Hạt lanh phổ biến hơn ở các nước phương Tây, song hiện nay nhiều người ở Việt Nam cũng bắt đầu dùng loại hạt này ở dạng dầu hạt lanh. Công dụng của hạt lanh và dầu hạt lanh là gì? Liệu hạt lanh có tốt cho bà bầu hay không? MarryBaby sẽ cùng mẹ đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này để có thể biết cách dùng dầu hạt lanh có lợi cho sức khỏe.
Hạt lanh là gì?
Hạt lanh là hạt từ cây lanh thường phân bố ở châu Âu, châu Á và Địa Trung Hải. Hạt lanh được dùng phổ biến trong đời sống của người dân ở các vùng này dưới dạng dầu hạt lanh, bột hạt lanh.
Hạt lanh và các chế phẩm của hạt lanh trước đây hầu như không có ở Việt Nam. Song ngày nay, do đa dạng hóa thị trường nên hạt lanh đã được nhập khẩu về nước ta ở dạng dầu hạt lanh và nhiều người bắt đầu làm quen với việc dùng loại dầu này để chế biến món ăn. Do vậy, nếu không biết dầu hạt lanh mua ở đâu thì bạn có thể đến các siêu thị lớn để tìm kiếm.
Công dụng của hạt lanh đối với sức khỏe mẹ bầu
1. Giá trị dinh dưỡng của hạt lanh
Hạt lanh rất giàu calo, cứ 100g hạt lanh chứa 534 calo. Điều này có nghĩa là khi bạn dùng khoảng 10g hạt lanh nguyên hạt thì cơ thể sẽ được cung cấp tới 55 calo.
Bên cạnh đó, hạt lanh còn chứa các thành phần dinh dưỡng chủ yếu như chất béo 42%, protein 18%, carbohydrate 29%. Trong số đó, gần 95% carbohydrate trong hạt lanh là chất xơ, 20-40% là chất xơ hòa tan và 60-80% là chất xơ không hòa tan.
Nhờ sự kết hợp tự nhiên này mà hạt lanh trở thành một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa cũng như điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol ở mức độ cao.
Ngoài ra, hạt lanh còn chứa các loại dinh dưỡng khác bao gồm magiê, kali, protein, kẽm, vitamin B6 và E, axit béo omega-3, có thể giúp giảm mức cholesterol, chống viêm, chống lão hóa và làm đẹp da.
2. Công dụng của hạt lanh có tốt cho thai kỳ và bà bầu có nên ăn không?
Thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Do đó, các bà bầu luôn phải cẩn trọng trước mọi thứ, nhất là trong việc ăn uống. Những thực phẩm không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe người mẹ và đe dọa sự sống của em bé trong bụng nếu chẳng may bà bầu ăn phải. Cho nên, ngay cả khi ăn các loại hạt hoặc chế phẩm từ các loại hạt chẳng hạn như hạt lanh và dầu hạt lanh cũng là vấn đề bà bầu cần xem xét kỹ lưỡng.
Mặc dù công dụng của hạt lanh mang đến nhiều lợi ích cho thai kỳ, song chúng cũng có thể gây ra những bất lợi khác cho quá trình phát triển của em bé trong bụng.
Hạt lanh giàu axit linoleic, axit alpha-linolenic hoặc chất béo không bão hòa đa omega-3 cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn chất xơ dồi dào nên hạt lanh cũng có thể làm nhuận tràng, giúp bà bầu tránh khỏi tình trạng táo bón thường gặp trong thai kỳ.
Hạt lanh mặc dù tốt cho thai kỳ như vậy nhưng xét về các tác dụng phụ của loại hạt này thì các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, bà bầu không nên ăn hạt lanh cũng như các chế phẩm của chúng. Lý do cụ thể là:
- Bà bầu ăn hạt lanh thô có thể làm tăng mức huyết áp trong thai kỳ
- Ăn quá nhiều hạt lanh có thể gây buồn nôn và tiêu chảy
- Đôi khi, ăn hạt lanh có thể gây sưng môi
- Hạt lanh thô chứa một lượng nhỏ xyanua có thể gây ngộ độc cho thai phụ
- Tiêu thụ dầu hạt lanh, đặc biệt là trong hai tháng cuối của thai kỳ, có thể làm tăng nguy cơ sinh non
[inline_article id=247259]
Như vậy, mẹ bầu nên ghi nhớ công dụng của hạt lanh và các chế phẩm từ loại hạt này là không an toàn để ăn trong thời kỳ mang thai. Nếu muốn dùng dầu ăn từ các loại hạt, bà bầu nên lựa chọn hạt hướng dương, hạt vừng vì tính an toàn cao và giàu dinh dưỡng.
Hanako