1/ Rèn càng sớm càng tốt
Thói quen nào cũng vậy, càng được hình thành sớm càng tốt. Mẹ bắt đầu bằng việc hướng dẫn bé lấy đồ chơi trong giỏ ra, sau khi chơi xong hãy cùng bé để lại chỗ cũ. Nếu việc này lặp lại thường xuyên, nhất là khi có cha mẹ làm cùng, bé sẽ dễ làm theo. Mẹ cũng nên tạo không khí vui vẻ bằng các trò chơi hài hước trong khi sắp xếp đồ chơi để giúp trẻ hào hứng hơn.
Thường xuyên làm điều này mỗi ngày, lâu dần trẻ sẽ hiểu ra rằng đồ chơi sau khi chơi xong không được vứt bừa bãi mà phải để lại đúng nơi quy định.
2/ Kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhắc nhở bé
Sau mỗi lần bé chơi, mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con cất đồ chơi vào đúng chỗ cũ trước khi sang việc khác. Việc làm này là cần thiết bởi bé thường quên nhanh những nhiệm vụ của mình nếu không có ai nhắc nhở.
Với những trẻ lớn đừng quên nói với con rằng việc con thu dọn đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp không chỉ giúp con dễ tìm khi muốn chơi, đồng thời tạo không gian căn phòng sach đẹp, an toàn hơn.
Các bậc phụ huynh đừng bao giờ làm mọi chuyện trở nên căng thẳng với bé nếu đã hướng dẫn, nhắc nhở nhưng bé vẫn không nhớ và thực hiện. Bởi điều này sẽ tạo ấn tượng xấu cho bé, làm bé càng không thích thú với công việc thu dọn đồ chơi về sau. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn giải thích và cùng làm với bé, lâu dần bé sẽ ý thức được việc sau mỗi lần chơi xong, đồ chơi phải được xếp gọn gàng, ngăn nắp.
[inline_article id=132646]
3/ Phân loại đồ chơi
Để giúp bé tự thu dọn đồ chơi cực gọn gàng, mẹ hãy dùng những chiếc rổ hoặc thùng,hộp để phân loại đồ chơi, đồng thời dán những hình ngộ nghĩnh lên đó để giúp bé phân biệt và dễ lấy món đồ cần thiết.
Không nên để chung đồ chơi của bé với đồ dùng gia đình hoặc dụng cụ của cha mẹ. Bất cứ thứ gì thuộc về đồ chơi của bé hãy phân chúng riêng ra để bé biết đó là phần đồ dùng riêng của mình.
4/ Tạo không khí vui vẻ bằng các trò chơi hào hứng
Mẹ hãy biến việc dẹp đồ chơi vốn nhàm chán với bé trở thành một hoạt động vui vẻ hoặc một trò chơi thú vị. Chẳng hạn bạn có thể khuyến khích bé tham gia trò chơi ai nhặt được nhiều món đồ hơn khi cùng thu dọn với bé, phần thưởng là một miếng dán bé ngoan.
Khi tích đủ miếng dán bé ngoan, mẹ có thể tìm phần thưởng nào thú vị để khích lệ bé như một chầu kem ngon, một quyển truyện hay hoặc buổi đi chơi công viên, sở thú… Cách này sẽ giúp bé hào hứng và tập trung cho việc thu dọn đồ chơi nhanh hơn đấy!
5/ Khen ngợi bé khi hoàn thành công việc
Hãy khen bé và chỉ cho bé thấy rằng việc dọn đồ dùng đồ chơi của bé là hết sức hữu ích. Giải thích cho bé hiểu nếu không dọn đồ chơi thì sẽ không có sàn nhà để mẹ thực hiện những công việc khác, căn nhà sẽ trở nên bừa bộn.
Và khi bé hoàn thành công việc này một cách xuất sắc, mẹ đừng quên thưởng cho những người ‘phụ việc’ nhỏ bé của bạn những cái đập tay tán thưởng, những cái ôm ngọt ngào, và lặp lại những cử chỉ để thấy sự thoải mái như thế nào khi mọi người có thể đi lại dễ dàng, không bị dẫm vào đồ chơi, hay đồ chơi có thể tìm thấy một cách dễ dàng như thế nào.
Lúc này bé sẽ cảm nhận được việc bé làm mang lại nhiều ý nghĩa hơn bé tưởng. Có như vậy con sẽ vui thích và hào hứng khi thực hiện công việc trong những lần sau.
6/ Dạy bé mọi lúc mọi nơi
Nếu việc thu dọn đồ chơi là việc của bé thì bất cứ công việc gì của người khác mà bé có thể làm được thì cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia nhé. Chẳng hạn như giúp mẹ cất quần áo vào tủ sau khi mẹ đã gấp, hoặc con giúp mẹ gấp những chiếc quần áo nhỏ hay phụ bố mẹ lau chùi món đồ chơi yêu thích.
[inline_article id=4835]
Ngoài ra, muốn rèn cho con thói quen tự thu dọn đồ chơi thì bố mẹ phải làm gương cho con. Sau khi làm xong việc gì như sửa xe máy, sửa nhà, làm bếp… bố mẹ cũng hãy biết dọn dẹp, sắp sếp gon gàng. Bởi trẻ thường rất hay bắt chước người lớn, nhất là bố mẹ đấy!