Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh trẻ sơ sinh ở giai đoạn đầu đời có những năng lực tinh thần đặc biệt, điều này đã vạch ra một con đường mới cho các chuyên gia giáo dục. Và từ đó, chúng ta bắt đầu làm quen với khái niệm giáo dục trẻ sơ sinh. Trong đó phương pháp Montessori đang được áp dụng rộng rãi.
Đối với trẻ ở giai đoạn này, chúng ta không thể sử dụng phương pháp thuyết giảng như truyền thống. Giáo dục cũng không phải do thầy cô giáo đem lại mà là những điều trẻ tự lĩnh hội được thông qua môi trường xung quanh. Những giáo cụ của phương pháp Montessori trong giai đoạn này khá đơn giản, các bậc phụ huynh có thể tự làm cho trẻ để tạo ra một môi trường đặc thù, chuẩn bị và bố trí một loạt các hoạt động về thị giác, thính giác cho trẻ.
Đặc trưng của trẻ ở giai đoạn sơ sinh
Khả năng vận động của trẻ sơ sinh sau khi sinh tới 6 tháng tuổi còn hạn chế, chủ yếu chỉ thông qua các giác quan như thị giác, thính giác là nhiều. Thị giác của trẻ vẫn còn chưa hoàn thiện, trẻ nhìn mọi thứ xung quanh sẽ bị mờ nhưng vẫn có thể phân biệt được sáng – tối, hình dáng và các chuyển động. Màu sắc trẻ nhận biết rõ hơn phải mang yếu tố thật tương phản như trắng – đen, đỏ – đen.
Thời gian này trẻ cần được chăm sóc kỹ lưỡng, môi trường xung quanh không nên quá ồn ào sẽ giảm sự tự quan sát của trẻ. Nếu muốn tiếp xúc vui đùa với trẻ, hãy đảm bảo rằng trẻ đã được ăn no, ngủ đủ giấc và tâm trạng thoải mái. Thời gian chơi với trẻ không nên kéo dài, nếu cảm thấy trẻ khó chịu cần dừng lại ngay, những kích thích quá mức trong giai đoạn này sẽ không tốt cho trẻ.
Tự làm giáo cụ Montessori phát triển thị giác cho trẻ
1. Hình trắng đen
Vật liệu: Giấy cứng màu trắng, giấy cứng màu đen, keo dán, kéo
Với 2 tờ giấy trắng và đen, đầu tiên bạn cắt miếng giấy đen thành hình chữ nhật dài, sau đó gấp khúc lại thành từng miếng hình vuông.
Tiếp đó bạn cắt miếng giấy trắng thành bất kỳ hình dạng gì từ đơn giản như hột nút, icon khuôn mặt cho đến phức tạp như hình chim, thú,… để thu hút ánh nhìn của trẻ. Dùng keo dán tờ màu trắng đã được tạo hình lên từng ô giấy vuông màu đen và cuối cùng, để lên giường của trẻ hoặc dán lên tường gần chỗ trẻ nằm.
Bạn nên thường xuyên thay đổi những tấm bìa hình này để tạo cảm giác mới mẻ cho trẻ. Hình dạng của những giáo cụ này cũng cần được nâng cấp từ đơn giản đến phức tạp.
2. Đồ chơi treo nôi
Vật liệu: 5 quả cầu bằng xốp đường kính 5cm, khung thêu, bút lông đầu to màu đen, kéo, chỉ thêu loại dày, một chiếc kim to (dài hơn 5cm).
Dùng bút lông đen vẽ trang trí trên 5 quả cầu. Cắt chỉ ra thành 5 sợi với độ dài ngắn khác nhau. Dùng kim xỏ lỗ trên quả cầu xốp rồi luồn chỉ vào và cố định trên khung thêu. Treo trên nôi của trẻ hoặc ở nơi nào mà trẻ thường nằm.
Với món đồ chơi treo nôi này, trẻ sơ sinh đang được tập để nhận biết, chú ý đến một vật chuyển động và biết dõi mắt theo vật đó.
3. Đồ chơi vòng tròn cho trẻ
Vật liệu: Một chiếc vòng bằng gỗ có đường kính khoảng 8cm, dày khoảng 1cm để phù hợp với bàn tay nhỏ của trẻ, một sợi dây vải, một sợi dây chun.
Cách làm đơn giản là gắn sợi dây vải vào dây chun để tạo độ đàn hồi rồi dùng sợi dây vải treo cái vòng tròn gỗ đó lên.
Không chỉ là nhu cầu về thể chất khi để trẻ phối hợp tay, chân, lưng và cổ với mục đích nắm được cái vòng, trò chơi này còn “cung cấp” cho trẻ một thách thức mới, mang lại sự kích thích tinh thần khi trẻ phải suy nghĩ và hành động để có được thứ mình muốn.
[inline_article id=103045]
Bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn mang lại cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, không ngạc nhiên khi các bậc phụ huynh biến việc tự tay làm nên những giáo cụ Montessori để giúp con phát triển thuận lợi trở thành thú vui bất tận của mình khi theo đuổi phương pháp giáo dục sớm Montessori cho trẻ.