Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mà còn cần những hoạt động thể chất. Những trò chơi vận động như leo, chạy, nhảy … sẽ giúp trẻ đốt năng lượng và kích thích quá trình trao đổi chất.
Bên cạnh đó, vận động đưa trẻ đến với những khám phá mới mẻ, giúp trẻ tự nhận ra điều gì mình có thể làm và điều gì mình chưa đủ khả năng. Từ những kinh nghiệm thực tế như vậy, bé có thể tự khám phá bản thân mình và khám phá thế giới.
MarryBaby gợi ý một số trò chơi vận động cho trẻ mầm non mẹ có thể tham khảo. Đừng bỏ qua nhé!
1. Trò vận động chân
Có rất nhiều cách tuyệt vời để bé luyện tập cơ chân. Dưới đây là một số gợi ý mẹ có thể tham khảo:
- Chạy xe đạp: Ở tuổi mầm non là bé đã có thể bắt đầu tập chạy xe đạp rồi. Chạy xe không chỉ giúp trẻ hoạt động cơ chân mà còn cải thiện khả năng cân bằng. Mẹ và bé cũng sẽ có thêm cơ hội được ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
- Chơi trượt ba-tin: Khoảng 3 tuổi trở lên là trẻ đã đủ điều kiện để thử chơi trượt ba-tin. Cũng tương tự như xe đạp, trò này giúp vừa hoạt động thể chất vừa có cơ hội khám phá thế giới bên ngoài. Tuy vậy, mẹ nên trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và an toàn cho con.
- Chơi trốn tìm: Đây là một trò chơi mà tất cả các trẻ em đều được chơi qua. Tuy luật chơi đơn giản nhưng lại giúp con nhiều thứ. Ngoài kĩ năng vận động còn là khả năng quan sát và giao tiếp với bạn cùng chơi.
- Đá bóng: Với những trẻ nam thì không thể thiếu những trò vận động với trái bóng được. Không cần phải có đội chơi hay sân bóng cao cấp, mẹ chỉ cần cho con đuổi theo trái bóng thì đã là vận động rồi.
- Nhảy lò cò, nhảy dây: Giai đoạn tuổi mầm non vẫn là khoản thời gian con hoàn thiện hệ thần kinh vận động cũng như kĩ năng giữ thăng bằng. Những trò chơi lò cò hay nhảy dây cũng có hiệu quả rất lớn cho sự phát triển của trẻ.
[inline_article id=95022]
2. Trò vận động tay
Trẻ mầm non cần những hoạt động giúp bé phát triển kỹ năng vận động tinh của mình. Những hoạt động đòi hỏi sự khéo léo của cơ bàn tay, cổ tay là lựa chọn hoàn hảo cho bé trong giai đoạn này. Một số gợi ý mẹ có thể tham khảo như:
- Trò bóng ném:Trẻ con thường có thói quen ném đồ ra xa. Nhưng đó là những cú ném tự do và ngẫu nhiên. Để biến thói quen đó trở thành trò chơi vận động thì mẹ cần một cái đích đến. Một vài mô hình bóng rổ mini là một ý tưởng không tồi phải không nào.
- Trò đất nặn: Để kích thích sự vận động linh hoạt của các ngón tay thì không trò nào xứng đáng hơn đất nặn. Con sẽ được thử thách sự khéo léo cũng như sáng tạo trong khi chơi.
- Cắt dán, tô màu: Tương tự như trò đất nặn, trò cắt dán và tô màu cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay. Đây có thể được xem là những bài tập khởi động cho sau này. Nếu có ngón tay linh hoạt con sẽ dễ biết dùng đũa, thìa cũng như tập viết. nhanh hơn.
[inline_article id=45680]
3. Trò vận động toàn thân
Có khá nhiều trò chơi vận động cho trẻ mầm non yêu cầu hoạt động toàn thân. Bé ở độ tuổi này đã sẵn sàng để làm tất cả mọi thứ. Mẹ có thể tùy vào sở thích mà lựa cho con một môn thể thao vận động thích hợp. Những sự lựa chọn cho mẹ như là bơi, võ, thể dục nhịp điệu và yoga. Hình thành thói quen chơi thể thao ngay từ nhỏ là một điều nên làm.
Lưu ý dành cho mẹ
- Bé trong độ tuổi mầm non, từ 3-5 tuổi nên tham gia các hoạt động ngoài trời ít nhất 1,5 tiếng/tuần.
- Chú ý điều kiện an toàn của sân chơi. Đồng thời, mẹ cũng nên đặt ra những luật lệ an toàn trong lúc chơi.
- Không nên cho bé chơi ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h, đây là thời điểm ánh nắng mặt trời “độc” nhất, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ.
Với những trò vận động cho trẻ mầm non trên, hy vọng mẹ sẽ tìm thấy những trò thích hợp cho bé và mọi người trong nhà. Cùng dành thời gian vui đùa là cách tốt nhất để gia tăng tình cảm, gắn kết các thành viên trong nhà. Vì vậy, dù bận cách mấy, ba mẹ cũng nên dành ít nhất 30 phút/ ngày để chơi với con nhé!