Tử vong vì nhiệt kế thủy ngân
Người mẹ trẻ tên Trương cho bé trai 3 tuổi cặp nhiệt độ và chị đã chủ quan, không để ý. Khi quay lại, người mẹ trẻ thấy cậu bé cắn vỡ nhiệt kế. Lúc này, chị không hình dung được mức độ nguy hiểm nên chỉ ép con nôn hết ra rồi súc miệng bằng nước muối.
Hôm sau, bé trai có nhiều biểu hiện khác thường. Em khóc vì đau bụng, liên tục nôn mửa rồi co giật, bất tỉnh. Người mẹ trẻ hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết bé đã nuốt thủy ngân, dẫn tới viêm ruột rồi bị ngộ độc cấp tính, suy hô hấp. Rất tiếc là bé đã không qua khỏi trên đường đưa đi cấp cứu.
Người mẹ trẻ rất đau lòng và vô cùng hối hận, chỉ vì chủ quan, chị đã khiến con trai 3 tuổi của mình mãi mãi không tỉnh lại.
Sự việc này xảy ra năm 2017 tại Trung Quốc, được các kênh truyền thông đưa tin và thu hút sự chú ý của các bà mẹ trẻ. Nhiều mẹ đặt ra câu hỏi, mình sẽ làm gì nếu con yêu lâm vào cảnh nguy hiểm này?
Cách xử lý nhanh khi trẻ làm vỡ cặp nhiệt độ thủy ngân
Biểu hiện ngộ độc thủy ngân
Thủy ngân là kim loại màu trắng bạc, thể lỏng, không tan trong nước và dễ bốc hơi ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hóa nhưng điều nguy hiểm hơn là chúng sẽ trở nên rất độc khi trẻ hít vào phổi. Lúc này, trẻ sẽ hấp thu thủy ngân qua đường hô hấp, vào phổi qua màng phế nang vào máu đến thận, gan, hệ thần kinh trung ương.
Nếu hít phải thủy ngân, trẻ có khả năng bị bệnh phổi nặng cấp tính, ho, khó thở, đau tức ngực và đau rát ở phổi, còn có mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột, nếu không được cấp cứu kịp thời, khả năng cao là trẻ sẽ không qua khỏi. Trong một số trường hợp nặng do hít nhiều thủy ngân, trẻ bị ngộ độc cấp tính cũng dẫn tới suy hô hấp, tử vong.
Cách xử lý khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ
Lập tức đưa trẻ ra khỏi phòng để tránh trẻ hít phải thủy ngân bay hơi trong không khí, gây hại phổi.
Dùng nước muối sinh lý rửa sạch tay, mặt và mắt cho con.
Thay tất cả quần áo cho trẻ, tránh trường hợp thủy ngân dính vào quần áo, không tái sử dụng quần áo này.
Tại phòng có thủy ngân bị vỡ, bạn đeo khẩu trang, mở hết các cửa, mở quạt, để lưu thông không khí, nhưng phải tắt máy lạnh để ngăn thủy ngân bốc hơi.
Bạn cần đeo găng tay và dùng chiếc bông thấm nước hoặc giấy mỏng dọn dẹp thủy ngân trên sàn (bằng cách gạt thủy ngân vào). Đặt thủy ngân trong hộp kín, tuyệt đối không đổ xuống cống để tránh ngộ độc nguồn nước.
Sau khi dọn dẹp, không nên vào phòng ngay mà cần mở hết cửa thông gió trong nhiều giờ sau đó mới vào sinh hoạt.
Lưu ý: Nếu trẻ có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân, hoặc trẻ ngậm nhiệt kế bị vỡ, bạn cần bình tĩnh, không ép trẻ nôn ra mà cho bé uống thật nhiều nước rồi lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được giải độc kịp thời.
C.L.T