Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh đúng cách

Không phải can-xi, vitamin D3 mới là “thủ phạm” chính dẫn đến những trường hợp trẻ còi xương, chân vòng kiềng… Tuy nhiên, mẹ đã biết cách bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh đúng cách?

Can-xi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xương và răng của trẻ. Thiếu can-xi, trẻ không chỉ có nguy cơ “thấp bé” nhẹ cân hơn bạn cùng lứa mà còn có nguy cơ bị còi xương, dị dạng xương, xương dễ gãy. Về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động của trẻ.

Tầm quan trọng của can-xi đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hầu như mẹ nào đã “nằm lòng”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải can-xi, chính sự thiếu hụt vitamin D3, dẫn đến cơ thể trẻ khó hấp thụ can-xi mới là nguyên nhân chính gây các vấn đề về xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh như thế nào để đảm bảo sự phát triển? Tham khảo ngay bài viết sau đây, mẹ nhé!

Vitamin D3 cho trẻ sơ sinh
Vitamin D3 giúp cơ thể trẻ hấp thu can-xi tốt hơn

Vitamin D3 là gì? Tác dụng của vitamin D3?

Trong số 5 loại vitamin D được tìm thấy, vitamin D2 và vitamin D3 là 2 loại đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của con người. Vitamin D3 hay còn gọi là Cholecalciferol có tác dụng chuyển hóa các loại chất vô cơ, chủ yếu là can-xi và phốt pho.

Không chỉ tăng khả năng hấp thụ can-xi qua thành ruột, vitamin D3 còn đóng vai trò chất dẫn, “gắn kết” can-xi vào hệ xương. Thiếu vitamin D3, cơ thể chỉ có thể hấp thu không tới 10% lượng can-xi được bổ sung vào.

Bên cạnh đó, vitamin D3 còn giúp cơ thể tái hấp thụ can-xi ở thận, đóng vai trò quan trọng trong quá trình can-xi hóa sụn tăng trưởng. Vitamin D3 cũng giúp tăng cường protein tạo xương, đồng thời giúp tăng cơ vân, giúp khả năng giữ thăng bằng của cơ thể tốt hơn, hạn chế nguy cơ té ngã.

Thiếu vitamin D3, trẻ không chỉ bị còi xương, chậm lớn mà còn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như: biếng ăn, chậm lớn, chậm mọc răng, thường xuyên quấy khóc, đổ mồ hôi trộm, xương mềm…

[inline_article id=144074]

Bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh

Khác với vitamin D2 được bổ sung thông qua thực phẩm tự nhiên, vitamin D3 được tạo ra khi da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu cho thấy, khi cho trẻ tắm nắng, mẹ đã giúp bé cưng bổ sung 80% nhu cầu vitamin D3. Tắm nắng là cách an toàn nhất để bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh. Không giống như vitamin D2, hàm lượng vitamin D3 trong máu cao có thể dẫn đến một số “tác dụng phụ”, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh.

  • Dị ứng, phát ban hoặc ngứa
  • Sưng mặt, cổ họng, lưỡi
  • Huyết áp tăng, khó thở, tim đập nhanh
  • Mệt mỏi

Để hạn chế những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, mẹ không nên tự ý cho trẻ uống bổ sung vitamin D3, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

[inline_article id=12250]

Tắm nắng cho bé sơ sinh, mẹ cần lưu ý!

– Thời điểm thích hợp cho trẻ tắm nắng

Sau khi sinh 7-10 ngày, mẹ đã có thể cho bé tắm nắng để bổ sung lượng vitamin D3 cần thiết. Thời điểm “đẹp” nhất để tắm nắng cho bé: Từ 6-9 giờ sáng hoặc sau 5 giờ chiều. Từ 10-16h, ánh nắng mặt trời chứa tia cực tím mạnh, có thể ảnh hưởng đến làn da mỏng manh của trẻ, thậm chí có thể hình thành ung thư da.

– Trẻ cần tắm nắng bao lâu?

Ban đầu, mẹ chỉ nên cho trẻ tắm nắng 10 phút ngày. Khi bé lớn hơn, bạn có thể tăng thời gian lên khoảng 20-30 phút/ ngày. Không cần đưa trẻ ra ngoài, bạn có thể ẵm bé ngồi bên cửa sổ. Lưu ý: Không nên cho bé tắm nắng ở nơi gió lớn cũng như không để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đầu, mặt bé sơ sinh.

Song song với can-xi, việc bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng rất quan trọng. Thậm chí ngay cả khi đủ can-xi, nhưng thiếu vitamin D3, trẻ cũng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe, điển hình là còi xương, xương mềm, dị dạng xương…

Ánh nắng mặt trời là nguồn bổ sung vitamin D3 tốt nhất. Vì vậy, mẹ nên thường xuyên cho trẻ tắm nắng để bổ sung dưỡng chất quan trọng này. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu thiếu hụt vitamin D3, mẹ nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để cho trẻ uống bổ sung vitamin, Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.