Những cơn nhức đầu khi mang thai vì sao lại xuất hiện và có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé? Thời gian thai kỳ không được sử dụng thuốc, vậy bà bầu nên ăn gì để hồi phục sức khỏe?
Nguyên nhân bà bầu bị nhức đầu
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể mẹ bắt đầu thích nghi với em bé đang hình thành trong bụng. Điều này làm thay đổi hormone, xáo trộn tuần hoàn máu dẫn đến các cơn nhức đầu. Mẹ có thể nhức một bên hoặc hai bên đầu, đôi khi còn kèm theo cả những cơn buồn nôn.
Đôi khi những cơn nhức đầu cũng lặp lại ở ba tháng cuối thai kỳ. Vì lúc này bé đã tăng kích thước lên tối đa và bắt đầu di chuyển, chèn ép lên các mạch máu làm cản trở máu lưu thông.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác dẫn đến tình trạng nhức đầu như: căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ, đói, hạ đường huyết, chế độ ăn uống quá nhiều cafein hay chất kích thích.
Nhức đầu khi mang thai: Xử sao mới đúng?
Điều đầu tiên mẹ bầu cần làm đó là để cơ thể được thư giãn, thoải mái và nghỉ ngơi. Mẹ nên dành một vài phút buổi trưa để ngủ. Giấc ngủ này tuy ngắn nhưng cực kỳ hiệu quả, chúng sẽ lấy lại năng lượng cho mẹ cả một buổi chiều.
Với những giấc ngủ chính, mẹ nên ngủ trong phòng yên tĩnh, có ánh sáng nhẹ kèm theo chút hương thơm từ tinh dầu hay sáp thơm. Mẹ sẽ đi vào giấc ngủ một cách nhanh chóng, giảm căng thẳng và nhức đầu. Tránh việc thức khuya hay ngủ quá nhiều. Mẹ cần đi ngủ và thức dậy đúng giờ để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất.
Bên cạnh đó, tập thể dục là điều không thể thiếu. Các bài tập yoga hay ngồi thiền dành cho phụ nữ mang thai hiện nay rất phổ biến. Mẹ chỉ cần đi bộ loanh quanh trong sân nhà hay công viên, kết hợp với việc hít thở không khí trong lành vừa tốt cho sức khỏe và cũng có thể giảm bớt các triệu chứng nhức đầu.
[inline_article id=72547]
Thực phẩm giảm đau đầu: Bà bầu nên ăn gì khi bị nhức đầu?
Nguyên nhân đầu tiên làm mẹ bầu bị nhức đầu là do chế độ ăn uống ít carbohydrate làm dự trữ glycogen suy giảm. Đây là nguồn năng lượng chính cung cấp cho não nên mẹ cần bổ sung thực phẩm giàu carbohydrate như: Bột mì, bột yến mạch, trái cây và sữa chua. Hơn nữa, chế độ giàu carbohydrate còn kích thích cơ thể giải phóng nhiều hormone serotonin có tác dụng làm dịu thần kinh.
Các loại trái cây như: dưa hấu, dây tây, táo và chuối… giúp bổ sung nước, magiê các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giảm đau hiệu quả. Kèm theo đó là các loại thực phẩm màu xanh đậm như: Rau chân vịt, bông cải xanh và cải bó xôi… Các loại ngũ cốc, đậu và dầu ô-liu cung cấp nhiều canxi, vitamin nhóm B và chất chống oxy hóa. Những loại thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh việc ăn đầy đủ dinh dưỡng, mẹ nên lưu ý bổ sung đủ từ 2,5 lít nước hàng ngày. Thêm một vài lát chanh vào nước, vừa có thể giảm cơn đau đầu vừa giúp giải khát. Nước còn giúp quá trình thải độc tố diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên, bầu lưu ý chỉ uống nước lọc và nước hoa quả, không uống nước có ga hay nước chứa cafein nhé. Cafein sẽ làm tăng cơn nhức đầu.
[inline_article id=158962]
Lưu ý cho mẹ bầu bị nhức đầu
Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm tốt cho sức khỏe, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau để luôn giữ được sức khỏe tốt nhé:
- Tránh những nơi ồn ào, có tiếng động lớn. Điều này làm cho tình trạng nhức đầu trở nên trầm trọng.
- Hạn chế các thức ăn nhanh hay có quá nhiều gia vị.
- Mẹ không nên tự ý uống bất cứ loại thuốc giảm đau nào ngay cả khi thuốc đó có nguồn gốc từ thảo dược. Nếu tình trạng nhức đầu hay buồn nôn trở nên trầm trọng làm cản trở giấc ngủ kèm theo sốt, đau bụng, tốt nhất mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ mà mình đang khám định kỳ.
Ngoài tìm hiểu bà bầu ăn gì khi bị nhức đầu, bạn cũng có một quyển nhật ký nhỏ ghi lại tất cả những gì mình đã ăn, uống trong ngày và thời gian bị nhức đầu. Những cơn nhức đầu diễn ra trong bao lâu, đau từng cơn hay đau liên tục? Đau sau khi ăn hay uống những thực phẩm gì? Điều này sẽ giúp mẹ dễ dàng trao đổi trực tiếp với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.