Bên cạnh gà, vịt, ngỗng cũng là một trong những loài gia cầm được nuôi khá phổ biến. Ngoài việc nuôi ngỗng để lấy thịt, người ta còn lấy trứng ngỗng để chế biến món ăn. Khối lượng của trứng ngỗng lớn hơn trứng gà, trứng vịt. Vỏ trứng có màu trắng sạch với chiều cao của trứng khoảng độ 113mm và đường kính của trứng là khoảng 74mm. Một quả trứng ngỗng có trọng lượng khoảng 340g.
Hàm lượng dinh dưỡng trong trứng ngỗng rất đa dạng nên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu 10 tác dụng của trứng ngỗng dưới đây để bạn có thêm món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng trong thực đơn nhà mình nhé.
[inline_article id=270565]
Tác dụng của trứng ngỗng với sức khỏe
1. Trứng ngỗng cung cấp cho bạn nhiều dưỡng chất
Trứng ngỗng chứa 266,4 kcal, 20g protein, 19,1g chất béo, 1226,9mg cholesterol, 198,7mg natri, 302,4mg kali và 1,9g carbohydrate cùng rất nhiều vitamin và khoáng chất khác, cụ thể:
- Vitamin A: 0,2693mg
- Vitamin B6: 0,3mg
- Vitamin B12: 0,0073mg
- Vitamin D: 0,0024mg
- Vitamin E: 1,9mg
- Canxi: 86,4mg
- Sắt: 5,2mg
- Magiê: 23mg
- Phốt pho: 299,5mg
- Kẽm: 1,9mg
- Đồng: 0,1mg
- Mangan: 0,1mg
- Selen: 0,0531mg
- Retinol: 0,2664mg
- Thiamin: 0,2mg
- Riboflavin: 0,6mg
- Niacin: 0,3mg
- Folate: 0,1094mg
- Choline: 379,3mg
- Nước: 101,4g
Với rất nhiều dưỡng chất kể trên, không thể phủ nhận tác dụng của trứng ngỗng với sức khỏe mỗi người. Chính vì thế mà món ăn này ngày càng phổ biến hơn trong mâm cơm người Việt.
2. Giúp tăng khả năng thụ thai
Nếu mong có con, bạn hãy ăn trứng ngỗng để kích thích và đẩy nhanh quá trình thụ tinh, làm tăng cơ hội thụ thai.
3. Trứng ngỗng có tác dụng gì? Tốt cho thai nhi
Bà bầu ăn trứng ngỗng có tốt không? Trứng ngỗng có chứa hàm lượng axit folic cao nên đặc biệt rất tốt cho thai nhi.
Ngoài ra, tác dụng của trứng ngỗng còn giúp phát triển não bộ cho trẻ khi còn trong bụng mẹ và trong 3 năm đầu.
4. Tác dụng của trứng ngỗng tốt cho phụ nữ sau sinh
Phụ nữ sau sinh thường bị mất nhiều sức. Trong khi đó, trứng ngỗng có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Chính những chất dinh dưỡng này giúp mẹ nhanh phục hồi sau sinh và tăng chất lượng sữa mẹ.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: 21 thức ăn lợi sữa giúp mẹ nuôi con nhàn tênh
5. Ăn trứng ngỗng giúp tăng hệ miễn dịch
Trứng ngỗng luộc cũng giống như các loại trứng khác có chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật, làm cơ thể tràn đầy năng lượng và thúc đẩy tinh thần để cơ thể tránh mệt mỏi.
6. Tác dụng của trứng ngỗng giúp trị mụn trứng cá
Trứng ngỗng được dùng làm một phương thuốc trị mụn trứng cá hiệu quả bởi trong lòng trắng trứng có chứa nhiều albumin – một loại protein của huyết thanh.
Bạn lấy lòng trắng trứng đắp mặt nạ có thể giúp chăm sóc làn da và làm giảm mụn trứng cá. Cách thực hiện như sau:
- Tách lòng đỏ và lòng trắng trứng
- Chuẩn bị trái cây để trộn với lòng trắng trứng như chanh, bơ, dứa (đã nghiền nhuyễn) hoặc mật ong.
- Khuấy lòng trắng trứng với một trong những nguyên liệu trên cho đến khi mịn và có bọt rồi đắp lên mặt.
- Sau khi mặt nạ khô, rửa sạch mặt lại bằng nước ấm.
7. Giúp xây dựng cơ bắp và tăng cường năng lượng
Ăn trứng ngỗng có tốt không? Rất tốt. Trứng ngỗng có hàm lượng protein rất cao, chiếm khoảng 13,9% tổng trọng lượng của quả trứng ngỗng. Vì thế, tác dụng của trứng ngỗng có thể giúp bạn xây dựng và tăng khối lượng cơ, làm tăng cường sức mạnh, cung cấp năng lượng và chăm sóc hệ miễn dịch.
8. Ngăn ngừa thiếu máu
Trứng ngỗng có chứa nhiều sắt và kali nên tốt cho sức khỏe tổng thể. Hai chất này giúp bạn ngăn ngừa thiếu máu, tăng hệ miễn dịch và làm tăng tốc độ chữa lành vết thương.
9. Tốt cho sức khỏe của xương và răng
Chắc chắn, tác dụng của trứng ngỗng có thể giúp bạn chăm sóc sức khỏe của xương và răng vì hàm lượng canxi và phốt pho trong trứng ngỗng rất cao. Bên cạnh đó, 2 khoáng chất này còn giúp người trưởng thành ngăn ngừa loãng xương và hỗ trợ trẻ em tăng cường chiều cao.
10. Hỗ trợ não và mắt khỏe mạnh
Trứng ngỗng chứa nhiều vitamin B2 có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh, làm tăng cường tinh thần và giúp mắt sáng khỏe.
Ngoài ra, vitamin B2 trong trứng còn giúp ngăn ngừa vết loét ở miệng và khắc phục tình trạng khô môi.
Mặc dù tác dụng của trứng ngỗng rất tốt cho sức khỏe nhưng ngỗng cũng có những nhược điểm bởi có chứa nhiều chất béo và cholesterol. Người bị cholesterol cao không nên ăn trứng ngỗng quá thường xuyên. Đồng thời, bạn cần nhớ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh ăn trứng chưa chín.
Gợi ý món ăn từ trứng ngỗng
1. Salad trứng ngỗng
Chuẩn bị nguyên liệu
- Trứng ngỗng: 1 quả
- Cà chua: 1 quả
- Xà lách: 100g
- Hành tây: nửa củ
- Nửa thìa giấm
- Dầu ô liu, gia vị các loại.
Cách thực hiện
– Trứng ngỗng đem luộc chín rồi cắt khoanh.
– Cà chua và hành tây rửa sạch, cắt khoanh tròn.
– Rau xà lách rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 10 phút để diệt vi trùng, vớt ra rổ để ráo nước.
– Pha nửa thìa giấm với đường thành hỗn hợp rồi cho hành tây vào ngâm. Khi hành tây đã ngấm, vớt ra. Cho thêm 1 thìa dầu ô liu, nửa thìa muối vào hỗn hợp đường giấm và hành tây trên rồi đánh tan để làm nước trộn salad.
– Xếp cà chua vòng quanh đĩa rồi đặt rau xà lách ở giữa. Kế đến, bạn đặt trứng lên trên rau, rồi rắc hành tây vô sau cùng. Khi ăn, bạn đem rưới nước trộn giấm lên trên cùng rồi trộn đều để thưởng thức.
2. Trứng ngỗng chiên nấm, thịt bò
Chuẩn bị nguyên liệu
- Trứng ngỗng: 1 quả
- Nấm mỡ: 200g
- Thịt bò băm: 100g
- Hành, tỏi băm nhỏ
- Hành lá
- Gia vị các loại
Cách thực hiện
– Trứng ngỗng đập vào bát, đánh tan, thêm ít hạt nêm.
– Nấm ngâm muối khoảng 15 phút, rửa sạch, cắt bỏ phần gốc và băm nhỏ.
– Thịt bò rửa sạch, thái nhỏ.
– Đặt chảo nóng, đổ dầu, phi thơm hành tỏi đã băm nhuyễn rồi cho nấm vào xào khoảng 2 phút.
– Phi thơm hành, tỏi, cho thịt bò đã thái nhỏ vào xào chín, múc ra bát.
– Phi thêm dầu với tỏi, đổ trứng vào, rải đều nấm lên trên, đậy vung lại và vặn nhỏ lửa để trứng và nấm chín đều, rắc hành lá trên mặt khi trứng đã chín.
– Cho trứng ra đĩa rồi thêm thịt bò vào là mẹ đã có món ăn ngon miệng với đầy đủ tác dụng của trứng ngỗng.
3. Trứng ngỗng lá hẹ
Chuẩn bị nguyên liệu
- Trứng ngỗng: 1 quả
- Lá hẹ: vừa đủ ăn
- Gia vị các loại
Cách thực hiện
- Trứng ngỗng đập váo bát, đánh tan.
- Lá hẹ rửa sạch, cắt bỏ gốc, thái nhỏ rồi cho vào trứng và đánh đều.
- Đặt chảo lên bếp, đợi nóng thì đổ dầu, khi nóng dầu cho trứng vào chiên chín.
4. Trứng ngỗng luộc
Tác dụng của trứng ngỗng sẽ tăng hiệu quả hơn nếu bạn ăn trứng luộc.
Trứng mua về, bạn rửa sạch vỏ và nhẹ nhàng cho trứng vào nồi rồi đổ nước vào đun sôi. Khi nước sôi, cho thêm một xíu muối để giúp trứng dễ bóc vỏ hơn khi chín và sát khuẩn trứng. Sau đó, bạn hạ lửa và đậy vung lại. Thời gian luộc trứng kéo dài khoảng 13 phút.
Trứng chín, đem vớt ra rồi cho vào ngâm với nước đun sôi để nguội rồi bóc vỏ. Bạn không nên ngâm trứng với nước lã vì nước lã chứa nhiều vi khuẩn, có thể xâm qua lớp vỏ để vào bên trong quả trứng.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bật mí cách chiên trứng cực ngon chuẩn siêu đầu bếp
Tác dụng của trứng ngỗng tốt cho mọi đối tượng, dù là trẻ em, phụ nữ mang thai, sau sinh hay cả đàn ông và người lớn tuổi. Vì thế, bạn hãy nấu món ăn từ trứng ngỗng cho cả gia đình bồi bổ sức khỏe nhé.
Tuyết Lan