Rửa lá trầu không khi mang thai sẽ có ích gì cho mẹ bầu? Trầu không là loại cây gắn bó với người Việt từ hàng nghìn năm về trước. Người xưa ăn lá trầu với quả cau cho môi đỏ, miệng thơm, dùng nước luộc lá trầu để uống hoặc rửa, xông bên ngoài chữa nhiều loại bệnh.
Ngày nay khoa học phát triển, thuốc Tây trở nên phổ biến, vì vậy nên nhiều bài thuốc dân gian hoặc Đông y từ lá trầu không chỉ còn là “vang bóng một thời”. Tuy vậy, lá trầu không vẫn tiếp tục được phụ nữ dùng làm bài thuốc chữa bệnh phụ khoa rộng rãi, không chỉ lúc son rỗi mà cả khi mang bầu. Bà bầu có thể dùng hoặc rửa lá trầu không khi mang thai theo những cách nào và chữa những bệnh nào trong thai kỳ? Mời bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây của MarryBaby để biết cách dùng loại lá này hiệu quả nhé.
Những thành phần có trong trầu không
Cụm hoa trầu không chứa phenol, bao gồm hydroxychavicol, eugenol, eugenol metyl este và safrole.
Lá trầu không chứa một số phenol (bao gồm hydroxychavicol, etanol, chavicol). Đây là các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có tính kháng khuẩn cao. Ngoài ra, lá trầu không còn chứa vitamin C, một lượng lớn caroten và 36 nguyên tố vi lượng có lợi cho việc điều trị nhiều loại bệnh.
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của lá trầu không đối với thai kỳ khi dùng qua đường miệng, tuy nhiên để giữ an toàn cho thai kỳ, MarryBaby khuyên bà bầu chỉ nên dùng lá trầu không ở dạng ngoài da với liều lượng vừa phải.
Những cách rửa lá trầu không khi mang thai
1. Rửa lá trầu không khi mang thai để trị mụn trứng cá
♦ Nguyên liệu: 1 nắm lá trầu không, nồi nước chừng 0,5 lít
♦ Cách thực hiện:
- Rửa lá trầu không cho sạch rồi cho vào nồi đun sôi lấy nước.
- Dùng nước này để rửa mặt hàng ngày giúp giảm viêm do mụn trứng cá.
2. Dùng lá trầu không rửa vùng kín khi mang thai để chữa viêm âm đạo
♦ Nguyên liệu: 1 nắm lá trầu không, 1 nắm muối hạt, một nồi nước
♦ Cách thực hiện
- Đem lá trầu không rửa sạch, ngâm với nước muối loãng rồi vớt ra, vò nát, sau đó cho vào nồi nước đun sôi.
- Dùng nước đun sôi này để nguội rồi rửa vùng kín hàng ngày để chữa bệnh viêm âm đạo.
3. Rửa lá trầu không khi mang thai để chữa nước ăn chân
♦ Nguyên liệu: 1 nắm lá trầu không, 1 lít nước
♦ Cách thực hiện
- Vò lá trầu không rồi cho vào nồi đun với 1 lít nước tới khi sôi.
- Dùng nước này để ngâm chân hàng ngày giúp chữa bệnh nước ăn chân.
4. Rửa lá trầu không khi mang thai để chữa bệnh trĩ
♦ Nguyên liệu: 1 nắm lá trầu không, 1 nắm muối, 1 lít nước
♦ Cách thực hiện
- Vò nát lá trầu không rồi đem đun cùng muối tới khi sôi thì cho ra chậu.
- Chờ nước còn âm ấm, bà bầu ngồi vào chậu nước để giảm các triệu chứng của bệnh trĩ.
Những cách dùng lá trầu không để chữa bệnh trong thai kỳ
1. Đắp lá trầu không để chữa nấm
Bạn lấy vài lá trầu không đem giã nát rồi đắp lên vùng da bị nấm. Hoạt chất chavico có trong trầu không sẽ giúp tiêu diệt các loại nấm gây bệnh ngoài da.
2. Đắp lá trầu không để chữa bỏng nhẹ
Dùng một lá trầu không đem hơ trên lửa nhỏ cho lá mềm rồi phết thêm một lớp thầu dầu trên lá để đắp vào chỗ bị bỏng. Hoạt chất kháng khuẩn trong lá trầu giúp bảo vệ vùng da khỏi vi khuẩn đồng thời giúp làm dịu cảm giác đau rát.
3. Đắp lá trầu không để chữa bong gân
Bạn dùng lá trầu không, nghệ tươi, lá cúc tần, lá xạ đem giã nát rồi đắp lên vùng cơ thể bị đau. Hoạt chất từ các nguyên liệu trên sẽ giúp làm dịu các triệu chứng đau nhức.
4. Đắp lá trầu không để chữa hôi nách
Bạn lấy nửa quả chanh chà vào nách, sau đó rửa sạch. Bạn tiếp tục giã nát lá trầu không rồi dùng nước thoa lên nách. Thực hiện ngày vài lần để khử mùi hôi khó chịu.
[inline_article id=194704]
Việt Nam có rất nhiều loại thảo dược có ích cho sức khỏe, trong số đó có trầu không. Mặc dù được biết đến phổ biến với tác dụng chữa bệnh phụ khoa cho phụ nữ, song trầu không còn có thể dùng để điều trị nhiều chứng bệnh khác cho cả người bình thường và phụ nữ mang thai. Rửa lá trầu không khi mang thai là phương pháp an toàn để điều trị viêm nhiễm phụ khoa, nấm, nước ăn chân, trĩ mà mẹ bầu có thể áp dụng.
Hanako
Nguồn tham khảo: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1300/J044v12n01_06
https://bmccomplementmedtherapies.biomedcentral.com/articles/10.1186/1472-6882-12-220
https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/piper-betle