Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Khi bé chỉ bú một bên?

Khi bé chỉ bú một bên ngực
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, trong một số trường hợp bé “nhất bên trọng nhất bên khinh” khi không thích và nhất định không chịu bú một bên bầu ngực mẹ. Liệu “sở thích” này của bé có bình thường hay gây ảnh hưởng gì không?

Nguyên nhân
Bé sơ sinh đôi khi chỉ thích bú một bên ngực của mẹ, có lẽ do bên ngực này có nhiều sữa hoặc bé nhận thấy khác biệt giữa hai núm vú. Các bé lớn hơn có thể không chịu bú vì bên ngực kia ít sữa, dòng sữa chảy chậm hoặc cảm giác không “ngon” bằng bên bé hay bú.
Không ít trường hợp bé chỉ thích đúng một tư thế khi mẹ cho bú vì thấy thoải mái và quen với cách bế.

Tuy nhiên, nếu bé của bạn đột ngột bỏ bú một bên, mẹ cần lưu ý bởi có thể bé bị viêm tai hoặc do triệu chứng mới tiêm ngừa xong. Ngoài ra, lượng sữa có thể thấp hơn nếu trước đây mẹ từng phẫu thuật ở một bên ngực. Tuy không phổ biến nhưng ung thư vú cũng có khả năng làm lượng sữa mẹ ít đi. Do đó, mẹ cần đi khám bác sĩ nếu thấy bất thường ở một bên ngực để yên tâm nuôi bé bằng sữa mẹ nhé!

Nuôi con bằng sữa mẹ - Khi bé chỉ bú một bên?
Bạn có thể phát hiện ra nhiều thói quen bú của bé khi cho bé bú như bé chỉ thích bú một bên

Phải làm gì để bé thay đổi?
Nếu không muốn bé chỉ bú một bên ngực, mẹ có thể thử một vài cách cho bé bú sau:

  • Nhẹ nhàng và kiên nhẫn cho bé bú ở bên ngực không thích trước, nhất là khi bé đói hoặc vừa mới thức giấc. Mẹ cũng có thể thay đổi cách bế bé: bế theo tư thế ôm bóng, hoặc nằm nghiêng về phía ngực muốn cho bé bú.
  • Tăng cường nguồn sữa ở bên ngực ít được bú bằng cách dùng tay vắt sữa hoặc dùng máy hút sau mỗi lần cho bé bú. Nguồn sữa mẹ này sẽ được dùng để bổ sung cho các bữa ăn của bé.

Nếu bé vẫn được cung cấp đầy đủ lượng sữa và không gây ra bất kỳ khó khăn nào cho mẹ, mẹ đành chiều theo sở thích của bé thôi. Thực tế cho thấy nhiều bà mẹ vẫn nuôi con bằng sữa mẹ khỏe mạnh, bé tăng cân bình thường dù chỉ bú một bên.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Đầu ngực bị đau khi cho con bú

Tìm hiểu nguyên khiến đầu ngực bị đau nhức
Nuôi con bằng sữa mẹ là sự trải nghiệm và học tập thú vị. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ rơi vào hoàn cảnh “khóc dở, mếu dở” vì đầu ngực quá đau khi cho con bú. Một vài nguyên nhân và những gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ giảm thiểu cơn đau và không sợ hãi mỗi lần bé “ti mẹ”. Mẹ nên lưu ý vì nếu không chữa trị nghiêm túc, ti mẹ sẽ bị nứt, chảy máu và còn đau đớn hơn gấp nhiều lần.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Đầu ngực bị đau khi cho con bú
Nếu bạn không cẩn thận, sau khi cho con bú đầu ti của bạn có thể bị nứt, đau đớn

Nguyên nhân đau đầu ngực

  • Tư thế cho con bú không chính xác. Trong vài ngày hay vài tuần đầu sau khi sinh, cho bé bú sai tư thế dẫn đến việc bé không ngậm hết đầu ngực, khiến mẹ cảm thấy đau tức. Nếu mẹ quan sát thấy đầu ngực có hình dạng như thỏi son hoặc có biểu hiện lạ, đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn tư thế đúng khi cho bé bú.
  • Bị tổn thương do máy hút sữa. Sử dụng máy hút sữa không đúng cách cũng có thể làm ti mẹ bị đau. Nhiều bà mẹ chọn miếng chụp của máy hút sữa quá nhỏ so với đầu ngực hoặc chỉnh tốc độ máy quá cao. Tốt nhất, nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Nhiễm nấm. Nhiều khả năng mẹ bị lây nấm tưa miệng khi bé mắc phải chứng này làm ti đau nhức. Ngực mẹ có dấu hiệu ngứa, đỏ, đầu ngực bị đau trong hoặc sau khi cho bé bú. Hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán phù hợp. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày, rất có khả năng mẹ bị bệnh chàm.
  • Bé bị dính thắng lưỡi. Đây là tình trạng thắng lưỡi của bé ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của đầu lưỡi. Điều này có thể gây nên một số vấn đề khi bé bú mẹ. Tuy nhiên, chỉ cần tiểu phẫu là bé sẽ không sao. Các bác sĩ có thể sẽ khám lưỡi của bé để biết có phải núm vú mẹ bị đau là do bé bị dính thắng lưỡi hay không.
  • Mụn sữa. Khi một lớp da mỏng phát triển quá mức trong tuyến sữa gây nên tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa, ti mẹ sẽ bị nổi mụn màu trắng hoặc vàng và có cảm giác đau. Đến bác sĩ da liễu để điều trị mụn.
  • Đầu ngực bị phồng rộp. Ti mẹ xuất hiện vết rộp trong suốt màu vàng, đôi khi ửng máu khiến mẹ đau đớn suốt quá trình cho con bú. Thông thường, nguyên nhân chính là do bé ngậm ti sai cách hay mẹ dùng máy hút sữa có cường độ cao.

Ngoài ra, lý do ít phổ biến hơn là mẹ bị viêm da tiếp xúc do phản ứng với thuốc mỡ hoặc kem thoa trên đầu ti. Ngưng sử dụng các loại kem hoặc thuốc này cho đến khi bác sĩ da liễu xác định nguyên nhân chính xác.
Nếu có tiền sử bị bệnh mụn rộp, mẹ nên cẩn thận hơn vì bé có thể bị lây bệnh này từ mẹ. Ngưng cho bé bú và đi khám bác sĩ ngay. Mẹ nên dùng máy hút sữa trong suốt quá trình trị liệu để tránh tình trạng căng sữa và bảo vệ nguồn sữa. Nếu chỉ một bên ngực bị nhiễm bệnh, mẹ có thể cho bé bú ở bên ngực còn lại.

Co thắt mạch máu. Nếu ti mẹ trông nhợt nhạt và đau khi cho bé bú xong nhưng trở lại màu sắc bình thường sau đó, nguyên nhân có thể xuất pháp từ chứng co thắt mạch máu bên trong ti, do ti bị nén chặt, nhiễm nấm hay mẹ mắc bệnh Reynaud (các mạch máu phản ứng khi trời lạnh). Mẹ nên khám bác sĩ để biết cách quản lý “lịch” cho bé bú khi gặp phải tình trạng này.

Cách điều trị
Liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán nguyên nhân gây đau và đưa ra kế hoạch điều trị. Một khi bạn biết chính xác nguyên nhân, giải pháp thường rất đơn giản.

Mẹ vẫn cho bé bú được chứ?
Có thể, nhưng đừng chịu đựng. Nếu mẹ bị đau đầu ngực đến nỗi không dám cho bé bú, nhớ thư giãn, dùng máy hút sữa và cho bé bú sữa này trong vòng 12-24 tiếng. Luôn đảm bảo dùng đúng loại máy hút sữa phù hợp với đầu ngực và giúp mẹ thoải mái nhất.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Bị căng sữa phải làm sao, bạn cập nhật ngay nhé!

Giải mã nguyên nhân mẹ bị căng sữa

Khoảng 2-5 ngày sau khi sinh, ngực của mẹ sẽ lớn dần, nặng hơn và hơi đau vì đang trong giai đoạn sản xuất thật nhiều sữa cho bé bú. Sau 2-3 tuần mẹ sẽ thấy thoải mái hơn nhiều, ngực mềm mại hơn dù sữa vẫn đầy.

Nếu mẹ bị sưng ngực (có thể lan tới nách), đau nhói, sần, không thoải mái, hay sốt nhẹ. Lúc này mẹ rơi vào tình trạng bị căng sữa phải làm sao.

bị căng sữa phải làm sao
Sau khi sinh, mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt để hạn chế bị căng sữa

Nguyên nhân

Thông thường, mẹ bị căng sữa do không cho bé bú thường xuyên trong vài ngày đầu sau khi sinh. Tuy nhiên, một số bà mẹ vẫn bị căng sữa dù cho bé bú rất đầy đủ. Ngoài ra, mặc áo ngực quá chật hoặc ống dẫn sữa bị tắc nghẽn cũng gây nên tình trạng trên. Nếu mẹ từng phẫu thuật ngực, phần cấy ghép đã choán hết chỗ để làm tăng lượng máu, bạch huyết và sữa.

Cách phòng ngừa để tránh rơi vào tình trạng thắc mắc bị căng sữa phải làm sao

  • Cho bé bú trong vòng 2 tiếng sau khi sinh.
  • Sau khi bé chào đời 24 tiếng, mẹ cho bú thường xuyên (từ 8-12 lần/ngày). Tìm hiểu các dấu hiệu khi bé đói và luôn ở cạnh bé vì “da kề da” giữa mẹ và bé giúp bé bú dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ cần gọi bé dậy để tiếp tục bú sau mỗi 3 tiếng.
  • Để bé bú xong một bên ngực rồi hãy chuyển sang bên còn lại. Thông thường bé sẽ bú trong khoảng 10-20 phút cho mỗi bên. Nếu bé bú ít hơn 10 phút, xin ý kiến bác sĩ ngay. Mẹ cứ tiếp tục đổi bên ngực cho bé trong những lần sau nếu bé tỏ vẻ không thích “ti mẹ” ở ngực bên kia.
  • Không nên cho trẻ bú bình hoặc dùng núm vú giả nếu không được chỉ định. Phần lực bé dùng khi bú bình không giống như khi bú mẹ nên bé sẽ khó khăn hơn nếu quay trở lại bú mẹ sau một thời gian tập bú bình.
  • Nếu được yêu cầu dùng sữa bình để hỗ trợ, hãy chọn máy hút sữa từ ti mẹ thay vì cho bé uống sữa bột. Tuy nhiên, nếu buộc phải dùng sữa bột, mỗi lần cho bé uống sữa mẹ, bạn cũng nên dùng tay xoa bóp bầu ngực để kích thích tiết sữa.

Mẹ bị căng sữa phải làm sao?

  • Đặt khăn ấm lên ngực hoặc tắm nước ấm không quá 3 phút trước khi cho bé bú vì hơi nóng có thể làm sưng và khó tiết sữa. Nếu mẹ đang căng sữa đến mức sữa không tiết ra được, không nên dùng khăn ấm.
  • Cho bé bú thường xuyên, không nên để quá 2-3 tiếng. Nếu ngực căng đầy, khó chịu, mẹ có thể tranh thủ lúc bé đang ngủ để dùng tay vắt bớt sữa ra ngoài. Bạn nên nặn sữa lúc tắm vì như thế sẽ dễ hơn. Nhiều mẹ bị đau mỗi khi phải vắt sữa, nhưng việc này sẽ giúp mẹ bớt đau hơn nhiều sau khi sữa chảy ra ngoài.
  • Mát-xa bầu ngực bé đang bú giúp kích thích tuyến sữa và giảm căng cứng.
  • Nếu bé thấy khó ngậm ti mẹ, dùng tay nặn tí sữa ra ngoài. Động tác này sẽ làm phần quầng xung quanh ti mềm mại hơn, bé dễ tựa vào và ngậm chặt hơn.
  • Không nên dùng máy hút sữa lâu vì càng nhiều sữa được “sản xuất”, mẹ càng bị căng tức ngực lâu hơn.
  • Đặt khăn lạnh hoặc túi chườm đá lên ngực trong khoảng 10 phút sau khi cho bé bú để giảm sưng và đau.
  • Chọn những loại áo ngực hỗ trợ khi cho bé bú. Áo phải vừa vặn và thoải mái cho mẹ.
  • Cân nhắc uống thuốc giảm đau.
  • Hướng về tương lai: Chỉ cần vượt qua cơn đau này, cả hai mẹ con sẽ củng cố tình cảm khắng khít nhiều hơn.

Nếu mẹ bị cúm hoặc sốt hơn 38 độ C, gọi bác sĩ gấp vì có thể mẹ bị viêm vú.

Mẹ bị căng sữa phải làm sao và đến khi nào?

Nếu tuân thủ hướng dẫn, mẹ sẽ khỏi sau 24-48 tiếng. Ngược lại, mẹ sẽ mất đến 10 ngày để gạt bỏ tình trạng này. Khi cơn căng sữa qua đi, ngực của mẹ sẽ mềm hơn dù vẫn đầy ắp sữa. Nếu không cho bé bú, mẹ nên nặn hoặc dùng máy hút sữa để giảm áp lực lên ngực và hạ thấp nguy cơ bị viêm vú.

Mẹ vẫn cho bé bú chứ?

Dĩ nhiên rồi! Đây là trả lời đúng cho câu hỏi bị căng sữa phải làm sao. Cho bé bú ngay từ khi mới sinh rất quan trọng nên mẹ cần cố gắng cho bé bú sau 1-2 giờ kể từ lúc bé chào đời. Nhận biết các dấu hiệu mỗi khi bé đói như khua tay liên hồi, đừng chờ đợi cho đến khi bé khóc mẹ nhé!

Căng sữa có ảnh hưởng đến bé không?

Căng sữa có thể cản trở bé yêu mỗi khi ngậm ti mẹ nên mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nghĩ bé không nhận được đầy đủ lượng sữa theo yêu cầu.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Làm gì khi chảy sữa nhiều

Nguyên nhân dẫn đến chảy sữa?
Đầu ti rỉ sữa, chảy sữa là “trục trặc” thường gặp ở hầu hết các mẹ đang trong quá trình cho con bú vì ngực mẹ luôn đầy sữa. Mẹ hay bị chảy sữa khi cho bé bú hoặc vào buổi sáng vì đây là thời điểm sữa dồi dào nhất.

Phải làm gì khi sữa mẹ chảy nhiều?
Nếu mẹ có nhiều sữa khi mới bắt đầu cho bé bú, để bé bú thường xuyên nhằm tạo thói quen tốt nhất cho cả mẹ và con. Một khi đã quen với “lịch trình”, cơ thể mẹ sẽ tự động tiết đúng lượng sữa vào mỗi lần cho bé bú.

Ngoài ra, mẹ nên cho bé bú trước khi ngực căng đầy sữa. Nếu nguồn sữa nhiều mà bé chưa muốn bú, mẹ có thể dùng bình hút sữa để ngực bớt căng và thoải mái hơn. Phần sữa đó sẽ được cất giữ để bé uống trong ngày.Khi mẹ không thể kiểm soát vì sữa chảy quá nhiều, thử dùng phương pháp sau: Nếu bé bú một bên và bên kia đang rỉ sữa, mẹ có thể đặt một tấm vải lót hay miếng đệm ở phía trong áo ngực để thấm hút lượng sữa bị chảy ra.

Nếu có việc cần ra ngoài, mẹ nên mang phòng hờ miếng đệm ngực hay vài lớp vải sạch. Không nên dùng những miếng đệm bằng nhựa và phải thay thường xuyên để tránh vi khuẩn xâm nhập vào ti mẹ.

Trong những tình huống bất ngờ như mẹ đang nói chuyện với đồng nghiệp về bé yêu và tự dưng cảm thấy bầu ngực đang tiết sữa, choàng tay qua ngực và ôm chặt bầu ngực của mình giống như khoanh tay trước ngực để cản một phần dòng sữa chảy đột ngột.

Cho bé bú: Làm gì khi chảy sữa nhiều?
Tình trạng chảy sữa nhiều thường chỉ kéo dài vài tuần đầu sau sinh nên mẹ đừng lo lắng quá nhé

Mẹ bị chảy sữa đến khi nào?
Trong khoảng vài tuần sau khi sinh bé, nhiều khả năng mẹ bị chảy sữa vì lúc này cơ thể đang hoạt động để cung cấp đủ sữa cho bé. Nhiều bà mẹ không còn tình trạng này sau khoảng 6-10 tuần cho bé bú.

Dù vậy, mẹ cũng nên biết rằng việc chảy sữa chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ luôn sẵn sàng để tiết sữa nuôi bé.

Mẹ tiếp tục cho bé bú được chứ?
Không có gì là không thể cả. Bé càng bú sữa mẹ nhiều, tình trạng chảy sữa sẽ càng giảm đi đáng kể. Mẹ cho bé bú thường xuyên cũng làm giảm khả năng bị tắc sữa khi nguồn sữa mẹ dồi dào.

Chảy sữa có ảnh hưởng đến bé không?
Ngực bị chảy sữa chẳng ảnh hưởng gì đến bé cả, nhưng bé yêu không thích điều này nếu sữa bắn thành tia làm bé bị sặc hay bị ọc sữa đâu nhé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Tháng thứ 11 của bé: Tuần 1

Tuần này, bé yêu có gì mới?
Bé 10 tháng tuổi chỉ mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản, vì vậy quan trọng hơn tại thời điểm này là thường xuyên nói chuyện với bé. Định hướng cho bé với những mẫu câu đúng bằng cách lặp lại cho bé những từ bé nói với ngôn ngữ của người lớn. Ví dụ, khi bé đòi một vật gì, nhẹ nhàng sửa phát âm của bé bằng cách hỏi lại: “Con muốn cái muỗng phải không?”.

Với các bé mới chỉ hơn 10 tháng tuổi, cố gắng tránh xu hướng dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé.

Mặc dù đôi khi bạn cảm thấy ngớ ngẩn, trò chuyện với bé là cách tuyệt vời để khuyến khích các kỹ năng ngôn ngữ của bé. Khi bé huyên thuyên một câu vô nghĩa, hãy đáp lại “Vậy à? Hay quá!”. Bé sẽ mỉm cười và tiếp tục trò chuyện.

Cuộc sống của mẹ: Tránh những chấn thương khi bế bé
Bé càng ngày càng lớn, việc bế bé sẽ càng vất vả hơn, phải sử dụng nhiều sức lực hơn và tiềm ẩn nguy cơ căng cơ lớn hơn. Tuy nhiên, bằng cách cẩn thận, bạn có thể giảm nguy cơ bị đau và chấn thương như sau:

  • Khi nâng bé lên, luôn khuỵu đầu gối hoặc ngồi xuống rồi lấy đà đứng lên, thay vì cúi gập người bế bé.
  • Để giữ bé đúng cách khi ngồi, hãy ngồi thẳng trong ghế thoải mái có tay vịn. Có thể dùng gối đỡ lưng.
  • Để đem bé theo khi di chuyển, sắm một chiếc địu sau lưng hoặc phía trước có thể phân phối đều cân nặng của bé và không làm căng cổ hoặc lưng của bạn và nên chọn loại rộng, có đệm ở quai đeo.
  • Để tránh đau cổ tay, thường xuyên đổi tay ôm, và dùng băng tay nếu bạn có xu hướng bị đau cổ tay hoặc từng bị chấn thương cổ tay.
  • Đây cũng là thời điểm tốt nhất để bạn luyện cơ lưng. Hãy thực hiện những bài tập căng cơ và tăng cường hàng ngày dành cho lưng.

    Sự phát triển của trẻ sơ sinh - Tháng thứ 11
    Đến tháng thứ 10, bé cưng đã khá nặng và mẹ cần chú ý nhiều hơn đến tư thế bế bé để tránh bị những chấn thương không đáng có

Khi bạn đau nhức, việc tắm nước ấm hoặc massage có thể giúp giảm đau. Nếu vẫn còn bị cơn đau nhức hành hạ, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không cần kê toa để xoa dịu.

Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì? Muốn chăm con nhàn hơn mẹ nên nắm rõ

Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì? Tháng tuổi này bé đã bắt đầu tập đi và tò mò, hiếu động hơn về thế giới xung quanh. Mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi và bận rộn vì phải luôn để mắt đến con cả ngày.Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì

Sự phát triển của bé 11 tháng tuổi

1. Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì?

Nếu bé vẫn chưa biết đi, chỉ trong thời gian ngắn nữa bé sẽ bước những bước đầu tiên. Thậm chí, nếu bé bắt đầu biết đi vào lúc 17 hoặc 18 tháng tuổi cũng hoàn toàn bình thường.

Bạn có thể khuyến khích bé tập đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé và đưa tay ra. Bạn có thể nắm cả hai tay bé và dẫn bé bước về phía bạn. Như những trẻ khác, bé sẽ bắt đầu những bước dài đầu tiên với cánh tay dang ra để giữ thăng bằng và khuỷu tay hơi cong. Bàn chân của bé sẽ quay ra ngoài và bụng ưỡn về phía trước trong khi mông nhô ra phía sau. Tất cả các hành động này cũng là để giữ thăng bằng.

Bạn luôn phải đảm bảo cho bé có một môi trường an toàn để thực hành những kỹ năng mới. Bạn chú ý an toàn cho bé và không bao giờ để bé một mình. Hãy giữ máy ảnh sẵn sàng vì đây là lúc bạn có thể lưu giữ những hình ảnh đáng yêu nhất.

Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì
Bé 1 tháng tuổi biết đi và khám phá mọi ngóc ngách trong nhà

2. Dinh dưỡng bé 11 tháng tuổi

Tháng này bé đã biết ăn nhiều loại thực phẩm hơn. Song sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cần đảm bảo cho bé bú đủ 3 cữ mỗi ngày.

Hầu như các bé tháng này đã không còn hứng thú với bột ăn dặm loãng và mịn nữa. Vì vậy mẹ nên nấu cháo rắn hơn, sao cho vẫn còn nguyên hạt cơm. Một số bé đã có thể ăn cơm nhão (cơm nát) với các thức ăn mềm như trứng sốt cà chua.

Thời kỳ này trẻ vẫn tiếp tục mọc những chiếc răng đầu tiên, vì vậy cơ thể con cần rất nhiều canxi cho quá trình mọc răng. Mẹ nên chú ý bổ sung canxi cho con đúng cách bằng các thực phẩm giàu canxi hoặc mẹ tự bổ sung canxi cho bản thân mình để lấy sữa cho con bú.

Các thực phẩm tốt cho bé thời kỳ này bao gồm:

  • Trứng
  • Các loại thịt: Bò, gà, heo, chim câu
  • Hải sản: Cá, tôm, cua, lươn
  • Các loại rau củ: Khoai tây, cà rốt, khoai lang, bí đỏ, cải thìa, súp lơ xanh, cải bó xôi, cải thảo, cải bắp, mồng tơi, rau dền, rau muống
  • Ngũ cốc
  • Trái cây: cam, quýt ngọt, táo đỏ, dưa hấu, nho

    Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì
    Thực phẩm của bé tháng này đa dạng hơn

Cuộc sống của mẹ: Cảm giác bất an về cách nuôi dạy con

Hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy bất an về cách nuôi nấng trẻ. Bạn cố gắng tin vào trực giác của mình, nhưng cũng nhớ là các kỹ năng và sự tự tin của bạn có được từ kinh nghiệm và học tập. Ai cũng mắc lỗi đôi lần và đó là cách chúng ta học hỏi.

Hỏi hoặc xem xét mọi thứ kỹ càng khi bạn không chắc phải làm thế nào. Dần dần, bạn sẽ thấy tự tin hơn về khả năng nhận biết những nhu cầu của bé và cách đáp ứng nhu cầu đó. Cảm giác lo lắng có thể sẽ không biến mất hoàn toàn nhưng đó cùng là một phần của tình phụ mẫu.

Một cách tuyệt vời để có được sự hỗ trợ và giảm nhẹ áp lực trở thành cha hoặc mẹ tốt đó là tham gia nhóm những người làm cha hoặc mẹ. Ở đó, bạn có thể tìm thấy những người có cùng mối quan tâm và lo lắng để chia sẻ cùng nhau.

[inline_article id=2605]

Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì thì bây giờ mẹ đã biết rồi đúng không? Marry Baby hy vọng các chia sẻ này sẽ giúp mẹ có thêm nhiều thông tin về bé lúc 11 tháng tuổi để chủ động hơn trong việc chăm sóc và dạy dỗ bé.

Marry Baby

Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi cần có, mẹ nên rèn sớm sẽ tốt cho con

4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi nên có, mẹ hãy cùng Marry Baby giúp bé phát triển tốt hơn từ việc rèn luyện các kỹ năng này nhé.4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi

Một em bé 11 tháng tuổi chập chững biết đi thích lang thang, phiêu lưu và luôn tò mò muốn tự mình khám phá mọi thứ. Chỉ cần chơi một vài khối hình, một chiếc ô tô đồ chơi hoặc một quả bóng là con đã có được niềm vui. Song Marry Baby khuyên các bậc cha mẹ nên chủ động quan tâm đến giai đoạn này bằng việc dành thời gian chất lượng cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng toàn diện và tâm hồn của con sẽ phong phú thêm mẹ nhé.

Sự phát triển của bé 11 tháng tuổi

  • Bé có thể cố gắng đứng dậy bằng cách đỡ đồ đạc xung quanh nhà và tự mình thực hiện một vài bước thận trọng
  • Bé thích nghịch dao kéo và cố gắng tự ăn hoặc nhâm nhi thức ăn từ cốc, bát
  • Con đã sẵn sàng khám phá các hương vị khác nhau vì giác quan của bé đã khá phát triển vào thời điểm này
  • Bé dễ nổi cáu
  • Bé học nói được các từ như mama, bà bà, ba ba

4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi nên có

1. Phối hợp tay và mắt

Trẻ con rất thích chơi với thức ăn, vì vậy mẹ có thể tranh thủ giờ ăn để dạy cho bé một số kỹ năng như phối hợp tay và mắt, nhận dạng đồ ăn. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, khả năng tập trung và khả năng vận động tốt hơn.

♦ Cách chơi

Lúc đầu, bạn có thể giúp bé xây tháp bằng các khối rau, củ và sau đó để bé đập xuống

4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi 2
Tranh thủ giờ ăn để dạy cho bé kỹ năng phối hợp tay và mắt

2. Kỹ năng thăng bằng

Trẻ mới biết đi ở độ tuổi này tràn đầy năng lượng và bé thích tung tăng trên giường. Vì vậy, rèn cho con giữ thăng bằng trên giường sẽ giúp trẻ xây dựng sức mạnh cơ thể, khả năng đi, đứng và tiêu tốn một phần năng lượng.

♦ Cách chơi

Giúp em bé đứng ở giữa giường và mẹ giữ bé. Sau đó, mẹ hãy nhấc bé lên rồi hạ bé xuống liên tục.

3. Kỹ năng nghe và bắt chước

Những bản nhạc, bài hát có thể trở thành công cụ hữu ích để dạy bé các kỹ năng quan trọng như khả năng ngôn ngữ, âm nhạc, kỹ năng vận động, nhịp điệu. Vì vậy mẹ nên cho bé nghe nhạc hoặc xem video nhạc thiếu nhi hàng ngày nhé.

♦ Cách chơi

Bật tivi hoặc máy tính những bài hát, múa thiếu nhi vui nhộn để bé học lắc lư theo.

4 ký năng bé 11 tháng tuổi
Cho bé nghe nhạc để trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn

4. Kỹ năng nhân biết và phối hợp tay và mắt thông qua màu sắc

Bé nào cũng rất hào hứng với các loại màu sắc rựng rỡ. Vì vậy, đừng sợ con sẽ bị bẩn hết quần áo, mẹ nên cho con thoải mái nghịch ngợm với hộp màu để trẻ phát triển các kỹ năng như nhận biết màu sắc cũng như kỹ năng phối hợp tay và mắt nhé.

♦ Cách chơi

Đưa cho bé một hộp chì màu hoặc các khay mực nhiều màu. Sau đó cho bé tô lên tờ giấy theo cách bé thích.

Cuộc sống của mẹ: Gợi ý nhỏ để tiết kiệm chi tiêu trong gia đình

Liệu các khoản chi cho thực phẩm có phải là chi phí sinh hoạt lớn nhất mỗi tháng của bạn? Đây cũng có thể là phần dễ dàng cắt giảm nhất vì chúng gồm khá nhiều khoản mục khác nhau.

1. Chọn thời điểm mua hàng để tiết kiệm chi tiêu

Cố gắng đi siêu thị khi chồng của bạn có thể giúp trông bé. Khi giảm bị chi phối và có nhiều thời gian hơn, bạn sẽ dễ dàng so sánh giá và hạn chế mua vội vàng hoặc bốc đồng.

4 kỹ năng bé 11 tháng tuổi
Mẹ nên canh các đợt giảm giá để mua sắm giúp tiết kiệm chi tiêu

2. Cách mua hàng giúp tiết kiệm chi tiêu

Rất hữu ích nếu bạn chú ý đến cách mua hàng. Luôn nhớ mang theo thẻ giảm giá và danh sách mua hàng cụ thể. Nắm danh sách những thực phẩm gia đình bạn thường xuyên sử dụng và tích trữ chúng khi có giảm giá. Phiếu mua hàng cũng giúp giảm chi phí.

3. Chọn những món hàng giúp tiết kiệm chi tiêu

Hạn chế những thức ăn chế biến sẵn và những loại thực phẩm tiện dụng. Nên tăng cường những bữa ăn với thực phẩm tươi sống để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

4. Chọn nơi mua hàng giúp tiết kiệm chi tiêu

Cân nhắc lại xem cửa hàng gần nhà có phải có giá thấp nhất hay đơn giản chỉ là nơi thuận tiện nhất? Những nhà buôn lớn có thể đưa ra giá tốt hơn cho một số mặt hàng. Chợ cũng có thể là lựa chọn tốt cho những mặt hàng theo mùa.

[inline_article id=2604]

Marry Baby mong rằng mẹ sẽ kiên trì rèn luyện 4 kỹ năng 11 tháng tuổi nên có kể trên để giúp con phát triển tốt hơn nhé.

Marry Baby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Giải mã ngôn ngữ cơ thể bé yêu

1. Khi bé quay mặt đi: bé sẽ quay đầu đi khi chúng cảm thấy chán hay bắt đầu không thoải mái hay quan tâm đến điều đó nữa. Khi bạn thấy bé làm như vậy, nó có nghĩa rằng đã đến thời điểm nên làm điều gì đó khác hơn so với hiện tại.

2. Bé mút ngón tay: ở trẻ nhỏ thì mút tay là phản xạ được hình thành từ hành động bú mẹ. Thường khi cho bé bú, người mẹ sẽ ẵm bé vào lòng và vỗ về  nên nếu bạn thấy bé có cử chỉ này thì nó có nghĩa là bé muốn được mẹ quan tâm, hãy ôm bé vào lòng để bé cảm thấy mình được yêu thương.

3. Bé dụi dụi hoặc che mắt lại: Với cử chỉ này thì thông điệp của bé là muốn bạn chơi bé giống như trò chơi “ú òa”, hãy cùng tham gia trò chơi này cùng với bé. Đồng thời cử chỉ này cũng là cách mà bé muốn nói với bạn rằng “con buồn ngủ rồi”, bạn có thể hát ru hoặc vỗ nhẹ để  giúp bé nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Giải mã ngôn ngữ cơ thể bé yêu
Giải mã ngôn ngữ cơ thể bé yêu

4. Khi bé hướng đầu sang nhìn bạn cười, mắt mở to, cơ thể ngọ ngậy thì có thể bé muốn nói rằng bé muốn được nói chuyện với mẹ. Hãy đến gần và trò chuyện với bé.

5. Khi bé uốn cong lưng và có thể kèm theo tay chân khua khua, điều này thể hiện bé đang rất khó chịu và bực bội. Bạn nên đến vỗ về bé, tuy nhiên nếu bé vẫn tiếp tục có biểu hiện như vậy thì bạn nên kiểm tra lại xem tã lót có bị ướt, chỗ bé nằm có êm ái… Nếu không phát hiện có gì bất thường mà bé vẫn như vậy thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra xem có điều gì bất thường không vì khi bé uốn cong lưng là cử chỉ để bé ám chỉ bé không ổn.

6. Khi bé đá chân lên: điều đó có nghĩa là có điều gì đấy làm bé thích thú hay mới khám phá một điều thú vị, giống như khi bé thấy nước xịt ra từ vòi nước và thích thú với điều này, bé sẽ đá chân lên. Đó là cách mà bé nói “woaaa” với bạn.

7. Ngoài ra, nếu bạn thấy mắt bé mở mắt và cơ thể của bé chuyển động lanh lợi, điều này có nghĩa bé muốn chơi đùa. Còn khi thấy bé không chú ý đến điều gì nữa và bé ngáp thì đây là thời điểm phù hợp để bạn đặt bé vào không gian yên tĩnh vì bé của bạn cần nghỉ ngơi.

8. Nếu bé khóc, miệng căng và vặn vẹo người, các ngón chân, ngón tay cuộn lại, chân và bụng ưỡn ra thì đây là dấu hiện bé bị đau. Sau khi xoa nhẹ, dỗ dành bé mà tình trạng vẫn không cải thiện, bạn nên đưa bé đến bác sĩ ngay để kiểm tra

Chúc các gia đình hiểu “những điều không cần nói bằng lời” và chăm sóc bé tốt bé yêu.

Chu Toàn

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 1 tuổi

Mẹ cần lưu tâm vấn đề sức khỏe nào của bé giai đoạn 1 tuổi?

Trong lần khám sức khỏe định kỳ cho bé 1 tuổi, bác sĩ có thể kiểm tra những vấn đề sau:

  • Cân nặng và số đo của con bạn để chắc rằng bé đang phát triển khỏe mạnh, tốc độ phát triển đều đặn.
  • Kiểm tra nhịp tim và hô hấp của bé.
  • Kiểm tra các biểu hiện mắt và tai của bé.
  • Số đo kích cỡ đầu của bé để đánh dấu sự phát triển của não bé.
  • Chích ngừa miễn dịch tổng thể cho bé. Một số loại vắc-xin nên chích ngừa cho bé: chủng ngừa viêm gan B mũi 4, viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2; ngừa thủy đậu (varicella), ngừa sốt bại liệt (nếu bé chưa chích mũi thứ 3), vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR (ngừa bệnh sởi, quai bị và sốt phát ban rubella).
  • Tư vấn về các loại vitamin cần hay nên bổ sung cho bé.
  • Đề cập đến những vấn đề sức khỏe của bé giai đoạn 12 tháng tuổi như điều trị cảm lạnh, ho, xử lý những tổn thương nhỏ như vết cắt tay, va chạm và té ngã.
  • Trao đổi, theo dõi sự phát triển của bé, tính cách và biểu hiện của bé, tư vấn cho mẹ những điều nên, không nên rèn luyện bé.
  • Thực hiện xét nghiệm máu để phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
  • Đánh giá nguy cơ bé có thể nhiễm chì trong máu và tiến hành xét nghiệm tầm soát nếu cần thiết.
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 1 tuổi
Nếu bé 1 tuổi của bạn bị khó chịu khi mọc răng, nhờ bác sĩ tư vấn cách xoa dịu bé trong lần khám sức khỏe định kỳ sắp tới

Chuẩn bị cho những câu hỏi của bác sĩ trước khi khám sức khỏe định kỳ

  • Bé ngủ thế nào? Bé một tuổi có thể thường thức dậy vào ban đêm. Bé nhớ thời gian vui vẻ cùng chơi với mọi người vào ban ngày nên bé sẽ khó ngủ lại. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích nếu được cung cấp những thông tin như bé thường ngủ bao lâu và ngủ khi nào. Đa số các bé một tuổi ngủ ít hơn 11 tiếng vào buổi tối và cả ngày chỉ ngủ gần 3 tiếng.
  • Bé ăn như thế nào? Bé một tuổi đã có thể tự ăn và tự uống sữa. Đa số các bé giai đoạn 1 tuổi đạt trọng lượng gấp 3 lần khi mới sinh. Cũng không nên quá lo lắng nếu bé vượt quá hay chưa đạt mốc này.
  • Bé đã mọc mấy cái răng? Bé một tuổi thường đã mọc khoảng 8 cái răng nhưng có bé lại chưa có cái nào. Bé có thể bị đau và sưng nướu khi răng mọc. Khi đi khám sức khỏe định kỳ, nhờ bác sĩ tư vấn cách làm dịu cơn đau cho bé. Ngay khi răng nhú lên, vệ sinh răng cho bé một lần mỗi ngày.
  • Những kỹ năng vận động của bé phát triển thế nào?
    Kỹ năng vận động tinh: Bé một tuổi thích chỉ đồ vật và có thể dùng hai tay để chơi với chúng. Nếu con bạn không dùng được hai tay như nhau, hãy lưu ý với bác sĩ.
    Kỹ năng vận động thô: Bé đã có thể đứng bám? Đứng chựng hay lẫm chẫm bước đi? Giai đoạn này các bé đã có thể xoay xở và đứng một mình. Bé thậm chí có thể đi được những bước đầu tiên. Nếu không, bạn cũng đừng quá lo lắng vì có nhiều bé đến 14, 15 tháng tuổi vẫn chưa đi được. Nếu chân bé không chịu được trọng lượng cơ thể, hãy lưu ý với bác sĩ. Hơn nữa, ngoài việc đứng bám, đứng chựng và tự đứng, bé cũng có thể bò hay thực hiện vài động tác khác. Nếu bé chưa biểu hiện kỹ năng nào nói trên, hãy cho bác sĩ biết.
  • Bé bắt đầu chỉ đồ vật để lôi kéo sự chú ý? Từ 9 đến 12 tháng, bé bắt đầu chỉ vào những thứ để gây sự chú ý như chó và đồ chơi. Đó là cách giao tiếp không lời với bạn và là bước quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ.
  • Bé đã có thể nói những gì? Bé hầu như có thể bập bẹ một vài âm tiết nghe giống từ có nghĩa. Bé thậm chí còn có thể nói được “mẹ” hay “bà” và có thể nói vài từ khác. Đồng thời, nói cho bác sĩ biết con bạn đã hiểu được những gì. Hiện bé đã có thể phản ứng lại khi nghe ai gọi tên bé hay một vài từ thường được nghe khác. Nếu bé không nói được từ nào hoặc không nói được như trước, hãy nói với bác sĩ.
  • Những kỹ năng xã hội của bé phát triển thế nào? Bé một tuổi thích chơi trò chơi ú òa hay trò đập tay. Con bạn sẽ bắt chước hành động hàng ngày như lau nhà, chải tóc và tò mò đủ mọi thứ. Bé sẽ tìm kiếm sự tương tác với những người thân nhưng có thể lo lắng hoặc khóc quấy khi bị tách khỏi bạn hay có nhiều người lạ xung quanh.
  • Bạn có lưu ý bất kỳ điểm bất thường nào về mắt hay cách bé nhìn mọi vật? Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra cấu trúc, sự liên kết của mắt và khả năng dịch chuyển đúng của mắt trẻ.
  • Thính giác của bé như thế nào? Nếu bé không hướng theo các âm thanh, hãy nói với bác sĩ. Càng phát hiện sớm các bất thường về khả năng nghe của bé, vấn đề này càng sớm có phương án điều trị và được xử lý tốt hơn.

Bạn có thể tải mẫu câu hỏi tại đây.

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 6 tháng tuổi

Mẹ cần lưu tâm vấn đề sức khỏe nào của bé giai đoạn 6 tháng tuổi?
Trong lần khám sức khỏe định kỳ cho bé 6 tháng tuổi, bác sĩ có thể kiểm tra những vấn đề sau:

  • Cân nặng và số đo của con bạn để chắc rằng bé đang phát triển khỏe mạnh, tốc độ phát triển đều đặn. Nếu một trong những chỉ số đó thay đổi một chút, đừng lo lắng, bé chỉ đang dần ổn định theo nhịp phát triển riêng.
  • Kiểm tra nhịp tim và hô hấp của bé.
  • Kiểm tra các biểu hiện mắt và tai của bé.
  • Số đo kích cỡ đầu để đánh dấu sự phát triển của não bé.
  • Chích ngừa mũi miễn dịch tổng thể tiếp theo cho bé (một số loại vắc-xin nên chích ngừa cho bé: chủng ngừa bệnh sởi, bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; viêm màng não mủ, viêm phổi… do Hib). Cũng đã đến lúc cho bé uống vắc-xin ngừa cúm nếu đang là mùa cảm cúm.
  • Đề cập đến bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả cách làm sao để xử lý cảm lạnh và tiêu chảy nhẹ.
  • Thảo luận về những vấn đề an toàn cho bé trong giai đoạn này trước khi bé biết bò, và kiểm soát những chất độc hại gần tầm tay của bé.
  • Tìm hiểu sự phát triển của bé, tính khí và biểu hiện của bé.
  • Lên kế hoạch tập cho bé thói quen ngủ suốt đêm.
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 6 tháng tuổii
Trong lần khám sức khỏe định kỳ khi bé 6 tháng tuổi, bác sĩ sẽ muốn biết về khả năng vận động của con bạn

Chuẩn bị cho những câu hỏi của bác sĩ trước khi khám sức khỏe định kỳ:

  • Giấc ngủ của bé như thế nào? Ở tháng tuổi thứ 6, con bạn hầu như sẽ ngủ khoảng 14 đến 15 tiếng mỗi ngày.
  • Bé đã sẵn sàng ăn dặm? Từ 4 đến 6 tháng tuổi là giai đoạn nên tập cho bé ăn dặm. Ngũ cốc mềm là thức ăn dặm bước đầu cho bé. Bác sĩ có thể gợi ý cho bạn cách bắt đầu cho bé tập ăn dặm. Đề cập đến bất kỳ biểu hiện dị ứng thực phẩm nào mà thành viên trong gia đình bạn đã gặp phải. Ngoài ra, nếu bạn đang tập cho bé ăn dặm mà bé không chịu ăn hoặc thường đùn thức ăn ra, nên trao đổi với bác sĩ.
  • Vấn đề tiêu hóa của bé thế nào? Khi con bạn bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa của bé sẽ phải hoạt động nhiều hơn và phân sẽ nặng mùi hơn. Tổng thể, phân của bé cũng vẫn khá mềm. Phân khô hay vón cục là dấu hiệu của mất nước hoặc táo bón. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn lưu ý lại vấn đề này.
  • Bé có thể lật mình hoặc ngồi vững? Vào tháng tuổi thứ 6, nhiều bé đã có thể lật cả hai chiều (từ nằm sấp chuyển sang nằm ngửa và ngược lại). Bé cũng đã có thể ngồi vững mà không cần ai phải giữ, mặc dù một số bé cần thêm chút thời gian để thành thục kỹ năng này. Nếu con bạn chưa biết cách lật dù chỉ theo một chiều, hãy nói với bác sĩ.
  • Bé đã bắt đầu mọc răng chưa? Một số bé bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên sớm nhất vào tháng thứ 6, thậm chí còn sớm hơn. Khi răng bắt đầu nhú lên, bé có thể bị đau hoặc sốt do sưng nướu. Bác sĩ có thể sẽ đề xuất cho bạn cách làm dịu nướu bé. Khi thấy được chiếc răng đầu tiên nhú lên, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên cho bé uống nước có chứa fluor để bảo vệ răng cho bé.
  • Những âm thanh đáng yêu của bé? Quá trình phát triển khả năng ngôn ngữ của bé bao gồm các tiếng bập bẹ, tiếng hò hét, và thậm chí cả tiếng cười, bắt chước, và ho. Bé cũng đã có thể bập bẹ những âm tiết như “ba”, “da”, hoặc “ma”. Nếu bé không phát triển thêm kỹ năng ngôn ngữ, hoặc không nói như trước, lưu ý với bác sĩ.
  • Bé có hứng thú với thế giới xung quanh? Cho đến giờ, bé đã thuần thục với những hoạt động “khám phá thế giới”, đưa mọi vật vào miệng ngậm hoặc đạp xuống sàn, tháo rời hoặc quăng ném các vật. Lưu ý với bác sĩ nếu bé trông có vẻ không mấy hứng thú với đồ chơi hoặc những thứ xung quanh.
  • Các kỹ năng vận động của bé phát triển như thế nào?
  • Kỹ năng vận động tinh: Bé có thể sẽ với tay và chộp lấy các vật. Bé cũng có thể sẽ sử dụng tay “quờ qua quờ lại” những gì đang hướng về phía bé và chuyển các vật từ tay này qua tay kia.
  • Kỹ năng vận động thô: Bé đã có thể dùng sức đôi chân để đứng lên khi bạn kéo bé đứng dậy. Đôi chân hơi cong và bước những bước vòng quanh, thay vì bước thẳng, là dấu hiệu bình thường ở tuổi này. Nếu bé di chuyển thiên về một chân, dường như nghiêng về một bên khi bé di chuyển, hoặc có khuynh hướng chỉ dùng một tay, hãy nói cho bác sĩ biết.
  • Bạn có lưu ý bất kỳ điểm bất thường nào về mắt hay cách bé nhìn mọi vật? Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra cấu trúc, sự liên kết của mắt và khả năng dịch chuyển đúng của mắt trẻ. 6 tháng tuổi, bé đã có thể kiểm soát chuyển động của mắt và không nên để bé nhìn xéo quá lâu.
  • Thính giác của bé như thế nào? Nếu bé không hướng về phía các âm thanh, hãy đề cập với bác sĩ. Càng phát hiện sớm các bất thường về khả năng nghe của bé, vấn đề này càng sớm có phương án điều trị và được xử lý tốt hơn.

Kỹ năng vận động tinh và vận động thô là gì?
Kỹ năng vận động được chia làm hai nhóm, kỹ năng vận động tinh và kỹ năng vận động thô:
Kỹ năng vận động thô (gross motor skills): Là sự phát triển và phối hợp của các nhóm cơ lớn của cơ thể trẻ, bao gồm khả năng lăn, bò trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo… Trẻ phát triển kỹ năng vận động thô trước kỹ năng vận động tinh.
Kỹ năng vận động tinh (fine motor skills): Là khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay như cầm nắm đồ chơi, xoay, vặn, siết… Kỹ năng vận động tinh là cơ sở để trẻ phát triển khả năng nghệ thuật của đôi tay sau này.

Bạn có thể tải mẫu câu hỏi tại đây