Có lẽ bạn đã từng nghe qua về quả tầm xuân. Loại quả này khá đặc biệt nhờ vào những lợi ích tốt cho sức khỏe. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu bà bầu có thể ăn quả tầm xuân trong thai kỳ hay không?
Mang thai là một quá trình phức tạp, đòi hỏi bạn phải cân nhắc về mọi loại thực phẩm mình tiêu thụ. Bởi lẽ, lúc này bạn không chỉ ăn cho riêng mình mà còn phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi nữa.
Quả tầm xuân là một “ứng viên” sáng giá để thêm vào thực đơn trong thai kỳ. Cùng Marry Baby khám phá hết những lợi ích sức khỏe cũng như một số điểm lưu ý khi bà bầu dùng loại quả này bạn nhé!
Mẹ bầu dùng quả tầm xuân trong thai kỳ có an toàn?
Quả tầm xuân (Rose hips) hay có tên khác là hoa hồng gai là một loại trái cây giả của cây hoa hồng. Hay nói khác hơn đây chính là phần đài hoa có chứa hạt và phát triển thành quả. Phần quả thường có màu đỏ đến cam, một số loài thì lại cho màu dao động từ tím đậm ngả sang đen. Tại các quốc gia như Áo, Hungary, loại quả này được dùng như nguyên liệu để làm ra một loại rượu trái cây truyền thống.
Loại quả này khá được ưa chuộng bởi tác dụng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ điều trị đau dạ dày, giảm hấp thu cholesterol cho cơ thể, đồng thời cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng có thể gặp trên thai nhi nhưng quả của cây hoa hồng gai là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa trước dùng. Bởi lẽ lượng dùng có thể thay đổi tùy vào mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, một số bà mẹ tương lai cũng có thắc mắc về việc sử dụng dầu tầm xuân trong thai kỳ. Trên thực tế, loại dầu này rất công hiệu trong vấn đề cấp ẩm và chữa lành vết rạn da, đặc biệt là nếu sử dụng thoa tại chỗ.
Điểm mặt những lợi ích mà quả tầm xuân mang lại cho mẹ bầu
Với hàm lượng cao các vitamin A, E, K, B6, thiamin, riboflavin và niacin cùng nhiều loại khoáng chất như sắt, magie, phospho, kali, kẽm… cùng chất xơ tự nhiên, quả tầm xuân mang lại những giá trị sức khỏe sau đây:
1. Tăng cường hấp thu sắt và canxi
Mẹ bầu tiêu thụ quả của cây hoa hồng gai rất tốt cho thai nhi vì vitamin C trong thành phần quả sẽ giúp cải thiện khả năng hấp thụ canxi và sắt. Cả hai dưỡng chất này đều quan trọng với sự phát triển của trẻ. Canxi giúp xây dựng hệ xương khớp khỏe mạnh, trong khi sắt giữ vai trò sản sinh các tế màu máu.
2. Hình thành nên collagen
Vitamin C trong quả tầm xuân còn có khả năng kích thích cơ thể sản sinh thêm collagen. Dưỡng chất này là một loại protein hình thành nên mô liên kết trong cơ thể. Hơn nữa, collagen cũng là thành phần quan trọng trong cấu trúc của xương, cơ, sụn thai nhi.
3. Tăng cường hệ miễn dịch
Như đã đề cập ở trên, loại quả này giàu các vitamin nhóm B, vitamin C, E và một số khoáng chất như magie, kali, mangan và selen … rất có lợi trong việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ phòng ngừa bệnh Scurvy, một tình trạng xảy ra gây yếu cơ, đau khớp, gãy răng. Nhìn chung, sự đa dạng về các dưỡng chất của quả từ cây hoa tầm xuan giúp đảm bảo duy trì các chức năng cần thiết cho cơ thể.
Bật mí một điều rằng trà tầm xuân cũng khá được ưa chuộng để phòng bệnh cảm cúm thông thưỡng nữa đấy!
4. Cải thiện sức khỏe của thận
Theo báo cáo của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, quả từ cây hoa hồng gai có thể được dùng để điều trị bệnh mãn tính ở thận và các vấn đề xảy ra với bàng quang. Đây là những tình trạng khá phổ biến hay gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.
5. Chữa táo bón
Nhiều phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt với chứng táo bón khó chịu. May mắn là pectin và các axit trong quả tầm xuân lại đóng vai trò như thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp làm mềm phân, đồng thời cải thiện nhu động ruột.
6. Làm lành vết thương
Lợi ích này lại đến từ vitamin C, dưỡng chất có khả năng thúc đẩy sự phục hồi mô, tế bào nhanh chóng. Hơn nữa, một số nghiên cứu còn cho rằng loại vitamin này tác động tích cực đến việc hấp thụ axit folic của cơ thể.
7. Giảm vết rạn da
Vết rạn da dường như là nỗi ám ảnh của hầu hết các bà bầu. Để giảm rạn da, bạn có thể sử dụng dầu tầm xuân bởi rất giàu axit béo thiết yếu như omega-3 và 6. Cả hai rất hữu ích trong việc làm lành mô sẹo.
Mặt khác dầu tầm xuân cũng thấm sâu vào và cung cấp độ ẩm cần thiết cho da. Thêm nữa, vitamin C kích thích sản sinh collagen giảm hình thành nếp nhăn, trong khi vitamin A cải thiện độ ẩm cho da hiệu quả.
8. Phòng bệnh tim mạch
Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Điển cho biết, việc sử dụng các chiết xuất của loại quả này có tác dụng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lý do là hợp chất flavonoid và các chất chống oxy hóa trong quả bảo vệ cơ thể chống lại vấn đề tim mạch.
Thói quen uống trà tầm xuân thường xuyên cũng được cho là có thể hạ mức cholesterol máu. Điều này rất có ý nghĩa đối với mẹ bầu, cũng như những người mắc bệnh béo phì nói riêng. Sự giảm cholesterol máu cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
9. Điều trị viêm
Theo một nghiên cứu tiến hành ở Đan Mạch, sử dụng trà tầm xuân sẽ làm giảm mức protein phản ứng C, một chất được sinh ra ở gan làm gia tăng tình trạng viêm. Nhờ vậy, mẹ bầu có thể thoát khỏi tình trạng viêm đau khớp hông, gối.
Một số mặt hạn chế khi dùng quả tầm xuân mà mẹ bầu cần lưu ý
Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về tác dụng bất lợi của quả từ cây hoa hồng gai với thai kỳ, tuy vậy các bà mẹ tương lai cũng nên thật thận trọng khi sử dụng.
Quả tầm xuân giàu vitamin C nên nếu tiêu thụ một lượng lớn sẽ dễ gây sỏi thận. Những mẹ bầu đã và đang gặp vấn đề về thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Ngoài ra, vitamin C cũng tương tác với estrogen nên mẹ bầu cần chú ý khi sử dụng thuốc có chứa thành phần này.
Một số mặt hạn chế phổ biến được liệt kê dưới đây có thể xảy ra trong thai kỳ:
- Bệnh tiêu chảy
- Đau bụng
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Chứng ợ nóng
- Tăng axit dịch vị
- Buồn nôn và nôn
Những trường hợp cần tránh sử dụng quả tầm xuân
Phụ nữ mang thai trong các trường hợp sau tuyệt đối không dùng quả tầm xuân với bất kỳ mục đích nào:
- Mắc bệnh sỏi thận
- Đang điều trị bằng thuốc warfarin (một loại thuốc chống đông máu)
- Được chẩn đoán là thiếu hụt Glucose-6-Phosphate dehydrogenase (G6PD hay G6PDH, enzyme nội bào xúc tác cho các phản ứng hóa học)
- Mẹ bầu mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm: Việc tiêu thụ quả từ cây tầm xuân lúc này có thể khiến máu có tính axit hơn do vitamin C nên cần tránh dùng hoàn toàn
- Bệnh Thalassemia, một bệnh di truyền trong đó các tế bào hồng cầu không sản sinh đủ lượng huyết sắc tố
- Nếu mẹ bầu mắc bệnh hemochromatosis, một tình trạng cơ thể giữ lại quá nhiều chất sắt
- Trường hợp thiếu máu sideroblastic cũng cần tránh dùng. Vì lúc này tủy xương không thể tạo ra lượng hồng cầu bình thường
Mách bạn một số công thức pha trà từ quả tầm xuân
Từ những lợi ích ở trên có thể khẳng định trà tầm xuân mang lại khá nhiều lợi ích cho thai kỳ. Mặc dù vậy, vẫn còn khá ít nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của nó với thai nhi. Do đó, nếu yêu thích việc dùng trà tầm xuân, trước hết hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Dưới đây Marry Baby chia sẻ đến bạn một vài công thức để làm ra một tách trà tầm xuân thơm ngon:
1. Pha trà từ những quả tầm xuân tươi
Nếu bác sĩ đã khuyến cáo bạn hoàn toàn có thể dùng được trà tầm xuân, đây là cách chuẩn bị:
Nguyên liệu cần
- Quả tầm xuân tươi
- Nước tinh khiết
Cách thực hiện
Bạn đem rửa sạch quả từ cây tầm xuân rồi để ráo, kế đến bỏ đi phần đầu và cuống quả. Tiếp đến dùng dao bổ quả làm đôi và loại tất cả các hạt ở bên trong.
Đun sôi nước, đồng thời cho phần quả đã chuẩn bị ở trên vào ấm trà. Khi nước sôi, bạn chế nước đều vào trong ấm. Đậy nắp lại và chờ trong khoảng 10 phút. Mẹ bầu có thể dùng loại ấm có bộ phận giúp lọc bã trà bên trong để khi rót trà, phần thịt quả không lẫn với nước.
Lời khuyên là bạn nên uống trà tầm xuân khi còn nóng.
2. Pha trà từ quả tầm xuân khô
Trong trường hợp nếu sử dụng tầm xuân khô, bạn có thể thử cách làm sau:
Nguyên liệu cần
- Bốn thìa súp tầm xuân khô
- Bốn cốc nước
Cách thực hiện
Cho cả hai nguyên liệu vào nồi và sau đó đem đun sôi. Khi trà bắt đầu sôi, bạn hạ nhỏ lửa lại chờ khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Lọc lấy phần nước và thưởng thức ngay.
Mặc dù hàm chứa nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng nhấn mạnh một lần nữa bạn chỉ nên dùng quả tầm xuân sau khi có sự tham vấn với bác sĩ. Khi sử dụng, mẹ bầu nên dùng với một lượng nhỏ vừa phải, tuyệt đối không được lạm dụng để điều trị một tình trạng sức khỏe bất kỳ nào. Lượng dùng sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng và tình trạng sức khỏe.
Marry Baby