1/ Cùng ăn bữa cơm gia đình đầm ấm
Cho dù bận rộn đến thế nào đi nữa thì bố hãy luôn cố gắng dành thời gian để cùng quây quần bên vợ con, người thân trong những bữa ăn gia đình đầm ấm.
Những bữa ăn sum vầy luôn giúp các thành viên trong nhà gần nhau hơn, tình yêu thương càng được nhân rộng. Và đó chắc chắn là những thời khắc ghi dấu đẹp đẽ, khó quên trong lòng con cái đấy!
2/ Làm bố phải gương mẫu
Để giáo dục trẻ nên người và sống có ích, các bậc bố mẹ cần xây dựng quan niệm giáo dục con cái đúng đắn, có ý thức hướng dẫn và bồi dưỡng con cái ngay từ nhỏ.
Bố hãy nhớ rằng mỗi việc làm của mình đều ảnh hưởng đến con, là tấm gương phản chiếu hành động tích cực hay tiêu cực mà bé sẽ học theo.
3/ Cùng con chơi những trò thú vị
Bạn có thể cho bé những thứ mua được bằng tiền, nhưng không gì có thể thay thế thời gian cũng như sự quan tâm dành cho con. Một ông bố tốt cần biết cố gắng giữ thăng bằng giữa công việc, cá nhân và gia đình. Có thể, thời gian nhiều hay ít không là vấn đề, mà quan trọng là trẻ nhận được gì trong những khoảng thời gian bạn gần gũi bên con.
[inline_article id=113789]
Một vài trò chơi thú vị, không mất nhiều thời gian, nhưng lại là món quá tinh thần rất lớn không chỉ với con trẻ mà chính bản thân bố nữa. Vì thế, đôi lúc bố cần hy sinh một chút để không cảm thấy tiếc nuối khi con đã lớn, bởi thời gian qua đi thì không thể lấy lại đâu.
4/ Hình thành thói quen đọc
Tuy điện thoại, máy tính, tivi chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng dành thời gian cùng con đọc sách, hoặc đọc sách cho trẻ nghe có thể giúp bé tạm quên những đồ công nghệ đó và dần yêu thích, hình thành thói quen đọc.
Để khiến thói quen đọc sách của bé trở nên sinh động và tràn ngập tiếng cười, không phải là sự gò ép thì bố cần tạo một hoàn cảnh thật phù hợp nhất để mang lại nhiều khoảnh khắc trải nghiệm tốt cho con thông qua những cuốn sách thiếu nhi thật hay và ý nghĩa.
Tình yêu với sách của con cũng nên tiếp tục duy trì trong suốt thời gian trưởng thành, thế nên bố hãy khuyến khích con đọc sách thường xuyên nhé!
5/ Lắng nghe
Càng lớn trẻ càng có xu hướng thích được tự lập, ít chia sẻ hơn với bố mẹ. Chính vì vậy nếu bạn không rèn luyện điều này ngay từ bé thì chẳng mấy chốc đến tuổi dậy thì bạn sẽ chẳng thể nói chuyện nổi với con. Hãy lắng nghe câu chuyện của con một cách hứng thú để con có thêm hào hứng khi kể chuyện. Đó cũng là cách để bạn hiểu về con và những người bạn xung quanh con.
Thế nên, khi con muốn nói điều gì đó, bố hãy gác lại công việc dang dở qua một bên để lắng nghe bé nói. Nếu bé nhận thấy bố sẵn sàng lắng nghe mình, bé không chỉ cảm nhận được sự quan tâm mà còn học được phép lịch sự khi người khác muốn nói chuyện với mình nữa đấy!
6/ Thể hiện tình cảm với con
Những ông bố thường hay ngại nói câu này để thể hiện tình cảm nhưng không hề biết rằng nó có sức mạnh thế nào đối với con của mình. Nó để lại dấu ấn sâu sắc với đứa trẻ, giúp nó cảm nhận rõ hơn tình cảm của bố. Bằng cách chia sẻ, luôn bên con, ông bố tốt có thể là người bạn đồng hành mà con tin tưởng nhất.
Để con biết rằng bé được yêu thương, được quan tâm, bố hãy ôm con khi cùng ngồi xem ti vi, hoặc hôn con trước khi đi ngủ… Chỉ bằng một số hành động nhỏ bé nhưng vẫn thể hiện được tình yêu của bố dành cho con, để trẻ biết được bé có ý nghĩa như thế nào với bố mẹ.
7/ Giữ lời
Muốn con nghe lời, trước hết bố phải là người biết giữ lời. Trẻ nhỏ rất dễ đặt niềm tin vào người lớn, vậy nên một khi đã hứa bố hãy giữ lời và thực hiện bằng được.
Hãy hạn chế tối đa việc không giữ đúng lời hứa với trẻ. Bởi nếu bố đã hứa cuối tuần đưa bé đi chơi nhưng nhiều lần không thể thực hiện được, điều này sẽ khiến trẻ thất vọng và nghi ngờ lời nói của bố sau này.
8/ Tôn trọng
Tôn trọng giá trị của con cái và các thành viên khác trong gia đình sẽ giúp duy trì bầu không khí tôn trọng lẫn nhau. Một người bố có trách nhiệm sẽ thể hiện sự yêu thương, tôn trọng với vợ – mẹ của đứa trẻ và những đứa con trong gia đình.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời nói tích cực. Và nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến con cái, một “chiêu” không tồi là bố hãy cùng ngồi xuống nói chuyện, thảo luận với con. Một khi trẻ biết rằng gia đình là một đơn vị thống nhất, chúng sẽ cảm thấy an toàn hơn. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng lòng tin trong mối quan hệ cha – con đấy!
[inline_article id=116179]