Bước chuyển giao từ một bé gái thành thiếu nữ diễn ra với tốc độ mạnh mẽ có thể làm trẻ gần như “lột xác” trong một thời gian ngắn. Bé phổng phao, cao lớn, các vòng nảy nở, vùng kín con gái mới lớn dần hoàn thiện để hỗ trợ chức năng sinh sản.
Nhưng bên trong bé gái vẫn là tâm hồn non nớt, đôi khi chưa theo kịp nhịp phát triển. Chính vì thế, mẹ phải là người dìu dắt để con phát triển đúng hướng, vượt qua những e ngại của tuổi dậy thì, biết chăm sóc bản thân, biết bảo vệ mình trước những cám dỗ bên ngoài xã hội.
Đặc biệt, trong số những điều con gái cần biết, các bé gái cần được mẹ hướng dẫn chăm sóc vùng kín con gái mới lớn đúng cách. Bởi đây là “cửa ngõ” đặc biệt nhạy cảm lại thường xuyên ẩm ướt, nếu không biết cách chăm sóc, bé sẽ dễ bị viêm nhiễm phụ khoa như nhiễm nấm âm đạo, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… Tình trạng viêm nhiễm kéo dài nếu không kịp thời chữa trị có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư phụ khoa, hiếm muộn…
[inline_article id=255115]
Sau đây là những điều cơ bản mẹ cần dạy bé gái về vùng kín con gái mới lớn.
Những thay đổi ở vùng kín con gái mới lớn
Nếu được mẹ cho biết từ sớm những thay đổi ở vùng kín con gái mới lớn, bé gái sẽ bớt cảm thấy bỡ ngỡ, hoang mang khi bước vào tuổi dậy thì nữ.
– Lông mu sẽ mọc nhiều xung quanh âm đạo.
– Sự phát triển của tuyến mồ hôi và các tuyến bã nhờn sẽ làm cơ thể nặng mùi hơn, đặc biệt là ở vùng tam giác.
– Nếu thấy dịch tiết âm đạo xuất hiện là bé gái sẽ chuẩn bị có kinh sau đó khoảng 6 tháng đến 1 năm. Dịch tiết thường có màu trắng, trong, gần như không mùi.
– Có sự thay đổi rõ rệt về hình dạng, kích thước ở cơ quan sinh dục bên ngoài như môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo…
– Buồng trứng bắt đầu “thức dậy” và bài tiết hormone sinh dục nữ progesteron.
– Khi xuất hiện kinh nguyệt là lúc bé có thể mang thai nếu quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai.
Cách chăm sóc vùng kín con gái mới lớn
– Không mặc quần áo bó sát, quần lọt khe. Vùng kín bị hầm hơi, bí bách là môi trường để vi khuẩn, nấm men sinh sôi gây bệnh phụ khoa.
– Sử dụng quần lót bằng chất liệu cotton thông thoáng. Quần áo nên được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để tránh vi khuẩn tích tụ, gây viêm nhiễm vùng kín.
– Không thức khuya vì thức khuya sẽ gây suy giảm hệ miễn dịch và rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ mắc bệnh vùng kín.
– Uống nhiều nước và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất từ chế độ ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa viêm nhiễm.
– Cách rửa vùng kín đúng cách:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ ít nhất 2 lần mỗi ngày sáng và tối bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không gây kích ứng, có độ pH phù hợp. Tránh dùng xà bông tắm, sữa tắm, dầu gội để vệ sinh vùng kín.
- Không thụt rửa sâu âm đạo.
- Nếu dùng giấy vệ sinh lau khô sau mỗi lần đi vệ sinh thì nên sử dụng loại không màu, không mùi để tránh gây kích ứng vùng kín con gái mới lớn. Nên lau từ trước ra sau, không lau từ sau ra trước để tránh vi khuẩn từ hậu môn đi vào âm đạo.
- Khi có kinh nguyệt, 3–4 tiếng nên thay băng một lần. Dù miếng băng chưa thấm hút nhiều nhưng cũng phải thay để đảm bảo vùng kín không hôi, tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nên rửa sạch vùng kín trước khi thay băng.
- Nếu vùng kín con gái mới lớn ngứa ngáy, nổi mụn bất thường thì cần đi khám, tránh gãi, chà xát sẽ làm tổn thương, nhiễm trùng vùng kín.
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi dậy thì nữ
Bệnh phụ khoa không chỉ đến từ hành vi quan hệ tình dục mà còn do vệ sinh kém và sự thay đổi nội tiết tố đột ngột, những điều thường gặp ở bé gái tuổi dậy thì. Một số bệnh phụ khoa thường gặp ở vùng kín con gái mới lớn như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, viêm âm hộ, âm đạo…
Khi nào cần đi khám phụ khoa?
Mẹ cần cho con đi khám khi thấy vùng kín con gái mới lớn có các dấu hiệu:
– Ngứa ngáy, tấy đỏ vùng kín.
– Vùng kín tiết dịch có mùi hôi, tanh nồng khó chịu.
– Dịch tiết có màu lạ như nâu, xanh lá.
– Đau rát khi đi tiểu, tiểu dắt, tiểu buốt.
– Những cơn đau dữ đội, kéo dài, lặp lại trong kỳ kinh. Trường hợp này, mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc giảm đau nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Dạy con về tình yêu, kiến thức sinh sản
Ông bà ta thường bảo không nên vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng theo quan điểm giáo dục ngày nay, thà vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng còn hơn để chạy sai đường.
Nghĩa là để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như có thai ở tuổi vị thành niên, mẹ nên trang bị cho bé các kiến thức giới tính phù hợp. Đặc biệt, hãy giúp con hiểu khi con có kinh nguyệt là con đã có khả năng mang thai, sinh nở. Vì vậy, con phải biết cách tự bảo vệ bản thân.
Khi con gái bước vào tuổi yêu đương, thay vì cấm đoán hãy giúp con định hướng:
– Đâu là tình yêu chân chính?
– Giá trị thật sự của tình yêu là gì?
– Yêu như thế nào để không lệ thuộc, không đánh mất giá trị bản thân?
– Kiến thức về ngừa thai, tình dục an toàn…
Có thể nói, dậy thì là giai đoạn chuyển giao quan trọng với nhiều xáo trộn diễn ra. Nếu không có sự đồng hành của mẹ hoặc người thân, các bé gái rất dễ hoang mang, hụt hẫng. Vì vậy, ngay từ sớm, mẹ hãy trang bị cho con nhận thức đúng đắn về tình yêu và các kiến thức giới tính, nhất là cách chăm sóc vùng kín con gái mới lớn. Theo đó, tránh để con loay hoay tự tìm hiểu, hiểu sai dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thu Vũ