Phòng ngừa là cách tốt nhất
Là phụ huynh, bạn nên giảm thiểu nguy cơ con tiếp xúc với rắn bằng cách:
– Không đưa trẻ tới những nơi rậm rạp, cỏ cao, gần các cây chết hoặc ao hồ. Nếu cho trẻ dã ngoại ở những nơi này thì nên hướng dẫn trẻ cầm một cái cây để khua khoắng phía trước tạo ra tiếng động.
– Sân vườn phải cắt cỏ thường xuyên, dọn các cành cây gãy vì rắn thường thích trú ngụ trong đó.
– Diệt chuột quanh nhà, vì chuột thường thu hút rắn.
– Luôn tập cho trẻ mang giày (không phải dép lê) khi đi chơi bên ngoài.
– Dạy trẻ không được cố bắt rắn, thấy rắn phải lập tức báo cho người lớn.
Phần lớn các trường hợp trẻ không nhìn thấy rắn hoặc vô tình dẫm phải con vật, hoặc trẻ tò mò muốn bắt nó. Hầu hết rắn đều sợ con người, cắn là biện pháp tự vệ của chúng. Do đó để phòng ngừa rắn cắn, mẹ hãy dạy trẻ đừng nên chọc tới nơi chúng cư ngụ.
Cách sơ cứu khi trẻ bị rắn cắn mà bố mẹ nên làm
Sau khi phát hiện trẻ bị rắn cắn, phản ứng đầu tiên của phụ huynh là hoảng loạn và điều này không ích lợi gì cả. Bạn phải hết sức bình tĩnh để bé cũng bình tĩnh, không khóc. Cách sơ cứu khi bị rắn cắn cho bạn là:
- Nhìn kỹ và nhớ nhận dạng, hoa văn của con rắn, nếu có thể chụp ảnh lại thì càng tốt. Nếu con rắn bị đập chết thì bạn nên cho nó vào nhiều lớp túi nilông rồi mang theo tới bệnh viện.
- Nhớ thời điểm trẻ bị cắn để nói cho bộ phận cấp cứu biết.
- Đặt trẻ nằm xuống và để vùng bị cắn thấp hơn vị trí tim. Hạn chế cử động.
- Rửa sạch bằng nước ấm để độc dính ngoài da không tràn vào vết cắn. Rửa lại bằng nước muối sinh lý. Bạn có thể lấy bút bi khoanh vòng vết cắn.
- Tháo hết nhẫn, vòng tay, quần áo chật để đề phòng vết thương sưng lên.
- Cho trẻ uống nhiều nước để loại bỏ độc tố.
- Lập tức đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất. Không để trẻ tự di chuyển hay vận động vì nhịp tim đập càng nhanh thì độc lan càng nhanh.
Không nên:
- Không buộc garo để cầm máu vì việc buộc chặt có thể dẫn tới thiếu máu tới bộ phận đó, làm tăng nguy cơ tổn thương mô vĩnh viễn và thậm chí gây hoại tử phải cắt cụt chi. Bạn có thể dùng một ngón tay để cầm máu giúp bé cho đến khi tới bệnh viện.
- Không rạch vết thương để loại bỏ độc.
- Không chườm đá, chườm lạnh.
Các dấu hiệu bé đã bị rắn cắn
Đôi khi bạn sẽ xác định được đó có phải là vết rắn cắn hay không. Nếu không chắc, bạn hãy xem xét các dấu hiệu sau:
- Vết cắn có máu chảy
- Trẻ chóng mặt, hoa mắt muốn ngất
- Có dấu răng nanh
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cảm giác tê và ngứa ran chỗ vết cắn hoặc miệng bé
- Chỗ cắn sưng đau
- Khó thở
Lúc này, sau khi sơ cứu như trên thì bạn hãy lập đứa đưa trẻ đến bệnh viện. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị cắn nhưng không có triệu chứng gì. Không phải rắn nào cũng có độc. Ngay cả khi trẻ bị rắn độc cắn, thì 25-50% những vết cắn này là khô, nghĩa là rắn không tiết ra độc.
Dù trong trường hợp không có triệu chứng, bạn vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để quan sát. Nếu không có hiện tượng gì, bạn có thể đưa trẻ về nhà sau 4-6 tiếng.
Nếu vết cắn có độc, trẻ sẽ được cho dùng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng. Tùy vào loại rắn mà bé có thể được tiêm huyết thanh kháng độc rắn.
Cách nhận biết đâu là rắn độc
Các chuyên gia động vật khuyên bạn nên chú ý các đặc điểm sau khi nhìn thấy rắn:
♦ Đầu: Rắn độc thường có đầu hình tam giác với phần đầu to hơn cổ và thân, trong khi rắn lành thì có đầu bầu dục thoai thoải.
♦ Màu sắc: Rắn độc thường có màu sáng, ngoại trừ một số loài sặc sỡ như ”rắn vua đỏ” và ”rắn sữa”. Nếu rắn có hoa văn kim cương trên thân, hoặc có 3 màu thì thường đó là rắn độc.
♦ Âm thanh: Một số loài rắn độc phát ra tiếng kêu xùy xùy như tiếng huýt gió, hoặc âm thanh lạch cạch (rắn chuông).
♦ Hành vi: Rắn độc thường bơi nổi trên nước, trong khi rắn lành chỉ nổi phần đầu.
♦ Mắt: Rắn độc có con ngươi (tròng mắt) hình dọc, trong khi rắn lành có con ngươi hình tròn.
Có nên hút độc rắn?
Các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Một số cho rằng việc hút độc chỉ có hiệu quả trong vòng 15 phút đầu tiên sau khi bị rắn cắn. Nhưng một người thiếu kinh nghiệm thì khó mà hút độc ra được.
Một số ý kiến khác cho rằng việc hút độc có thể loại bỏ tới 50% độc tố, và không gây nguy hiểm cho người hút dù miệng của họ đang có vết thương nhỏ.
Rắn cắn là một tình trạng cấp cứu khá nguy hiểm. Do đó, biết được cách sơ cứu khi bị rắn cắn cho trẻ là rất cần thiết. Sau khi sơ cứu cơ bản, hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất nhé mẹ.
Xuân Thảo