Củ đậu mọc mầm có ăn được không? Câu hỏi này là thắc mắc của nhiều mẹ bầu vì củ đậu ngọt nhẹ, thanh mát. Loại củ này có thể được dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn như xào, nấu canh. Tuy nhiên, củ đậu mọc mầm có ăn được không? MarryBaby sẽ cùng mẹ bầu giải đáp câu hỏi này nhé.
Giá trị dinh dưỡng của củ đậu
Củ đậu (hay còn gọi là củ sắn) chứa đến 80-90% nước, 4,5% đường glucose, 2,4% tinh bột và còn lại là các vitamin và muối khoáng như vitamin C, sắt, canxi, phốt pho. Đặc biệt, củ đậu hoàn toàn không chứa chất béo. Như vậy, củ đậu là một thức ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, cung cấp nước cho cơ thể rất tốt.
Ngoài ra, củ đậu còn được dùng như một mặt nạ thiên nhiên, giúp chị em có được làn da mịn màng, tươi tắn.
Khi ăn củ đậu cần lưu ý điều gì?
Mặc dù củ đậu không chứa các chất béo gây tăng cân nhưng bạn không nên dùng củ đậu như một thực phẩm giảm cân. Nguyên nhân là trong củ đậu không chứa đủ những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, nếu ăn củ đậu quá nhiều sẽ dẫn đến thiếu chất, mệt mỏi.
Củ đậu có tính mát nên dễ gây tiêu chảy nếu sử dụng quá nhiều.
Bà bầu không nên ăn nhiều củ đậu. Do củ đậu chứa nhiều nước sẽ làm mẹ bầu có cảm giác no giả, làm giảm lượng tiêu thụ các loại thức ăn khác, gây mất cân bằng dinh dưỡng trong thai kỳ. Theo các bác sĩ khuyến cáo, mẹ bầu chỉ nên ăn 200g củ đậu trong một ngày.
>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu ăn củ đậu: ngừa táo bón, dị tật ở thai nhi
Củ đậu mọc mầm có ăn được không?
Mặc dù là loại củ ăn ngon miệng và chứa vài chất dinh dưỡng nhưng khi mọc mầm thì củ đậu lại trở nên nguy hiểm cho sức khỏe. Củ đậu mọc mầm sẽ sản sinh ra chất alkaloid solanine. Đây là một loại chất độc gây tiêu chảy, ói mửa, ngộ độc, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Muốn chăm sóc tốt cho bà bầu, bạn cần loại bỏ củ đậu mọc mầm trong thức ăn hàng ngày.
Củ đậu mọc mầm có ăn được không? Củ sắn mọc mầm có ăn được không? Câu trả lời là không các bạn nhé. Đặc biệt là các mẹ bầu càng không nên ăn củ đậu mọc mầm vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thai nhi. Để đảm bảo an toàn, chị em tốt nhất nên loại bỏ ngay nếu thấy loại củ này đã nảy mầm nhé.
Các loại củ quả mọc mầm không nên ăn khác
Bên cạnh củ đậu, các loại thực phẩm sau đây cũng được khuyến cáo là không nên ăn khi đã mọc mầm:
♦ Khoai lang: Khoai lang mọc mầm có ăn được không? Khoai lang khi mọc mầm sẽ xuất hiện chất glycoalkaloid, gây tiêu chảy, nôn mửa, ảnh hưởng hệ thần kinh. Đồng thời, lúc này lớp biểu bì của khoai sẽ xuất hiện nấm mốc. Loại mốc này sẽ hình thành nên hoạt chất ipomeamarone, làm cho khoai bị đắng và có khả năng ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi.
♦ Đậu phộng: Đậu phộng nảy mầm hoặc đậu phộng mốc đều có khả năng gây ung thư, do có lượng lớn độc tố aflatoxin. Đây là loại chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được liệt kê vào danh sách là một chất gây ung thư.
♦ Củ gừng, nghệ: Đây là gia vị quen thuộc trong căn bếp mỗi gia đình. Những loại củ này được khuyến cáo chỉ nên sử dụng lúc còn chưa mọc mầm. Củ gừng, nghệ khi xuất hiện mầm sẽ đồng thời sinh ra nhiều độc tố không tốt cho sức khỏe người dùng.
♦ Khoai tây: Khoai tây là một trong những loại củ đứng đầu danh sách tuyệt đối không được sử dụng khi đã mọc mầm. Lúc này, mầm khoai tây chứa lượng rất lớn chất độc glycoalkaloid, gây tác động xấu đến hệ thần kinh, gan và dạ dày.
Mách bạn bí kíp bảo quản rau củ để hạn chế tình trạng mọc mầm
♦ Khoai lang, khoai tây, củ đậu: Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
♦ Hành: Khi mua về nên phơi nắng cho khô ráo rồi mang vào để nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt.
♦ Đậu phộng: Phơi khô và cho vào hũ đựng, đậy kín sẽ bảo quản được lâu và không lo mọc mầm.
♦ Gừng: Nên bỏ trong hộp kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
Những loại củ mọc mầm nhưng vẫn được khuyên dùng
Ngược lại với danh sách trên, những loại củ quả dưới đây khi mọc mầm không những không độc hại mà vẫn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng.
♦ Tỏi: Củ tỏi khi nảy mầm có nồng độ oxy hóa cao gấp nhiều lần so với bình thường. Vì thế, bạn hoàn toàn yên tâm khi dùng tỏi đã mọc mầm nhé.
♦ Đậu nành: Khi nảy mầm, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đậu nành như protein, vitamin sẽ tăng lên, đồng thời lượng đường và chất béo sẽ ít đi. Như vậy, hạt đậu nành mọc mầm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mà bạn không nên bỏ qua.
♦ Gạo lứt: Gạo lứt mọc mầm sẽ đem đến mùi vị dễ chịu hơn khi ăn, đồng thời giúp cơ thể dễ tiêu hóa và nhuận tràng hơn.
♦ Hạt tam giác mạch: Khi nảy mầm, hạt tam giác mạch có tác dụng hạ huyết áp, hạn chế mỡ trong gan và bổ sung lượng chất xơ đáng kể cho cơ thể.
Nếu bà bầu và gia đình thường xuyên ăn củ đậu như một thức ăn thanh mát và bổ dưỡng thì phải lưu ý đến những điều được chia sẻ ở trên nhé. Củ đậu mọc mầm có ăn được không? Mẹ bầu đừng tiếc mà hãy vứt ngay bạn nhé.
Thu Sương