Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Giải mã hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh

Thông thường, phân sẽ có màu vàng, nâu nhạt hoặc thay đổi tùy vào thực phẩm mà chúng ta dung nạp trước đó. Tuy nhiên, hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh khiến không ít người lo ngại. 

Có thể nói thời gian mang thai là giai đoạn cơ thể trải qua nhiều biến đổi. Nhất là trong lần mang thai đầu tiên, nhiều bà bầu hoang mang khi phát hiện đi ngoài phân màu xanh lá. Hiện tượng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là một bệnh lý hoặc nhiễm phải loại vi khuẩn nhất định nào đó.

Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, các bà mẹ tương lai nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, một trong số đó là những thông tin liên quan đến vấn đề bà bầu đi ngoài phân xanh.

Mẹ bầu khỏe mạnh đi ngoài phân có màu sắc như thế nào?

Sự thật rằng màu sắc của phân trước và trong khi mang thai không hề có sự khác biệt. Chính vì vậy, những thay đổi về màu sắc phân có thể do sự biến động nội tiết tố hoặc chế độ ăn uống mà bạn áp dụng trong thai kỳ.

Khi cơ thể bình thường, phân hầu hết có màu nâu đến nâu nhạt. Lý do vì nó có kèm theo sắc tố mật gọi là bilirubin (hình thành khi các tế bào hồng cầu vỡ). Dịch mật mà gan bài tiết có màu vàng hơi xanh, đóng vai trò trợ tiêu hóa. Cụ thể, nó phân giải chất béo và giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu dễ dàng. Tuy nhiên, dịch mật khi đến ruột sẽ phản ứng với các enzyme và vi khuẩn tại đây cuối cùng chuyển sang màu nâu.

Bên cạnh đó, một loạt các màu sắc của phân được xem là bình thường, ngoài nâu, như: màu vàng nhạt đến nâu sẫm hoặc đen.

Bà bầu đi ngoài phân xanh liệu có bình thường?

giải đáp hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh

Thành phần của phân có thể bao gồm: nước, thực phẩm khó tiêu như chất xơ, chất béo, cholesterol, protein, xác vi khuẩn và cả chất nhầy ở đường tiêu hóa. Trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai, cơ thể mẹ bầu đối diện với biết bao sự thay đổi ở hệ tiêu hóa, trong đó có cả màu của phân bài tiết nữa. Do vậy, hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, với những ai lần đầu mang thai, điều này có lẽ sẽ khiến bạn hơi lo lắng.

Sẽ là vấn đề bất thường nếu như bà bầu đi ngoài phân xanh có kèm thêm một triệu chứng khác. Ngoài yếu tố màu sắc, việc đánh giá thai phụ có khỏe mạnh hay không còn dựa trên kết cấu của phân và quá trình đại tiện không bị đau mót. Một số chuyên gia sức khỏe cũng bổ sung thêm tiêu chí phân phải giữ nguyên kết cấu trọn vẹn.

Truy tìm nguyên nhân dẫn đến việc bà bầu đi ngoài phân xanh lá

Như đã đề cập ở trên, màu sắc của phân có thể do vi khuẩn tác động lên dịch mật. Trường hợp nếu nhu động ruột bình thường, lúc này vi khuẩn sẽ đủ thời gian để biến đổi màu dịch mật từ vàng hơi xanh sang nâu hoặc nâu sẫm. Màu phân xanh được lý giải là do dịch mật đi qua đường tiêu hóa quá nhanh trước khi chúng được biến đổi như bình thường. Một số tác nhân gây ra vấn đề này là:

1. Bệnh Celiac (chứng không dung nạp gluten)

Đây là một rối loạn tự miễn dịch phần lớn là do yếu tố di truyền. Người mắc bệnh Celiac bị dị ứng với một loại protein là gluten có trong các loại thực phẩm bao gồm: lúa mạch, lúa mì… Ngoài nguy cơ đối mặt với các phản ứng dị ứng, người bệnh khi chẳng may nạp gluten vào cơ thể sẽ bị viêm ở niêm mạc ruột non, từ đó khiến cơ thể không dung nạp các dưỡng chất thiết yếu.

2. Nhiễm giardia

Giardia là một loại ký sinh trùng đường ruột. Người nhiễm giardia là do ăn phải thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ tự phục hồi. Tuy nhiên, một số ca nhiễm nghiêm trọng hơn cần phải dùng kháng sinh điều trị.

3. Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh viêm đại tràng xảy ra ở một số người sau khi dùng kháng sinh, mặt khác trong cơ thể lúc này có sự phát triển quá mức của vi khuẩn clostridium difficle. Các chuyên gia giải thích rằng, kháng sinh gây ức chế những lợi khuẩn có mặt trong ruột kết khiến vi khuẩn C. difficle tăng sinh, dẫn đến mất cân bằng. Bà bầu đi ngoài phân xanh có thể là một triệu chứng khi mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc.

4. Bà bầu đi ngoài phân xanh trong hội chứng ruột kích thích

bà bầu mắc bệnh

Bệnh này tác động trên ruột già khiến các cơ co bóp nhanh và mạnh hơn bình thường từ đó dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy.

5. Viêm loét đại tràng

Đây là một bệnh đường ruột ảnh hưởng đến lớp lót trong cùng của đại tràng và trực tràng. Nó gây ra các biểu hiện viêm và loét đường tiêu hóa dẫn đến mẹ bầu bị chuột rút và khó tiêu. Người bị bệnh này, khả năng cao, dễ mắc ung thư ruột kết.

6. Ung thư ruột

Sự hình thành khối u trong ruột gây ảnh hưởng đến nhu động ruột. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình tiêu hóa, triệu chứng có thể nhận thấy là hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh.

7. Bệnh Crohn, nguyên nhân khiến bà bầu đi ngoài phân xanh

Bệnh này tác động trên các bộ phận của ruột và đại tràng, trong một số trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh Crohn hiện nay vẫn chưa có cách chữa hẳn. Tuy vậy, bác sĩ có thể dùng thuốc để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

8. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella

Salmonella là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, chủ yếu có mặt trong các nguồn thực phẩm tươi sống như thịt gia cầm, trứng, hải sản, các loại trái cây và rau quả. Do đó, việc tiêu thụ thực phẩm chưa nấu chín tạo cơ hội cho tình trạng nhiễm Salmonella tăng cao.

9. E. Coli

Cũng như Salmonella, E.coli được biết là có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Người nhiễm phải E.coli là do sử dụng thức ăn hoặc nguồn nước bẩn. Đặc biệt, tiêu thụ thịt chưa nấu chín là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn nhiễm E.coli.

Các nguyên nhân khác có thể khiến bà bầu đi ngoài phân xanh

Ngoài các bệnh lý đề cập ở trên, cũng có một số lý do khác dẫn đến việc bà bầu đi ngoài phân xanh như:

1. Chế độ ăn uống

bầu đi phân xanh

Những gì bạn tiêu thụ đều có ảnh hưởng đến màu sắc của phân. Nhiều mẹ bầu chọn dùng bông cải xanh, các loại rau xanh lá để cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung thực phẩm có quá nhiều chất diệp lục (sắc tố làm cho lá cây có màu xanh) lại có thể làm biến đổi màu phân. Do vậy, việc hạn chế ăn quá nhiều rau xanh sẽ giúp khắc phục vấn đề này. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên dùng củ cải đường với số lượng lớn trong bữa ăn.

2. Mẹ bầu đi phân xanh do dùng vitamin trước khi sinh

Đôi khi, ngay cả một chế độ ăn đa dạng cũng chưa chắc đã cung cấp cho bạn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ khuyên bạn bổ sung thêm vitamin trước khi sinh.

Bạn cần lưu ý rằng, một số khoáng chất như sắt khi dùng có thể khiến bạn đi ngoài phân xanh. Vấn đề này còn tùy thuộc vào việc cơ thể có hấp thụ hết loại dưỡng chất này hay không.

3. Một số loại thuốc

Việc dùng một số thuốc, chẳng hạn như kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, đôi khi cũng khiến bà bầu đi ngoài phân xanh. Bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi lẽ tình trạng này chỉ tạm thời và nó sẽ chấm dứt ngay khi bạn kết thúc liệu trình dùng thuốc.

4. Thuốc nhuận tràng cũng có thể khiến bà bầu đi ngoài phân xanh

Việc dùng thuốc nhuận tràng sẽ khiến thức ăn được đẩy qua ruột nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa với khả năng cao bà bầu sẽ đi ngoài phân xanh. Thời gian vận chuyển chậm mới đảm bảo dịch mật được phân hủy.

Mách bạn cách ứng phó tình trạng đi ngoài phân xanh

bà bầu đi ngoài phân xanh cần bổ sung vitamin

Nhìn chung, bạn không cần quá lo lắng khi đối mặt với tình huống mẹ bầu đi ngoài màu xanh đen. Với trường hợp lần đầu mang thai, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để loại trừ nguyên nhân do bệnh lý.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng bà bầu đi ngoài phân xanh là do từ chế độ ăn uống, bạn nên cân nhắc việc thay đổi các loại thực phẩm mình đang dùng. Mẹ bầu nên nhớ chỉ dùng đủ và không tiêu thụ quá nhiều các loại rau, củ màu xanh lá hoặc tím.

Nếu nguyên nhân đi ngoài phân xanh là do các loại vitamin, bạn cần đến gặp bác sĩ để đổi sang dùng loại có ít chất sắt hơn. Riêng với mẹ bầu đang phải điều trị bằng kháng sinh, bạn có thể thông báo với bác sĩ những triệu chứng gặp phải, giải pháp lúc này là giảm liều hoặc chuyển sang dùng kháng sinh khác.

Ngoài ra, để đảm bảo cho thai kỳ khỏe mạnh, bạn cần rửa kỹ và nấu chín các loại thực phẩm, đặc biệt là thịt. Lời khuyên là nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, ăn uống đúng giờ và tuân thủ chế độ ăn lành mạnh để giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt.

Khi nào mẹ bầu cần đi khám?

Bà bầu đi ngoài phân xanh với tần suất thường xuyên hoặc đi kèm với một triệu chứng khác cần đến ngay cơ quan y tế gần nhất để kiểm tra.

Một số trường hợp phổ biến mà bạn cần đi khám ngay là:

  • Thấy xuất hiện máu hoặc chất nhầy trong phân
  • Tiêu chảy hay đi phân lỏng kéo dài kèm theo chuột rút hoặc đau bụng
  • Đau trực tràng, sốt, chán ăn đi kèm với triệu chứng phân xanh
  • Có các cơn táo bón không liên tục

[inline_article id=150194]

Tình trạng bà bầu đi ngoài phân xanh khá phổ biến trong thai kỳ. Vì thế, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Nếu nhận thấy có những biểu hiện bất thường, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra nhé!