Categories
Mang thai 3 tháng giữa

Sự phát triển của thai 16 tuần tuổi & lời khuyên của bác sĩ cho mẹ bầu

Thai tuần 16 đã có nhiều bước tiến đáng kể. Ở tuần này, bé đã nặng khoảng 140g. Mẹ bắt đầu cảm thấy mình nặng nề hơn và di chuyển khó khăn hơn một chút.

Sự phát triển của thai nhi 16 tuần

1. Thai 16 tuần nặng bao nhiêu kg là chuẩn?

Thai 16 tuần nặng bao nhiêu kg là đúng chuẩn? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), ở tuần thai thứ 16, bé nặng khoảng 100g và dài cỡ 11,43cm từ chóp đầu đến mông.

Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số siêu âm thai 16 tuần khác như:

  • Chiều dài xương đùi của thai (FL): khoảng 21mm.
  • Chu vi bụng của bé (AC): khoảng 105mm.
  • Chu vi đầu của thai nhi (HC): khoảng 124mm.
  • Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): khoảng 121 – 171g.

Tuy nhiên những con số này chỉ mang tính chất tương đối và tham khảo, nó sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nếu có bất kì khác biệt nào quá lớn so với dân số chung thì bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn cho mình các bầu nhé.

Như vậy mẹ bầu đã biết thai nhi 16 tuần nặng bao nhiêu và các chỉ số siêu âm thai 16 tuần rồi đó. Mẹ đọc tiếp để có thêm thông tin về sự phát triển của con trong giai đoạn này nhé.

2. Thai 16 tuần phát triển như thế nào? 

Mẹ đang thắc mắc thai 16 tuần phát triển như thế nào? Mẹ biết không, thai 16 tuần đang khởi động cho một cuộc bứt phá về cả chiều dài lẫn cân nặng đấy. Chỉ trong vài tuần nữa thôi, bé sẽ nặng gấp đôi và dài thêm hàng chục milimet!

Da bé trong suốt

Thai nhi đang trở nên trông giống người hơn nhưng chưa có lớp mỡ dưới da. Do da gần như trong suốt nên có thể thấy các mạch máu của bé dưới lớp da mỏng đó, các tuyến mồi hôi cũng có thể bắt đầu xuất hiện sơ khai

Thai 16 tuần tuổi biết làm gì? Bé sẽ sớm nghe thấy giọng nói của mẹ

Nhiều mẹ thắc mắc thai 16 tuần tuổi biết làm gì? Mắt và tai thai nhi đã bắt đầu nằm ở nơi gần giống với trẻ sơ sinh, mắt bắt đầu có các cử động mặc dù 2 mí mắt vẫn nhắm chặt, các xương nhỏ trong tai của thai nhi đã nằm đúng vị trí, khiến bé có thể có cảm nhận về âm thanh, các chuyên gia khuyên rằng kể từ thời điểm này bố mẹ đã có thể trò chuyện cùng con để tăng sự kết nối yêu thương sau này.

Thai 16 tuần bắt đầu hoàn thiện phần chân

Ngay lúc này, chân của bé cũng đã phát triển hơn, phần đầu ngẩng lên hơn so với thời gian trước. Các mảng da đầu của bé đã bắt đầu cố định, nhưng có thể vẫn chưa thấy rõ tóc của bé. Lúc này, bé cũng đã bắt đầu hình thành các móng chân.

Hệ cơ xương và tim mạch của bé đang phát triển

Đồng thời, khi thai 16 tuần, bé có thể xoay chuyển các khớp và tuyến mồ hôi bắt đầu phát triển. Lúc này, xương của bé đang chuyển dần dần từ dạng sụn dẻo thành xương cứng.

Có rất nhiều hoạt động khác đang diễn ra để giúp thai nhi duy trì tốc độ phát triển cần thiết. Chẳng hạn, trái tim rất nhỏ của thai 16 tuần bơm khoảng 25 lít máu mỗi ngày. Lưu lượng này sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của bé.

Mẹ mang thai 16 tuần có thể cảm nhận được chuyển động của bé 

Tuần thứ 16 thường là một mốc khó quên với các mẹ bầu. Rất nhiều mẹ lần đầu tiên cảm nhận được sự chuyển động của con ở tuần này.

Đó có thể chỉ là những âm thanh lèo xèo như sôi ruột, tiếng gõ bụp bụp vào thành bụng hay cảm giác bé đang búng tách tách ngay bên dưới làn da của mẹ. Mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận thấy những chuyển động này khi ngồi im hoặc nằm xuống. Sở dĩ mẹ phải chờ đến tận 16 tuần là vì ở thời điểm này, bé mới đủ lớn để tạo ra được chuyển động đủ mạnh.

Tuy nhiên sự cảm nhận này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người mẹ cũng như độ dày thành bụng và sự chú tâm, nên nếu thai 16 tuần, mẹ vẫn chưa cảm nhận thấy thai máy trong khi khám thai bình thường thì cũng đừng lo lắng nhé.

Bộ phận sinh dục thai nhi 16 tuần

Ở giai đoạn này, nếu mẹ muốn biết (và em bé của mẹ nằm đúng vị trí); bác sĩ cũng có thể xác định giới tính của em bé.

Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá sốt ruột khi siêu âm chưa có hình ảnh bộ phận sinh dục thai nhi 16 tuần rõ ràng. Chỉ cần chờ thêm một vài tuần nữa, khi bé ở vị trí thuận lợi hơn. Mẹ sẽ biết giới tính của con ngay thôi.

siêu âm thai nhi 16 tuần
Em bé đang ở mốc tuổi thai 16 tuần và mong chờ ngày được gặp mẹ.

3. Thai 16 tuần là mấy tháng?

Nếu mẹ đang mang thai 16 tuần, tức là mẹ đang ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Đây là giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ 2, là thời điểm khá quan trọng trong thai kỳ để tầm soát dị tật thai nhi cũng như khảo sát hình thái quý 2 mẹ nhé, nên mẹ cần khám thai đầy đủ để được nghe tư vấn và chuẩn bị cho những công việc sắp tới.

Sau khi biết thai 16 tuần là mấy tháng rồi, mẹ đọc tiếp nội dung để hiểu hơn về sự thay đổi cơ thể của mình giai đoạn này nhé.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ mang thai 16 tuần

1. Thai 16 tuần bụng to chưa? Câu trả lời là rồi mẹ nhé!

Nhiều mẹ thắc mắc thai 16 tuần bụng to chưa? Khi mang thai 16 tuần, tử cung của mẹ đã to bằng một quả dưa cam vàng, đáy tử cung đang nằm ở khoảng giữa phía trên xương mu và rốn. Thời điểm này tử cung chưa đủ lớn nên khi khám thai vẫn chưa được đo bề cao tử cung đâu nhé.

Cùng với sự tăng kích thước tử cung và thai mẹ sẽ có thể bắt đầu có cảm giác đè nặng làm đau vùng xương chậu của mình.

[inline_article id=82127]

thai 16 tuần phát triển như thế nào

2. Mẹ sẽ thấy đau lưng

Khi bụng to lên, mẹ có thể cảm thấy nặng nề hơn chút xíu, lưng dưới của mẹ cong hơn bình thường để chịu tải; dẫn đến cơ lưng bị căng và có thể đau mỏi. Tuy nhiên, đau lưng ở giai đoạn này vẫn còn khá nhẹ nên mẹ có thể mát xa, thư giản, nghỉ ngơi hoặc tắm nước ấm để thoải mái hơn nhé.

Với vòng bụng lớn và nặng nề hơn, mẹ có thể thấy mình dễ mất thăng bằng. Mẹ nên cẩn trọng khi di chuyển, mang những đôi giày thấp gót và đế không trơn trượt để giảm nguy cơ ngã vì trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, chấn thương vùng bụng có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nếu đi xe hơi, mẹ nhớ thắt dây an toàn bên dưới bụng, vòng qua hông.

>> Mẹ tham khảo thêm Cách giảm đau lưng cho bà bầu

3. Mắt mẹ mang thai 16 tuần sẽ khô và nhạy cảm

Mẹ có thể thấy mắt của mình bị khô hơn. Mẹ nên dùng nước nhỏ chống khô mắt loại không cần kê đơn. Nếu kính áp tròng trở nên khó chịu; mẹ hãy thử giảm thời gian dùng chúng hoặc chuyển sang dùng kính thường đến sau khi sinh bé.

Một số mẹ bầu thấy mình bị ngứa, chảy nước mắt, đặc biệt là nếu mẹ bị dị ứng. Mẹ có thể thử dùng thuốc trị dị ứng không kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt cho bệnh khô mắt; nhưng hãy nhớ tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhé.

4. Mẹ mang thai 16 tuần sẽ nhanh đói

Mẹ sẽ cảm thấy mau đói hơn do bé đang phát triển nhanh và cần nhiều dinh dưỡng. Đó là lý do mẹ sẽ mau cảm thấy đói.

Tốt nhất, mẹ nên chuẩn bị một số loại đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng, đồng thời lên sẵn thực đơn hàng ngày để đảm bảo mình ăn đủ chất. Mẹ cũng nên bổ sung thêm canxi dạng viên uống hoặc uống thêm sữa để hỗ trợ cho sự phát triển xương của bé.

5. Ngực của mẹ tiếp tục phát triển

Ngực mẹ to hơn. Hiện tại, ngực của mẹ có thể đã tăng lên vài cỡ để chuẩn bị cho việc cho con bú vào cuối tam cá nguyệt thứ hai.

Mẹ cũng đừng quá lo lắng khi thấy kích thước ngực lớn. Sau khi mẹ sinh và cai sữa, ngực mẹ có thể sẽ trở về kích thước như trước khi mang thai.

>> Mẹ biết gì về Hiện tượng chửa ngực, tìm hiểu ngay mẹ nhé!

6. Táo bón khi mang thai 16 tuần

Bên cạnh những hormone thai kỳ khiến đường tiêu hóa của mẹ hoạt động chậm chạp; tử cung đang mở rộng cũng đang gây áp lực lên ruột; điều này có thể khiến tình trạng táo bón tệ hơn.

7. Mẹ mang thai 16 tuần sẽ thấy tăng tiết dịch âm đạo

Mặc dù tiết dịch âm đạo thực sự có lợi cho cơ thể mẹ vì nó bảo vệ đường sinh khỏi nhiễm trùng; nhưng mẹ có thể không cảm thấy thoải mái.

Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không được thụt rửa hoặc dùng khăn lau vì chúng có thể gây kích ứng đường sinh dục, tổn thương niêm mạc và khuẩn hệ âm đạo dẫn đến nhiễm trùng; rồi ảnh hưởng đến con. Nếu tình trạng tăng tiết dịch làm mẹ khó chịu, dịch âm đạo có màu khác lạ, mùi hôi, ngứa hay rát thì đó rất có thể là viêm âm đạo, tình trạng này cần được bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm và điều trị đúng cách.

sự thay đổi trong cơ thể mẹ

8. Suy tĩnh mạch khi mang thai 16 tuần

Một cách để giảm thiểu các mạch máu sưng lên ở chân đó là duy trì cân nặng tăng dần đều và lành mạnh; đồng thời nằm trong phạm vi khuyến nghị; vì cân nặng tăng thêm sẽ làm tăng tải trọng cho hệ tuần hoàn của mẹ; dẫn đến suy tĩnh mạch.

9. Chảy máu nướu răng

Mẹ có nhận thấy rằng nướu bị chảy máu sau khi đánh răng? Đó là bởi vì các hormone thai kỳ đang gây ra tình trạng viêm nướu, khiến chúng dễ bị vi khuẩn, kích ứng và chảy máu hơn.

Mặc dù chảy máu nướu răng không phải điều quá nghiêm trọng; nhưng các chuyên gia khuyến khích mẹ dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên. Mẹ cũng nên đến gặp nha sĩ ít nhất một lần trong thời kỳ mang thai để tránh các bệnh về nướu dẫn đến các biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị.

10. Hội chứng hay quên khi mẹ bầu 16 tuần

Mẹ có thể hay quên. Đây còn được gọi hội chứng hay quên khi mang thai. Không ai biết chắc chắn nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai hay quên, có thể là do thay đổi hormone hoặc do mẹ suy nghĩ nhiều thứ.

[inline_article id=140192]

Kinh nghiệm của một bà mẹ mang thai 16 tuần

“Tôi lên một danh sách các nhóm thức ăn cơ bản và dán vào tủ lạnh. Vào cuối ngày, tôi kiểm tra lại mình đã ăn những gì. Sau đó, tôi ăn món nào đó cho bữa khuya để có thể bổ sung vào bất kỳ mục còn thiếu nào như sữa chua hoặc một ly kem nếu cần thêm sữa, hoặc cam nếu cần thêm trái cây”, Thanh Nguyên, Gò Vấp, TP. HCM chia sẻ.

Tuần thứ 16 cũng là thời gian thích hợp để mẹ đi khám thai. Hãy ghi sẵn những câu hỏi mà mẹ cần bác sĩ giải đáp để không bỏ sót. Đồng thời, đừng quên lưu lại những tấm hình siêu âm của con nhé. Đây sẽ là những hình ảnh rất quý giá để dành tặng con khi bé lớn lên đấy.

Lời khuyên của bác sĩ để thai nhi 16 tuần phát triển tốt

1. Mẹ bầu 16 tuần nên ăn gì?

Giống như bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai, một chế độ ăn cân đối và lành mạnh là điều cần thiết. Mẹ nên ăn những món ăn theo sở thích, hợp khẩu vị nhưng cũng cần đủ chất, an toàn vì kể từ thời điểm này trở đi, nhu cầu dinh dưỡng cho con ngày càng cao, nếu lo lắng một số thứ có thể ăn được hoặc không, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trong những lần khám thai nhé. 

Mẹ cũng có thể tạo thói quen ăn kèm salad hoặc rau nướng; hoặc xào các loại rau lá xanh như rau bina, cải thìa hoặc bông cải xanh. Súp đậu lăng, đậu và rau cũng là những lựa chọn tuyệt vời, đối với súp làm từ cà chua và súp cũng tương tự như vậy.

16 tuần nên ăn gì

2. Chế độ vận động cho mẹ bầu 16 tuần

Để giảm đau lưng, thay vì thư giãn trên ghế sofa; hãy thử tập yoga hoặc pilates nhẹ nhàng. Cả hai đều giúp kéo giãn và thả lỏng cột sống và giải phóng căng thẳng trong cơ thể.

Một điểm cộng khác đó là yoga và pilates tăng cường mức năng lượng và cải thiện tâm trạng của mẹ; vì vậy mẹ có thể đương đầu tốt hơn với những cơn đau lưng. Mẹ cũng có thể thực hiện các động tác đơn giản để tăng cường cơ bụng; do đó sẽ giảm bớt căng thẳng cho lưng dưới của mẹ.

3. Cách chăm sóc bản thân cho mẹ

Ngăn ngừa mụn

Da tiết thêm dầu trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến nổi mụn, da trông xỉn màu và kém tươi tắn. Vì vậy, nếu có vấn đề về da tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa và bác sĩ da liễu để được cung cấp những sản phẩm an toàn cho thai kỳ; rửa mặt sạch, tránh khói bụi ô nhiễm, uống nhiều nước cũng là một cách khiến làn da khoẻ hơn. .

Chọn ghế ngồi hỗ trợ tốt

Nếu mẹ phải ngồi làm việc 8 tiếng/ngày, mẹ sẽ cảm thấy cơn đau lưng tăng nhiều. Hãy thử đặt một chiếc gối tựa sau lưng dưới của mẹ; hoặc tìm một chiếc ghế làm việc thoải mái, giúp lưng mẹ thẳng, không bị khom lưng.

Ngoài ra, để giảm đau lưng, hãy dành một chút thời gian để tập thể dục. Ngồi và đứng thẳng, thường xuyên kéo căng cơ thể sẽ giảm đau.

Tránh táo bón

Tử cung của mẹ bắt đầu đè lên ruột của mẹ, khiến mẹ dễ táo bón. Do đó, ngoài tập thể dục nhẹ nhàng, chịu khó đi lại, mẹ nên nạp thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước.

Ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch: Giãn tĩnh mạch khi mang thai tương đối phổ biến, thường không đau và không gây hại. Tuy nhiên, sau khi mẹ sinh xong, các tĩnh mạch sẽ thu nhỏ lại. Để phòng ngừa, mẹ không nên đứng lâu ở một tư thế và kê cao chân khi ngồi.

4. Lịch khám thai tuần 16 gồm những gì?

Nếu mẹ đang lăn tăn không biết khám thai tuần 16 gồm những gì, mẹ tìm thêm câu trả lời dưới đây nhé:

  • Khám lâm sàng trong lịch khám thai tuần 16: khai thác các yếu tố nguy cơ bệnh tật như tăng huyết áp hay đái tháo đường, nguy cơ sinh non, tiền sử các lần mang thai lần trước, bệnh lý toàn thân, đo huyết áp, khám tim phổi…khám âm đạo để phát hiện viêm âm đạo.
  • Siêu âm: đây là thời điểm thích hợp để khảo sát hình thái thai nhi tam cá nguyệt thứ 2 và tìm các marker dị tật cũng như khảo sát sinh trắc thai.
  • Xét nghiệm: nhiều mẹ muốn biết thai 16 tuần làm xét nghiệm gì? Nếu mẹ chưa được làm xét nghiệm máu và nước tiểu tổng quát trong ba tháng đầu hoặc chưa làm tầm soát dị tật nhiễm sắc thể thì đây là giai đoạn bác sĩ sẽ cho mẹ làm.

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 16 tuần

1. Thai 16 tuần đã máy chưa?

Nhiều mẹ mong ngóng không biết ở tuần thứ 16, thai nhi đã máy chưa? Thai máy (hay còn gọi là cử động thai); là khi thai nhi có những cử động như xoay trở mình, tay chân hay toàn thân mà người mẹ cảm nhận được. Thời điểm phát hiện chuyển động đầu tiên có thể dao động từ 13 đến 25 tuần.

  • Một số bà mẹ có thể cảm thấy con mình di chuyển sớm vào tuần thứ 13 đến 16 kể từ khi bắt đầu kỳ kinh cuối cùng. Những chuyển động đầu tiên của thai nhi thường được tả là nhanh và là những cử động rung rinh.
  • Một số bà mẹ, đặc biệt là những bà mẹ mang thai lần đầu; có thể không cảm thấy cử động cho đến tuần thứ 18 đến 20. Hãy nhớ rằng mỗi phụ nữ và mỗi lần mang thai là khác nhau; vì vậy mẹ bầu có thể không cảm thấy chuyển động sớm như người khác.

Vậy mẹ đã biết thai 16 tuần máy chưa rồi đó!

2. Dấu hiệu thai lưu 16 tuần là gì?

Thai chết lưu là là tình trạng thai chết trước hoặc trong khi sinh. Thai 16 tuần còn khá sớm để mẹ có thể tự theo dõi và phát hiện nếu thai ngưng tiến triển, một cách tự nhiên, khi thai kỳ có bất thường sẽ có các dấu hiệu như đau bụng, ra huyết âm đạo, có thể có sốt, hoặc mẹ đột ngột thấy thai không còn máy dù trước đó cảm nhận rất đều đặn. 

Mẹ nên kiểm tra với bác sĩ ngay nếu thấy lo lắng không biết dấu hiệu thai lưu 16 tuần của mình nhé.

3. Cách đặt tên cho con?

chuẩn bị đặt tên cho con

Lên danh sách tên cho bé: Bố mẹ có thể tạo một danh sách mười cái tên mỗi người thích. Dò danh sách tên của anh ấy, gạch bỏ những cái tên mẹ không thích và để anh ấy làm tương tự. Tiếp tục như vậy đến khi có được danh sách tên cả hai cùng thích.

Mẹ cũng có thể tham khảo những ý tưởng đặt tên cho con của MarryBaby để tìm những cái tên hay và ý nghĩa cho bé.

GIA LINH