Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Những trạng thái cảm xúc

Các bé 2 tuổi luôn bộc lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên và bộc phát, từ giọng nói, vung tay, giậm chân và kể cả những giọt “nước mắt cá sấu”.

Cha mẹ hiếm khi phải đoán trạng thái cảm xúc của bé 2 tuổi. Việc trải qua nhiều loại cảm xúc khác nhau là một điều lành mạnh, thậm chí kể cả những cảm xúc không vui. Vì vậy, bạn không cần tỏ ra quá sốt sắng để vỗ về khi thấy trẻ phụng phịu hay sụt sịt.

Nên để cho con của bạn biết rằng đôi khi không thoải mái cũng là một điều tốt vì nó là một phần của cuộc sống. Nếu lúc đó nhảy ngay vào để can thiệp, bạn sẽ khiến trẻ suy nghĩ sai lầm rằng: Buồn và giận dỗi là trạng thái không bình thường.

Khi bạn giải quyết mọi vấn đề giùm con của bạn cũng đồng nghĩa với việc bạn đang cướp đi cơ hội giúp bé trải nghiệm các thể loại cảm xúc của riêng mình.

Những trạng thái cảm xúc ở bé 2 tuổi
Đối với bé 2 tuổi, việc trải nghiệm các cảm xúc khác nhau, cả vui lẫn buồn, là cơ hội cho bé học hỏi

Mẹ nên làm gì lúc này?
Nói cho trẻ biết về trạng thái hiện tại của trẻ, ví dụ: “Giờ con đang nổi giận với mẹ vì hôm nay mẹ không cho con đi chơi công viên”.
Để cho trẻ biết bạn cũng có những cảm xúc tương tự: “Con cảm thấy buồn khi tạm biệt bà ngoại, mẹ cũng vậy”.

Nếu con của bạn hét lên hoặc đánh đấm lung tung khi bé buồn hoặc tức giận, chỉ cho bé cách để giải tỏa cảm xúc của mình như đấm vào một cái gối hoặc giậm chân xuống sàn.

Cuộc sống của mẹ
Có lúc bạn thấy như mình là nhân vật chính của quyển tiểu thuyết “hai năm kinh hoàng”. Thật ra đây đã là năm thứ hai của chặng đường đầy thử thách này và những ngày tháng sắp tới có phần yên bình hơn đôi chút với nhiều niềm vui đang chờ đón.

Bé 2 tuổi đã có thể di chuyển tự tin hơn và cần ít sự coi sóc hơn. Trẻ cũng biết cách thể hiện những mong muốn của mình tốt hơn so với trước đây, dù chưa diễn đạt được trọn vẹn.

Đồng thời, sự tò mò vô biên của trẻ được cân bằng chút ít bởi việc hiểu được những quy tắc. 2 tuổi là lứa tuổi luôn thách thức những ranh giới và phản đối với cha mẹ, nhưng trẻ cũng mong muốn làm hài lòng bạn nhiều hơn.

Trẻ luôn muốn trở thành đứa trẻ tốt và trẻ muốn được giúp đỡ, vì vậy, thói quen và tính nhất quán trong câu nói của bạn giúp trẻ học được sự xâu chuỗi và giữ cho cuộc sống hàng ngày phát triển theo đúng quy luật.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ

Ở tuổi này, vốn từ của trẻ đang trên đà phát triển nhanh chóng. Bé 2 tuổi biết khoảng 50 đến 75 từ và bắt đầu biết xâu chuỗi lại với nhau thành cụm từ và câu.

Các bé 2 tuổi thường dùng những cấu trúc đơn giản chỉ gồm 2 từ: danh từ và động từ như “Con ngủ”, “Uống sữa”. Qua thời gian, trẻ sẽ bắt đầu thể hiện mình bằng những câu dài hơn. Nếu con bạn thường dùng ít hơn 20 từ, hoặc có biểu hiện chậm hơn bạn bè trong việc phát triển ngôn ngữ, bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra thính giác.

Những câu đầu tiên trẻ nói thường ngắn và thường dùng để nhấn mạnh như: “Mẹ giúp con”, “Ba chơi bóng”. Trước tuổi đi học, trẻ có xu hướng lặp lại những từ trẻ thường nghe thấy như “Tạm biệt” hoặc “Hết rồi!!!”, vì vậy bạn nên cẩn thận khi nói chuyện trước mặt bé nhé.

Bé 2 tuổi: Phát triển ngôn ngữ
Nếu được quan tâm phát triển đúng đắn từ những năm đầu đời, khả năng ngôn ngữ của bé 2 tuổi sẽ bộc lộ rõ khi bé đến tuổi đi học

Làm gì để khuyến khích bé 2 tuổi nói câu hoàn chỉnh?
– Nên mở rộng cụm từ trong câu trả lời của bạn dựa trên những từ chính trẻ vừa nói, ví dụ: “Con muốn mẹ giúp con mang vớ phải không?”, “Được rồi, ba sẽ chơi bóng với con nhé”.
– Không nên chỉnh ngữ pháp của trẻ vì vẫn còn quá sớm để chỉ ra lỗi ở thời điểm này, bạn chỉ nên tình cờ lặp lại câu trẻ vừa nói và dùng đúng từ.
– Không nên nhấn mạnh và bắt trẻ lặp lại một câu đầy đủ như: “Con hãy nói: Mẹ giúp con mang vớ”, điều này chỉ khiến bé con thất vọng và phá vỡ sự phát triển bình thường của trẻ.
– Thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe bằng cách tương tác, hỏi trẻ những gì trẻ thấy trong sách hoặc đố trẻ những gì sẽ xảy ra tiếp theo để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Cuộc sống của mẹ
Có lẽ bạn không phải là người mẹ đầu tiên cảm thấy sự bề bộn đang tràn ngập trong tổ ấm của mình, thậm chí tăng lên theo thời gian khi bé con lớn dần.

Các bé 2 tuổi không chỉ luôn nằng nặc đòi mua thêm thật nhiều đồ chơi mới mà còn là những đồ chơi đi theo bộ hoặc “phức tạp” hơn như đồ chơi xếp hình lego, xếp hình ro bot, mô hình xe hơi… mà trẻ có thể tháo rời, lắp ghép và tha hồ khám phá.

Bạn nên thử bỏ từng loại đồ chơi vào một hộp đựng riêng, để tiết kiệm có thể tận dụng lại những hộp đựng khăn giấy ướt của bé. Thêm vào đó, bạn thử ra quy định là trẻ chỉ được chơi 1 hoặc 2 loại đồ chơi cùng lúc. Điều này giữ cho trẻ sự hào hứng và lâu chán đồ chơi mới, đồng thời sàn nhà của mẹ cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 27: Bé thích cắn bạn

Bé 2 tuổi thích cắn bạn
Một số bé 2 tuổi thường hay cắn khi bé giận dỗi hoặc cảm thấy bị đe dọa, bởi vì bé không biết cách bày tỏ cảm xúc của mình và việc bày tỏ thông qua hành động sẽ mạnh hơn là dùng lời nói, bằng cách… cắn!

Không vì thế mà bạn chấp nhận cho hành động ấy của bé nhé. Hơn ai hết, bạn cần cho con biết đây không phải là thói quen tốt và cần phải bỏ ngay. Nên tỏ ra bình tĩnh và nghiêm nghị khi nói với bé: “Con không được cắn vì như thế sẽ làm người khác đau”. Sau đó bạn hãy quay sang trẻ bị bé cắn và xoa dịu. Việc làm rối lên và quá kích động sẽ chỉ âm thầm khích lệ bé tiếp diễn tình trạng này vào một lần khác.

Bạn có thể tỏ ra đồng cảm với bé nhưng vẫn lặp lại nguyên tắc cư xử đúng đắn cho bé biết: “Mẹ biết con bực bội vì bạn lấy đồ chơi của con, nhưng con không được phép cắn bạn. Nếu giận, con có thể dùng lời nói cho bạn biết hoặc nói với mẹ”.

Đôi khi “căn bệnh thích cắn” của một đứa bé 2 tuổi được ví như một bệnh dịch bắt nguồn từ môi trường những người chăm sóc bé hàng ngày như mẫu giáo hay sân chơi. Điều này xảy ra bởi các bé 2 tuổi rất thích quan sát và học hỏi hành vi ứng xử được tạo ra bởi những người xung quanh bé, đặc biệt là người lớn. Chính vì vậy, bạn càng cần bình tĩnh hơn khi xử lý tình huống này để làm gương cho bé.

Cuộc sống của mẹ: Để bé ngồi yên dễ hay khó
Bé con hiếu động của bạn liệu có thể ngồi yên trong bao lâu? Chắc chắn là ngắn hơn nhiều so với một buổi lễ nhà thờ, họp dân phố, một bài phát biểu hay buổi lễ kỷ niệm nào đó.

bé 2 tuổi thích cắn bạn
Thật khó để bắt một đứa bé 2 tuổi ngồi yên ngoan ngoãn như thế này

Trẻ 2 tuổi ưa bốc đồng và hay ngọ nguậy, bé vẫn chưa định hình đâu là cách ứng xử phù hợp trong những tình huống như thế này. Khoảng thời gian tập trung thông thường của bé là từ 3 đến 5 phút, tương ứng với mỗi năm tuổi đời của trẻ.

Khi dự một cuộc họp trang trọng nào đó mà bạn phải dắt bé theo cùng, chắc chắn rằng bạn có mang theo những trò chơi tiêu khiển nhẹ nhàng cho bé như cuốn truyện, bút chì màu, gấu bông hay những món đồ chơi yêu thích của bé, bánh kẹo cũng là một cách hay.

Bạn cũng nên chọn ngồi ở những nơi nào đó trong hội trường để có thể dễ dàng lánh ra ngoài khi bé phát sinh sự cố nào đó mà không gây sự chú ý cho mọi người.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 13: Tuần 1

Những bước đi đầu tiên của bé 1 tuổi

Rất nhiều bé tập đi trong khoảng 9 đến 12 tháng tuổi và có thể đi vững vào lúc 14 hoặc 15 tháng. Bạn đừng lo lắng nếu bé 1 tuổi của bạn vẫn chưa chịu đi. Điều này là rất bình thường.

Khuyến khích trẻ 1 tuổi tập đi bằng cách tạo nhiều cơ hội để bé tự di chuyển mà không có sự hỗ trợ như:

  • Không nên thường xuyên bồng ẵm bé đi lại nữa mà để bé tự tìm đến nơi bé cần.
  • Sắp xếp đồ đạc để bé có chỗ vịn tay an toàn và thuận tiện dọc đường đi.
  • Bỏ tất cả những vật gây nguy hiểm bé có thể nắm phải như khăn trải bàn dạng rủ hoặc ổ cắm điện.
  • Nếu bé đang cố tập bước đi, bé sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có thể nắm lấy ngón tay bạn hoặc được bạn nắm tay dẫn đi từ phía sau bé.
  • Đồ chơi thú đẩy cũng giúp bé tập đi, vì vậy bạn nên chọn loại có đế rộng và chắc chắn.

Khi bé bắt đầu tập đi, nhiều cha mẹ có khuynh hướng mua xe tập đi và giày đi trong nhà cho bé, nhưng 2 món đồ này thật sự không cần thiết vì xe tập đi không an toàn và giày sẽ khiến bé dễ bị trượt chân hơn. Chân trần hoặc tất có thể giúp bé tập giữ thăng bằng và di chuyển tốt hơn. Khi đi ra ngoài đường, phải mang giày cho bé, vì giày sẽ bảo vệ chân bé an toàn.

Sự phát triển của trẻ 1 tuổi
Để bé tập đi bằng cách dắt tay sẽ giúp củng cố các cơ bắp và giúp bé bước đi vững chãi hơn

Sổ tay bí quyết cho mẹ

Chúng ta có nhiều bạn bè có con trong độ tuổi mới sinh đến 3 tuổi, hãy chia sẻ quần áo, vật dụng với nhau. Mọi người có thể chọn ra những thứ họ cần. Khi con lớn lên, những vật dụng, quần áo còn sử dụng được sẽ tiếp tục chia sẻ cho những gia đình có con mới ra đời.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 3 tuổi rưỡi: Suy nghĩ kỳ diệu

Trí tưởng tượng bay bổng của bé 3 tuổi rưỡi
Để học cách phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng là một quá trình lâu dài. Trong năm nay, con đang trải qua một cột mốc rất thú vị. Theo các chuyên gia về phát triển tâm lý của trẻ, các bé 3 tuổi rưỡi vẫn đang thực hành tư duy theo lối “suy nghĩ kỳ diệu”. Bé có thể gắn nhiều đặc tính “kỳ diệu” cho những đồ vật hay người xung quanh và những điều vô lý ấy lại rất “hợp lý” dưới góc nhìn của con trẻ.

Bé có thể tha hồ tưởng tượng rằng những lá thư sẽ bí mật mọc cánh và bay tới tay ông bà ngay sau khi bỏ vào thùng, con cọp đang ẩn náu trong lùm cây, những chú chim kia có thể biết nói và thực sự có ai đó đang sống trên mặt trăng. Đôi khi những điều người lớn nói được trẻ hiểu theo nghĩa đen bởi vì những nghĩa đó có vẻ đúng đối với bé, ví dụ như: “Con muỗi đang đốt con kìa”.

Mặt khác, giai đoạn này bé cũng sẽ dần dần nhận ra những gì tưởng tượng có lẽ là không có thực, máy bay đồ chơi không thực sự bay được hay những vật sặc sỡ sinh động kia không phải sống bên trong màn hình tivi.

Quá trình này có thể phải mất vài năm, vì ngay cả đứa trẻ tám tuổi vẫn tin trên đời có cô tiên và ông bụt. Tuy nhiên, một chút lòng tin vào những điều kỳ diệu ngay cả khi đã trưởng thành vẫn rất tuyệt phải không nào.

Bé 3 tuổi rưỡi: Suy nghĩ kỳ diệu
Đừng ngạc nhiên khi thấy trí tưởng tượng của bé là vô hạn

Cuộc sống của mẹ: Khi bé biếng ăn
Có phải không khí bữa ăn lúc nào cũng rất căng thẳng vì bé không chịu ngồi vào bàn ăn? Các chuyên gia khuyên rằng không nên ép buộc bé ăn những món mà bé không thích. Thực phẩm nên là nguồn vui và nguồn dưỡng chất chứ không phải là sự đấu tranh và là cuộc chiến mỗi khi bé ngồi vào bàn.

Việc ép buộc bé ăn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hay mất cân đối về cân nặng sau này. Chỉ nên cho bé ăn khi tới đúng bữa, nếu thấy đói bé sẽ ăn và nếu không đói thì không cần ép buộc. Đối với trẻ kén ăn, bạn không nên tạo thói quen phải chuẩn bị một chế độ ăn đặc biệt cho bé. Nếu trẻ vẫn không chịu ăn thì đừng phạt, bạn nên dẹp thức ăn và chờ đến bữa tiếp theo.