Cho rằng trẻ còn nhỏ chưa thể phân biệt cái nào đúng, cái nào sai hay đâu là tốt, là xấu nên phần lớn các bậc cha mẹ thường mặc cho trẻ phát triển một cách tự nhiên theo bản năng, đợi con lớn hơn mới bắt đầu dạy bảo. Sai lầm này thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi trẻ nhà bạn trở nên cứng đầu, không nghe lời hay thậm chí cãi lại cha mẹ.
Thực tế, tuy rằng bản chất của nhiều bé đã được hình thành ngay từ khi sinh ra, nhưng chính cách nuôi dạy con của bạn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển những loại tính cách này. Giáo dục tính cách cho trẻ cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Không chỉ giúp bé trở nên ngoan hơn, đây cũng là nền tảng giúp trẻ trở thành người có ích trong xã hội sau này. Vậy những tính cách cơ bản nào của bé cần được uốn nắm từ sớm? Cùng MarryBaby tìm hiểu mẹ nhé!
1. Nuôi dưỡng tính thật thà
Dù ở bất cứ đâu, người thật thà sẽ luôn dành được sự yêu mến của mọi người. Vì vật, thật thà là đức tính đầu tiên mẹ cần uốn nắn bé cưng.
Muốn bé nói thật, trước tiên cha mẹ nên là tấm gương để bé noi theo. Không đứa trẻ nào không mắc sai lầm, nhưng thay vì la mắng khi bé làm sai, mẹ nên khuyến khích bé nói ra sự thật. Lắng nghe nguyên nhân cũng như lời nhận lỗi của bé. Sau đó, đưa ra lời khuyên hợp lý.
2. Dạy con ngoan biết nói lời cảm ơn, xin lỗi
Cảm ơn, xin lỗi là một cách ứng xử có văn hóa, văn minh trong xã hội. Để con biết cách cư xử với mọi người đúng mực thì ngay khi còn nhỏ mẹ nên bắt đầu dạy trẻ điều này. Dạy trẻ xin lỗi khi mắc lỗi, phạm sai lầm cũng như biết cảm ơn khi nhận được điều gì đó người khác mang đến.
Không chỉ dạy bé nói lời “xin lỗi, cảm ơn” không thôi, mẹ phải dạy con nói với thái độ chân thành, đúng danh xưng: “Cháu cảm ơn ông bà”, “Con xin lỗi bố mẹ”… Cha mẹ cũng đừng ngại ngần khi thể hiện sự biết lỗi, lòng cảm ơn đối với con cái. Hãy là một tấm gương tốt cho con noi theo. Ngoài ra, mẹ cũng nên khen ngợi khi con mình biết nhận lỗi, biết cảm ơn để khuyến khích trẻ.
3. Uốn nắn tính ngoan ngoãn, lễ phép
Một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết lễ phép bao giờ cũng nhận được sự yêu thương của tất cả mọi người. Điều này được thể hiện qua những câu chào hỏi, dạ vâng, thưa gởi một cách lễ phép khi gặp người lớn.
Ngay từ khi con còn nhỏ cha mẹ hãy dạy con đức tính quan trọng này bằng cách khoanh tay chào hỏi người lớn hơn. Ai gọi thì trả lời “dạ”, ai bảo gì thì “vâng” đồng thời đi kèm với thái độ kính trọng.
4. Dạy cách chia sẻ, nhường nhịn người khác
Trẻ nhỏ thường ít có khả năng tự kiểm soát cảm xúc hay hành động để biết chia sẻ, nhường nhịn người khác. Trẻ luôn đòi cho bằng được những món đồ chơi mình thích, thậm chí khi một đứa trẻ khác đang chơi món đồ chơi ấy. Một khi được chiều, bé có thể trở thành người ích kỉ, không biết chia sẻ, nhường nhịn. Tính cách này sẽ theo bé cho đến khi trưởng thành.
Với những trường hợp này, mẹ nên khuyến khích các con thay phiên nhau chơi món đồ chơi đó. Đồng thời, hướng sự tập trung của trẻ sang một đồ chơi hay một hoạt động nào khác để bé không chú ý đến món đồ chơi đó nữa. Quan trọng hơn, mẹ nên tập cho bé biết cách giữ bình tĩnh và sự kiên nhẫn.
5. Rèn luyện lòng dũng cảm, mạnh mẽ
Thay vì giúp con hay bỏ qua vấn đề khi trẻ gặp khó khăn, mẹ nên khuyến khích bé đối mặt với những vấn đề của mình. Để trẻ tự làm bằng hết sức có thể, cho dù có thất bại cũng không sao. Trẻ sẽ không còn cảm giác nhút nhát hay sợ hãi. Đây chính là nền tảng, nguồn gốc của lòng dũng cảm sau này.
6. Loại bỏ ngay tính ganh tỵ càng sớm càng tốt
Sự công bằng vốn không chia đều cho mọi người, mỗi đứa trẻ lớn lên trong một gia cảnh khác nhau. Trẻ con còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là công bằng, vì vậy hầu hết mọi trẻ đều tồn tại tính ganh tỵ. Việc dạy trẻ đức tính công bằng luôn là điều khó khăn nhất và cần được bắt đầu từ sớm.
Nhiều trẻ có thái độ ganh ghét, tỏ ra bực tức, khóc lóc khi thấy bạn có quần áo đẹp hơn, đồ chơi đẹp hơn…Trong trường hợp này, mẹ giữ thái độ nghiêm khắc để chỉ dạy cho bé. Lắng nghe lý do đồng thời phải giải thích cho bé hiểu tại sao không được làm như vậy. Ngoài ra, chính bố mẹ cũng phải có những hành động công tâm, không thiên vị mới có thể dạy bảo cho con.