Luyện ngủ cho con ngay từ ngày đầu tiên sau khi sinh là điều mà ít bà mẹ biết đến và áp dụng thành công. Tuy nhiên, với hai mẹ con chị Thùy Chi (28 tuổi) và bé Tee (33 tháng tuổi), hiện đang sống ở Canada, việc luyện ngủ này lại diễn ra rất nhẹ nhàng và thoải mái.
Tập con ngủ xuyên đêm bằng cách cho ngủ riêng trong cũi
Vốn xác định tinh thần sẽ luyện ngủ cho con, nên ngay khi ở viện về nhà, chị Chi đã cho con ngủ riêng trên cũi. Nhờ thế, chỉ 2 tháng 2 ngày, bé đã có thể ngủ xuyên đêm từ 6 rưỡi tối hôm trước đến 5 rưỡi sáng hôm sau, tự cắt cữ đêm.
Nói về việc chuẩn bị cho con ngủ riêng từ đầu, chị Chi cho biết:
“Việc cho con ngủ riêng, bố mẹ đã thống nhất từ trước khi sinh, nên sinh xong là thực hiện luôn. Ba ngày ở viện thì bé nằm xe nôi, khi về nhà là nằm riêng trong cũi.
Nhà mình không có phòng riêng cho con nên cũi của con được đặt trong phòng bố mẹ, ngay sát giường. Thời gian đầu, khi em bé chưa biết vận động nhiều, mình thả một bên thanh chắn xuống.
Như vậy, bố mẹ nằm ở giường cũng dễ dàng nhìn thấy con, và công việc đặt con vào cũi của mẹ cũng tiện hơn rất nhiều”.
Hiệu quả tuyệt vời từ thói quen cho con ngủ riêng ngay sau sinh
Nhờ cho con ngủ riêng ngay từ đầu như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng, bé Tee đã có thể tự cắt cữ bú đêm và ngủ xuyên từ tối đến sáng.
Chị chia sẻ thêm: “Mình không phải cai cữ đêm cho con mà con tự điều chỉnh cắt cữ đêm. Trong tháng, cứ tầm 6h tối là con bắt đầu giấc ngủ đêm, 3 tiếng dậy ti sữa mẹ một lần.
Sang tháng thứ 2, giấc đêm của Tee bắt đầu từ 6 rưỡi tối. Con dậy 2 lần lúc 11 giờ đêm và 3 giờ sáng để ăn. Sau đó đến 2 tháng 3 ngày, con tự cắt bú đêm và ngủ liền mạch từ 6 rưỡi tối đến 5 giờ sáng hôm sau.
Mình có cơ hội tiếp xúc và chia sẻ với rất nhiều mẹ, mình nhận ra việc cho con ngủ riêng ngay từ đầu có thể giúp con tự ngủ xuyên đêm và bỏ cữ đêm khi cần mà mẹ không mất chút công sức nào. Trung bình các bé được ngủ riêng sẽ tự cắt cữ đêm khi 2-3 tháng”.
Thế nhưng, giống như rất nhiều các em bé khác, bé Tee cũng có những giai đoạn phát triển khác nhau. Nên đến khi bé được khoảng gần 12 tháng tuổi, bé tự thức dậy buổi đêm và không tự ngủ lại được.
Kết hợp phương pháp luyện ngủ Cry It Out để con giảm khóc đêm
Đến khi bé được khoảng gần 12 tháng tuổi, bé tự thức dậy buổi đêm và không tự ngủ lại được. Khi ấy, vì bé đã lớn, chị Chi áp dụng phương pháp luyện ngủ cry it out cho con.
Thay vì chạy lại ngay bên con khi con khóc, chị để con có thời gian chờ, tối đa là 30 phút. Sau khoảng 3-5 ngày, bé giảm khóc dần và đến ngày cuối cùng, bé chỉ thức dậy ọ ẹ một chút rồi tự ngủ lại.
Nguyên tắc của phương pháp luyện ngủ cry it out (CIO) mà chị Chi áp dụng cho bé Tee:
- Đặt bé vào giường/cũi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức.
- Mẹ nói chúc ngủ ngon với con và ra khỏi phòng.
- Nếu bé khóc, để cho bé khóc trong một thời gian nhất định, gọi là thời gian chờ.
- Đêm đầu tiên, chờ 3 phút lần thứ nhất, 5 phút lần thứ 2 và 10 phút lần thứ 3, các lần sau tăng dần đều thời gian như vậy, tối đa 45 phút.
- Đêm thứ hai, chờ 5 phút lần thứ nhất, 10 phút lần thứ hai và 12 phút lần thứ ba. Làm theo các khoảng thời gian lâu hơn 3-5 phút cho mỗi lần chờ vào mỗi đêm tiếp theo.
- Hết một khoảng thời gian chờ, mẹ vào phòng, trấn an bé bằng cách xoa đầu, vỗ mông, hôn trán…, nhưng tuyệt nhiên không bế bé lên.
- Lặp lại quy trình này cho đến khi bé có thể tự ngủ
[inline_article id=220116]
Những lưu ý khi áp dụng biện pháp cry it out
Để áp dụng biện pháp này hiệu quả, mẹ cần lưu ý trước khi đến giờ ngủ của con, mẹ phải chuẩn bị cho con thật kỹ càng:
- Con nhất định phải được ti no, bỉm thay sạch sẽ, nhiệt độ phòng ổn định, môi trường thích hợp (nếu giấc ngủ đêm thì hãy cho con một căn phòng tối, không tiếng ồn)
- Mọi thứ phải được đảm bảo cho một giấc ngủ ngon cho con
- Con nên được đặt trong cũi để đảm bảo môi trường an toàn
- Vài ngày trước khi áp dụng CIO và liên tục trong khi áp dụng phương pháp này, bố mẹ nên thủ thỉ tâm sự cùng con, kể cho con lý do bố mẹ làm như thế, có tác dụng như thế nào đối với con, mong con hợp tác
Chị Chi cũng cho rằng, trong việc luyện ngủ bằng CIO, tâm lý của bố mẹ cũng là điều vô cùng quan trọng. Bởi bố mẹ cần nghiên cứu kỹ, tin vào bản thân mình, tin vào con, tin vào phương pháp, lên quyết tâm áp dụng và sẽ không từ bỏ giữa chừng.
Nếu như áp dụng nửa vời (theo kiểu áp dụng 1-2 ngày, thấy con khóc quá nên lại thôi), lần sau nếu muốn áp dụng lại sẽ vô cùng khó (tỷ lệ khó sẽ tăng theo cấp số nhân so với số lần bị từ bỏ)
Bởi khi đó em bé của bạn đã hình thành ý thức nếu khóc nhiều, khóc lớn sẽ có người vào dỗ.
Lợi ích của biện pháp Cry It Out
Về hiệu quả của việc luyện ngủ, chị Chi cho biết:
- Cho con ngủ riêng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó bao gồm giúp con ngủ sâu hơn và ngủ xuyên đêm.
- Bé sẽ có cơ hội được phát triển vượt trội về mọi mặt (phát triển trí não, tăng sức đề kháng, cao hơn, tự lập…).
- Còn mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc làm các công việc riêng.
- Hơn thế nữa, việc cho con ngủ riêng ngay từ khi mới sinh cũng không có gì không tốt.
Tuy còn gây nhiều tranh cãi nhưng với trường hợp của mẹ con chị Chi, phương pháp luyện ngủ Cry It Out đã tỏ ra khá hiệu quả. Các mẹ bỉm sữa Việt có thể tìm hiểu bé nhà mình có phù hợp không để thử áp dụng phương pháp này để mang lại cho con giấc ngủ sâu và dài.