Củ năng là một trong những loại củ khá quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài thanh lọc cơ thể, giải độc, trợ tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh tim mạch… thì gần đây, các bà mẹ lại kháo nhau về một công dụng của củ năng là rất tốt cho sức khỏe của thai kỳ. Vậy thực hư thế nào?
Củ năng hay dân gian gọi là củ mã thầy, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và xuất hiện nhiều ở các hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh công dụng của củ năng với sức khỏe của bà bầu. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, loại củ này có rất nhiều khoáng chất cần thiết cho thai kỳ như magie, đồng, sắt… cùng hàm lượng dồi dào các vitamin khác.
Trong bài viết dưới đây, Marry Baby sẽ chia sẻ cùng bạn những thông tin cơ bản về lợi ích, cùng một số cách để mẹ bầu sử dụng loại củ này.
Công dụng của củ năng và những lợi ích dinh dưỡng có thể bạn chưa biết
Theo y học cổ truyền, củ năng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Ngoài ra, nó còn được dùng để dự phòng tích cực một số bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm phổi…
Đối với y học hiện đại, củ năng có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt nó còn là loại thực phẩm cấp nước hiệu quả với hàm lượng nước lên đến 68,52% trong thành phần. Bên cạnh đó, loại củ này còn có chứa một hoạt chất gọi là puchiin, hoạt động như một loại kháng sinh tự nhiên giúp kháng khuẩn, hạ huyết áp, cũng như phòng ngừa ung thư.
Các nhà dinh dưỡng học cũng đã thống kê, nửa cốc củ năng được tiêu thụ mỗi ngày sẽ bổ sung cho bạn 10% lượng vitamin B6 và B7 cần thiết cho nhu cầu hằng ngày. Vitamin B6, một loại vitamin thiết yếu rất cần thiết trong việc củng cố hệ thống miễn dịch ở thai phụ.
Ngoài ra, củ năng chứa lượng calo thấp, giàu dinh dưỡng và hầu như không chứa chất béo rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Đây là loại thực phẩm mà nhất định bà bầu nên có trong thực đơn vừa dinh dưỡng, lại giúp duy trì cân nặng tốt.
Những công dụng của củ năng đối với sức khỏe thai kỳ
Ngoài lợi ích như thanh nhiệt và giải độc đã biết ở trên, dưới đây là một số công dụng khác của củ năng mà các mẹ bầu nên biết:
1. Tốt cho sự phát triển của thai nhi
Với hàm lượng dưỡng chất dồi dào như vitamin E, K, cùng một vài các vitamin nhóm B và khoáng chất cần thiết, củ năng chính là lựa chọn sáng suốt của các mẹ bầu để giúp thai nhi phát triển toàn diện. Thêm một lợi ích khác là việc dùng củ năng sẽ hỗ trợ bảo vệ mẹ bầu khỏi tình trạng sẩy thai nữa đấy!
Ngoài ra, công dụng của củ năng với những bà mẹ đang cho con bú là giúp kích thích tuyến vú tăng tiết sữa, nhờ sự hiện diện của các flavonoid trong thành phần.
2. Kích thích mọc tóc
Vì có hàm lượng vitamin B, E, K dồi dào và những dưỡng chất này đều rất cần thiết để bạn có một mái tóc chắc khỏe. Tác dụng này cũng rất tốt đặc biệt với tình trạng rụng tóc sau sinh mà các mẹ hay gặp phải.
3. Giữ nước cho cơ thể
Một công dụng nổi bật của củ năng chính là cân bằng lượng nước trong cơ thể. Tất cả là nhờ vào sự hiện diện vừa đủ của kali và lượng natri thấp hơn trong thành phần.
4. Phòng ngừa bệnh tim mạch tốt
Sự hiện diện của các axit béo thiết yếu như axit linoleic trong củ năng giúp bảo vệ mẹ bầu khỏi những bệnh tim mạch. Vì vậy, đừng ngần ngại thêm loại thực phẩm này vào thực đơn để bảo vệ sức khỏe của mình nhé!
5. Kháng khuẩn
Các chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid trong củ năng đóng vai trò chống lại virus, vi khuẩn cực hiệu quả. Do đó, mẹ bầu khi sử dụng loại củ này có thể phần nào tránh được bệnh cảm cúm thông thường. Hơn nữa, các chất trên còn hỗ trợ chống lại chứng trào ngược dạ dày, ợ nóng khó chịu xuất hiện trong thai kỳ.
6. Trợ tiêu hóa tốt
Củ năng rất giàu chất xơ, giúp mẹ bầu tiêu hóa tốt, phòng tránh tình trạng táo bón hữu hiệu. Ngoài ra, loại củ này còn có tác dụng cân bằng sự trao đổi chất trong cơ thể rất tốt.
7. Thanh nhiệt, giải độc
Trong thành phần của củ năng có hoạt chất puchiin có công dụng giúp thanh lọc cơ thể, tạo cảm giác thư thái, đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Những lưu ý khi sử dụng củ năng trong suốt thai kỳ
Một vài lưu ý dưới đây sẽ bảo vệ bạn khỏi những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi tiêu thụ loại thực phẩm này:
- Vì loại củ này có tính hàn, nên tránh dùng khi mẹ bầu đang gặp phải tình trạng như cảm lạnh, đau bụng hay ăn uống khó tiêu.
- Tuyệt đối không nên ăn sống, bởi lẽ mẹ bầu có thể bị nhiễm ấu trùng sán do cây củ năng thường sinh trưởng trong môi trường nước.
- Bà bầu cũng cần hạn chế ăn củ năng vào buổi tối, vì nó có rất nhiều nước, do vậy mà kích thích bài tiết nước tiểu vào bàng quang nên dễ gây hiện tượng đi tiểu vào ban đêm.
Mách mẹ bầu cách chế biến củ năng cực đơn giản
Để vừa giữ được hương vị thơm ngon mà vẫn phát huy hết công dụng của củ năng, các bà mẹ tương lai có thể thử áp dụng những phương pháp sau:
1. Chè đậu xanh củ năng thanh mát
Những gì bạn cần chuẩn bị là 300g đậu xanh bỏ vỏ, 300g đường và 150g củ năng. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần đãi đậu xanh thật sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa phải rồi nấu sôi. Củ năng gọt vỏ, rửa thật kỹ và cắt lát vừa ăn rồi cho cùng với đường vào trong nồi đậu xanh đun đến khi chín nhừ. Độ ngọt sẽ phụ thuộc vào khẩu vị của từng người. Bạn có thể dùng nóng hoặc cho thêm đá tùy ý nhé!
2. Thạch củ năng giải nhiệt ngày nóng
Nguyên liệu cần có là củ năng, bột năng và lá dứa tươi. Củ năng rửa sạch, gọt vỏ, xắt nhỏ dạng hạt lựu. Bạn nhào bột năng thành dạng sệt rồi lấy từng viên bột năng nhỏ bọc quanh miếng củ năng. Sau đó, cho củ năng đã bọc bột năng vào nồi nước lá dứa rồi luộc chung. Cuối cùng, bạn vớt ra ngâm nước lạnh là đã có ngay món thạch củ năng thơm ngon cho ngày trời nóng.
3. Chè hạt sen củ năng
Quay lại với một món chè nữa là chè hạt sen củ năng rất nổi tiếng và được nhiều người ưu chuộng.
Những nguyên liệu cần chuẩn bị là:
- Câu kỷ tử 5g
- Táo Tàu 50g
- Đường phèn 300g
- Nước 2 lít
- Hạt sen tươi 300g
- Củ năng 300g
- Nửa thìa cà phê muối
Cách thực hiện:
- Hạt sen rửa sạch, bỏ tâm sen.
- Củ năng rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
- Táo đỏ rửa sạch, ngâm với nước ấm 5 phút.
- Đổ nước vào nồi, cho hạt sen, củ năng, táo đỏ vào hầm chung khoảng 20 – 25 phút. Chờ khi táo đã nở tròn thì bắt đầu cho đường phèn và muối vào, khuấy nhẹ. Đợi đường tan hết, tiếp tục cho câu kỷ tử vào, nấu tiếp khoảng 1 – 2 phút rồi tắt bếp.
- Chè củ năng có thể ăn nguội hoặc thêm đá để dùng lạnh tùy ý.
4. Sườn non hầm củ năng giàu dinh dưỡng
Món ăn này giúp phát huy hết công dụng của củ năng, đặc biệt là với những người ốm. Những gì bạn cần là 250g sườn non, 250g củ năng, 100g củ sen, 1 củ cà rốt cỡ nhỏ, 1 quả su su nhỏ và hành tím, hành lá. Các nguyên liệu đều rửa sạch và cắt nhỏ, riêng sườn heo thì bạn nên chần qua nước sôi rồi để nguội, tẩm ướp với hành khô và gia vị, để khoảng 15 phút cho thấm.
Sau khi ướp sườn, bạn xào qua để sườn săn lại, sau đó đổ nước, đun tầm 20 phút rồi thêm các nguyên liệu đã sơ chế ở trên vào hầm cho nhừ. Nêm nếm cho vừa ăn, thêm hành lá rồi tắt bếp. Vậy là bạn đã có món canh ngon.
Việc đảm bảo sức khỏe mẹ bầu tốt là điều cực kỳ quan trọng. Hy vọng rằng qua bài viết về công dụng của củ năng ở trên, bạn đã có thêm những lựa chọn thú vị vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình.
Marry Baby