Bà bầu nào mang thai chẳng đau xương vùng chậu. Sự thật hiển nhiên này bỗng nhiên lại tạo tiền đề cho tâm lý chủ quan coi thường triệu chứng đau của chị em. Không đi khám, càng để lâu bệnh ngày càng phát triển và nặng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận động và sinh nở của bầu.
Nguyên nhân thường gặp
Tại sao bà bầu thường gặp những vấn đề về viêm vùng chậu lại phổ biến? Lý do đơn giản là khi thai nhi ngày càng lớn, chèn ép tiểu khung, gây ứ huyết vùng chậu, chèn ép bàng quang, bầu đi tiểu nhiều và khó khăn hơn sẽ dễ gây nhiễm khuẩn nước dòng.
Và từ chỗ nhiễm khuẩn chỉ khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu, dần dần lan đến vùng khớp cùng chậu. Đó là lý do viêm khớp cùng chậu hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai, sau khi sinh.
Cụ thể, bước sang cuối tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi sẽ phát triển nhanh cả về trọng lượng và chiều cao. Để thích ứng với sự phát triển này tử cung của thai nhi cũng như các xương khớp vùng chậu sẽ căng giãn hết mức.
Do thường xuyên mệt mỏi cộng với dư âm của ốm nghén, mẹ bầu thường thích ngồi một chỗ hơn là vận động và đi lại. Trọng lượng cơ thể một lần nữa dồn ép lên vùng xương cùng chậu gây đau khớp cùng chậu.
Và càng ở những tháng cuối của thai kỳ, triệu chứng của bệnh càng biểu hiện rõ rệt hơn. Sau khi kinh khoảng 1-2 tháng tháng nhiều mẹ vẫn còn triệu chứng này.
Trong một số trường hợp khi mang thai hoặc khi chuyển dạ, thai lọt xuống vùng tiểu khung làm căng dãn khớp cùng chậu, ứ nước, phù nề vùng dây chằng quanh khớp gây viêm khớp cùng chậu vô khuẩn.
Dấu hiệu nhận biết
Đau, đau và đau chính là triệu chứng đặc trưng của viêm khớp vùng chậu và cùng chậu nói chung. Cụ thể:
- Cảm giác nhức nhối và nóng ran lên ở khu vực xương hông, lưng, đáy xương chậu và phía sau của chân. Cường độ đau khác nhau và thường truyền cảm giác đau nhói đến những bộ phận khác.
- Đau ở vùng xương mu và ở háng.
- Bà bầu đau lưng, đau thắt lưng. Có thể cảm thấy tiếng lạo xạo phát ra từ vùng xương mu và đau lan xuống dưới vùng giữa 2 chân.
- Dáng đi lạch bạch, khi đi 2 chân thường dạng ra.
- Những cơn đau đầu gối và có thể lan tới mắt cá chân và bàn chân.
- Khi đưa một chân lên, đứng trên một chân, leo lên cầu thang, ra khỏi giường hay vặn người cảm thấy đau buốt.
- Về đêm, cơn đau càng trở nên tệ hại hơn khi nằm ngửa ngủ. Trở mình trên giường và bước chân xuống khỏi giường có thể làm tăng cảm giác đau.
Viêm khớp cùng chậu gây khó khăn cho sinh nở
Đây là hệ lụy tất yếu. Đồng thời, viêm khớp cùng chậu cũng có thể là khởi phát của viêm nhiễm như viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung. Bệnh dẫn đến tắc vòi trứng gây vô sinh, thai ngoài tử cung, nhiễm khuẩn mạn tính, tích mủ vòi trứng, buồng trứng…
Những tổn thương nghiêm trọng của viêm khớp cùng chậu mãn tính có thể làm khung xương chậu không thể giãn ra được trong quá trình chuyển dạ, khiến cho thai nhi khó có thể đi qua tiểu khung đã trở nên bị hẹp, nên phải mổ lấy thai.
Sau khi sinh, viêm khớp vùng chậu có tính âm ỉ, kéo dài triền miên làm bệnh nhân rất khó chịu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống. Một số ít trường hợp viêm khớp cùng chậu nếu để lâu ngày có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và khi sinh, dẫn đến đẻ khó dẫn đến phải mổ đẻ.
Tập luyện nhiều hơn để hạn chế đau vùng chậu
Ngồi lâu, lười vận động là nguyên nhân chính gây đau xương vùng chậu. Cách cải thiện tuyệt vời nhất chính tập luyện thể thao và đi lại nhiều hơn trong thai kỳ. Một số biện pháp giúp giảm đau khớp cùng chậu:
- Nếu là bầu công sở mẹ nên vận động nhẹ nhàng giữa các khung giờ làm việc, tránh ngồi đứng quá lâu ở một tư thế để hạn chế trọng lượng dồn ép lên vùng xương chậu.
- Tham gia các lớp học tiền sản, học yoga bầu, đặc biệt là các bài tập vùng bụng và các cơ xương chậu cũng mang lại hiệu quả tích cực.
- Mỗi ngày, mẹ đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30 phút để giúp máu lưu thông tới các bộ phận dễ dàng và giúp giảm tác động lên vùng xương chậu.
- Khám thai định kỳ giúp mẹ chia sẻ những vấn đề gặp phải để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.
[inline_article id=73605]
Viêm khớp cùng chậu là một khái niệm về bệnh mẹ nên biết khi mang thai. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ và bé mà còn giúp ngăn ngừa biến chứng sản khoa khi sinh.