Trang bị kỹ năng sống cho lớp 3 có nên căn cứ vào tính cách của trẻ? Câu trả lời là “Có”. Lý do, đây là giai đoạn trẻ có sự biến động tâm lý khá mạnh. Trẻ dễ trở nên cáu gắt, hay thích chỉ trích và thiếu tính kiên nhẫn. Trẻ tưởng rằng mình đã biết rất nhiều, và ứng xử như người “biết tuốt”.
[remove_img id= 31018]
Tám tuổi, trẻ bắt đầu phát triển nhận thức tâm lý chủ quan về bản thân. Trẻ ban đầu cảm nhận rằng có sự khác biệt giữa cảm xúc bên trong và sự bày tỏ ra bên ngoài. Trẻ thích tranh luận và có xu hướng cáu giận với mẹ, với bạn và đặc biệt là với anh chị em trong nhà. Đây cũng là lứa tuổi mà sự so sánh xã hội trở thành cơ sở để tự đánh giá.
Do đó, những bài học kỹ năng sống cũng nên xoay quanh sự phát triển tâm lý này của trẻ. Nhóm kỹ năng sống lớp 3 vì thế nên được xuyên suốt từ trường học lẫn ở nhà.
Những bài dạy kỹ năng sống lớp 3
Tự nhận thức về bản thân
Những kỹ năng nhận thức về bản thân, bao gồm: tự giới thiệu về bản thân; đánh giá về điểm mạnh và điểm yếu; tự biết đánh giá, tự biết nói lên suy nghĩ của bản thân về một sự vật hay hiện tượng…
Học cách biết tự lập
Thầy cô sẽ dạy trẻ hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể tự làm các công việc phù hợp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Là học sinh, các con cũng cần biết tự làm các công việc có thể làm được như vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, dọn dẹp đồ chơi…
Không chỉ phục vụ cho bản thân, con trẻ cũng nên biết thể hiện tình cảm, ý thức trách nhiệm, tự giác chia sẻ công việc nhà với các thành viên trong gia đình, lớp học hay trong tập thể.
Kỹ năng tham gia giao thông
Các em sẽ được học những nội dung khái quát khi tham gia giao thông để đảm bảo yếu tố an toàn cho bản thân và cho những người cùng tham gia giao thông. Qua những bài học này, con trẻ sẽ có ý thức tôn trọng những quy định, luật lệ giao thông và nhắc nhở người thân, bạn bè cùng thực hiện.
Giao tiếp tích cực
Trẻ được dạy cách yêu thương, quan tâm đến những người thân trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, thầy cô, bạn bè… Con hiểu sơ về khái niệm “cho đi nghĩa là nhận lại”, cuộc sống luôn tươi đẹp bởi sự cho và nhận.
Hơn nữa, trẻ cũng được dạy rằng tức giận là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi con không hài lòng về điều gì đó. Tuy nhiên, thường xuyên tức giận sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ trong cuộc sống của bất cứ ai.
Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh lớp 3 tại nhà
Tại nhà, cha mẹ nên nhẹ nhàng, kiên nhẫn chỉ bảo cho con thực hành những công việc cụ thể. Những kỹ năng sống cho học sinh lớp 3 nên được trang bị cho trẻ, bao gồm:
- Gom quần áo dơ và vận hành máy giặt và máy sấy
- Quản lý thời gian (có thể giao cho con các công việc và đặt ra khoảng thời gian cụ thể để hoàn thành)
- Gấp chăn mền gọn gàng
- Sắp xếp và tổ chức lại ngăn kéo nhà bếp
- Giúp vệ sinh tủ lạnh
- Chuẩn bị đồ uống nóng
- Biết chế biến xúc xích và trứng theo hình thức nấu đơn giản (luộc, chiên)
- Chiên vàng thịt hamburger
- Lau bụi những món đồ dùng gia đình
- Đếm tiền hoặc đưa ra khoản tiền tương ứng với giá trị món đồ được mua
- So sánh chất lượng và giá cả của những món đồ
- Tra dầu vào những bộ phận của xe đạp (xích, ốc…)
[remove_img id= 24869]
Trang bị kỹ năng sống lớp 3 sẽ phức tạp hơn so với những độ tuổi khác. Bởi đây là giai đoạn mà theo dân gian hay gọi là “chướng” của trẻ. Thế nên, cha mẹ thầy cô nên luôn giữ bình tĩnh và chỉ bảo trẻ từng chút một. Ngoài ra, vấn đề kỷ luật trẻ cũng nên được áp dụng hợp lý. Điều này sẽ giúp trẻ trải qua một giai đoạn biến động theo cách nhẹ nhàng nhất.