Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Top 8 món cháo mực cho bé ăn dặm ngon và không bị tanh

Cháo mực là món ăn mang lại nhiều dưỡng chất và tốt cho sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. Tuy nhiên, mẹ nấu không khéo thì cháo mực dễ bị tanh.

Nếu mẹ muốn nấu cháo mực cho bé để đổi khẩu vị và ăn thun thút; MarryBaby mách mẹ cách nấu cháo mực cho bé ăn dặm ngon và không bị tanh.

1. Bé mấy tháng ăn được mực?

Mẹ đã có thể cho bé tập ăn dặm mực khi được 6 tháng tuổi; đây cũng là thời điểm bé sẵn sàng ăn thô hơn và đa dạng thực phẩm để đảm bảo có đủ dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Ngoài ra, mẹ có thể chú ý đến các dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm để biết thời điểm nào nên nấu cháo mực cho bé cưng.

Một lưu ý quan trọng nữa đó là liều lượng mực bé có thể ăn; theo khuyến cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ; lượng hải sản trẻ có thể ăn cụ thể như sau:

  • Trẻ 6 tháng đến 3 tuổi: Ăn 28g mỗi tuần.
  • Trẻ 4 đến 7 tuổi: Ăn 56g mỗi tuần.
  • Trẻ 8 đến 10 tuổi: Ăn 85g mỗi tuần.
  • Từ 11 tuổi trở lên: Ăn 113g mỗi tuần.

Tuy nhiên, mẹ cần biết cách cân đối các dưỡng chất khác trong một tuần cho bé ăn dặm. Vì nếu con đã ăn 18g cá trước đó, thì mẹ chỉ nên tập cho bé ăn 10g mực trong cùng một tuần. Chứ không cố gắng o ép, nhồi nhét như khuyến cáo nêu trên mẹ nhé.

2. Lợi ích khi cho bé ăn dặm cháo mực

2.1 Giúp phát triển xương và răng của trẻ

Phốt pho giúp xương và răng chắc khỏe; đồng thời giúp giải phóng năng lượng từ thực phẩm chúng ta ăn. Mực là một nguồn phốt pho dồi dào; do đó, cho bé ăn cháo mực trong thời gian dài có thể góp phần cho sự phát triển răng và xương.

2.2 Tốt cho sức khỏe tim mạch của bé

Axit béo docosahexaenoic axit (DHA) trong mực cao hơn so với các loại hải sản khác. DHA đã được chứng minh là cải thiện nhịp tim khi nghỉ ngơi. Các loại dầu giàu DHA, như dầu mực, có thể mang đến nhiều lợi ích cho tim mạch của trẻ.

2.3 Bảo vệ sức khỏe của da và tóc

Giống như hầu hết các loại hải sản, mực cũng cung cấp nguồn protein hỗ trợ sự phát triển tối ưu của bé. Cho bé ăn cháo mực thường xuyên sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cơ bắp, tóc, móng tay chân và da của trẻ.

2.4 Bổ sung vitamin cho bé

Mực có chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của bé. Cụ thể, trong mực có chứa các chất như đạm, canxi, selen, đồng, phốt pho, vitamin B12, B3, axit amin, riboflavin, natri và chất béo bão hòa.

2.5 Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Mực là một nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời cho sự phát triển trí não và mắt khỏe mạnh. Mực cũng cung cấp nguồn selen cho một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.

Đặc biệt, đối với những trẻ thường xuyên ốm vặt, còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, da xanh; nấu món cháo mực cho bé là một lựa chọn tuyệt vời. Bởi theo Đông y, cháo mực có tính ôn, vị mặn, không độc hại và lợi tiểu.

Dưới đây là một số công thức giúp mẹ chế biến món cháo mực cho bé vừa thơm ngon, không bị tanh; lại giàu giá trị dinh dưỡng; hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé.

3. Cách nấu cháo mực cho bé ăn dặm thơm ngon, không tanh

Mực nấu cháo với rau gì cho bé ăn dặm ngon miệng? Mẹ có thể nấu với súp lơ xanh, cà rốt, hành tây hoặc kết hợp giữa bí đỏ và đậu xanh.

3.1 Cách nấu cháo mực cơ bản

Nguyên liệu

  • 10g mực tươi.
  • 1 nắm gạo tẻ.
  • Dầu oliu, Gia vị, nước mắm, hành tím.

Cách nấu cháo mực cơ bản cho bé:

  • Bước 1: Mực băm nhuyễn rồi ướp với hành tím băm nhỏ, xíu nước mắm.
  • Bước 2: Cho gạo và nước vào nấu cháo. Đến khi cháo chín thì cho phần mực bằm vào khuấy đều; nấu thêm 5-10 phút cho mực chín quyện vào với cháo. Có thể thêm xíu nước sôi nếu thấy cháo hơi đặc so với bé.
  • Bước 3: Nêm lại một xíu nước mắm, một thìa dầu oliu để cháo có vị thơm ngon hơn. Múc cháo ra bát, cho bé ăn khi cháo còn ấm.

Cách nấu cháo mực cơ bản

3.2 Cách nấu cháo mực bí đỏ, đậu xanh cho bé

Nguyên liệu:

  • 10g mực tươi.
  • 20g bí đỏ tươi.
  • 10g đậu xanh.
  • 1 nắm gạo tẻ.
  • Dầu oliu; gia vị, nước mắm, hành tím.

Cách nấu cháo mực bí đỏ, đậu xanh:

  • Bước 1: Mẹ ngâm đậu xanh tầm 1 tiếng, rửa sạch. Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng vừa ăn. Bí đỏ và đậu xanh đem hấp chín rồi tán nhuyễn.
  • Bước 2: Mực làm sạch sau đó băm nhuyễn, ướp với xíu nước mắm và hành tím băm nhuyễn.
  • Bước 3: Gạo mang đi nấu cháo, khi cháo chín tới thì cho bí đỏ và đậu xanh đã tán nhuyễn vào khuấy đều. Cháo sôi lại thì cho mực vào, khuấy đều đến khi thấy mực chín, hòa quyện với cháo thì tắt bếp. Cho 1 thìa dầu oliu vào, một ít gia vị để dễ ăn hơn, đợi nguội là có thể cho bé thưởng thức.
Cách nấu cháo mực cho bé
Cách nấu cháo mực cho bé kết hợp bí đỏ

3.3 Cách nấu cháo mực cho bé với súp lơ xanh

Nguyên liệu:

  • 10g mực tươi.
  • 20g súp lơ xanh.
  • 1 nắm gạo tẻ.
  • Dầu oliu, gia vị, nước mắm, hành tím.

Cách nấu cháo mực súp lơ cho bé:

  • Bước 1: Mực làm sạch sau đó băm nhuyễn, ướp với xíu nước mắm và hành tím băm nhuyễn.
  • Bước 2: Gạo mang đi nấu cháo, khi cháo chín tới thì cho súp lơ và mực vào, khuấy đều đến khi thấy mực, súp lơ chín, hòa quyện với cháo thì tắt bếp.
  • Bước 3: Cho 1 thìa dầu oliu vào, một ít gia vị để dễ ăn hơn, đợi nguội là có thể cho bé thưởng thức.
Cách nấu cháo mực cho bé với súp lơ
Cách nấu cháo mực cho bé với súp lơ

3.4 Cách nấu cháo mực cho bé với cà rốt

Nguyên liệu:

  • 10g mực tươi.
  • 20g cà rốt Đà Lạt.
  • 1 bát cháo trắng.
  • Dầu oliu; gia vị, rau thì là, hành củ.

Cách nấu cháo mực cà rốt cho bé:

  • Bước 1: Sơ chế mực sạch, thái miếng nhỏ, ướp với ít nước mắm. Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu.
  • Bước 2: Phi thơm dầu ăn với hành tím băm nhỏ, sau đó cho mực và cà rốt vào xào nhanh tay rồi vớt ra bát.
  • Bước 3: Gạo mang đi nấu cháo, khi cháo chín tới thì cho phần mực xào cà rốt vào, khuấy đều đến khi thấy mực, cà rốt chín, hòa quyện với cháo thì nêm nếm gia vị lại rồi tắt bếp.
  • Bước 4: Cho 1 thìa dầu oliu vào để cháo có vị thơm ngon. Múc cháo ra bát (chén), đợi nguội là có thể cho bé thưởng thức.
cà rốt
Cháo mực nấu cà rốt cho bé ăn dặm

3.5 Cách nấu cháo mực cà chua, thì là cho bé

Nguyên liệu:

  • 10g mực tươi.
  • 1/2 quả cà chua.
  • 1 bát cháo trắng.
  • 1 nhúm thì là.
  • Dầu oliu, gia vị, nước mắm.

Cách nấu cháo mực cà chua cho bé:

  • Bước 1: Mực sơ chế sạch, khử mùi tanh, băm nhỏ ướp với ít nước mắm. Cà chua bỏ hạt, thái hạt lựu nhỏ. Thì là lấy phần lá, rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Bước 2: Cho 1 thìa dầu oliu vào chảo, đổ cà chua vào xào chín, tiếp đó cho mực vào xào cùng. Đừng xào quá lâu vì mực khi xào với các loại rau củ chua thì dễ bị mềm.
  • Bước 3: Cho gạo và nước vào nồi nấu thành cháo. Khi cháo chín tới thì cho phần mực xào cà chua vào, khuấy đều, nêm nếm gia vị lại rồi tắt bếp. Cho 1 thìa dầu oliu vào để cháo có vị thơm ngon.
  • Bước 4: Nếu bé ăn được thì là thì nêm xíu thì là băm nhuyễn để cháo có vị thơm ngon đặc biệt hơn. Múc cháo ra bát (chén), đợi nguội là có thể cho bé thưởng thức.
Cà chua
Cháo mực nấu cà chua thơm ngon tuyệt cú mèo cho bé

3.6 Cách nấu cháo mực cho bé với hành tây

Nguyên liệu:

  • Mực tươi: 10g.
  • Hành tây: 1 củ.
  • 1/2 bát gạo tẻ.
  • Gia vị, nước mắm.

Cách nấu cháo mực hành tây

  • Bước 1: Mực làm sạch, băm nhuyễn và ướp cùng một ít hành tím, nước mắm. Hành tây bóc vỏ, thái thành hạt lựu.
  • Bước 2: Cho 1 thìa dầu oliu vào chảo, cho hành tây và mực đã ướp vào xào chín.
  • Bước 3: Gạo mang đi nấu cháo, khi cháo chín tới thì cho phần mực xào hành tây vào, khuấy đều, nêm nếm gia vị lại rồi tắt bếp.
  • Bước 4: Cho 1 thìa dầu oliu vào để cháo có vị thơm ngon. Múc cháo ra bát, đợi nguội là có thể cho bé thưởng thức.
hành tây 295234154
Hành tây

3.7 Cách nấu cháo mực thập cẩm cho bé

Nguyên liệu:

  • 1 con mực lớn.
  • 5 con tôm tươi.
  • 60g thịt lợn nạc.
  • 100g cá phi lê, thái lát dày.
  • 1 củ cà rốt.
  • 10 tai nấm rơm.
  • Gạo nấu cháo.
  • 1 lít nước hầm gà hoặc nước.
  • Gia vị, nước mắm, hành tím, hành ngò.

Cách nấu cháo mực thập cẩm cho bé:

  • Bước 1: Mực, cá và tôm làm sạch, thái hạt lựu, ướp với nước mắm, xíu hạt tiêu, hành tím. Thịt nạc băm nhỏ, ướp với xíu nước mắm.
  • Bước 2: Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu. Nấm rơm cắt chân, ngâm nước muối xong thái nhỏ.
  • Bước 3: Phi thơm hành, tỏi cho hỗn hợp thịt, cá, mực, tôm. Hỗn hợp chín thì cho tiếp cà rốt và nấm vào xào. Nêm xíu hạt nêm cho đậm đà.
  • Bước 4: Cho gạo vào nồi nước hầm gà, hoặc nước lọc để nấu cháo. Khi cháo chín tới thì cho hỗn hợp mực, tôm, thịt, cá, cà rốt, nấm vào.
  • Bước 5: Khuấy đều, nấu thêm 10 phút cho cháo quyện với nguyên liệu thì nêm nếm gia vị rồi tắt bếp. Cho cháo ra bát, rắc hành lá cắt nhỏ vào và thưởng thức.
Cách nấu cháo mực thập cẩm cho bé
Cách nấu cháo mực thập cẩm cho bé

3.8 Cháo mực rau ngót

Nguyên liệu:

  • Mực tươi: 20g.
  • Cháo trắng: 1 chén.
  • Rau ngót: 1 bó.
  • Hành tím: 1 củ.
  • Gia vị ăn dặm cho bé.

Cách nấu cháo mực rau ngót cho bé ăn dặm:

  • Bước 1: Mực sơ chế sạch sẽ rồi đem băm nhỏ.
  • Bước 2: Rau ngót tuốt lá, rửa sạch rồi đem xay nhuyễn. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn.
  • Bước 3: Phi thơm hành tím rồi cho mực vào xào. Sau đó, đem mực đi xay nhuyễn.
  • Bước 4: Bắc cháo lên bếp đun sôi, tiếp tục cho rau ngót và mực vào khuấy đều.
  • Bước 5: Nêm nếm gia vị, đun sôi tới khi các nguyên liệu chín thì tắt bếp.

4. Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm món cháo mực không tanh

Dù cháo mực là món ăn giàu giá trị dinh dưỡng nhưng nếu không biết cách nấu cháo mực cho bé thì cháo dễ bị tanh; khiến bé không hứng thú, ăn không ngon miệng, thậm chí là sợ món mực sau này.

Sau đây là những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm mực.

4.1 Cách chọn mực ngon

Mực thường có hai loại thông dụng là mực ống và mực nang. Khi mua mực, nên chọn mực tươi. Mực tươi là mực có màu trong, sáng hồng không bị chuyển màu tím ngà; thịt mực phải săn, đàn hồi tốt, không nhão, đầu vẫn còn dính chặt với thân, túi mực không bị vỡ.

Mực không được có mùi tanh khó chịu. Các mẹ cũng nên chú ý đến phần râu mực; nếu sờ vào thấy cứng là mực tươi.

4.2 Cách sơ chế mực

Lột bỏ thật sạch phần màng bên ngoài. Dùng dao sắc rạch bụng mực, moi hết ruột, rút xương sống.

Lấy chút rượu trắng và muối để bóp khử khuẩn và mùi tanh của mực. Sau khi rửa sạch mực, thái mực thành miếng vừa ăn. Nên ướp mực cùng chút gia vị trước khi thực hiện một món ăn đối với các bé trên 1 tuổi.

Dưới đây là các cách nấu cháo mực cho bé thơm ngon, hấp dẫn.

4.3  Các lưu ý khác

Mực dùng nấu cháo cho bé phải là mực tươi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ từ 6 tháng tuổi là đã có thể làm quen với cháo mực, súp mực. Ngoài ra, mẹ nên kết hợp với các loại rau củ để giúp bé ăn ngon hơn.

[key-takeaways title=”Tham khảo thêm món cháo ăn dặm khác:”]

[/key-takeaways]

Hy vọng 7 cách nấu cháo mực cho trẻ ăn dặm mà MarryBaby cung cấp sẽ giúp ích cho mẹ nhé. Chúc bé hay ăn chóng lớn nhé mẹ.

By Thu Hoàng

Hoàng Diệu Thu là biên tập viên dày dạn kinh nghiệm của MarryBaby và có thể viết tốt hầu hết các chuyên mục về Mẹ và Bé.