Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Trẻ bị cận thị: Cách chăm sóc và phòng ngừa

Cận thị học đường là một bệnh về mắt phổ biến nhất hiện nay ở trẻ em. Trẻ bị cận thị không nhìn rõ được vật ở xa, nếu bệnh nặng, khi tham gia giao thông hoặc đi lại trong chính căn nhà của mình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ở thành thị trẻ bị bệnh nhiều hơn nhưng cũng được phát hiện và chữa trị kịp thời hơn ở nông thôn.

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến thường xảy ra ở trẻ em từ 7-14 tuổi. Khi cận thị, hình ảnh của mục tiêu hội tụ trước võng mạc, do đó trẻ bị cận thị có thể nhìn rõ mục tiêu ở cự ly gần nhưng không thể nhìn rõ chính mục tiêu đó khi ở cự ly xa.

Nguyên nhân trẻ bị cận thị

Lý giải khoa học vật lý, nguyên nhân gây ra cận thị  là do lực khúc xạ lớn hơn bình thường. Mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, làm tăng lực khúc xạ.

tre bi can thi
Tỷ lệ trẻ bị cận thị học đường ngày càng gia tăng

Khi trẻ đang ở độ tuổi đang đi học, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến trẻ dễ mắc bệnh như: Trẻ thường xuyên thiếu ngủ hoặc ngủ ít, đặc biệt trong độ tuổi từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi rất dễ gây ra cận thị. Phổ biến hơn do trẻ đọc sách hoặc làm việc khác như xem tivi, sử dụng máy vi tính… trong thời gian dài với khoảng cách gần và trong điều kiện không đầy đủ ánh sáng.

Dấu hiệu nhận biết

Khi đi học, các thầy cô dễ dàng phát hiện ra việc trẻ có bị cận thị hay không vì trẻ thường không nhìn được chữ trên bảng và thường yêu cầu đến gần để có thể nhìn rõ hơn. Ở nhà, để ý bạn sẽ thấy trẻ nheo mắt khi xem tivi hay nhìn vật ở xa, hoặc di chuyển đến gần đồ vật để nhìn rõ hơn.

Trẻ bị cận thị cũng  bị đau đầu, mỏi mắt hay mệt mỏi khi phải tập trung quan sát các vật ở khoảng cách hơn 1 mét. Khi thấy những dấu hiệu như trên, bạn cần đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra kỹ hơn và có biện pháp chăm sóc cần thiết.

Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa

Bố trí lại phòng học cho đủ ánh sáng, điều chỉnh tư thế ngồi học hay một chế độ ăn uống hợp lý… là một số biện pháp bạn cần thực hiện ngay trẻ bị cận thị.

  • Góc học tập đủ ánh sáng

Nên bố trí phòng ngủ của trẻ ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên, góc học tập gần cửa sổ càng tốt. Cường độ ánh sáng tối thiểu để nhìn gần là 200 lux, nhưng tối đa không quá 500 lux.

Nếu lắp đặt hệ thống đèn, nên chú ý kết hợp đèn bóng tròn và đèn ống. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau lên và trên xuống.

tre bi can thi 1
Ngồi học đúng tư thế sẽ giảm bớt nguy cơ trẻ bị cận thị
  • Ngồi học phải giữ đúng tư thế

Tư thế ngồi được khuyến cáo: Ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà: Đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ, không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách, vở một khoảng cách thích hợp (với học sinh cấp I : 25cm).

  • Chế độ nghỉ ngơi cho mắt

Cứ mỗi 20 phút làm việc gần mắt cần được nghỉ bằng cách nhìn xa khoảng 6m hoặc rời khỏi vị trí nhìn 1 phút. Động tác tương đối đơn giản nhưng khá hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu.

  • Xem tivi

Nên chot rẻ xem tivi ở khoảng cách 3,5m với tivi 21 inch. Nên giới hạn việc xem tivi khoảng 1 đến vài giờ trong ngày. Nếu trẻ có tật khúc xạ, nên đeo kính khi xem tivi nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.

  • Chế độ ăn uống đầy đủ

Bổ sung thực phẩm nhiều vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các loại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua , gấc, cà rốt , bí đỏ…các loại rau có màu xanh lục.

Khi trẻ bị cận thị, bạn cần đo thị lực mỗi đầu học kỳ hoặc mỗi năm một lần để theo dõi mức độ cận nếu cần phải thay kính đúng độ. Đồng thời, lắp kính tại cơ sở chuyên khoa: lắp kính đúng số, đúng khoảng cách đồng tử.