Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, thời gian tập trung của trẻ từ 6 – 8 tuổi chỉ có khoảng 8 phút, tập trung tối đa không quá 13 phút. Chứng mất tập trung của trẻ tiểu học, không duy trì sự chú ý được lâu là điều hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân của sự mất tập trung
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân là do đại não của mỗi con người đều có một thời kỳ hoạt động trong trạng thái hưng phấn rất ngắn ngủi. Thời kỳ hưng phấn của đại não trẻ con chỉ tồn tại trong mười mấy phút. Khi lên lớp hoặc học bài ở nhà, trẻ 6 – 8 tuổi không tập trung, hay nghịch ngợm, nói chuyện cùng bạn bè đều xuất phát từ chứng mất tập trung này.
Nội dung chương trình học khô khan và nặng nề, những hạn chế về năng lực sư phạm và tâm lý của giáo viên thì cũng có những yếu tố góp phần vào việc làm trẻ kém tập trung trong việc học.
Trẻ tiểu học từ 6 – 8 tuổi có thói quen sinh hoạt và học tập từ cấp mầm non, ham chơi hơn ham học.
Sự lơ là mất tập trung của con trẻ từ nhiều nguyên nhân:
- Thiếu tính kỷ luật: Trẻ thiếu kiên định để theo đuổi công việc tới cùng, chỉ chọn những việc theo con là thuận lợi và hấp dẫn. Có rất nhiều trò chơi, hoạt động hấp dẫn cuốn hút trẻ hơn chuyện học hành, do vậy đừng vội khó chịu khi thấy con có triệu chứng này.
- Tính chủ quan: Trẻ tiểu học suy nghĩ còn đơn giản, ngây thơ và chưa đánh giá hết kết quả công việc. Trẻ háo hức sáng tạo, thông minh, cá tính, nhưng nhanh thường đi kèm với ẩu. Tính chủ quan thúc đẩy sự mất tập trung, con trẻ có thể mất phong độ trong thể thao, hiệu quả học tập.
- Thiếu phương pháp học tập, làm việc kỷ luật và khoa học: Tính kỷ luật và nghiêm túc tạo cho trẻ môi trường rèn luyện tốt, hình thành kỹ năng học tập khoa học.
Các biểu hiện mất tập trung giảm chú ý ở trẻ:
- Không thể tập trung vào quá nhiều chi tiết, bất cẩn khi làm bài tập
- Khó duy trì khả năng chú ý trong công việc và vui chơi
- Trẻ biểu hiện không lắng nghe người khác dù đang trực tiếp nói chuyện
- Khó khăn trong việc tuân theo hướng dẫn của người lớn, không thể hoàn tất bài vở ở trường
- Khó tham gia vào các hoạt động cần tính tổ chức
- Miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự chú ý lâu dài (như học thêm năng khiếu, tham gia hội nhóm hướng đạo…)
- Thường làm lạc mất đồ dùng học tập, đồ chơi và quần áo
- Dễ bị phân tâm bởi việc đang xảy ra xung quanh
- Quên các công việc được giao theo thời khóa biểu.
Thay đổi nội dung và hình thức học tập thường xuyên, dùng dụng cụ học tập sinh động và trực quan, rèn con vào kỷ luật… Đó là những cách hiệu quả giúp hạn chế chứng mất tập trung của trẻ trong giai đoạn tiểu học.