Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Bắt mạch những biểu hiện của người nói dối

Thông qua các dấu hiệu cơ thể, bạn hoàn toàn có thể nhận ra đâu là những biểu hiện của người nói dối để tránh bị họ “đưa vào tròng”.

Bị ai đó lừa gạt là một cảm giác không mấy dễ chịu. Bạn hoàn toàn có thể tránh khỏi việc này bằng cách đọc các dấu hiệu cơ thể của người đối diện để xem họ có đang nói dối bạn hay không.

Để “bắt mạch” ai là Pinocchio, bạn cần học cách đọc các biểu hiện trên khuôn mặt và cơ thể, dù là chi tiết nhỏ nhất, cũng như lưu ý đến các dấu hiệu mà hầu hết mọi người không quan tâm. Có thể bạn sẽ mất một khoảng thời gian dài để thực hành nhưng bù lại, bạn sẽ sở hữu được một kỹ năng cực kỳ hữu ích. Nào, bắt đầu nhé!

1. “Micro-expressions”  – kỹ thuật phát hiện nói dối dựa trên nét mặt

những biểu hiện của người nói dối 1
Quan sát nét mặt và cử chỉ để nhận ra bạn đang nói chuyện với người nói dối

Micro-expressions là những biểu hiện thoáng qua trên gương mặt, thường chỉ diễn ra trong khoảng một phần nhỏ của giây. Những biểu hiện này nói lên cảm xúc thật của một người, ẩn bên dưới lời nói dối.

Một số người có khả năng nhạy cảm thiên phú nên dễ dàng phát hiện ngay các biểu hiện này nhưng hầu hết chúng ta đều phải rèn luyện mới có thể nhận ra được các “micro-expressions”.

Thông thường, khi ai đó nói dối, “micro-expressions” của họ được biểu hiện dưới dạng cảm xúc lo âu, bồn chồn. Cụ thể, chân mày của họ sẽ nhướng lên, làm xuất hiện một loạt các nếp nhăn ngắn trên trán.

2. Kiểm tra mồ hôi

Con người thường có xu hướng tiết ra nhiều mồ hôi hơn khi nói dối. Việc đo lượng mồ hôi cũng là nguyên lý hoạt động chính của máy kiểm tra nói dối. Tuy nhiên, phương pháp này không hẳn đáng tin cậy, bởi có rất nhiều lý do khách quan để một người đổ mồ hôi, như cảm giác lo lắng, e thẹn, nhút nhát hoặc do cơ địa.

Vì vậy, phương pháp này chỉ là một trong nhóm các kỹ thuật dùng để đọc ngôn ngữ cơ thể. Bạn nên kết hợp việc kiểm tra mồ hôi với các dấu hiệu khác như sự run rẩy, đỏ mặt…

3. Dấu hiệu bồn chồn và lo lắng quá mức

Bồn chồn là kết quả của việc hệ thần kinh tiết ra nguồn năng lượng nhiều hơn bình thường khi một người nói dối sợ bị phát hiện. Để giải phóng nguồn năng lượng này, họ sẽ có những biểu hiện bồn chồn rất đặc trưng như đứng lên, ngồi xuống hoặc nhìn ngó láo liên xung quanh.

những biểu hiện của người nói dối 4
Thái độ bồn chồn, lo lắng quá mức cũng được xem là một trong số những biểu hiện của người nói dối

Ngoài ra, bạn cũng nên để ý một vài dấu hiệu khác như: động đậy ghế liên tục (nếu đang ngồi), nắm chặt bất cứ thứ gì trong tay, bấu lấy cơ thể của chính họ, phát ra những âm thanh lách cách bằng cách cọ đồ vật với nhau…

4. Quan sát mức độ dò xét

Như một phản ứng tự nhiên, chúng ta thường hay dò xét hành vi của người mình đang tương tác. Đó là cách để thiết lập mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm. Nhưng khi nói dối, sự dò xét này sẽ giảm đi đáng kể, vì kẻ nói dối thường dành rất nhiều nỗ lực để tạo ra một câu chuyện “có vẻ như thật” cho người nghe và không còn để tâm dò xét đối phương nữa. Một vài dấu hiệu dưới đây sẽ cho thấy người bạn đang trò chuyện có mức độ dò xét rất thấp.

  • Nghiêng người đi: Khi một người nói thật, cơ thể họ thường nghiêng về phía người nghe. Ngược lại, một kẻ nói dối thường có xu hướng lùi ra xa. Đó là dấu hiệu cho thấy họ đang không muốn cung cấp thêm thông tin, nếu không cần thiết. Tất nhiên, kẻ nói dối không mong muốn nói nhiều về câu chuyện dối trá vì sợ tăng khả năng bị lộ.
  • Khi một ai đó đang nói thật, đầu của họ chuyển động một cách tự nhiên và những bộ phận khác trên cơ thể cũng thế. Việc này là một phần của sự tương tác giữa người nói và người nghe. Một người cố tình đánh lừa bạn vẫn có thể miễn cưỡng làm điều đó nhưng cử chỉ rất gượng gạo và bạn sẽ không quá khó khăn để nhận ra.
  • Một dấu hiệu nữa là họ thường “đánh lạc hướng” người nghe bằng những động tác “thừa thãi” một cách không cần thiết, ví dụ như gãi mũi, sờ tai, bẻ khớp tay, ho khan, khụt khịt mũi, vò tóc…

5. Quan sát cổ họng của đối phương

Một người nói dối thường cố gắng “bôi trơn” cổ họng của mình bằng cách nuốt nước bọt hoặc hắng giọng và đôi khi có vẻ như họ đang rất khó khăn để nuốt thức ăn (nếu họ đang dùng bữa). Khi nói dối, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone là “adrenaline”, chúng sẽ bơm ra rất nhiều nước bọt rồi từ từ ít dần. Trong lúc nước bọt đang trào ra như thế, người đó sẽ phải cố nuốt nó xuống. Khi nước bọt không còn tiết ra nhiều nữa, đó là lúc kẻ nói dối hắng giọng để làm sạch cổ họng của mình.

6. Chú ý cách gật đầu

những biểu hiện của người nói dối 5
Biểu hiện không đồng nhất giữa hành động và lời nói là dấu hiệu nhận biết dễ dàng

Nếu cứ gật hoặc lắc đầu khi đang nói, có thể người đối diện bạn đang truyền tải những điều không thật. Phương pháp này được gọi là “Incongruence” (sự không đồng nhất).

  • Ví dụ một người nói: “Tôi đã lau sạch sẽ mấy cái chậu này rồi!” nhưng trong khi nói, đầu anh ta vẫn đang lắc nhẹ thì 99% anh ta đang nói dối. Dấu hiệu này có thể nhận ra một cách tương đối dễ dàng vì nhìn nó y như thể một người đang vừa cùng lúc lắc và gật đầu. Một cử chỉ rất không bình thường.
  • Những người nói dối thường rất ngần ngại gật đầu khi đưa ra một câu trả lời. Với những người nói thật, họ có xu hướng gật đầu ngay khi ủng hộ hoặc đồng tình với một ý kiến nào đó. Còn nếu như ai đó muốn đánh lừa bạn, họ thường gật đầu chầm chậm và từ từ. Tương tự, cách lắc đầu cũng là biểu hiện của việc nói dối hoặc thành thật. Nhớ quan sát kỹ để nhận ra ngay!

7. Kiểm tra nhịp thở

Người đang nói dối thở nhanh hơn bình thường. Họ thường thở một loạt các hơi thở ngắn và theo sau đó là một hơi thở thật sâu. Điều này làm cho miệng bị khô (cũng là nguyên nhân gây nên phản ứng hắng giọng). Nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này là do trạng thái căng thẳng buộc tim đập nhanh hơn và thúc đẩy phổi phải nạp thêm nhiều không khí.

8. Chú ý đến cử chỉ của các bộ phận trên cơ thể

Trong tình huống dễ chịu, không căng thẳng, mọi người có xu hướng cử động tay và chân vô cùng thoải mái, không bị hạn chế hay gượng gạo. Còn đối với người nói dối, những bộ phận này sẽ cử động rất giới hạn, cứng và đơ, không định hướng được. Bàn tay của người đó rất hay chạm vào mặt của mình, vành tai, hoặc sau gáy. Cánh tay khoanh vào nhau, chân đan chéo, nhìn rất thiếu tự nhiên, không thoải mái. Đó là dấu hiệu của việc người đó đang nói dối để không phải cung cấp thêm thông tin gì nữa. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những cử chỉ biết nói dưới đây.

Những người nói dối thường rất hạn chế cử động tay, trong khi đó là điều hết sức bình thường khi đang thảo luận. Nếu chú ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy hầu hết những người nói dối tránh cử động ngón trỏ, lòng bàn tay lúc nào cũng mở ra, các ngón tay hay chạm vào nhau tạo thành hình tam giác. Cử chỉ này rất đặc biệt nên không khó để nhận thấy, chỉ cần bạn chú ý thêm một chút.

9. Kiểm tra các đốt ngón tay

những biểu hiện của người nói dối 6
Biểu hiện dễ thấy của người nói dối

Những người nói dối hay ngồi bất động và thường bấu chặt vào bất cứ vật gì trong tầm tay của mình. Đó là lý do các đốt ngón tay thường trắng bệch một cách thiếu tự nhiên. Họ bấu chặt đến mức thậm chí còn không biết các ngón tay của mình đang trông tội nghiệp và kỳ cục như thế nào.

Những người nói dối thường có điệu bộ chải chuốt. Họ làm những cử chỉ như lấy tay nghịch tóc, vuốt tóc mái, sửa lại đồ cài áo, xoay nhẫn hay vòng tay, chỉnh lại dây đồng hồ… một cách liên tục để phân tán sự chú ý của đối phương.

Những người nói dối có thể cố tình tạo cho mình sự lóng ngóng, luộm thuộm. Họ hay ngáp và làm những cử chỉ tỏ vẻ đang rất chán nản như thở dài, ủ rũ… để “đánh trống lảng”, dẫn dắt sự quan tâm của người đối diện theo hướng khác và che đậy sự dối trá của mình.

Gia Huy