Áp lạnh cổ tử cung là gì?
Đây là hình thức sử dụng nitơ lỏng ở nhiệt độ cực thấp để phá hủy các tế bào bệnh tật ở cổ tử cung.
Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, nối liền với âm đạo. Khi những tế bào bệnh bị tiêu diệt, những tế bào mới khỏe mạnh sẽ tiến lên thay thế.
Phương pháp áp lạnh cổ tử cung không chỉ dùng trị ung thư cổ tử cung, viêm lộ tuyến, viêm âm đạo mà còn trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục, như mụn cóc sinh dục.
Thủ thuật này mất khoảng 10 phút thực hiện. Bác sĩ sẽ đưa vào âm đạo một “thanh que tỏa lạnh” và áp vào cổ tử cung. Nitơ ở nhiệt độ -50ºC sẽ làm lạnh thanh kim loại này và tạo ra một “quả cầu băng” ở cổ tử cung. Quả cầu băng sẽ tiêu diệt các tế bào bệnh.
Các bác sĩ sẽ giữ thanh kim loại này trong cổ tử cung trong vòng 3 phút, sau đó rút ra và chờ 5 phút để “rã đông” và lặp lại quá trình này nếu cần.
Trong suốt quá trình này, bạn sẽ cảm thấy ớn lạnh hoặc đau quặn. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc giảm đau trước khi thực hiện.
Diễn biến sức khỏe sau khi thực hiện áp lạnh cổ tử cung
- Bạn có thể cảm thấy váng đầu, do đó không nên tự lái xe về nhà mà cần có người đưa đón hoặc gọi taxi.
- Trong vòng 2 tuần sau thủ thuật, các tế bào chết sẽ bong ra, do đó âm đạo có thể chảy ra dịch màu vàng (có máu). Bạn có thể phải đeo băng vệ sinh trong thời gian này. Nhớ mang thêm 1 miếng băng đến phòng khám để đeo vào sau khi thực hiện thủ thuật.
- Bạn cũng nên uống nhiều nước để bù đắp lượng dịch hao hụt.
- Trong vòng 3-6 tháng sau đó, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm Pap để chắc chắn các tế bào bệnh đều đã bị tiêu diệt và không tái phát. Có thể bạn sẽ phải kiểm tra hàng năm. Phương pháp áp lạnh cổ tử cung hiệu quả từ 85-90%. Nếu tế bào bất thường vẫn còn tồn tại sau 3-6 tháng (do các tế bào này nằm quá sâu trong cổ tử cung), bác sĩ có thể tiến hành một thủ thuật phụ khoa khác để tận diệt mầm bệnh.
- Bạn không được thụt rửa, sử dụng tampon hoặc quan hệ tình dục trong vòng 2-3 tuần sau thủ thuật, để cổ tử cung lành hẳn và không bị viêm nhiễm.
- Bạn có thể tiếp tục uống thuốc tránh thai theo lịch.
Những rủi ro khi thực hiện áp lạnh cổ tử cung
Phương pháp này nhìn chung là an toàn và hiệu quả với hầu hết mọi người. Trong trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể xuất hiện một số vấn đề như:
- Chóng mặt, ngất xỉu.
- Chảy máu âm đạo nặng nề.
- Đau bụng dữ dội
- Ớn lạnh, sốt cao trên 38ºC.
- Xương chậu từng bị viêm nhiễm, nay trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bỏng rát, kích ứng, ngứa ngáy âm đạo.
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
Lúc này bạn nên đi khám gấp để được điều trị kịp thời.
Áp lạnh cổ tử cung có gây vô sinh không?
Phương pháp áp lạnh cổ tử cung thường không ảnh hưởng tới khả năng mang thai, trừ khi gặp biến chứng bất thường.
Biến chứng này bao gồm việc hình thành sẹo trong cổ tử cung, khiến cho cổ tử cung bị hẹp lại, gọi là “hẹp cổ tử cung”.
Hẹp cổ tử cung khiến cho tinh trùng khó di chuyển đến trứng, nên khả năng thụ thai sẽ khó hơn, khó giữ con, đồng thời mẹ bầu cũng khó sinh con qua ngả âm đạo. Ngoài ra, bạn còn bị đau nhiều hơn mỗi khi tới kì kinh.
Hơn nữa, một chức năng của cổ tử cung là tiết ra dịch nhầy vào thời điểm rụng trứng để giúp tinh trùng dễ bơi đến trứng. Sau khi tiến hành thủ thuật, cơ thể bạn sẽ bị giảm tiết dịch nhầy này. Do đó tinh trùng phải chật vật hơn trên đường bơi tới trứng, làm giảm khả năng thụ thai.
Vì thế, áp lạnh cổ tử cung có gây vô sinh không thì là không nhé bạn. Song bạn sẽ khó thụ thai hơn.
Tuy nhiên, tình trạng này có khả năng khắc phục bằng cách thụ tinh nhân tạo IUI, tức chọn lọc tinh trùng khỏe nhất của người chồng và bơm vào buồng tử cung.
Ngoài ra, chị em tiến hành áp lạnh cổ tử cung thì ống dẫn trứng cũng có thể bị tổn thương. Do đó, nếu phương pháp IUI cũng không giúp bạn có con thì nên đi kiểm tra lại ống dẫn trứng.
Đối với phụ nữ đang mang thai thì không nên tiến hành thủ thuật áp lạnh cổ tử cung. Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân chờ cho tới khi sinh con xong mới tiến hành các thủ thuật trị bệnh, kể cả đó có là tế bào tiền ung thư thì vẫn nên chờ.
Để điều trị bệnh phụ khoa nặng, ngoài phương pháp áp lạnh cổ tử cung, các bác sĩ có thể tiến hành các thủ thuật khác như dao leep, đốt laser, đốt điện… Tuy nhiên thủ thuật nào cũng có thể gây tổn thương sâu và để lại sẹo cứng ở cổ tử cung. Vì thế, bạn nên tham khảo các đề nghị của bác sĩ trước khi thực hiện, đặc biệt đối với các chị em vẫn muốn sinh thêm con.
Xuân Thảo