Bắt đầu vào lớp 1, trẻ tiểu học tiếp cận với ngôn ngữ viết, bên cạnh ngôn ngữ nói thuần thục từ những năm đầu đời. Kết thúc tiểu học, trẻ sử dụng ngôn ngữ viết thuần thục, dần hoàn thiện về chính tả, ngữ pháp.
Ngôn ngữ ở trẻ tiểu học thể hiện ở khả năng tự đọc, tự học, tự khám phá nhận thức thế giới xung quanh, và từ đó tự khám phá bản thân.
Ngôn ngữ giúp trẻ tiếp cận thế giới xung quanh
Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Môi trường thay đổi: đòi hỏi trẻ phải tập trung chú ý thời gian liên tục từ 30 – 35 phút. Chuyển từ hiếu kỳ, tò mò sang tính ham hiểu biết, hứng thú khám phá.
Bước vào môi trường học đường thực sự, trẻ tiểu học phải học cách kiềm chế dần tính hiếu động, bộc phát, chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, chấp hành nội quy học tập. Phát triển độ tinh nhạy và sức bền vững của các thao tác tinh khéo của đôi bàn tay để tập viết,…
Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của trẻ, nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của trẻ phát triển dễ dàng và được biểu hiện cụ thể thông qua ngôn ngữ nói và viết của trẻ. Mặt khác, thông qua khả năng ngôn ngữ của trẻ ta có thể đánh giá được sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Để trau dồi vốn ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này, cha mẹ và thầy cô hướng trẻ vào việc đọc các loại sách báo bằng hình vẽ hoặc chữ viết văn học, có thể là sách văn học, truyện tranh, truyện cổ tích, báo nhi đồng,….đồng thời cũng có thể kể cho trẻ nghe hoặc tổ chức các cuộc thi kể truyện đọc thơ, viết báo, viết truyện, dạy trẻ cách viết nhật kí,… Tất cả đều có thể giúp trẻ có được một vốn ngôn ngữ phong phú và đa dạng.
>> Nên chọn trường tiểu học nào cho con?
Khả năng tập trung và ghi nhớ hạn chế
Ở đầu tuổi tiểu học, trẻ hứng thú tiếp nhận kiến thức mới, nhưng khả năng kiểm soát và chú ý của trẻ còn thấp. Trẻ 6 tuổi, 7 tuổi quan tâm đến giờ học hấp dẫn, với dụng cụ học tập nhiều màu sắc, trực quan sinh động, có nhiều tranh ảnh, trò chơi…. Sự tập trung chú ý của trẻ còn yếu và thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập.
Ở cuối tuổi tiểu học, trẻ dần hình thành kĩ năng tổ chức, điều chỉnh chú ý của mình. Trẻ có thể học thuộc bài thơ ngắn, thuộc bài hát theo yêu cầu cô đặt ra. Nhận thức của trẻ bắt đầu tự phân định yếu tố thời gian để làm việc gì đó. Chẳng hạn trẻ biết tự phân thời gian làm bài tập ở nhà trong 2 tiếng đồng hồ, hoặc tự định cho mình 30 phút để học thuộc bài.
Ở đầu tiểu học, con trẻ nhớ chủ yếu đựa vào trực quan hình ảnh, càng về sau trí nhớ đến từ từ ngữ mới mạnh dần lên.
- Trẻ lớp 1, lớp 2 chủ yếu ghi nhớ máy móc, chưa biết cách khái quát hóa vấn đề để dễ hiểu dễ nhớ, chưa biết lấy mốc thời gian để ghi nhớ sự kiện.
- Giai đoạn lớp 4,5, quá trình ghi nhớ có chủ định phát triển.
Để giúp con trẻ tập trung sự chú ý và ghi nhớ tốt hơn, cha mẹ có thể giúp con khái quát hóa vấn đề, biết đâu là nội dung quan trọng cần ghi nhớ. Phương pháp bản đồ tư duy của Tony Buzan là một trong những cách học lý thú và có tính khái quát hóa cao, giúp trẻ tiếp cận việc học tốt hơ.
Tất cả đều là thử thách của trẻ, muốn trẻ vượt qua được tốt những điều này thì phải cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội dựa trên sự hiểu biết về tri thức khoa học.
(Theo Trung tâm N-T)