Khác với trường hợp buồn ngủ thông thường nghén ngủ diễn ra một cách mạnh mẽ, dường như mỗi ngày mẹ bầu có thể ngủ được cả 24 tiếng. Cho dù mẹ đang làm gì, vào ban ngày hay ban đêm thì cơn buồn ngủ cũng sẽ ập đến bất cứ lúc nào.
Ốm nghén là tình trạng thường gặp ở hầu hết phụ nữ mang thai, đặc biệt nhất trong 3 tháng đầu. Triệu chứng và mức độ ốm nghén sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ. Có mẹ thì nôn ói liên tục, có mẹ lại thèm ăn khó cưỡng, mẹ thì mất ngủ triền miên còn mẹ lại buồn ngủ không tưởng.
Hiện tượng nghén ngủ khi mang thai
Đối với những người không mang thai, mặc dù đã ngủ đủ giấc theo tiêu chuẩn nhưng vẫn luôn cảm thấy buồn ngủ đặc biệt vào ban ngày, tinh thần uể oải, mệt mỏi. Đây là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ.
Ngược lại, đối với phụ nữ mang thai việc buồn ngủ liên tục hay còn gọi là nghén ngủ là hết sức bình thường. Chứng nghén ngủ diễn ra mạnh mẽ nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Điều này được lý giải là do khi mang thai cơ thể sản sinh nhiều hormone progesterone tác động đến các thụ thể benzodiazepine sau đó kích thích sản xuất các thụ thể GABA. Progesterone đóng vai trò như chất chủ vận GABA giúp làm dịu não bộ và phục hồi giấc ngủ.
Tuy nhiên, progesterone cũng là nguyên nhân gây nên những triệu chứng làm phá vỡ giấc ngủ của mẹ bầu vào ban đêm. Khiến cơ thể mẹ cảm thấy mệt mỏi và kết quả là bạn sẽ buồn ngủ hơn vào ban ngày để đáp ứng nhu cầu.
Nghén ngủ có thật sự tốt?
Chắc hẳn ai cũng biết được tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, đặc biệt là những người đang mang thai. Phần lớn hầu hết các mẹ bầu đều nhận thấy giấc ngủ của mình thường bị gián đoạn và ngủ không sâu giấc. Điều này làm mẹ lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.
Trong khi đó, một số mẹ bầu lại thấy rất vui mừng vì mình vẫn ngủ ngon giấc và luôn có cảm giác buồn ngủ, có thể ngủ bất cứ lúc nào. Đó là do bị nghén ngủ.
Vậy, ngủ nhiều có thật sự tốt? Thực tế, việc ngủ quá nhiều trong ngày có thể gây ra những nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Ngủ nhiều khiến cho cơ thể mẹ phải nằm yên một chỗ, việc thiếu vận động dễ dẫn đến tình trạng cứng cơ, xương dễ gãy. Cơ thể mẹ sẽ không còn linh hoạt, tinh thần giảm sút, kém minh mẫn.
- Nằm nhiều trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch. Nguy hiểm hơn khi các khối tĩnh mạch ở chân di chuyển lên đến phổi gây thuyên tắc phổi với các triệu chứng: Thở dốc, khó thở, đau khi thở, ngất xỉu, mất ý thức, tim đập nhanh, môi và các đầu ngón tay bị tím do thiếu oxy.
- Lười vận động còn là nguyên nhân làm gia tăng mức đường huyết gây tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, quá trình vượt cạn của mẹ sẽ kéo dài hơn và khó khăn hơn do không đủ sức khỏe cũng như sức chịu đựng những cơn đau khi sinh thường.
Tương tự như lời khuyên phụ nữ mang thai cần ăn cho hai người, giấc ngủ cũng phải ngủ cho hai người. Điều này là đúng nhưng không vì thế mà mẹ bầu có thể thoải mái ngủ một cách tự do cho dù đang trong giai đoạn nghén ngủ.
[inline_article=106133]
Bà bầu ngủ như thế nào là đúng?
Phụ nữ mang thai cần được nghỉ ngơi nhiều, vì vậy nếu có thói quen ngủ ít, ngủ trễ thì ngay khi có thai mẹ cần phải thay đổi lại lịch sinh hoạt của mình. Cần đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, tạo thói quen đi ngủ sớm. Vào ban ngày, bầu nên dành ra khoảng từ 30 phút cho giấc ngủ trưa.
Để có được giấc ngủ ngon và sâu mẹ bầu nên giữ tinh thần luôn luôn được thoải mái, vui vẻ, không nên tự tạo ra áp lực cho chính bản thân mình. Tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập bơi, yoga cho bà bầu.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khi mang thai cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, bầu cần ăn uống đầy đủ chất, bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Những mẹ nghén ngủ khi mang thai sẽ có một lợi thế rất lớn về chất lượng giấc ngủ so với mẹ bầu bị mất ngủ, khó ngủ. Tuy nhiên, mẹ nên xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.