Mang thai là giai đoạn mẹ rất nhạy cảm với những thay đổi của cơ thể. Bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ cũng dễ khiến mẹ bầu lo lắng. Ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần có nguy hiểm không, ra máu khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo điều gì là những thắc mắc phổ biến ở các mẹ bầu. Mời mẹ tham khảo các thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này nhé.
Ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần, nguyên do từ đâu?
Ra dịch màu nâu khi mang thai hay ra máu khi mang thai là tình trạng xảy ra ở nhiều mẹ bầu, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tam cá nguyệt thứ hai.
Theo thống kê, ra máu khi mang thai hay ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần không phải là trường hợp hiếm gặp, cứ khoảng 10 mẹ bầu thì sẽ có đến 5, 6 người gặp tình huống này. Đa phần, lượng dịch hoặc máu chỉ ra ít và không liên quan đến bệnh lý.
Tuy nhiên, nếu mẹ bị ra máu như hành kinh khi mang thai, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác thì mẹ không nên chủ quan vì đây có thể là triệu dấu hiệu cảnh báo thai nhi có vấn đề.
Mẹ có thể tham khảo một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra dịch nâu khi mang thai như sau:
1. Tác động bên ngoài
Khi mang thai, lưu lượng máu lưu thông tại khu vực tử cung trở nên nhiều hơn để nuôi dưỡng thai nhi. Lượng máu dồi dào này khiến cho tử cung trở nên mềm, nhạy cảm và dễ chảy máu khi có tác động bên ngoài. Một vài tác nhân ảnh hưởng đến tử cung trong thời điểm này như thao tác của bác sĩ khi khám cho mẹ bầu, mẹ quan hệ tình dục hơi mạnh bạo.
2. Viêm nhiễm
Trong giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu vẫn có nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo như nhiễm virus HPV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc bị viêm do vệ sinh không sạch sẽ. Khi vùng kín bị viêm nhiễm, mẹ bầu sẽ bị ra dịch hoặc máu kèm theo mùi hôi bất thường và cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau rát nơi âm đạo.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bà bầu bị táo bón nên ăn gì vừa an toàn và hiệu quả?
3. Thai ngoài tử cung
Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Khi trứng thụ tinh thành công, túi thai sẽ làm tổ trong buồng tử cung. Điều bất thường xảy ra khi thai làm tổ ở một vị trí khác, bên ngoài buồng tử cung. Hậu quả của tình trạng này là mẹ bầu có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vì vậy, nếu phát hiện âm đạo ra máu trong nhiều ngày, máu có màu đỏ thẫm và mẹ bị đau bụng dưới lệch sang phải hoặc trái thì mẹ hãy nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra nhé.
Ngoài ra, khi thai ngoài tử cung bị vỡ, các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn như máu ra ồ ạt, đau bụng dữ dội, chóng mặt, hoa mắt, khó thở, thậm chí mẹ có thể bị ngất xỉu.
4. Dọa sảy thai
Ra máu khi mang thai là một trong những triệu chứng cảnh báo sảy thai. Nếu rơi vào trường hợp này, mẹ sẽ thấy lượng máu có xu hướng tăng dần, từ màu nâu nhạt chuyển sang màu đỏ tươi. Mẹ bầu cũng cảm thấy đau bụng, đau lưng, các triệu chứng mang thai như ốm nghén, ngực căng tức sẽ dần biến mất.
5. Thai trứng
Thai trứng là bệnh lý của rau thai, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành túi dịch to nhỏ, dính vào nhau như chùm nho. Nhau thai sẽ trở thành những túi nhỏ chứa đầy nước.
Bệnh lý này sẽ bao gồm những triệu chứng như: Mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, nghén rất nhiều, người xanh xao, huyết áp tăng, phù nề, âm đạo ra máu màu đỏ hoặc nâu.
6. Thai lưu
Khi thai nhi ngừng phát triển, mất trong bụng mẹ và lưu lại ở tử cung trên 48 giờ thì được gọi là thai chết lưu. Dấu hiệu thường gặp của thai lưu dưới 20 tuần tuổi là âm đạo ra một ít máu màu nâu hoặc đỏ sẫm.
Ngoài ra, mẹ còn gặp các biểu hiện như bụng căng cứng, đau lưng, bị chuột rút thường xuyên, ngực không còn căng, chóng mặt, hoa mắt, sốt cao không rõ nguyên nhân.
>>> Bạn có thể tham khảo: Nguyên nhân bà bầu bị đau bắp chân và cách điều trị
7. Nhau thai phát triển bất thường
Hai vấn đề thường gặp ở nhau thai đó là nhau tiền đạo và nhau bong non. Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai không ở đúng vị trí trong tử cung mà nằm lệch xuống phía dưới. Khi gặp vấn đề nhau tiền đạo, mẹ bầu có nguy cơ sẩy thai, sinh non, mất nhiều máu khi sinh.
Trong khi đó, nhau bong non là khi nhau thai bong ra quá sớm, trước khi em bé được sinh ra. Dấu hiệu điển hình của nhau bong non là mẹ bầu cảm thấy đau bụng dữ dội.
Ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần, mẹ bầu phải làm sao?
Nếu mẹ bầu phát hiện có một ít dịch hoặc máu màu nâu nơi quần con, mẹ hãy bình tĩnh. Phần lớn các trường hợp này là bình thường và xảy ra ở nhiều mẹ bầu trong suốt thời gian mang thai. Mẹ hãy nhớ xem mình có thuộc trong hai trường hợp sau đây không nhé.
– Mẹ vừa quan hệ tình dục xong.
– Mẹ vừa đi khám sản phụ khoa và có tác động và nơi cửa mình.
Nếu không thuộc hai trường hợp trên, mẹ hãy tiếp tục theo dõi thêm những triệu chứng bất thường về sức khỏe và thai kỳ dưới đây:
– Lượng dịch hoặc máu tăng dần và càng ngày càng đặc hơn, thậm chí có lẫn những cục máu đông.
– Thời gian ra dịch kéo dài trên 1 tuần.
– Dịch có mùi hôi khó chịu, đi kèm cảm giác ngứa ngáy âm đạo.
– Mẹ cảm thấy đau rát khi đi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục.
– Đau bụng dữ dội.
– Sốt cao không rõ nguyên nhân.
– Buồn nôn, nôn, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi nhiều.
– Bị chuột rút thường xuyên.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bà bầu bị hoa mắt chóng mặt toát mồ hôi có nguy hiểm không?
Nếu hiện tượng ra dịch nâu khi mang thai, ra máu khi mang thai đi kèm với những tình trạng trên, mẹ không nên chủ quan mà hãy đi thăm khám ngay. Đây là những cảnh báo về các vấn đề bệnh lý trong thai kỳ.
Mẹ làm gì để hạn chế tình trạng ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần?
Ra dịch nâu khi mang thai 13 tuần nếu không phải là dấu hiệu của bệnh lý thì sẽ không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng này có thể đem đến cho mẹ sự bất tiện và lo lắng. Vậy mẹ có thể làm gì để hạn chế tình trạng ra dịch nâu khi mang thai 13 tuần?
1. Tránh va chạm hoặc tập thể dục quá sức
Mẹ bầu hoàn toàn có thể tập thể dục trong thời gian mang thai nhưng chỉ nên tập các bài tập phù hợp, dành riêng cho bà bầu. Vận động mạnh hoặc quan hệ tình dục quá mạnh bạo sẽ tác động đến cô bé, khiến cho âm đạo dễ chảy máu.
2. Tránh lao động nặng, tăng cường nghỉ ngơi
Mẹ bầu không nên mang vác các vật nặng, làm các việc đòi hỏi dùng sức lực, mà nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
3. Giữ vệ sinh vùng kín
Thời gian mang thai, dù có ốm nghén, mệt mỏi đến thế nào thì mẹ cũng nên chú ý việc giữ gìn vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng kín nhé. Vùng kín được vệ sinh sạch sẽ, luôn khô thoáng sẽ hạn chế vi khuẩn xâm nhập, ngăn ngừa bị viêm nhiễm, ra dịch nâu hoặc máu.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bà bầu bị tiểu đường nên ăn hoa quả gì thì tốt cho em bé?
4. Khám thai định kỳ
Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp mẹ phát hiện sớm và ngăn ngừa các vấn đề trong thời gian mang thai, bao gồm cả tình trạng ra dịch nâu, ra máu khi mang thai.
[inline_article id=161940]
Ra dịch màu nâu khi mang thai 13 tuần có nguy hiểm không? Đây là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên để biết chắc chắn câu trả lời, mẹ cần theo dõi thêm nhiều dấu hiệu khác nữa. Nếu chỉ ra một ít dịch, tự hết trong vòng 1, 2 ngày và mẹ không có bất kỳ triệu chứng nào bất thường thì mẹ yên tâm. Ngược lại, nếu tình trạng ngày càng nặng và kéo theo nhiều vấn đề nguy hiểm khác, mẹ hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay nhé.