Categories
Mang thai Sảy thai - Thai lưu

3 nhóm nguyên nhân thai chết lưu mẹ cần biết

Các chuyên gia chỉ ra rằng có 3 nhóm nguyên nhân thai chết lưu phổ biến: Từ phía mẹ hoặc xuất phát từ phía thai nhi hay do thành phần phụ của thai.

Biết được chính xác nguyên nhân thai chết lưu sẽ giúp mẹ hạn chế và tránh lặp lại thêm một lần nữa ở lần mang thai tiếp theo. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thai chết lưu sau khoảng 6 tháng mẹ mới nên có bầu lần nữa.

Thai chết lưu được hiểu là các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ được trong tử cung, nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung.

Với trường hợp thai lưu khi mới được 1-2 tháng có thể tự tiêu biến mà đôi khi mẹ cũng không rõ mình có thai. Nếu thai đã lớn khoảng 3- 6 tháng thì gọi là tình trạng sảy thai. Thời gian từ khi thai chết đến lúc sảy ở mỗi người một khác. Thông thường thai chết ở tuổi càng lớn thì thời gian lưu lại trong dạ con càng ngắn.

nguyên nhân thai chết lưu
Biết nguyên nhân thai chết lưu sớm mẹ sẽ có cách để bảo vệ thai kỳ an toàn

Càng phát hiện sớm tình trạng này để bác sĩ can thiệp thì sẽ hạn chế ảnh hưởng không hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng người mẹ. Nếu để muộn cũng có thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng, rối loạn đông máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, để bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh mẹ cần biết những nguyên nhân có thể khiến thai lưu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chết lưu nhưng theo nghiên cứu thì có 3 nhóm nguyên nhân chính mà mẹ cần biết để tránh đó là:

Nguyên nhân thai lưu đến từ mẹ

Khi quyết định mang thai mẹ cần chú ý tới sức khỏe của bản thân. Khi đã có tin vui càng cần chú ý kiêng khem để không xảy ra những điều đáng tiếc.

  • Mẹ mắc bệnh mãn tính: Những bệnh như tiểu đường, suy thận, bệnh tim, tuyến giáp và bệnh huyết áp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Mẹ bị nhiễm trùng: Cơ thể người mẹ bị nhiễm trùng và lây lan sang thai nhi dẫn đến thai ngừng phát triển.
  • Bất thường ở tử cung: Những dị dạng ở tử cung ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí làm thai ngừng phát triển.
  • Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo hoặc do tai nạn: Điều kiện sống không đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi hoặc người mẹ bị tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Người mẹ lớn tuổi: Những phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 40 thường gặp nguy cơ biến chứng cao trong thai kỳ.
  • Nhiễm độc thai nghén: Đây là một bệnh lý do thai gây ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn thai nhi.

[inline_article id=145406]

Nguyên nhân thai lưu đến từ thai nhi

Những nguyên nhân xuất phát từ phía thai nhi mẹ không kiểm soát được, nếu có bất thường xảy ra, bác sĩ sẽ thông báo quá những lần siêu âm.

  • Bất thường nhiễm sắc thể: Những thai nhi có cấu trúc nhiễm sắc thể không bình thường dễ bị sảy, chết lưu hoặc chết ngay sau khi sinh.
  • Bất thường ở dây rốn, bánh nhau: Những dị tật nào đó ở bánh nhau và dây rốn khiến thai không lấy được chất dinh dưỡng và không phát triển được.
  • Thai dị dạng: Não úng thuỷ, vô sọ, phù rau thai.
  • Khác biệt nhóm máu giữa mẹ và con: Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con do yếu tố Rh và thai rất dễ bị chết lưu ở các lần có thai tiếp theo.
  • Thai quá tháng: Dù đã được 40 tuần thai nhưng mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này bánh rau bị lão hoá, thai không thể lấy được không khí và dinh dưỡng từ người mẹ, nếu không được xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến việc thai bị chết lưu.
  • Đa thai: Những mẹ mang song thai hoặc đa thai cần chú ý khám sức khỏe thường xuyên vì thai có thể chết trong trường hợp truyền máu cho nhau. Đôi khi còn xảy ra hiện tượng trong quá trình thai phát triển và có một thai bị chết khi còn bé, rồi tiêu đi mà không hề có biểu hiện lâm sàng nào, trong khi đó, thai bên cạnh vẫn tiếp tục phát triển bình thường.

Những bất thường xung quanh thai nhi

Ngoài hai nhóm nguyên nhân chính trên thì thai lưu có thể xảy ra khi thai nhi có những bất thường ở dây rốn như dây rốn thắt nút, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn xoắn, dây rốn bị chèn ép… Hoặc những bất thường ở bánh rau như bánh rau bị xơ hoá, bị bong, u mạch máu màng đệm…

[inline_article id=143826]

Sau thai lưu bao lâu nên có thai lại?

Khi được chuẩn đoán thai lưu mẹ nên đến bệnh viện để cho thai ra bằng các phương pháp hút thai, nạo gắp thai, gây sẩy thai, gây chuyển dạ tùy theo tuổi thai.

Nếu muốn sớm có thai lại mẹ cũng cần một khoảng thời gian từ 3-6 tháng để phục hồi sức khỏe về mặt thể chất và tinh  thần. Khi bạn cảm thấy có ham muốn tình dục trở lại là lúc bạn có thể giao hợp được.

Ngoài ra trong thời gian chờ có thai lại, vợ chồng nên làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ. Chú ý chế độ ăn uống đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là tinh bột, đạm, chất béo, vitamin có nhiều trong rau quả tươi.

Biết được nguyên nhân thai chết lưu là cách để phòng tránh hiện tượng này tốt nhất. Ngoài ra khi thấy các dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám ngay để được các bác sĩ trợ giúp.