dần hoàn thiện và ổn định. Do đó, bạn có thể cho bé ăn thực phẩm của người lớn, như: gạo, mì, đậu tương, thịt,…
Ngoài ra, để làm dịu bớt những cơn đau do mọc răng gây ra cho bé, bạn có thể cho bé những đồ uống mát. Với bé trên 6 tháng tuổi, sự lựa chọn tốt nhất là nước, hoặc có thể bé uống nước ép trái cây pha với nước. Khi bé trên 12 tháng bạn có thể cho uống sữa lạnh, vì các bé rất thích đồ uống này.
Với các mẹ đang cho con bú có thể cho bé bú thường xuyên hơn khi bé mọc răng để cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé, đồng thời cũng giúp bé bớt quấy khóc hơn khi bị đau.
Để trả lời câu hỏi “Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì” thì bạn cần biết trẻ tự kỷ còn được gọi là rối loạn tự kỷ. Đây là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Dấu hiệu trẻ tự kỷ thường là không có giao tiếp, không tương tác với những người khác, do đó hạn chế phát triển về mặt tâm lý.
Tự kỷ có nhiều đặc điểm đa dạng từ mức nhẹ đến nặng. Dưới 3 tuổi bé chưa bộc lộ hết sự phát triển nên rất khó phân biệt. Vì vậy, bạn nên có sự quan tâm, theo dõi và chú ý các biểu hiện của bé để không rơi vào tình trạng tự kỷ. Nếu kịp thời phát hiện và có hướng điều trị thích hợp, con bạn sẽ trở thành người bình thường và hòa nhập được với xã hội.
Nguyên nhân trẻ bị tự kỷ – bệnh lý thần kinh có yếu tố di truyền
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn Tâm lý học, trường ĐH KHXH & NV TP. HCM cho biết: Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân trẻ bị tự kỷ.
Người ta vẫn đang giả định rằng nguyên nhân trẻ bị tự kỷ có thể do di truyền và có sự phối hợp yếu tố gen. Sự bất thường về gen ảnh hưởng đến chức năng của não cộng thêm yếu tố tác động của môi trường. Do đó, các yếu tố môi trường như chất độc, nhiễm virus, sự chăm sóc, tương tác của cha mẹ… chỉ là những “giọt nước tràn ly” trong các nguyên nhân trẻ bị tự kỷ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ.
Các bậc cha mẹ có con bị hội chứng tự kỷ đừng vội trách mình và sống trong dằn vặt vì sự quan tâm chưa đúng mức đến con. Thay vào đó, cha mẹ cần gần gũi và quan sát những cử chỉ, hành động theo độ tuổi của con để nhận ra dấu hiệu trẻ tự kỷ và có can thiệp phù hợp.
Nếu con chẳng may có dấu hiệu trẻ tự kỷ, bạn hãy cùng con trải nghiệm bằng các phương pháp khoa học để con phát triển. Thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ thành công trên hành trình giúp trẻ tự kỷ phát triển bình thường bằng lòng yêu thương và tri thức hiện đại.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết con bạn có mắc chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em hay không.
Có khó khăn trong giao tiếp với người khác: Bé không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người chăm sóc, không cảm thấy vui mừng khi bạn đến bên cạnh. Nếu biết nói, bé có thể sẽ nói những từ ngữ không có nghĩa hoặc lặp đi lặp lại một từ hay một câu vô nghĩa.
Thờ ơ với âm thanh dù thính lực bình thường (cảm giác như bé bị điếc).
Bé có những hành vi bất thường: Bé tăng động (kích động khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ dành, hay bị cơn đau quặn bụng do đầy hơi, khó chịu không lý do) hoặc thờ ơ, yên lặng. Bé thích ở một mình, rất khó tham gia vào các trò chơi hoặc không thích tham gia.
Có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại, ví dụ như lắc lư người ra phía trước và phía sau, đập đầu, giữ khư khư một đồ vật, bật tắt công tắc liên tục, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục…
Bé bị bó hẹp, cứng nhắc trong tư duy thói quen, rất khó để thay đổi. Đó là bé chỉ ăn một loại thức ăn nhất định (cháo, bánh, bột…), chỉ chơi trò chơi theo kiểu riêng không giống cách người lớn dạy. Nếu thay đổi cách khác, bé sẽ lập tức có phản ứng mạnh mẽ như la khóc, cào cấu… để chống lại.
Bé thường không quan tâm đến những việc khác đang diễn ra xung quanh mình. Ví dụ như nhiều người cùng nói chuyện, chơi vui bên ngoài nhưng bé vẫn cứ chơi một mình với trò chơi riêng mà không quan tâm đến người khác.
5 dấu hiệu phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em
Ngoài những dấu hiệu nói trên, bạn cũng có thể tham khảo 5 biểu hiện bệnh tự kỷ ở trẻ em của Viện Hàn lâm thần kinh học của Mỹ.
Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng.
Không biết nói từ đơn khi 16 tháng.
Không biết đáp lại khi được gọi tên.
Không tự nói được câu có hai từ khi 24 tháng.
Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
Việc chẩn đoán trẻ có mắc bệnh tự kỷ hay không thường được tiến hành khi bé 18 tháng trở lên (phổ biến là 22 tháng). Nhưng cha mẹ có thể tự phán đoán từ khi bé 6 tháng tuổi và theo dõi những dấu hiệu này khi con trên 1 tuổi.
Các dấu hiệu của hội chứng của trẻ tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, đây cũng là khó khăn giúp bạn khó phân biệt được đâu là tự kỷ, đâu là phát triển thể chất của bé. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, bạn hãy dành thời gian cho bé nhiều hơn để chăm sóc và quan sát, phát hiện đúng. Khi thấy có những dấu hiệu của tự kỷ, bạn nên đưa bé đến các nhà chuyên môn (bác sĩ nhi, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần…) để chữa trị kịp thời giúp bé hòa nhập với xã hội như người bình thường.
Khi trẻ 1 tuổi, trẻ không biết chỉ trỏ, không biết gọi “ba”, “mẹ”, hoặc người khác gọi trẻ không quay lại, không giao tiếp mắt, không khoe đồ chơi với cha mẹ, không thích chơi với người khác.
Các triệu chứng khác như bé ít tạo ra sự chú ý với người lớn, có những hành động lặp đi lặp lại như làm cứng cánh tay, bàn tay hoặc bàn chân; hay xoay tay trên cổ tay của mình; tư thế đứng và ngồi của bé có gì đó khác lạ so với bạn cùng lứa, bé rất ít khi cười; mắt kém linh hoạt…
Mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Warwick ở Convetry, Anh vừa công bố một kết quả đáng mừng: Có thể chuẩn đoán sớm bệnh tử kỷ ở trẻ em nhờ việc xét nghiệm nước tiểu và máu.
Phát hiện này có thể giúp chẩn đoán và can thiệp sớm hơn bệnh tự kỷ. Trẻ em bị tự kỷ có mức độ oxy hóa cao hơn được gọi là dityrosine (DT) và một hợp chất được gọi là sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGEs).
Trẻ bị tự kỷ có chữa được không?
♦ Can thiệp khi trẻ bị tự kỷ bằng phương pháp Tây y
1. Phương pháp y học
Thuốc có tác dụng kiểm soát được những biểu hiện của bệnh. Việc cung cấp đầy đủ các vitamin cần thiết cũng như cân bằng chế độ ăn sẽ giúp trẻ giảm được các chấn động ở hệ thống thần kinh. Bên cạnh đó, các thuốc chống suy nhược và thuốc bổ thần kinh cũng giúp trẻ ổn định.
2. Tâm vận động
Mục đích của phương pháp này là: Vận động sẽ giúp hệ thần kinh nhanh nhạy và tác động đến phát triển tâm lý, vận động về cơ thể càng tăng thì vận động về tâm lý tăng theo; phát triển vận động sẽ dần phát triển tâm lý. Những trẻ đang gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý sẽ được hướng đến những hoạt động tâm lý có ý nghĩa, tăng khả năng hợp tác của trẻ.
3. Chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ
Đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay, có từng giáo trình riêng phù hợp với bệnh của từng trẻ. Theo các chuyên gia âm ngữ trị liệu, nếu trẻ tự kỷ biết nói sẽ rất tốt cho tiến triển của bệnh sau này.
4. Giáo dục đặc biệt
Ở các nước phát triển, phương pháp dạy đặc biệt cho trẻ tự kỷ là điều thông thường vì trẻ có nhiều khiếm khuyết so với trẻ bình thường khác về trí tuệ, giao tiếp, xúc cảm, tình cảm, ngôn ngữ…
Ngay sau khi chuẩn đoán, bác sĩ chuyên môn sẽ đưa ra phương pháp. Việc giáo dục trẻ tùy thuộc vào khả năng nhận thức và hành vi của trẻ. Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ có kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tăng cơ hội đi học như những trẻ bình thường khác.
5. Phương pháp nhóm
Sử dụng phương pháp này sẽ giúp trẻ sớm hòa nhập với trẻ em cùng trang lứa và kích thích trẻ tương tác qua lại với mọi người. Thông qua chơi nhóm, trẻ hiểu thêm về các nguyên tắc hoạt động nhóm cũng như có cách ứng xử thích hợp.
6. Lao động trị liệu
Những công việc thực hiện hằng ngày, lặp lại thường xuyên ở nhà hoặc ở trường giúp trẻ hiểu chính xác các sự vật và hiện tượng của môi trường tự nhiên. Điều này góp phần thiết yếu cho tương lai của trẻ khi bước vào cuộc sống tự lập, tự phục vụ bản thân, khi mà không còn các dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Bạn thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi con có những biểu hiện tốt.
7. Động vật trị liệu
Tác động hai chiều trong phương pháp này là: Trẻ vừa là người kích thích vật nuôi khi chơi cùng vừa là chủ thể bị tác động bởi con vật. Không giống như các món đồ chơi tĩnh, thú cưng có lúc nghe lời nhưng đôi khi cũng không tuân theo ý trẻ. Sử dụng động vật trong trị liệu trẻ tự kỷ có thể giúp trẻ cởi mở hơn, hạn chế việc cố định đóng khung trong trạng thái tự kỷ.
8. Liệu pháp giao tiếp
Cha mẹ nên kiên nhẫn khi trò chuyện với con, khuyến khích trẻ giao tiếp, dần giúp con giảm được sự ngại ngùng, sợ sệt khi giao tiếp.
Liệu pháp giao tiếp ngôn ngữ giúp con hiệu quả trong việc hiểu người khác và làm người khác hiểu mình. Những câu chuyện về xã hội sẽ giúp trẻ hiểu được những sự việc đang diễn ra ngoài xã hội, phát triển cảm nhận, cảm giác và bộc lộ ý kiến của mình.
9. Liệu pháp tâm lý, cách dạy trẻ tự kỷ
Hiện được xem là cách điều trị hữu hiệu đối với các trẻ mắc bệnh tự kỷ, liệu pháp tâm lý hướng trẻ phát triển tâm lý và nhân cách như trẻ bình thường.
Cách dạy trẻ tự kỷ được bắt đầu từ việc dạy trẻ tiếp xúc, giao tiếp, thiết lập mối quan hệ với những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…
Tập cho trẻ có ý thức hơn.
Có nên cho trẻ tự kỷ đi học?
Câu trả lời không phải là NÊN mà là CẦN. Trẻ tự kỷ cũng cần được đi học vì trẻ cũng có nhu cầu kết bạn cùng các nhu cầu xã hội khác mà cha mẹ và gia đình không thể thay thế được.
Mức độ bệnh tự kỷ ở trẻ em trong phổ nặng – nhẹ. Trẻ bệnh nặng ở mức không biết đau hoặc rối loạn hành vi không thể điều chỉnh thì cần đưa vào trường chuyên biệt. Trong khi đó, 70-80% trẻ mang bệnh tự kỷ là nhẹ hoặc trung bình cần hòa nhập ở trường mầm non, tiểu học. Sự quan tâm của bạn bè, thầy cô giúp nhiều cho quá trình điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Một lưu ý với trẻ tự kỷ là trẻ thường bắt chước hành động của người khác một cách vô thức hoặc trẻ có thể bị bạn bè lợi dụng để sai khiến, dẫn đến vi phạm nội quy nhà trường. Do đó, khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ, cha mẹ cần có giấy chứng nhận của bác sĩ về tình trạng của trẻ như một cách bảo vệ con, để bé tiếp tục được đi học.
♦ Can thiệp bệnh tự kỷ ở trẻ em bằng phương pháp y học cổ truyền
Bệnh tự kỷ ở trẻ em có chữa được không? “Y học cổ truyền nhìn nhận bệnh tự kỷ ở trẻ có xu hướng kéo dài trong cuộc sống và có thể sửa chữa được”, ThS-BS. Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em (một trong 4 khoa thuộc khối Nhi đang điều trị bệnh tự kỷ), Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết.
[inline_article id=190984]
1. Những liệu pháp điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em
Trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phù kinh mạch với những mức độ khác nhau. Do đó, bác sĩ sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, tác động vào huyệt vị để điều trị các chứng bệnh này để giúp bé hòa nhập và cuộc sống.
Y học cổ truyền dựa trên những chứng trạng tổn thương của trẻ tự kỷ để đề ra các giải pháp điều trị và công thức huyệt vị. Bằng những kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, trẻ có thể thuyên giảm hoặc hồi phục hoàn toàn.
2. Thời gian điều trị dài và cần kiên nhẫn
Tự kỷ có xu hướng kéo dài, có thể chữa theo từng đợt, mỗi đợt can thiệp là một tháng (theo quy chế bảo hiểm, đỡ gánh nặng cho bệnh nhân – PV), mỗi đợt cách nhau 15 ngày. Mỗi trẻ tự kỷ có thể điều trị 5-7 đợt/năm, thậm chí 10 đợt, kéo dài trong nhiều năm.
Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tự kỷ
Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát trên gần 400 trẻ mắc bệnh tự kỷ và họ nhận thấy rằng, chế độ ăn uống GFCF giúp cải thiện các triệu chứng như tăng động, vấn đề kiểm soát cơn giận, vấn đề với ánh mắt – giọng nói, kỹ năng, các bệnh thể chất như phát ban và co giật cho các nhóm trẻ em nhất định.
GFCF là một chế độ nghiêm ngặt, loại bỏ hoàn toàn casein và glutein trong thực đơn của con. Để tuân theo chế độ dinh dưỡng này, mẹ nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán. Tốt nhất, mẹ nên tự chuẩn bị bữa ăn cho bé cưng. Dưới đây là những thực phẩm an toàn theo chế độ GFCF:
Chất béo: dầu oliu, mỡ động vật, dầu dừa, dầu mè
Sản phẩm thay thế sữa: nước cốt dừa, sữa gạo, sữa khoai tây
Tinh bột: gạo, bột mì, bột kiều mạch, hạt kê
Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tự kỷ cũng tuân theo những nguyên tắc ăn uống lành mạnh thường được áp dụng.
Thực phẩm nào cần tránh?
Những thực phẩm chứa glutein: Lúa mì, lúa mạch, yến mạch, lúa mạch đen, mạch nha, nước tương, xúc xích, khoai tây chiên, những thực phẩm sử dụng gia vị, màu sắc và hương vị nhân tạo…
Những thực phẩm chứa casein: Sữa, sữa chua, bơ, phô mai, kem, kefir, chocolate sữa…
Ngoài ra, protein trong sữa đậu nành cũng có thể ảnh hưởng tới biểu hiện của bệnh tự kỷ ở trẻ em, khiến trẻ co giật nhiều hơn.
Phụ huynh có những thắc mắc liên quan tới chứng rối loạn tự kỷ có thể tìm tới các địa chỉ sau để được hỗ trợ:
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh Địa chỉ: 108 Lý Chính Thắng, quận 3, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3848 3612
Câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ Email: [email protected]
Địa chỉ: 40A Yên Đỗ, phường 1, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 091 807 5373, gặp anh Thái Thuận Hào, Phó CLB
1. Trang bị kiến thức về sinh đôi:
Ngay từ khi biết tin mình mang song thai, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu về mọi thông tin về sự kiện này. Bạn có thể tham khảo từ người thân, sách báo, internet, hoặc tìm tới những lớp tiền sản.
Hơn thế, bạn hãy hỏi những phụ nữ đã từng nuôi con sinh đôi, họ có thể sẽ là một kho kiến thức mà bạn có thể tận dụng và học hỏi.
2. Chuẩn bị đủ vật dụng cho bé sinh đôi:
Những đồ dùng cần thiết, như: quần áo, yếm nhỏ, vớ tất, nón, khăn tắm, bình sữa,…hãy mua theo cặp. Bạn hãy đảm bảo điều này được hoàn tất trước khi các con ra đời. Lúc hai bé sinh ra, bạn sẽ chẳng còn thời gian để sắm sửa nữa đâu. Bạn sẽ cần mua nhiều bỉm, tã, khăn xô cho hai bé để dự trữ.
Tuy nhiên, có con sinh đôi không có nghĩa là đồ dùng nào bạn cũng phải mua 2 chiếc. Hãy bắt đầu bằng phòng dành cho trẻ. Khi mới sinh, bạn không cần phải sắm tận 2 chiếc cũi. Bé sinh đôi mới sinh có thể ngủ trong cùng 1 chiếc cũi. Thực tế bé có thể ngủ ngon hơn khi có người khác ngủ cùng. Ngoài ra, bạn có thể chỉ cần mua 1 chiếc bàn ăn hay 1 chiếc thảm trải cho bé chơi. Những đồ vật khác như ghế ngồi trên oto dành riêng cho bé, ghế ngồi ăn nên mua theo cặp.
3.Cho bé sinh đôi bú:
Nhiều chị em lo lắng rằng làm thế nào để có một nguồn sữa dồi dào đủ cho cả hai bé bú. Con bú càng nhiều thì sữa càng về nhiều, chính động tác bú của con sẽ kích thích sữa mẹ được tiết nhiều hơn.
Sữa mẹ rất tốt cho bé, cho cả hai con bú sữa mẹ là một suy nghĩ và hành động rất đúng đắn. Các chuyên gia y tế cho rằng, chị em nên luyện cho hai bé bú mẹ cùng một lúc. Điều này giúp cho hai bé có được giờ ăn uống cùng lịch, giúp bà mẹ đỡ bận rộn, tiết kiệm được thời gian của mình. Đổi bên luân phiên cho hai bé để các bé được thích nghi, thay đổi với vị trí mới.
4. Dinh dưỡng cho mẹ:
Để có một nguồn sữa dồi dào cho con thì việc bổ sung dinh dưỡng cho người mẹ là rất cần thiết. Bạn nên ăn thoải mái những gì mình thích trừ chất kích thích, gia vị cay chua. Thực đơn hàng ngày càng đa dạng càng tốt: Từ thịt cá, trứng, hoa quả…
Bên cạnh đó bạn có thể uống sữa ấm đều đặn hàng ngày cũng có thể khiến sữa về nhiều và bản thân cũng khỏe mạnh.
5. Cần đến sự giúp đỡ của mọi người:
Bạn không nên ôm đồm mọi việc vào người bởi một mình bạn khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ trông 2 bé sinh đôi một cách hoàn mỹ. Bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh: ông bà, cha mẹ, anh chị em, chồng mình kể cả những bác hàng xóm tốt bụng.
Bạn sẽ thấy khi có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh thì việc chăm hai bé nhà bạn sẽ đơn giản đi phần nào. Bạn sẽ có thêm thời gian dành cho bản thân: một giấc ngủ ngắn, tắm vòi hoa sen mát-xa cơ thể, uống một cốc trà nóng chẳng hạn.
6. Tập cho các con có giờ ngủ giống nhau:
Thói quen này không chỉ tốt cho bé mà còn tốt cho cả bạn. Bé sẽ được ngủ thoải mái, không bị đánh thức dậy bởi người anh em của mình đang o oe bên cạnh. Bạn sẽ được nghỉ ngơi, nhâm nhi cốc café trong tĩnh lặng.
Bạn hãy tập dần cho con, có thể là hàng ngày bạn đọc truyện, hát cho con nghe… dần dần chúng sẽ trở thành những tín hiệu báo thức cho bé: “Đến giờ ngủ rồi các con”. Bên cạnh đó bạn hãy sắp xếp một phòng thật thoáng đãng, ấm áp, yên tĩnh cho hai bé, một không gian như vậy sẽ khiến bé khó cưỡng được sự hấp dẫn của giấc ngủ.
Cuối cùng là bạn hãy thoải mái, thả lỏng cơ thể để đón nhận những ngày chăm sóc con sinh đôi. Bạn hãy yên tâm rằng, với những sự cố gắng của bạn, của gia đình bạn, hai bé sẽ khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bạn không thể trực tiếp cho con bú nên vắt sữa là giải pháp tốt nhất. Cùng tham khảo những mẹo nhỏ để vắt và bảo quản sữa mẹ hợp vệ sinh và an toàn cho bé.
Theo các chuyên gia y tế, mẹ nên vắt sữa khi không có điều kiện gần con, cho con bú vì nếu sữa không được vắt ra thì sẽ bị cạn dần. Việc vắt sữa giúp bạn dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú. Như thế, bé cũng có thể uống sữa mẹ trong một thời gian cần thiết, nhất là 6 tháng đầu đời.
Cách vắt sữa mẹ
1. Chuẩn bị
Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ đựng sữa. Rửa các loại dụng cụ này bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng nước sôi trụng qua trong vài phút để tiệt trùng.
Với bầu vú, bạn hãy làm mềm bằng cách lau khăn ấm và massage nhẹ nhàng cả hai bên ngực để việc vắt sữa dễ dàng hơn.
2. Vắt sữa
Trong khi vắt sữa, bạn từ từ nâng bầu vú bằng một tay, massage từ trên bầu vú xuống núm vú. Sau đó xoa xung quanh kể cả phía dưới bầu vú.
Tiếp tục ấn nhẹ vào vùng quầng vú bằng ngón cái và ngón trỏ rồi dùng 2 ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra. Bạn hãy cẩn thận vì sữa có thể phun theo nhiều hướng.
Nên vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên cho cân bằng.
Ngoài cách vắt sữa bằng tay, mẹ cũng có thể sử dụng các dụng cụ bơm hút sữa tiện lợi và dễ dàng hơn. Bạn cũng phải làm mềm bầu vú và phải tiệt trùng dụng cụ bơm hút trước khi hút sữa.
Cách bảo quản sữa mẹ cho bé
Bảo quản sữa mẹ như thế nào? Bạn có thể làm theo hướng dẫn sau để tích trữ sữa cho con uống lâu dài nhé.
Sữa sau khi vắt ra cần được bảo quản trong bình thủy tinh, bình nhựa đậy kín hoặc sử dụng túi bảo quản sữa mẹ chuyên dụng.
Chỉ nên để 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của bé để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh.
Sữa mẹ bảo quản được bao lâu? Sau khi vắt có thể bảo quản sữa mẹ trong 72 giờ nhiệt độ mát tủ lạnh và 1 tháng trong ngăn đá.
Nếu bảo quản sữa mẹ trong tủ đông có thể để được 3 tháng (lúc này sữa mẹ có thể mất lượng kháng thể cần thiết nhưng giá trị dinh dưỡng vẫn còn). Để an toàn, nhớ ghi rõ ngày vắt sữa ngoài bình đựng để kiểm soát hạn dùng.
Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng (khoảng 26ºC) thì thời gian bảo quản sữa mẹ có thể kéo dài 4 tiếng đồng hồ.
Khi sữa đã được làm lạnh, bạn sẽ thấy trên bề mặt sữa có một lớp váng mỏng. Điều này là hoàn toàn bình thường vì lớp váng mỏng này chính là lượng chất béo trong sữa. Do đó, trước khi làm ấm sữa, bạn lắc đều bình để lớp chất béo này hòa quyện đều trong sữa là được.
Cách dùng sữa mẹ đông lạnh cho bé
Cho bé uống sữa ngay sau khi rã đông. Trước khi cho bé uống, nên ngâm bình sữa trong nước ấm để tăng nhiệt độ sữa bằng nhiệt độ cơ thể. Nếu bé uống không hết thì bỏ đi, không cho bé sử dụng lại.
Lò vi sóng có thể làm hủy hoại đi các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ. Vì vậy, bạn không nên sử dụng lò vi sóng để làm ấm sữa.
Một số mẹ có hàm lượng lipase (một loại men tiêu hóa chất béo) trong sữa cao, khi rã đông sẽ khiến sữa có mùi vị của xà phòng, nhiều bé không muốn uống. Trong trường hợp này, bạn có thể đun nhẹ sữa ở mức nhiệt 80-82ºC để làm mất lipase. Sau đó làm lạnh nhanh và bảo quản sữa lại trong tủ lạnh.
Ngay sau khi bé chào đời thì sữa mẹ là nguồn thức ăn đầu tiên hoàn chỉnh đầy đủ dưỡng chất và thích hợp nhất cho trẻ vì trong sữa mẹ vừa có các yếu tố miễn dịch, chất kháng khuẩn giúp bé chồng lại các bệnh nhiễm trùng… làm tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như năng lượng, protein, vitamin, đường, chất béo, chất khoáng… có trong sữa mẹ hoàn toàn thích hợp với sự hấp thu cũng như đáp ứng đầy đủ cho sự phát triển thể chất và trí não của bé mà không có một loại thức ăn hay loại sữa công thức nào có thể thay thế được.
Do sữa mẹ có vai trò quan trọng với sự phát triển của bé đồng thời còn là sợi dây liên kết tình cảm mẹ con nên các bà mẹ không nên cho bé cai sữa mẹ trước 12 tháng tuổi. Tuy nhiên một khó khăn mà các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ phải đối mặt là do một số lý do nào đó, trẻ không thể trực tiếp bú sữa mẹ và giải pháp được hầu hết các bà mẹ áp dụng là vắt sữa và bảo quản sữa mẹ để có thể tiếp tục cho bé bú. Các nhà khoa học đã chứng minh nếu được bảo quản đúng cách và tuân theo những nguyên tắc an toàn thì sữa mẹ hoàn toàn sử dụng được mà không mất các dưỡng chất cần thiết. Vì thế, nếu không thể cho bé bú trực tiếp thì bảo quản sữa để bé bú là cách mẹ có thể áp dụng.
Cho trẻ ăn váng sữa đúng cách ra sao; bé mấy tháng ăn được váng sữa… là thắc mắc của nhiều mẹ trong thời kỳ có con nhỏ đang ăn dặm. MarryBaby mách bạn câu trả lời ngay đây.
1. Hiểu đúng về sản phẩm váng sữa
Trong bài viết váng sữa là gì; mẹ có thể biết váng sữa là lớp chất đạm nổi lên trên bề mặt sữa khi sữa được đun nóng. Theo đó, váng sữa khác với sản phẩm váng sữa bán trên thị trường; do váng sữa tự nhiên là chất đạm từ sữa bị biến tính; còn sản phẩm váng sữa là các loại kem sữa chứa nhiều chất béo.
Hiểu đúng về sản phẩm váng sữa giúp mẹ cho trẻ ăn váng sữa đúng cách; đúng độ tuổi và liều lượng phù hợp.
1.1 Váng sữa không phải thực phẩm giúp thông minh và tăng cân nhanh cho trẻ
Thành phần chủ yếu trong váng sữa là chất béo, một số sản phẩm có hàm lượng cao gấp đôi so với chất béo trong một ly sữa bình thường. Các dưỡng chất đạm, canxi, vitamin hay khoáng chất đều chiếm liều lượng nhỏ. Do đó, đây không phải là thực phẩm tối ưu nhất giúp bé tăng cân và phát triển trí thông minh.
Mỗi bé sẽ có sự phát triển thể chất khác biệt; việc phát triển trí thông minh hay tăng cân phụ thuộc vào cơ địa của mỗi bé. Quan trọng mẹ phải tìm được đúng nguyên nhân khiến bé không tăng cân tốt; để từ đó tìm ra giải pháp phù hợp và cho trẻ ăn váng sữa đúng cách.
1.2 Váng sữa không thể thay thế cho nguồn sữa mẹ hay sữa công thức
Không có thực phẩm nào có thể thay thế sữa mẹ, kể cả váng sữa. Lý do là vì váng sữa không chứa đủ các chất dinh dưỡng như sữa mẹ; nhất là hàm lượng đạm. Nếu chỉ cho trẻ ăn váng sữa mà không bú sữa mẹ; bé sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu…
Theo khuyến cáo của WHO và UNICEF, bé nên được duy trì bú sữa mẹ trong ít nhất 12 tháng đầu đời. Do đó, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa đúng cách như một giải pháp bổ sung; không thay thế cho sữa mẹ hoặc sữa công thức.
2. Hậu quả khi cho trẻ ăn nhiều sản phẩm váng sữa
Do thành phần chủ yếu của các sản phẩm váng sữa trên thị trường khá lớn. Mẹ cho trẻ ăn váng sữa quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ béo phì, thừa cân; từ đó, gia tăng rủi ro mắc các bệnh lý như đột quỵ hay tim mạch.
Ngoài ra, hàm lượng chất béo bão hòa cũng chiếm pahafn lớn tổng lượng chất béo có trong váng sữa. Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng mức cholesterol trong máu.
Tóm lại, trẻ ăn váng sữa nhiều có tốt không thật sự còn tùy thuộc vào thể trạng và từng trường hợp cụ thể. Nếu bé cưng của mẹ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân; váng sữa có thể là lựa chọn tốt để bổ sung thêm chất béo cho bé. Nhưng nếu bé thừa cân và có nguy cơ béo phì; mẹ không nên cho bé ăn nhiều.
3. Hướng dẫn mẹ cách cho trẻ ăn váng sữa đúng chuẩn
3.1 Cho trẻ ăn váng sữa khi bé sẵn sàng
Khi nói đến cách cho trẻ ăn váng sữa đúng chuẩn, mẹ cần cho bé ăn đúng độ tuổi. Thông thường, vì sản phẩm váng sữa có nhiều kem sữa béo, mẹ chỉ nên cho bé ăn khi con được 1 tuổi.
Với váng sữa tự nhiên làm tại nhà; hiện nay chưa co nghiên cứu nào cho thấy độ tuổi bé có thể ăn. Nhưng vì khi con 6 tháng tuổi, bé đã có thể bổ sung thêm dưỡng chất ngoài sữa mẹ; mẹ có thể cho bé thử váng sữa tự làm với liều lượng nhỏ và cho bé làm quen từ từ.
Ngoài ra, một số bé sẽ nhận được nhiều lợi ích khi ăn váng sữa: trẻ trên một tuổi nhưng bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng; hoặc trẻ mới bị bệnh cần nhiều năng lượng để phục hồi.
3.2 Chú ý đến số hộp váng sữa bé có thể ăn
Chất béo nên chiếm khoảng 30% lượng calories mỗi ngày bé nên nạp vào. Ví dụ đối với trẻ từ 2 đến 3 tuổi, lượng calo khuyến nghị hàng ngày là 1000 đến 1400 calo/ngày; nghĩa là bé cần khoảng 333,3 đến 466,7 calo từ chất béo mỗi ngày. Nếu sản phẩm váng sữa có 120 calo; mẹ có thể cho bé 2-3 tuổi ăn từ 1-2 hộp/ngày.
Theo cách tổng quát nhất, mẹ có thể cho trẻ ăn váng sữa đúng cách theo liều lượng sau:
Bé 1 tuổi: Từ 1/2 – 1 hộp váng sữa/ngày.
Bé 2-3 tuổi: Từ 1-2 hộp váng sữa/ngày.
Mẹ lưu ý rằng, bé không chỉ nhận chất béo từ váng sữa; mà còn từ những món ăn trong ngày; do đó, mẹ đừng chiều cho con ăn nhiều hoặc o ép để bé ăn và tăng cân nhanh mẹ nhé. Mẹ chỉ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ; không nên cho bé ăn quá nhiều vì có thể làm bé đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo cao.
3.3 Thời điểm nên cho trẻ ăn váng sữa trong ngày
Cũng vì hàm lượng chất béo cao, mẹ chỉ nên cho bé ăn váng sữa vào sau khi ăn sáng, vào bữa phụ lúc buổi trưa hoặc sớm chiều.
Mẹ cũng chú ý chỉ cho bé ăn váng sữa sau khi bé đã ăn bữa chính và bú sữa mẹ đầy đủ. Để tránh bé cảm thấy khó tiêu, đầy bụng và khó ngủ; mẹ cũng không nên cho trẻ ăn váng sữa trước khi đi ngủ.
4. Cách làm váng sữa từ sữa mẹ và sữa công thức
Sau khi biết cách cho trẻ ăn váng sữa đúng chuẩn; mẹ hãy áp dụng hai cách làm váng sữa từ sữa mẹ và sữa công thức dưới đây. MarryBaby đảm bảo các bé sẽ thích thú, ăn ngon miệng hơn đấy mẹ.
4.1 Cách làm váng sữa từ sữa mẹ
Cách làm váng sữa cho trẻ ăn từ sữa mẹ đúng chuẩn không hề phức tạp. Mẹ chỉ cần làm theo các bước sau:
Bước 1: Vắt sữa mẹ ra chai hoặc túi trữ sữa rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh trong vòng 24 giờ.
Bước 2: Khi lấy sữa ra, mẹ sẽ thấy lớp sữa có màu hơi vàng và béo nổi lên trên, đó chính là váng sữa. Mẹ chỉ cần vớt sáng sữa cho vào hộp kín rồi bảo quản cẩn thận trong ngăn đông.
Bước 3: Khi nào cho bé ăn, mẹ hâm nóng váng sữa lên là được.
Váng sữa làm từ sữa mẹ rất nhanh bị hỏng. Vì vậy tốt nhất, mẹ hãy cho bé dùng trong 2 ngày để đảm bảo dưỡng chất nhé.
4.2 Cách làm váng sữa từ sữa công thức
Với cách làm này, mẹ hãy thêm chuối vào để thay thế vị ngọt của đường, đồng thời kích thích bé ăn ngon miệng hơn.
Chuẩn bị
Sữa công thức: 200ml
Chuối chín: 1 quả
Bột ngô: 1 thìa nhỏ
Kem tươi whipping: 120ml
Hũ thủy tinh để đựng váng sữa (nên tiệt trùng và sấy khô trước đó)
Cách làm váng sữa cho trẻ ăn đúng chuẩn:
Bước 1: Mẹ cắt lát chuối rồi cho vào máy xay nhuyễn cùng với bột ngô và sữa công thức.
Bước 2: Lấy một chiếc nồi nhỏ đổ hỗn hợp đã xay vào rồi đun lửa nhỏ trên bếp, chỉ cần hỗn hợp hơi sệt thì tắt bếp để các dưỡng chất được giữ nguyên vẹn.
Bước 3: Cho kem tươi whipping vào hỗn hợp rồi trộn đều, sau đó múc hỗn hợp vào hũ thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh để bé dùng dần.
[key-takeaways title=”Mẹo hay cho mẹ:”]
Mẹ cho bé ăn váng sữa bằng cách dùng ngay trực tiếp, không cần hòa vào bột hay cháo. Còn nếu đang bảo quản váng sữa trong tủ lạnh; trước khi cho bé ăn, mẹ nên ngâm váng sữa vào bát nước ấm.
[/key-takeaways]
5. Cách bảo quản váng sữa cho trẻ ăn đúng cách và giữ trọn vị
Để bảo quản váng sữa cho trẻ ăn đúng cách; mẹ lưu ý những điều sau:
Nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh vì váng sữa rất dễ bị hư.
Nên xem kỹ hạn sử dụng, thành phần ghi trên hộp trước khi cho bé ăn váng sữa.
Cho bé ăn váng sữa càng sớm càng tốt sau khi mua về và nên mua váng sữa ở những cửa hàng, siêu thị có uy tín.
Hy vọng những thông tin như bé mấy tháng ăn được váng sữa; cho bé ăn váng sữa như thế nào đúng cách hữu ích với mẹ bỉm trong hành trình chăm sóc con. Ngoài cách làm váng sữa cho bé, mẹ có thể tham khảo thêm nhiều mẹo hay khác chỉ có tại MarryBaby. Đừng bỏ lỡ, mẹ nhé!
Dưới đây là danh sách “thực phẩm đen” mà cha mẹ nên hạn chế cho con cái để sự sáng tạo và trí thông minh của bé không bị “cản trở”.
1. Đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo:
Mặc dù đồ ăn nhanh là những món ăn khoái khẩu của bé, nhưng đây là những món ăn chứa nhiều chất lipid peroxide có thể làm thay đổi các hóa chất trong não gây tác động xấu tới sự phát triển trí thông minh. Lipid peroxide là chất có khả năng phá hủy các vitamin trong thực phẩm, ảnh hưởng đến sự hấp thu protein trong cơ thể, đồng thời làm cho một số hệ thống enzym chuyển hóa của cơ thể bị phá hủy, dễ gây ra tình trạng mất trí nhớ.
Bên cạnh đó, đồ ăn nhanh có nhiều chất béo cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất dopamine – là một hóa chất quan trọng nhằm thúc đẩy cảm giác hạnh phúc, hỗ trợ chức năng nhận thức, năng lực học tập, sự tỉnh táo. Do đó, dù đây là những món ăn ưa thích của rất nhiều trẻ nhỏ, nhưng cha mẹ nên hạn chế cho bé dung nạp vào cơ thể.
2. Thực phẩm chế biến sẵn:
Với những loại thực phẩm chế biến sẵn hết đều chứa các hóa chất, phẩm màu, chất phụ gia, hương vị nhân tạo, chất bảo quản. Các loại hóa chất này hoàn toàn không tốt cho não bộ còn non nớt của bé.
Nếu để bé thường xuyên sử dụng những món ăn chế biến sẵn, lượng hóa chất có trong nhóm thực phẩm này dần dần phá hủy các tế bào thần kinh nằm trong não, giảm khả năng nhận thức và óc sáng tạo của trẻ.
3. Thực phẩm chế biến quá nhiều muối:
Ăn mặn là thói quen không tốt cho sức khỏe không chỉ người lớn mà cả ở trẻ nhỏ.
Chế độ ăn uống với những món ăn mặn không chỉ gây ra huyết áp cao, xơ cứng động mạch, tắc mạch, mà còn có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não và làm suy giảm trí thông minh của con người. Bên cạnh đó, việc nạp lượng lớn natri (muối) vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, tế bào não chậm phát triển, máu thiếu ô xy, dẫn đến mất trí nhớ và thậm chí là cả lão hóa sớm.
Vì vậy, để không ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh của trẻ, cha mẹ đừng tạo nên cho con cái chế độ ăn uống với quá nhiều muối.
4. Thực phẩm có nhiều bột ngọt: Để tăng thêm vị ngon ngọt cho món ăn, nhiều người thường có thói quen cho rất nhiều bột ngọt nêm nếm khi chế biến. Tuy nhiên, khi lượng bột ngọt quá cao (trên 4g/ ngày) được đưa vào cơ thể trong thời gian dài, sẽ gây thiếu chất kẽm nghiêm trọng ở trẻ, dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí thông minh ở bé.
Vì vậy, tốt nhất đừng quá lạm dụng bột ngọt khi chế biến đồ ăn, đặc biệt là trong món ăn dành cho con trẻ.
5. Thực phẩm chứa nhiều đường:
Cũng giống như những loại thực phẩm chứa nhiều muối, thì thực phẩm với quá nhiều đường cũng là “thủ phạm” gây hại cho trí não của bé.
Bởi khi lượng đường quá nhiều có thể sẽ gây ra các vấn đề về thần kinh, đồng thời cũng có thể can thiệp vào bộ nhớ của con người. Đặc biệt, khi con trẻ đang trong giai đoạn phát triển, thì thực phẩm chứa nhiều đường còn có thể cản trở khả năng tìm hiểu, phán đoán, sáng tạo của bé.
Hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường là một cách để cha mẹ bảo vệ sự sáng tạo và thông minh cho trẻ.
Biểu đồ tăng trưởng là gì? Mẹ thử dùng sổ tay sơ sinh vẽ 1 đường cơ bản lên “biểu đồ tăng trưởng” theo 2 trục: trục tung – trục hoành (kilogram và centimet) mà mẹ cân đo được, để biết con có phát triển tốt hay không?!
Sau mỗi lần cân đo, mẹ hoặc bác sĩ sẽ chấm 1 chấm tạo 1 điểm kế tiếp điểm trước đó và nối 2 điểm lại với nhau. Cứ thế, từng tháng qua đi, ta nối dần các điểm đó tạo thành 1 đường gấp khúc lên hoặc xuống.. Đường gấp khúc đó được gọi là biểu đồ tăng trưởng.
Theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé theo chiều hướng của biểu đồ tăng trưởng:
Khi đoạn biểu đồ nằm ngang: Bé không tăng cân và chiều cao. Nếu biểu đồ này nằm ngang liên tục hơn 2 tháng liền, nghĩa là con đang có vấn đề về sức khoẻ. Con có thể bị chứng kém hấp thu, biếng ăn, v..v.. Trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Nếu trẻ còn bú mẹ thì xem lại tư thế cho bú hoặc số lần bú của trẻ như thế có đủ cung cấp dinh dưỡng cho con không?! Nếu trẻ ăn dặm thì nên xem lại chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, chia nhỏ bữa ăn ra 5 – 6 cữ/ ngày. Bổ sung rau xanh, hoa quả có màu đỏ, cam để cung cấp thêm Vitamin A, cho thêm 1 ít dầu vào cháo.
Khi đoạn biểu đồ đi xuống: Chứng tỏ bé phát triển không tốt, có dấu hiệu suy dinh dưỡng nguy hiểm, có thể trẻ đang mắc chứng bệnh tiêu chảy, viêm phổi. Cũng có trường hợp mẹ tập bé ăn quá sớm (trước 4 tháng) nên ảnh thưởng đến hệ tiêu hoá của bé khiến bé sụt cân,…
Hãy cho con bú mẹ, bú bình trọn vẹn cho tới 4 tháng tuổi để con được hấp thu chất béo từ sữa một cách tốt nhất. Sau 4 tháng mới bắt đầu cho con ăn dặm từ loãng đến đặc và từ ngọt đến mặn.
Đối với trẻ lớn hơn thì nên tìm cách khuyến khíc trẻ ăn nhiều hơn, cần bổ sung chất béo và các nhóm rau xanh vào trong thực đơn hàng ngày của con. Và cũng cần quan tâm giữ gìn vệ sinh thân thể cho bé. Khi phát hiện trẻ có bệnh lý thì nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời.
Đoạn thẳng biểu đồ đi lên: Đoạn thẳng lý tưởng trong khung vạch cho phép chứng tỏ bé vẫn phát triển đều đặn sau mỗi chu kỳ cân đo. Biểu đồ đi lên chứng minh sức khoẻ bé ổn định.
Khi biểu đồ đi lên: Các mẹ cũng cần lưu ý đoạn biểu đồ đi lên nhanh và cao hơn ngưỡng cho phép đột ngột, chứng tỏ bé đang có dấu hiệu thừa cân, thậm chí bé bị béo phì. Trong trường hợp này thì nên điều chỉnh lại khẩu phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của con cho phù hợp. Tăng cường cho con dùng nhiều rau xanh, bớt tinh bột và thay chất béo động vật bằng chất béo thực vật.
Biểu đồ tăng trưởng của bé trai có xu hướng tăng nhanh hơn biểu đồ tăng trưởng của bé gái. Vì thế, không nên so sánh các bé với nhau. Các mẹ chỉ cần xem biểu đồ tăng trưởng của con mình để theo dõi tình trạng sức khoẻ của con, để can thiệp kịp thời khi cần thiết.