Một số mẹ bầu thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên cảm thấy lo lắng. Liệu rằng em bé trong bụng già tháng có gặp điều bất thường gì không? Điều băn khoăn của các mẹ hoàn toàn có căn cứ, bởi vì đã quá ngày dự sinh nhưng vẫn chưa thấy em bé có dấu hiệu muốn chào đời. Các bác sĩ và chuyên gia y tế sẽ giải thích điều này như thế nào?
Vì sao thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Thai 41 tuần hay còn gọi là thai già tháng. Vì sao lại có hiện tượng này? Những nguyên nhân sau đây có thể khiến thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bao gồm:
▪ Do sai lệch thông tin: Để xác định ngày dự sinh, bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối của mẹ bầu. Thế nhưng, không phải ai cũng nhớ chính xác được ngày hành kính. Mẹ bầu có thể nhầm lẫn và vì thế cung cấp thông tin sai lệch tới bác sĩ, điều này dẫn tới việc phán đoán ngày dự sinh nhầm.
▪ Khám thai quá muộn: Nếu mẹ bầu không nhớ chu kỳ kinh, các bác sĩ có thể căn cứ vào kết quả siêu âm ở những tháng đầu tiên để xác định ngày dự sinh. Nhưng, nếu mẹ bầu đi khám thai muộn thì khả năng dự báo sai ngày dự sinh là rất cao.
▪ Những bất thường của thai nhi: Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ là những bất thường của thai nhi. Chẳng hạn như dây rốn ngắn, thiếu hụt enzyme ở nhau thai, ngôi thai không thuận.
Thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ có nguy hiểm không?
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có khoảng 5% mẹ bầu sinh đúng với thời gian đã được bác sĩ dự báo trước đó và có đến 95% thai phụ sinh trước hoặc sau ngày dự sinh. Điều này có nghĩa là ngày dự sinh chỉ có tác dụng giúp mẹ chuẩn bị những tâm thế tốt nhất cho cuộc vượt cạn, chứ không nhất nhất phải là đến ngày đó em bé sẽ chào đời.
Vậy nên, hiện tượng thai già tháng hoặc thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ cũng là một điều bình thường và không hiếm gặp. Nếu mẹ lâm vào tình trạng này thì cũng đừng lo lắng nhé, đây không phải là vấn đề nguy hiểm cho mẹ và bé.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hai mẹ con, thời gian thai 41 tuần tuổi, mẹ bầu nên nhập viện để chờ sinh. Lúc này, các bác sĩ sẽ thường xuyên thăm khám, siêu âm, đo huyết áp và kiểm tra tình trạng bánh nhau, nước ối để kịp thời phát hiện những bất trắc không may có thể xảy ra với mẹ và bé. Việc được theo dõi sát sao như thế này sẽ giúp mẹ yên tâm hơn và độ an toàn cũng cao hơn.
Đặc biệt, thai già tháng cũng có khả năng xảy ra tình trạng bánh nhau bị xơ hóa, nguy hiểm tới tính mạng thai nhi. Vậy nên nhập viện theo dõi là điều bác sĩ khuyên mẹ bầu nên làm ở những tuần thai này cho dù có dấu hiệu chuyển dạ hay không.
Nếu mọi kết quả kiểm tra đều bình thường, bánh nhau không bị xơ hóa, mẹ hãy yên tâm để chuẩn bị cho hành trình vất vả phía trước nhé. Thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ lúc này chỉ là do em bé chưa thực sự muốn ra ngoài mà thôi.
Thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ có nên kích thích chuyển dạ hay không?
Một số mẹ bầu vì quá lo lắng nên thường có mong muốn được kích thích chuyển dạ. Điều này nên hay không?
Theo các bác sĩ sản khoa, nếu sau 41 tuần thai mà em bé vẫn chưa có biểu hiện muốn chào đời, cộng với mẹ bầu có ý muốn sinh con thì lúc này thai phụ sẽ được kích thích để chuyển dạ.
Các phương pháp bao gồm:
1. Lóc ối
Phương pháp lóc ối là cách bác sĩ sản khoa dùng ngón tay tách các màng ối nhằm nhằm giải phóng hormone prostaglandin từ lớp nội mạc tử cung để kích thích chuyển dạ.
Mẹ bầu nên lóc ối với những mục đích sau:
- Để giục sinh trong trường hợp bé bị quá ngày hoặc mẹ muốn sinh đúng ngày đã chọn.
- Giúp cổ tử cung giãn tốt và thuận lợi cho cuộc sinh.
- Kích thích tử cung co thắt và thúc đẩy quá trình chuyển dạ.
Lóc ối là biện pháp cảm ứng tự nhiên nhẹ nhàng và ít xâm lấn, tuy nhiên cũng có một số rủi ro nhất định như trẻ nhẹ cân, thân nhiệt chưa ổn định, gặp các vấn đề về hô hấp hoặc khó bú.
Đôi khi lóc ối chỉ mang lại cho mẹ bầu sự đau đớn mà không thấy có dấu hiệu chuyển dạ, và điều này cũng tăng nguy cơ phải sinh mổ. Khoảng 24% mẹ bầu thành công với biện pháp lóc ối, quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra sau 48 tiếng. Phần lớn thai phụ sinh con trong vòng 1 tuần sau khi được làm thủ thuật móc ối.
Điều gì xảy ra nếu lóc ối không thành công? Bác sĩ có thể phải tiến hành lóc ối lần 2. Nếu sau lần 2 này, thai 41 tuần không có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu sẽ được thực hiện thủ thuật bấm ối và truyền oxytocin.
[inline_article id=180904]
2. Tiêm nội tiết tố
Mẹ bầu có thể được tiêm prostaglandin để kích thích mở cổ tử cung và kích hoạt các cơn co thắt. Tuy nhiên, tiêm nội tiết tố không dành cho những mẹ bầu từng sinh mổ, vì có nguy cơ vỡ tử cung.
3. Đặt bóng cổ tử cung
Một ống cao su nhỏ được các bác sĩ đưa vào cổ tử cung, sau đó bơm nước vào làm căng phồng túi bóng ở đầu ống để tác động vào màng ối. Việc này không những nong giãn cổ tử cung mà còn kích thích mẹ bầu tiết ra hormone khởi phát chuyển dạ.
Phương pháp đặt bóng cổ tử cung cũng không được thực hiện với những mẹ bầu có sẹo mổ cũ ở tử cung hoặc chưa thử các phương pháp kích chuyển dạ khác.
4. Thuốc giục sinh
Thuốc giúp chuyển dạ pitocin (oxytocin) kích thích làm cho tử cung có các cơn co thắt. Mẹ bầu sẽ được tiêm một liều nhỏ thuốc giục sinh sau đó tăng dần lên tới khi các cơn co thắt đủ mạnh để thai nhi chào đời.
Một số mẹ bầu có thể chuyển dạ và sinh con trong vòng vài giờ sau khi được tiêm thuốc giục sinh, một số khác mất từ 1–2 ngày. Nếu phương pháp này không thành công, mẹ bầu phải sinh mổ.
Thai 41 tuần không có dấu hiệu chuyển dạ có nên kích đẻ hay không, mẹ bầu cần cân nhắc lựa chọn nhé. Nếu em bé hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ nên để con chào đời một cách tự nhiên khi bé đã sẵn sàng. Việc dùng các phương pháp gây chuyển dạ cũng có nhiều rủi ro, chỉ thực hiện khi cần và tốt nhất nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Chăm sóc bà bầu mang thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ như thế nào?
Mẹ bầu thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ thường rất nặng nề và mệt mỏi. Họ không những cảm thấy lo lắng mà còn áp lực vì người này, người kia hỏi han. Lúc này, có những việc mẹ bầu nên và không nên làm như sau:
♥ Nên
- Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi nhiều
- Có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm nhiều dưỡng chất
- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể
- Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng hoặc đi bộ cho tinh thần thư giãn và cơ thể bớt đau nhức
♥ Không nên
- Căng thẳng, stress, cáu gắt vì thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ
- Không nên sốt ruột chọn thực hiện các phương pháp giục sinh mà không nghe theo tư vấn của bác sĩ
- Ăn quá ít khiến cơ thể không đủ chất
- Ngâm mình trong bồn nước nóng quá lâu
Thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ mẹ đã biết phải làm gì chưa? Mẹ đừng lo lắng và làm theo những lời khuyên của bác sĩ nhé. Chúc mẹ và bé yêu sớm được gặp nhau trong một cuộc vượt cạn nhẹ nhàng.
Hương Hoa