Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Thân nhiệt tăng khi mang thai khi nào là bình thường và nguy hiểm?

Vậy nhiệt độ cơ thể khi mang thai bao nhiêu là bình thường? Thân nhiệt tăng khi mang thai thế nào là nguy hiểm cần thăm khám điều trị. Chị em cùng theo dõi bài viết này nhé!

Nhiệt độ cơ thể khi mang thai

Nhiệt độ cơ thể thường sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi. Ở người lớn, nhiệt độ cơ thể thường dao động từ 36,1 đến 37,2 độ C.

Tuy nhiên, với bà bầu thì nhiệt độ cơ thể khi mang thai có thể tăng thêm 1 chút (cao hơn khoảng 0,5 độ so với bình thường). Trung bình, nhiệt độ cơ thể bà bầu sẽ rơi vào khoảng 36,9 – 37,2 độ C.

Mang thai có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ, nhất là khi mang thai 3 tháng đầu. Thậm chí, một số trường hợp, đây còn là dấu hiệu mang thai sớm, trước cả việc trễ kinh.

thân nhiệt tăng khi mang thai
Thân nhiệt tăng khi mang thai có nguy hiểm không còn tùy thuộc mức độ

Thế nhưng, nhiệt độ cơ thể khi mang thai tăng cao như thế nào? Tại sao bà bầu lại thường thấy nóng hơn bình thường và khi nào thì đây là dấu hiệu nguy hiểm cần lo lắng?

Nhìn chung, việc bà bầu cảm thấy nóng hoặc thân nhiệt tăng khi mang thai, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể.

Nếu nhiệt độ trên 37,5 độ C có nghĩa là bà bầu bị sốt. Và nếu sốt trên 38 độ C thì có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn huyết thai kỳ…

Nguyên nhân thân nhiệt tăng khi mang thai

Ở những tháng đầu, nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai thường là do sự thay đổi của nội tiết tố. Sự thay đổi này không chỉ khiến thân nhiệt bà bầu tăng lên mà còn có thể dẫn đến các triệu chứng thai kỳ khác, chẳng hạn như ốm nghén.

Ngoài ra, thân nhiệt tăng khi mang thai cũng có thể liên quan đến những thay đổi của cơ thể để nuôi dưỡng một mầm sống mới. Cụ thể:

  • Cơ thể sẽ cần nhiều máu hơn để vận chuyển dinh dưỡng và oxy cho bé. Điều này làm cho các mạch máu mở rộng và di chuyển đến bề mặt da khiến thân nhiệt tăng khi mang thai. Ở tuần 34, lượng máu của bạn có thể tăng lên đến 50%.
  • Tim phải hoạt động mạnh và bơm máu nhiều hơn. Ở tuần thứ 8 của thai kỳ, tim phải hoạt động hơn 20% công suất. Tim hoạt động mạnh làm tăng sự trao đổi chất và làm nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ.

tam cá nguyệt thứ 3, nhiệt độ cơ thể thai nhi tỏa ra có thể được người mẹ hấp thụ, điều này có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn so với bình thường.

Thân nhiệt bà bầu tăng trong mùa hè

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng đến một số người nhiều hơn những người khác, và phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng dễ bị quá nóng.

Tiến sĩ Elizabeth Suzanne Langen, phó giáo sư tại Khoa Sản & Phụ khoa Đại học Michigan ở Ann Arbor cho biết: “Không có gì bất ngờ khi thấy những phụ nữ mang thai đến bệnh viện… vào một ngày hè nóng nực.

Khi bạn mang thai, cơ thể của bạn đã làm việc chăm chỉ để giữ cho bạn và em bé của bạn khỏe mạnh. Vì vậy việc giữ thân nhiệt ổn định trong thời tiết nóng là một điều cực kỳ khó khăn.”

thân nhiệt tăng khi mang thai
Tình trạng thân nhiệt tăng khi mang thai phổ biến hơn khi vào hè

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, các triệu chứng của thân nhiệt tăng bao gồm nóng da, đau đầu, chóng mặt, chuột rút cơ và buồn nôn. Phụ nữ mang thai có nhiệt độ cơ thể từ 39 độ C có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt, kiệt sức vì nóng và mất nước.

Tiến sĩ Alisse Hauspurg, Đại học Pittsburgh, chuyên gia Sản phụ khoa và trợ lý giáo sư tại Bệnh viện Magee-Womens cho biết: Mất nước là một trong những nguyên nhân gây ra Braxton Hicks hay còn gọi là cơn co thắt do luyện tập, và nó cũng có thể làm tăng tỷ lệ chóng mặt và ngất xỉu. .

Hauspurg cho biết: “Nếu một phụ nữ mang thai bị chóng mặt và ngã, điều đó có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm chuyển dạ sớm hoặc bong nhau thai, có thể cần phải sinh non”.

Làm thế nào để tránh nhiệt độ cơ thể tăng quá cao?

Bà bầu bị tăng thân nhiệt là điều phổ biến và không có gì đáng lo. Tuy nhiên, ở tam cá nguyệt thứ 1, bạn cần chú ý đến thân nhiệt nhiều hơn, tránh để thân nhiệt tăng quá cao vì điều này có thể làm gián đoạn sự phát triển của các protein quan trọng, làm tăng nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể tăng quá cao còn có thể gây rối loạn quá trình hình thành não và cột sống của thai nhi, dẫn đến dị tật bẩm sinh.

Để giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh tăng cao quá mức, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Tránh ở lâu tại những nơi có nhiệt độ cao như nhà bếp, hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng nóng hoặc những ngày thời tiết oi bức.
  • Khi tắm, tránh dùng nước quá nóng hoặc ngâm bồn tắm nước nóng quá lâu. Tránh đi đến phòng xông hơi.
  • Sử dụng điều hòa vào những ngày thời tiết nóng. Vào ban đêm, bạn nên để nhiệt độ vừa phải để tránh tình trạng nóng bức khiến bạn khó ngủ.
  • Tránh tập thể dục quá mạnh, tập ngoài trời vào thời điểm nắng nóng hoặc tập trong phòng quá  nóng.
  • Sử dụng drap trải giường được làm từ vật liệu thoáng mát và chỉ trải 1 lớp mỏng, không đắp chăn hoặc để gối quá nhiều khi ngủ.
  • Lựa chọn quần áo cho bà bầu phù hợp, được làm từ vải cotton thấm hút mồ hôi. Khi đi ngủ nên bận đồ rộng rãi, thoáng mát.
  • Chú ý uống đủ nước. Bà bầu uống nhiều nước không chỉ giúp giữ ẩm cho cơ thể mà còn rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
  • Không sử dụng thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê… Tránh ăn các món cay nóng.
thân nhiệt tăng khi mang thai
Mẹ kiêng uống trà nhưng có thể dùng trà thảo mộc, trà than nhiệt

Nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai: Khi nào nên đi khám?

Thân nhiệt tăng khi mang thai và bà bầu cảm thấy nóng hơn bình thường không phải là điều đáng ngại. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu nhiệt độ cơ thể tăng khi mang thai đi cùng với các triệu chứng như:

  • Sốt hơn 38 độ C
  • Đau bụng, buồn nôn
  • Có các triệu chứng cúm
  • Đau cơ
  • Tiêu chảy

>> Xem thêm: Bà bầu sốt bao nhiêu độ thì nguy hiểm? Mẹ biết ngay để không ân hận về sau!

Trên đây là một số thông tin về nhiệt độ cơ thể khi mang thai. Dù thân nhiệt tăng khi mang thai không phải là điều đáng lo nhưng bạn vẫn nên chú ý đến nhiệt độ cơ thể, tránh để nhiệt độ tăng quá cao để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.