Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Đọc bệnh của bé qua móng tay

1. Móng tay xuất hiện những đường vân trắng:
Đây là dấu hiệu cho thấy móng tay của bé đã bị tổn thương. Có thể là bé đã bị kẹp tay vào cánh cửa, ngăn kéo hoặc là bị vật có sức nặng đè lên,… Ngoài ra, cũng có thể đây dấu hiệu xuất hiện khi bé bị thiếu hụt kẽm hoặc đang đối mặt với bệnh xơ gan.

Thông thường, những đốm trắng xuất hiện do nguyên nhân vị thương tích thì chúng sẽ mất đi khi phần móng bị thương của bé đã lành lại. Nếu thấy những dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên và kéo dài, tốt nhất bạn nên đưa bé đến bác sĩ để có chuẩn đoán chính xác.

2. Móng tay bé có màu đỏ hoặc màu hồng bất thường:
Màu đỏ xuất hiện trên móng tay là “tín hiệu thông báo” rằng bé yêu của bạn đang có vấn đề về tim. Còn màu hồng là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Vì vậy, khi móng tay của bé đột nhiên xuất hiện màu đỏ hay màu hồng khác với màu móng tự nhiên thì cha mẹ nên cẩn thận.

Để phòng tránh cho bé, bạn nên tăng cường cho bé ăn các loại thực phẩm giàu sắt như gan động vật, thịt bò, nho khô và các loại thực phẩm khác.

Đọc bệnh bé qua móng tay
Qua việc quan sát móng tay, mẹ có thể phát hiện ra vấn đề sức khỏe của bé

3. Bề mặt móng tay gồ ghề, xù xì:
Đây là dấu hiệu “tố cáo” rất có thể bé bị thiếu Vitamin B.

Với trường hợp này, bạn cần cung cấp cho bé một chế độ ăn uống giàu vitamin B. Trong khẩu phần ăn của bé, cha mẹ nên ưu tiên các thực phẩm như lòng đỏ trứng, gan động vật, đậu xanh và các loại rau màu xanh đậm…

4. Móng tay bé bị lõm vào ở giữa:
Móng tay bé bị lõm ở giữa, có hình dạng giống như chiếc muỗng là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt. Ngoài ra, khi cơ thể bé đang gặp các vấn đề về thận, rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc cơ xương cũng sẽ gây ra tình trạng lõm móng tay ở các bé.

Với hiện tượng này, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có kết luận chính xác và hướng điều trị phù hợp.

5. Móng tay giòn, dễ gãy hoặc bong tróc:
Nguyên nhân gây ra hiện tượng móng tay bé giòn, rất dễ gãy và hay bị bong tróc là do thiếu protein hoặc do bé đang mắc các bệnh về da.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein khác, như: cá, tôm,…là biện pháp để móng tay của bé được khỏe hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng chú ý bổ sung các nguyên tố vi lượng như kali, sắt cho bé.

6. Móng xuất hiện những đường kẻ ngang:
Những đường kẻ ngang tối màu thường xuyên xuất hiện trên móng tay bé là dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng móng tay, bệnh ngoài da, thậm chí rất có thể bé yêu có nguy cơ bị bệnh tiểu đường đang tiềm ẩn.

Ngoài ra, suy dinh dưỡng, nồng độ canxi trong máu thấp, tắc nghẽn trong mạch máu, do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bị chấn thương ở móng tay cũng là những nguyên nhân khiến móng tay của bé xuất hiện tình trạng này. Nếu ngay từ khi sơ sinh mà móng tay của bé đã có hiện tượng này thì nguyên nhân có thể do thai nhi bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.

Tốt nhất, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra và được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

7. Móng tay bị xước măng rô:
Xước măng rô là biểu hiện rõ nhất của tình trạng thiếu Vitamin C và acid folic. Ngoài ra, các bệnh về da như: viêm da, nấm da, bệnh eczema,… cũng là thủ phạm gây ra tình trạng xước măng rô.

Để bổ sung vitamin C cho bé, cha mẹ nên tăng cường cung cấp những thức ăn như cam, quýt, bưởi, ổi, cải bắp, rau muống, súp lơ, cần tây…Còn các loại rau có màu xanh thẫm, gan động vật, hạt nảy mầm (giá đỗ, rau mầm…) là những thực phẩm giàu acid folic.

TT

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ khó nhận biết. Do đó, nhiều người đã không chú ý đến những biểu hiện trầm cảm của con. Và theo thời gian, bệnh trầm cảm sẽ để lại những hậu quả tâm lý nặng nề. Vậy đâu là nguyên nhân và cách điều trị bệnh như thế nào, nhất là đối với trẻ nhỏ (1 – 10 tuổi)?  Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi đã chia sẻ một số thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này trong buổi hội thảo vừa diễn ra vào ngày chủ nhật 6/11/2011 tại Nhà sách Mẹ và Con – 46 Lê Lợi, Q.1, TP.HCM.

Dấu hiệu của trầm cảm
Theo nghiên cứu, sau đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có khả năng mắc bệnh trầm cảm:

  • Trẻ hay khóc, nhất là khóc đêm và rối loạn trong giấc ngủ, giật mình nhiều lần.
  • Trẻ thay đổi thói quen bú mẹ: Bình thường là đến giờ đó bé đòi bú nhưng mấy bữa nay bé có dấu hiệu bỏ bú hay bú rất ít.
  • Chậm phát triển về nhận thức và hoạt động: Thường hơn 1 tuổi bé sẽ biết nói, bò được nhưng nếu đến 2, 3 tuổi mà bé vẫn chưa có biểu hiện nào hết, đó cũng là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm.
  • Sự tập trung chú ý và trí nhớ của trẻ kém: Một số trẻ sớm biểu hiện tâm trạng qua việc chúng hay quên những việc cần phải làm hay một nhiệm vụ nào đó. Cũng có thể chúng tỏ ra lơ đãng, chẳng còn quan tâm tới vấn đề gì.
  • Trẻ hay cáu gắt bất thường: Trẻ dễ gắt gỏng, lúc nào cũng quàu quạu, và chúng thường che đậy nỗi chán chường với người lớn. Chẳng hạn như thay vì nói với bạn là trẻ cảm thấy buồn, trẻ có thể bỏ đi hoặc nói những lời nhấm nhẳng với bạn, hay trước đây chúng rất dạn dĩ thì nay bỗng hay lo âu, sợ sệt hoặc ngại ngần.

Tìm hiểu về bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân của trầm cảm ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ, nhưng sau đây là một số nguyên nhân chính:

  • Chất lượng quan hệ trong gia đình giảm. Lúc này trẻ sẽ hụt hẫng và có xu hướng nghĩ là do lỗi của mình. Ví dụ như cha mẹ ly dị trẻ sẽ nghĩ là vì mình mà cha mẹ ly dị, “Tại sao mẹ (cha) lại sống với em mà không sống với mình?”, “Mẹ vì mình nên phải ly dị với cha!”. Ngoài ra, khi cha mẹ ly thân trẻ sẽ sống với một trong hai người do đó thiếu vắng tình cảm của gia đình, dẫn đến hụt hẫng tinh thần ở trẻ.
  • Trong gia đình có người thân mất hay thú cưng chết, và trẻ luôn cảm thấy lo lắng và cho rằng mình có lỗi.
  • Trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng không thể nói với ai, cha mẹ không quam tâm hỏi han càng khiến cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và thường hay sợ đám đông.
  • Áp lực học tập: Cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, thông minh nên đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi trẻ không đạt được kết quả tốt như điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận, có khi phạt trẻ. Áp lực còn ở trong trường học, ví dụ giáo viên yêu cầu bé tả cây cau; nhưng trong khi bé ở thành phố nên không thể biết cây cau thế nào để làm bài, từ đó dễ dẫn đến căng thẳng từ việc học.
  • Thất bại trong học tập hay thi cử mặc dù trước đó trẻ học rất giỏi.
  • Thay đổi môi trường sống đột ngột: Bố mẹ chuyển nhà hay chuyển trường nhưng không cho bé biết. Trong trường hợp này bé sẽ cho rằng do mình học dở không bằng chị (em) bạn bè nên mới bị chuyển trường. Đồng thời, với việc lạ chỗ ở trẻ rất sợ khi ngủ.
  • Đa phần thì cha mẹ tự quyết định và áp đặt cho trẻ, không hỏi xem thái độ, ý kiến là bé có đồng ý, có muốn đi hay không. Bé thấy mình không có quyền quyết định, ba mẹ không tôn trọng mình.
  • Tiền căn bệnh của gia đình: Cha hay mẹ hoặc trong gia đình có người từng bị trầm cảm, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị ảnh hưởng theo.

Cách điều trị bệnh trầm cảm
Điều trị trầm cảm cho trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì của cha mẹ. Hãy làm mọi thứ vì con nhé:

  • Điều chỉnh mối quan hệ gia đình: Cha mẹ nên quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Lắng nghe con nói, chú ý những thay đổi bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời.
  • Đưa con tham gia các hoạt động bên ngoài: Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều, nhất là những hoạt động ngoài trời khi cả nhà cùng tham gia.
  • Tạo cho trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin: Dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến trẻ tập trung học, tinh thần hưng phấn hơn.
  • Không tạo cho trẻ nhiều áp lực: Cha mẹ hãy dẫn bé đi chơi, xem phim, đi nhà sách, thảo cầm viên vào ngày cuối tuần. Đồng thời cha mẹ cũng phải đồng cảm, động viên khi bé học tập không tốt.
  • Không đánh trẻ khi chúng phạm sai lầm, cũng không nên hỏi dồn, bắt buộc trẻ phải trả lời ngay.
  • Đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ: Thông thường, khi thấy con có vấn đề các bậc cha mẹ sẽ hỏi trẻ. Nhưng nếu trẻ không chịu nói thì cha mẹ cũng cho qua, không hỏi han, quan sát gì nữa. Hãy cố gắng hỏi đến khi trẻ chịu chia sẻ thì mới mong lần sau trẻ tiếp tục chia sẻ nỗi lo với cha mẹ.
  • Chú ý đến mối quan hệ ở trường của trẻ (với thầy cô và bạn bè). Có một số trường hợp trẻ rất sợ cô giáo, không muốn đi học nhưng cha mẹ lại phớt lờ việc này, và cho rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Xin đừng thờ ơ với điều này, hãy tìm hiểu để giải quyết vấn đề!
  • Tạo cho con những thói quen tốt trong đời sống hàng ngày như đi ngủ đúng giờ, thích chơi thể thao, thích ca hát nhảy múa.
  • Một phần quan trọng không kém nằm ngay trong chính bản thân các bậc phụ huynh: Cha mẹ nên tạo cho mình một tâm hồn thoải mái, khỏe mạnh để giáo dục trẻ một cách hợp lí nhất.
  • Ngoài ra, việc trị liệu bằng thuốc là cách phổ biến nhưng cách này không khuyến khích áp dụng cho trẻ nhỏ bởi lâu dài không tốt có sức khỏe.

Anh Thi

Categories
Sự phát triển của trẻ Tiêm phòng Sức khỏe trẻ em

Tiêm phòng cho trẻ sau 1 tuổi

Tiêm phòng cho trẻ sau 1 tuổi
Trẻ sau 1 tuổi vẫn phải được tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian để phòng bệnh cho bé.

Từ sau khi sinh đến 1 tuổi con bạn vẫn được chủng ngừa thường xuyên. Tuy nhiên để đảm bảo tiêm phòng cho trẻ được đầy đủ và hiệu quả, con bạn vẫn tiếp tục cần phải tiêm nhắc hoặc phải tiêm ngừa một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sau khi bé 1 tuổi. Những mũi tiêm phòng cho trẻ này rất quan trọng để ngăn ngừa những chủng bệnh nguy hiểm

Vắc-xin ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và hib (tiêm nhắc)

Hầu hết các trẻ mới sinh và con bạn đã tiêm được đầy đủ 3 liều vắc-xin cơ bản ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt (có thể cà vắc-xin Hib) trong năm đầu đời, con bạn cần được tiêm nhắc vắc-xin ngừa các bệnh này trong năm tuổi thứ 2 và lặp lại lần nhắc thứ 2 khi bé được 5 – 13 tuổi.

Vắc-xin ngừa sởi, quai bị, rubella

Các bệnh nhiễm siêu vi này thường biểu hiện phát ban, sốt và những biến chứng tiềm tàng như tổn thương tim, mù, vô sinh và khuyết tật bẩm sinh (do mẹ khi mang thai bị mắc bệnh). Sau khi được 1 tuổi, chỉ với một liều tiêm sẽ giúp bé ngừa được 3 bệnh này. Liều tiêm nhắc thường vào lúc khi bé đến tuổi đi học.

Vắc-xin ngừa thủy đậu

Bệnh thủy đậu (còn gọi là trái rạ hay phỏng rạ) là bệnh nhiễm trùng do siêu vi trùng thủy đậu gây ra và mức lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Các biểu hiện thường gặp là sốt và nổi các nốt đậu, viêm phổi vi trùng, tổn thương hệ thần kinh trung ương như: viêm màng não vô khuẩn, viêm não. Sau khi bé 1 tuổi bé có thể được tiêm ngừa với 1 liều duy nhất đủ để phòng ngừa lâu dài bệnh thủy đậu.

Vắc-xin viêm gan A

Viêm gan A là bệnh do siêu vi viêm gan A gây tổn thương trực tiếp lên tế bào gan. Trẻ em là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh trực tiếp do tiếp xúc với người đang mắc bệnh hoặc lây gián tiếp qua đường ăn uống: thức ăn hoặc nước uống nhiễm khuẩn siêu vi A. Lần đầu tiên tiêm khi trẻ được 1 tuổi và nên lặp lại nhiều tiêm nhắc từ 6 đến 18 tháng sau đó để được bảo vệ lâu dài.

Vắc-xin phế cẩu và não mô cầu

Bên cạnh vắc-xin ngừa Hib, thì vắc- xin ngừa phế cầu và não mô cầu cũng thật sự cần thiết cho trẻ em để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như: viêm màng não mủ, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Con bạn có thể tiêm các loại vắc-xin này khi bé được 2 tuổi.

Vắc-xin cúm

Vắc-xin cúm cần được tiêm mỗi năm cho tất các trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biêt đối với các trẻ mắc các bệnh mãn tính như suyễn, tiểu đường, tiêm mạch.

Bố mẹ trẻ có thể theo dõi phác đồ tiêm ngừa sau đây để theo dõi hiện trạng cũng như tình hình tiêm ngừa của trẻ:

VẮC-XIN

TUỔI

12 tháng 15 tháng 18 tháng 24 tháng

5

tuổi

Tiêm nhắc BH-UV-HG-BL

X(+ Hib)

X

Sởi, quai bị, rubella

X

X

Thủy đậu

X

Viêm gan A

X (tiêm nhắc 1 liều, 6-18 tháng sau)

Não mô cầu X (tiêm nhắc mỗi 3 năm)
Phế cầu

X

Cúm

X (*)

(*) Tiêm 1 liều mỗi năm. Đối với trẻ em tiêm lần đầu, tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng.

Anh Tuấn

Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Thực đơn cho bé ăn dặm đúng cách

Thực đơn cho bé ăn dặm, bạn có thể chuẩn bị từ khi bé 6 tháng tuổi trở đi. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé có thể hấp thu chất khác ngoài sữa mẹ.

cho bé ăn dặm

Bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

Với hầu hết trẻ, bạn có thể bắt đầu bằng cách nghiền nhỏ các loại thức ăn. Thường thì các bà mẹ có thói quen bắt đầu thực đơn cho bé ăn dặm bằng ngũ cốc nhưng chưa có gì chứng minh bé nên ăn món gì trước thì tốt hơn. Bạn có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm bằng các loại thực phẩm được nghiền nhỏ như khoai lang, bí, chuối, đào và lê.

Trước tiên, bạn cho bé bú rồi cho ăn một hoặc hai muỗng thức ăn được nghiền nhỏ. Nếu bạn muốn bắt đầu với ngũ cốc, nên trộn với sữa bột hoặc sữa mẹ để tạo thành một hỗn hợp sền sệt và dùng muỗng bằng nhựa mềm đút cho bé để tránh gây tổn thương nướu, bắt đầu cho ăn với một chút thức ăn ở đầu muỗng.

Nếu bé có vẻ không hứng thú với việc cho ăn bằng muỗng thì có thể cho bé ngửi và nếm thử thức ăn hoặc chờ cho đến khi bé muốn ăn. Đừng cho bột ngũ cốc vào bình sữa vì như vậy bé sẽ không nhận thức được rằng thức ăn phải được ăn từ muỗng và phải ngồi ăn.

Khi bắt đầu thực đơn cho bé ăn dặm, bạn nên cho bé ăn mỗi ngày một lần vào bất kỳ thời điểm nào khi hai mẹ con cảm thấy tiện, nhưng đừng cho ăn khi bé mệt mỏi hoặc bực bội. Lúc đầu bé có thể không ăn nhiều nhưng nên cho bé một thời gian để làm quen. Một số bé cần phải tập làm quen với việc giữ thức ăn trong miệng và nuốt.

Khi bé đã quen với thực đơn mới, có thể cho bé ăn vài muỗng cà phê một ngày. Nếu bé đang ăn ngũ cốc, mẹ có thể dần dần bớt lượng chất lỏng để thức ăn sệt hơn. Khi bé có thể ăn nhiều hơn, nên tăng thêm một cữ ăn dặm.

♦Làm sao biết được khi nào bé đã no?
Mỗi cữ bé có thể ăn lượng thức ăn khác nhau nên đó không phải là tiêu chuẩn để biết khi nào bé đã no. Nếu bé ngả người ra phía sau, quay mặt khỏi thức ăn, bắt đầu chơi với muỗng hoặc không chịu mở miệng thì có thể bé đã ăn đủ. Thỉnh thoảng bé sẽ ngậm miệng vì chưa ăn xong nên hãy cho bé thời gian để nuốt.

 cho bé ăn dặm trong ngày

♦Có cần phải tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc bú bình không?
Bé cần phải uống sữa cho đến khi được một tuổi. Sữa mẹ và sữa bột công thức cung cấp các vitamin quan trọng, sắt và protein ở dạng dễ tiêu hóa. Thức ăn dặm không thể cung cấp tất cả dưỡng chất từ sữa mẹ hoặc sữa bột trong năm đầu. Bạn nên để ý xem bé cần bao nhiêu sữa mẹ hoặc sữa bột sau khi bắt đầu ăn dặm.

♦Cho bé làm quen với thức ăn mới như thế nào?
Mẹ nên thử cho bé làm quen với thức ăn mới một cách chậm rãi, mỗi lần chỉ cho làm quen với một loại rồi chờ ít nhất ba ngày mới cho ăn loại tiếp theo. Như vậy, bạn sẽ biết được liệu bé có bị dị ứng với loại thức ăn nào đó hay không. Dấu hiệu dị ứng bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, mặt sưng phù, thở khò khè hoặc nổi mẩn đỏ. Nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng hoặc bé bị dị ứng khi tập ăn, nên chờ ít nhất một tuần trước khi cho bé ăn thức ăn mới.

Nên hỏi bác sĩ về các loại thức ăn dặm và thời điểm cho ăn. Để an toàn, bác sĩ có thể khuyên bạn đừng nên cho bé ăn quá sớm các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu nành, các sản phẩm từ sữa tươi, trứng, lúa mì và cá.

Mặc dù cho bé làm quen với việc ăn nhiều loại thức ăn là tốt nhưng cũng cần thời gian để bé làm quen với mùi vị và cảm giác mới. Quá trình cho bé làm quen với thức ăn thường theo thứ tự như sau:

  • Thức ăn nghiền mịn hoặc sền sệt
  • Thức ăn xay nhỏ hoặc nghiền nhỏ
  • Thức ăn xắt nhỏ

Nếu bé đang ăn ngũ cốc và sắp làm quen với rau củ hoặc trái cây, nên cho thêm vài muỗng các loại thức ăn này khi cho bé ăn ngũ cốc. Tất cả thức ăn phải ở dạng sệt vì ở giai đoạn này bé sẽ ép thức ăn lên vòm miệng rồi nuốt xuống.

Nếu bạn cho bé ăn các loại thức ăn dặm được chế biến sẵn, nên múc một ít ra đĩa nhỏ rồi cho bé ăn. Nếu bạn lấy trực tiếp từ hũ cho bé thì bạn sẽ không thể để dành phần còn lại vì đã bị nhiễm khuẩn từ miệng bé thông qua muỗng cho ăn. Ngoài ra, bạn phải bỏ tất cả những hũ thức ăn sẵn trong vòng một đến hai ngày kể từ khi mở nắp trong thực đơn cho bé ăn dặm.

Ăn dặm cho bé

Một số phụ huynh có thể khuyên bạn nên bắt đầu thực đơn cho bé ăn dặm bằng rau củ thay vì trái cây để bé không bị nghiện đồ ngọt. Tuy nhiên, khi sinh ra thì bé nào cũng thích vị ngọt nên bạn không cần quá quan tâm đến thứ tự các món ăn dặm. Ngoài ra, đừng loại bỏ món nào ra khỏi thực đơn cho bé ăn dặm chỉ vì bạn không thích món đó. Lưu ý, không cho bé ăn các loại thức ăn có thể gây nghẹn.

Nếu bé quay mặt đi khi được cho ăn một món nào đó thì đừng ép bé, thử lại sau khoảng một tuần. Bé có thể không bao giờ thích khoai lang hoặc sẽ thay đổi suy nghĩ nhiều lần và cuối cùng thì lại mê món khoai lang.

Đừng ngạc nhiên nếu phân của bé có màu và mùi khác khi bắt đầu ăn dặm. Nếu từ trước đến giờ bé chỉ bú mẹ thì bạn có thể nhận thấy phân bé có mùi nặng hơn rất nhiều so với lúc trước dù bé chỉ ăn vài mẩu thức ăn nhỏ. Điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu phân của bé có vẻ quá cứng, nên cho bé ăn các loại rau củ quả khác ngoài gạo và chuối vì 2 loại này có thể góp phần gây táo bón,.

Vào khoảng thời gian này, bạn cũng có thể tập cho bé uống nước để hạn chế táo bón mặc dù lượng nước cần thiết vẫn được lấy từ sữa mẹ hoặc sữa bột. Bạn có thể cho bé uống 50 – 100ml nước mỗi ngày bằng ly tập uống.

Thực phẩm ngon miệng dành cho bé ăn dặm

Với các bé ăn dặm, ngoài việc bổ sung các món ăn phù hợp, bạn hãy bắt đầu rèn luyện cho bé kỹ năng ăn uống tự lập. Vì đây là thời điểm quan trọng để tập chi bé ăn dặm, làm quen với việc cầm đồ ăn và các loại thức ăn mới. Khi đó, bé luôn có thói quen dùng tay nhét các loại thức ăn vào miệng. Bạn cũng nên lựa chọn những loại thực phẩm cần thiết, đủ dinh dưỡng và dễ nhai cho bé ăn dặm.

♦ Dưới đây là 7 thực phẩm thích hợp có trong thực đơn cho bé ăn dặm

1. Các loại thịt: Thịt được xem là một trong những thực phẩm lý tưởng cho bé. Thịt bò, thịt heo, thịt gà rất tốt vì có chứa các chất sắt cần thiết trong những năm đầu đời của bé. Tuy nhiên, bạn hãy chọn những phần thịt mềm để bé không bị hóc. Có nhiều cách chế biến thịt khác nhau, bạn có thể tham khảo để cho thực đơn ăn dặm trong ngày của bé được phong phú.

2. Cá: Các chất béo có khả năng chống oxy hóa như omega 3 rất tốt cho sự phát triển của não bé. Ngoài ra DHA trong dầu cá cũng có vai trò quan trọng tương tự. Bạn hãy bổ sung vào danh sách ăn của bé những món từ cá. Tuy nhiên, hãy lựa chọn các loại cá chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và ít có thủy ngân như cá hồi, cá ngừ… Với cá, bạn cần nấu kỹ để khử mùi tanh, sau đó cắt miếng nhỏ vừa ăn cho bé.

3. Trứng: Là một loại thực phẩm không thể thiếu và rất dễ chế biến cho khẩu phần của bé ăn dặm. Bạn có thể luộc trứng hoặc xào cùng các loại rau, nấm, củ quả khác cho bé. Các thành phần dinh dưỡng trong trứng như protein, các vitamin rất tốt cho sự phát triển của bé.

các món ăn dặm

4. Rau, quả mềm: Rau quả cung cấp một lượng chất xơ và các loại vitamin cần thiết cho quá trình phát triển cơ thể của bé. Bên cạnh đó, màu sắc bắt mắt, mùi vị đa dạng cũng giúp bé dễ ăn hơn. Bạn hãy tăng cường bổ sung các loại trái cây dễ ăn như đu đủ, kiwi, xoài, dâu tây và các loại rau củ như bông cải, cải bó xôi, cà rốt, bí đỏ, khoai lang… Bạn cần nấu các loại thực phẩm này cho mềm sau đó cắt nhỏ cho bé dễ nhai.

5. Đậu: Các loại thuộc họ đậu như đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan… rất giàu protein, vitamin và các chất xơ. Hơn nữa, bé rất dễ ăn các món này. Các loại đậu đậu cần được nấu chín và mềm, là món ăn vô cùng dinh dưỡng cho sự phát triển và trí thông minh của bé từ khi còn nhỏ mà bạn không thể bỏ qua.

6. Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ cần thiết. Khi sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt bé cũng hấp thu luôn các chất dinh dưỡng có trong mầm, cám của ngũ cốc. Với ngũ cốc, khi nấu bạn cần đảm bảo chất dinh dưỡng không bị hao hụt trong quá trính nấu.

7. Pho mát: Ngoài các thực phẩm nói trên, bạn cũng có thể sử dụng thêm pho mát vào thực đơn hàng ngày cho trẻ ăn dặm. Bạn có thể trộn pho mát vào các loại rau, đậu hay trứng hoặc cũng có thể cho bé ăn riêng. Pho mát rất giàu protein và canxi cần thiết cho sự phát triển chiều cao của bé về sau.

Thông qua việc ăn bốc, trong quá trình bé ăn dặm, bé sẽ học được cách phân biệt chất liệu, màu sắc, hương vị riêng… của từng loại thức ăn. Để kích thích thị giác của bé, bạn nên chú ý đến các món có nhiều màu sắc. Ngoài ra, chế biến vừa khẩu vị và cắt nhỏ vừa phải để bé có thể dễ dàng cầm tay. Khi nấu ăn, bạn cũng chú ý không nêm thêm muối vào đồ ăn của bé ăn dặm và các thức ăn phải đảm bảo được mềm cho bé dễ ăn.

Thực đơn cho bé ăn dặm đúng cách

1. Độ tuổi 6-8 tháng: Với thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi tới 8 tháng tuổi, chúng ta nên tập cho bé ăn ngũ cốc, trái cây và rau củ, cùng với 3-5 lần uống sữa (tương đương với 500-700 ml sữa bột/ngày).

  • Bữa sáng: 
    1-2 muỗng canh ngũ cốc (loại dành cho bé sơ sinh). Khi bé ăn dặm, bạn không cần chỉ cho bé ăn với gạo, chúng ta có thể dùng những loại ngũ cốc thay thế khác như: yến mạch, lúa mạch.
  • Bữa trưa: 
    1-2 muỗng canh ngũ cốc (loại dành cho bé sơ sinh).
     2 muỗng canh trái cây hoặc rau củ xay nhuyễn (táo, xoài chín, khoai lang, đậu Hà Lan).
  • Bữa tối: 
    1-2 muỗng canh ngũ cốc (loại dành cho bé sơ sinh).
    1-2 muỗng canh trái cây hoặc rau quả (như cà rốt xay nhuyễn, bí, chuối, quả mơ).

Thực đơn cho bé ăn dặm
2. Độ tuổi 8-11 tháng: Thêm các loại thịt và thức ăn cỡ nhỏ vào chế độ ăn uống hàng ngày của bé, cùng với 3-5 lần uống sữa (tương đương với 500-700ml sữa bột/ngày).

  • Bữa sáng:
    2-3 muỗng canh ngũ cốc (loại dành cho bé sơ sinh).
    Khoảng 1 muỗng canh trái cây như kiwi xắt hạt lựu, chuối, đào chín, dưa hấu, dưa lưới.
  • Bữa trưa:
    2-3 muỗng canh ngũ cốc (loại dành cho bé sơ sinh).
    2 muỗng canh trái cây xay nhuyễn.
    1 muỗng canh thức ăn cỡ nhỏ như: ngũ cốc nguyên hạt, một ít đậu phụ, bí xắt hạt lựu nấu chín.
  • Bữa tối:
    2 muỗng canh rau củ xay nhuyễn.
    1-2 muỗng canh thịt xay (thịt gà hay thịt bò).
    1 muỗng canh thức ăn loại (cỡ) nhõ: 1 lát thơm nhỏ, đào chín, xoài, chuối thái hạt lựu.

3. Độ tuổi 12-24 tháng: Thay thế bột dinh dưỡng bằng 2 cốc sữa nguyên chất mỗi ngày. Tuy nhiên, có khoảng 2% tỉ lệ ở bé có nguy cơ thừa cân. Vì vậy, chúng ta vẫn tiếp tục cho bé uống sữa bột nhưng vẫn đảm bảo là thức ăn ở dạng cứng là nguồn dinh dưỡng chính cho bé.

  • Bữa sáng:
    1 lát bánh mì nướng
    1 quả trứng (luộc hoặc chế biến bằng cách khác)
    6 lát nho + 56ml sữa
    Bữa ăn nhẹ: chuối xắt lát + 56ml sữa
  • Bữa trưa:
    2 lát bánh mì nướng
    1 lát pho mát
    1/4 chén bông cải xanh nấu chín, mềm
    56ml sữa
    Bữa ăn nhẹ: 1/4 tách bột ngũ cốc
    1/4 chén nho: dưa gang
  • Bữa tối:
    1/2 chén mì với sốt cà chua
    30gr thịt bò
    2 muỗng canh rau xắt nhỏ, nấu chín, mềm
    56ml sữa
    Bữa ăn nhẹ: 1/4 chén trái cây xắt nhỏ
    1/4 ly yogurt

[inline_article id=67099]

Con bạn có thể hấp thụ được tất cả các carbohydrate bé cần từ sữa mẹ và bột dinh dưỡng. Vì vậy, bạn nên cho bé tập uống bằng slippy cup (loại ly nhỏ, nắp có chỗ uống nhô lên) trong bữa ăn khi bé đạt 6 tháng tuổi để bé có thói quen uống bằng ly và nếm vị của nước lọc. Hãy tập cho bé uống nước trái cây, nhưng loại thức uống này dễ gây sâu răng và dẫn đến việc bị tiêu chảy đối với bé mới chập chững biết đi. Sau 1 tuổi, bạn nên đảm bảo cho bé uống 2 ly nước mỗi ngày.

NAPHASINTHU

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Bé 6 – 9 tháng tuổi: Cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm

Cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm, bạn đã biết chưa? Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể tham khảo nhé!

Giấc ngủ ngon rất quan trọng với bé

Giấc ngủ ngon đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều rất quan trọng để cơ thể khỏe mạnh, phát triển chiều cao.

Cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm

Cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm trước tiên là bạn nên tập cho bé đi ngủ đúng giờ. Những “thủ tục” thư giãn trước giờ đi ngủ (đi tắm, kể chuyện, bú sữa, đánh răng, hát ru) sẽ giúp tinh thần bé thư thái, ổn định và hiểu được đã đến lúc lên giường ngủ.

cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm

Đặt bé vào giường/nôi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Trong những giai đoạn của giấc ngủ, tất cả chúng ta cũng hay thức giấc giữa đêm. Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ được dỗ ngủ bằng một nguồn an ủi nào đó thì khi thức dậy vào giữa đêm bé sẽ tìm đến nguồn an ủi đó để ngủ trở lại. Ví dụ như nhiều bà mẹ có thói quen dỗ ngủ cho bé bằng cách cho ngậm ti, vì thế khi bé thức giấc giữa đêm sẽ chỉ có ti mẹ mới khiến bé ngủ tiếp được. Thói quen này không tốt vì sẽ khiến bé không tự điều khiển được giấc ngủ của mình. Do đó, có một cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm khác tốt hơn, đó là bạn nên đặt bé nằm vào giường hoặc nôi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn thức để bé học cách tự dỗ mình vào giấc ngủ. Đây cũng là cách giúp bé ngủ ngon vào ban đêm.

[inline_article id=82681]

“Biện pháp” khi bé phản đối: Bạn lên kế hoạch những việc cần làm nếu bé cứ khóc lóc trong khi tự dỗ mình ng, cụ thể như để bé ngủ ngon, bạn có thể xoa lưng, vỗ về, thủ thỉ nói chuyện khiến bé bình tâm trở lại và để bé tự ngủ.

Bạn cũng không nên quá lo lắng hoặc quan tâm khi bé khóc quấy trước lúc ngủ trừ những trường hợp bất thường (đói, đau bụng, sốt…). Đôi khi sự hiện diện thường xuyên của người lạ sẽ làm bé khó tập trung dẫn đến khó ngủ. Lúc này, bạn hãy tạo không gian quen thuộc, không có người lạ để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn nhé!

MarryBABY

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 26: Tâm lý sợ hãi

Trí tưởng tượng sinh động là một trong những phần thú vị nhất trong phát triển tâm lý của trẻ trước tuổi đi học, trừ những lúc tưởng tượng đến sự sợ hãi.

Bé 2 tuổi có thể sợ tất cả mọi thứ cũng như hay tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ vượt khỏi những gì diễn ra trước mắt trẻ.
Hai điều này biểu hiện ở một số trẻ như không thích người lạ hoặc nhớ lại một kinh nghiệm trong quá khứ như một lần chích ngừa chẳng hạn. Chắc chắn bạn thường nhận ra rất nhiều trẻ sợ bác sĩ.

Cùng tham khảo một số cách để giảm bớt nỗi sợ tâm lý này nhé:

  • Thử mua cho bé một túi y tế đặc biệt có ống nghe đồ chơi, nhiệt kế để con bạn có thể chơi trò làm bác sĩ và cũng có thể mang theo một búp bê đồ chơi để đóng giả bệnh nhân.
  • Nói trước với trẻ về những gì sắp xảy ra như: “Đầu tiên, chúng ta sẽ đi đến một bàn lớn và nói tên của con. Sau đó chúng ta sẽ ngồi xuống ghế, đọc 1 cuốn sách và đợi gọi tên”.
  • Nên cho con bạn ngồi trên đùi trong suốt thời gian bác sĩ khám và chích thuốc.
  • Đừng nói dối trẻ, đừng bao giờ nói kiểu: “Chích sẽ không đau một chút nào cả”.
  • Đừng bao giờ hứa những chuyện không có thật, kiểu như: “Con sẽ không phải chích đâu”. Con của bạn chắc chắn sẽ trốn chích nếu có cơ hội.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, bé 2 tuổi rất giỏi nhận biết các dấu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn.
Bé 2 tuổi: Tâm lý sợ hãi khi 25 tháng tuổi
Để bé 2 tuổi ngoan ngoãn đi khám bác sĩ, mẹ nên có quá trình chuẩn bị tâm lý trước cho bé

Cuộc sống của mẹ: Nói “ không” với trẻ
Bạn có tự hỏi có phải bé 2 tuổi đang đảm nhận nhiệm vụ “kiểm tra sức chịu đựng của bạn”? Câu trả lời thường là: “Lẽ dĩ nhiên rồi!”.

Thông qua việc khám phá không ngừng và luôn đẩy cha mẹ đến giới hạn chịu đựng, trẻ sẽ học được những điều gì được chấp nhận và những gì không.

Có nhiều cha mẹ không muốn nói “Không” với trẻ trước tuổi đi học vì sợ làm ảnh hưởng tới tinh thần của trẻ nhưng thật sự “Không” là một từ cần thiết và vô cùng quan trọng. Bé con ở tuổi này sẽ không bao giờ nhận ra những quy luật nếu như bạn không chỉ rõ cái gì “được” và cái gì “không”.

Bạn có biết, bé 2 tuổi không thể hiểu những giải thích dài dòng về việc: “Tại sao giữ khư khư và giành đồ chơi với bạn là điều không tốt?”. Trẻ chỉ cần hiểu một cách nhanh chóng và rõ ràng thông điệp: “Hành động đó không được chấp nhận”. Cố gắng giữ giọng nói của bạn đủ cứng rắn nhưng vẫn ấm áp và khích lệ. Lúc này, “kiên nhẫn” chính là người bạn tốt nhất của bạn!

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 26 của bé: Những câu hỏi bất tận

Bé 2 tuổi tuổi và những thắc mắc bất tận

Bé 2 tuổi của bạn là một tài năng hùng biện vừa chớm nở, mặc dù bạn là người quản trò trong hầu hết cuộc nói chuyện này. Bé bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, đây là cơ hội giúp bé phát triển 2 kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình lớn lên: đó là cách để khám phá mọi thứ xung quanh, và cách để cuộc trò chuyện được tiếp tục. Bạn nên tạo điều kiện cho bé gắn kết với bạn lâu hơn và bắt nhịp nhiều hơn những từ ngữ của bé.

Ban đầu những câu hỏi yêu thích của bé sẽ là: “Tại sao?”, “Đó là gì vậy ba mẹ?” và đa phần là “Gì vậy?”, hoặc đơn giản hơn là những từ ngọng nghịu không rõ nghĩa. Khi kỹ năng ngôn ngữ của bé phát triển cũng là lúc nhiều câu hỏi trí tuệ hơn xuất hiện, chẳng hạn như: “Điều gì làm nên âm thanh?”, “Sao xe lại chỉ đi trên đường?”, “Tại sao những con chim không rớt xuống?”…

Mẹ nên trả lời những thắc mắc của bé càng nhanh càng tốt, đơn giản và trọn câu, chẳng hạn như: “Những chú chim có cánh để giúp chúng bay cao trên bầu trời”. Bạn nên biết rằng trả lời câu hỏi của bé cũng là cách để động viên bé hăng hái đặt những câu hỏi khác trong tương lai và qua những lời giải đáp của bạn sẽ giúp bé học hỏi rất nhiều, chẳng hạn như cách kết hợp câu văn như thế nào cho trôi chảy. Đừng sợ phải nói câu: “Mẹ không biết”, bạn nên tham khảo và đọc những cuốn sách hay về các chủ đề mà bạn muốn chia sẻ cùng con.

Con bạn thích trả lời câu hỏi cũng nhiều như cách bé đặt câu hỏi. Vì vậy, khi bạn đọc sách, hãy hỏi bé về những bức tranh hay câu chuyện trong đó, như là: “Con có thấy con cún màu nâu trong bức tranh ở đâu không?”, “Con nghĩ cún nâu thích ăn món gì nào?”, “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong câu chuyện này đây?”…

Bé 2 tuổi và những câu hỏi bất tận
Các bé 2 tuổi nổi tiếng với những tràng dài câu hỏi không bao giờ kết thúc

Cuộc sống của mẹ: Nên cho bé thời gian tự xoay xở
Bé 2 tuổi không phải lúc nào cũng hoạt động cùng một khung giờ như người lớn. Bé dễ dàng xao lãng khi ngồi vào bàn ăn, hay nằng nặc đòi tự mình mang tất bất kể phải tốn bao nhiêu thời gian đi nữa. Ngay cả đối với những bậc phụ huynh mang tiếng kiên nhẫn nhất cũng có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, đặc biệt là khi họ phải chạy đua với thời gian vì trễ giờ.

Thay vì dỗ dành bé 2 tuổi của bạn phải làm nhanh lên, tại sao bạn không dành thêm vài phút và để bé tự do làm mọi thứ theo cách riêng của bé. Một cách khác để bạn lấy lại bình tĩnh là hít thở thật sâu và chậm rãi hoặc đếm đến mười để cố gắng làm bạn lắng dịu xuống.

Tất nhiên nếu bạn thực sự đang vội, bạn chỉ còn cách là nhảy vào cuộc và mang bé theo cùng, bạn có thể cho bé làm những việc bé thích vào những ngày ít bận rộn hơn.

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Cách tắm bé sơ sinh

Để việc tắm bé sơ sinh dễ dàng và thuận lợi, bạn nên chuẩn bị kỹ những bước sau:

Trước khi tắm

  • Chuẩn bị sẵn những vật dụng: nước ấm, thau tắm, khăn lông, khăn sữa mềm, bông gòn, một bộ quần áo, tã, dầu khuynh diệp, nước muối sinh lý, phấn thoa, tăm bông vệ sinh tai, nón, vớ bao tay/chân. Trải khăn lông ra giường để sẵn sàng lau khô bé sau khi tắm xong.
  • Đảm bảo nhiệt độ trong phòng ấm áp, dễ chịu. Đổ vào thau chừng 5cm nước ấm, thử độ nóng của nước bằng cách nhúng cổ tay hoặc khuỷu tay vào thau (tốt nhất trong khoảng 36°C – 38°C)
  • Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, hãy cởi quần áo bé. Lưu ý tư thế bồng bé: dùng một tay nâng đầu, gáy và vai bé, tay kia nâng người bé từ từ đặt vào thau nước. Việc tắm bé sơ sinh nên thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận.
Cách tắm bé sơ sinh
Bạn nên tìm hiểu kỹ cách tắm cho bé đúng cách

Tắm bé

  • Dùng bông gòn thấm nước ấm lau sạch mí mắt, khóe mắt (chùi sạch ghèn) theo hướng từ trong ra ngoài.
  • Bạn có thể gội đầu bé một hoặc hai lần một tuần. Để gội đầu bé, bạn cho bé vào thau nước trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, tay bạn vòng sau lưng bé giữ chặt nách và cánh tay bé, phần cánh tay bạn nâng đỡ vai, gáy và đầu bé. Dùng tay kia khoát nước lên đầu bé (tránh để nước bắt vào mắt, tai bé). Sau đó, dùng khăn khô lau đầu, tóc bé để tránh nhiễm lạnh.
  • Dùng khăn sữa nhúng nước nhẹ nhàng lau mình bé từ đầu, mình đến chân. Rửa sạch từng phần cơ thể bé, lưu ý các khu vực: cổ, nách, kẽ ngón tay, háng, phần kín, hậu môn, khủy chân, kẽ ngón chân (tránh để nước vào rốn bé nếu bé vẫn chưa rụng rốn).
  • Sau khi tắm xong liền đặt bé vào khăn đã trải sẵn và lau khô khắp người. Dùng phấn thoa phần da có nếp gấp, bôi chút dầu khuynh diệp lên phần ngực, mỏ ác, lưng, lòng bàn tay/chân bé, mặc tã, quần áo, vớ tay/chân. Sau cùng, nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi và dùng bông tăm nhẹ nhàng lau chùi mũi và tai bé.

Những lưu ý khi tắm bé sơ sinh

  • Dù chỉ một giây cũng không được rời khỏi bé khi đang tắm bé để làm việc riêng: nghe điện thoại, mở cửa… Nếu cần, bạn nên dùng khăn quấn bé lại và ẳm theo bạn.
  • Không nhất thiết phải dùng xà bông để tắm cho bé vì nó sẽ khiến người bé trơn tuột, khó bồng. Khi bé lớn hơn một chút, có thể sử dụng dầu gội hoặc sữa tắm, nên chọn loại dành riêng cho bé, không gây kích ứng da. Không đổ trực tiếp sữa tắm lên da bé mà hãy hoà vào trong nước tắm
  • Đặt bé xa khu vực pha nước tắm tránh trường hợp phỏng nước sôi. Nên nhớ để bé vào trong nôi khi bạn mang thau tắm đi đổ.
  • Tắm bé mỗi ngày một lần để giữ vệ sinh cho bé. Nếu không tắm, bạn có thể lau người bé bằng khăn nhúng nước ấm.
  • Không nên ngâm bé quá lâu trong nước (chỉ nên tắm cho bé trong chừng 5 – 7 phút.)
  • Không nên tắm liền cho bé ngay sau khi bú xong.

MarryBABY

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Những trạng thái cảm xúc

Các bé 2 tuổi luôn bộc lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên và bộc phát, từ giọng nói, vung tay, giậm chân và kể cả những giọt “nước mắt cá sấu”.

Cha mẹ hiếm khi phải đoán trạng thái cảm xúc của bé 2 tuổi. Việc trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau là một điều lành mạnh, thậm chí kể cả những cảm xúc không vui. Vì vậy, bạn không cần tỏ ra quá sốt sắng để vỗ về khi thấy trẻ phụng phịu hay sụt sịt.

Nên để cho con của bạn biết rằng đôi khi không thoải mái cũng là một điều tốt vì nó là một phần của cuộc sống. Nếu lúc đó nhảy ngay vào để can thiệp, bạn sẽ khiến trẻ suy nghĩ sai lầm rằng: Buồn và giận dỗi là trạng thái không bình thường.

Khi bạn giải quyết mọi vấn đề giùm con của bạn cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cướp đi cơ hội giúp bé trải nghiệm các thể loại cảm xúc của riêng mình.

Những trạng thái cảm xúc ở bé 2 tuổi
Đối với bé 2 tuổi, việc trải nghiệm các cảm xúc khác nhau, cả vui lẫn buồn, là cơ hội cho bé học hỏi

Mẹ nên làm gì lúc này?
Nói cho trẻ biết về trạng thái hiện tại của trẻ, ví dụ: “Giờ con đang nổi giận với mẹ vì hôm nay mẹ không cho con đi chơi công viên”.
Để cho trẻ biết bạn cũng có những cảm xúc tương tự: “Con cảm thấy buồn khi tạm biệt bà ngoại, mẹ cũng vậy”.

Nếu con của bạn hét lên hoặc đánh đấm lung tung khi bé buồn hoặc tức giận, chỉ cho bé cách để giải tỏa cảm xúc của mình như đấm vào một cái gối hoặc giậm chân xuống sàn.

Cuộc sống của mẹ
Có lúc bạn thấy như mình là nhân vật chính của quyển tiểu thuyết “hai năm kinh hoàng”. Thật ra đây đã là năm thứ hai của chặng đường đầy thử thách này và những ngày tháng sắp tới có phần yên bình hơn đôi chút với nhiều niềm vui đang chờ đón.

Bé 2 tuổi đã có thể di chuyển tự tin hơn và cần ít sự coi sóc hơn. Trẻ cũng biết cách thể hiện những mong muốn của mình tốt hơn so với trước đây, dù chưa diễn đạt được trọn vẹn.

Đồng thời, sự tò mò vô biên của trẻ được cân bằng chút ít bởi việc hiểu được những quy tắc. 2 tuổi là lứa tuổi luôn thách thức những ranh giới và phản đối với cha mẹ, nhưng trẻ cũng mong muốn làm hài lòng bạn nhiều hơn.

Trẻ luôn muốn trở thành đứa trẻ tốt và trẻ muốn được giúp đỡ, vì vậy, thói quen và tính nhất quán trong câu nói của bạn giúp trẻ học được sự xâu chuỗi và giữ cho cuộc sống hàng ngày phát triển theo đúng quy luật.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ

Ở tuổi này, vốn từ của trẻ đang trên đà phát triển nhanh chóng. Bé 2 tuổi biết khoảng 50 đến 75 từ và bắt đầu biết xâu chuỗi lại với nhau thành cụm từ và câu.

Các bé 2 tuổi thường dùng những cấu trúc đơn giản chỉ gồm 2 từ: danh từ và động từ như “Con ngủ”, “Uống sữa”. Qua thời gian, trẻ sẽ bắt đầu thể hiện mình bằng những câu dài hơn. Nếu con bạn thường dùng ít hơn 20 từ, hoặc có biểu hiện chậm hơn bạn bè trong việc phát triển ngôn ngữ, bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra thính giác.

Những câu đầu tiên trẻ nói thường ngắn và thường dùng để nhấn mạnh như: “Mẹ giúp con”, “Ba chơi bóng”. Trước tuổi đi học, trẻ có xu hướng lặp lại những từ trẻ thường nghe thấy như “Tạm biệt” hoặc “Hết rồi!!!”, vì vậy bạn nên cẩn thận khi nói chuyện trước mặt bé nhé.

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ
Nếu được quan tâm phát triển đúng đắn từ những năm đầu đời, khả năng ngôn ngữ của bé 2 tuổi sẽ bộc lộ rõ khi bé đến tuổi đi học

Làm gì để khuyến khích bé 2 tuổi nói câu hoàn chỉnh?
– Nên mở rộng cụm từ trong câu trả lời của bạn dựa trên những từ chính trẻ vừa nói, ví dụ: “Con muốn mẹ giúp con mang vớ phải không?”, “Được rồi, ba sẽ chơi bóng với con nhé”.
– Không nên chỉnh ngữ pháp của trẻ vì vẫn còn quá sớm để chỉ ra lỗi ở thời điểm này, bạn chỉ nên tình cờ lặp lại câu trẻ vừa nói và dùng đúng từ.
– Không nên nhấn mạnh và bắt trẻ lặp lại một câu đầy đủ như: “Con hãy nói: Mẹ giúp con mang vớ”, điều này chỉ khiến bé con thất vọng và phá vỡ sự phát triển bình thường của trẻ.
– Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe bằng cách tương tác, hỏi trẻ những gì trẻ thấy trong sách hoặc đố trẻ những gì sẽ xảy ra tiếp theo để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Cuộc sống của mẹ
Có lẽ bạn không phải là người mẹ đầu tiên cảm thấy sự bề bộn đang tràn ngập trong tổ ấm của mình, thậm chí tăng lên theo thời gian khi bé con lớn dần.

Các bé 2 tuổi không chỉ luôn nằng nặc đòi mua thêm thật nhiều đồ chơi mới mà còn là những đồ chơi đi theo bộ hoặc “phức tạp” hơn như đồ chơi xếp hình lego, xếp hình ro bot, mô hình xe hơi… mà trẻ có thể tháo rời, lắp ghép và tha hồ khám phá.

Bạn nên thử bỏ từng loại đồ chơi vào một hộp đựng riêng, để tiết kiệm có thể tận dụng lại những hộp đựng khăn giấy ướt của bé. Thêm vào đó, bạn thử ra quy định là trẻ chỉ được chơi 1 hoặc 2 loại đồ chơi cùng lúc. Điều này giữ cho trẻ sự hào hứng và lâu chán đồ chơi mới, đồng thời sàn nhà của mẹ cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn.