Thai máy là từ chỉ các cử động của em bé khi ở trong bụng mẹ. Thông thường, từ giai đoạn giữa thai kỳ trở đi, mẹ đã có thể cảm nhận được thai máy và những cử động này sẽ ngày càng mạnh mẽ theo sự phát triển của thai.
Tuy nhiên, thời điểm cảm nhận được thai máy ở mỗi mẹ khác nhau. Có rất nhiều mẹ thấy được thai máy từ rất sớm ở thời điểm 15-16 tuần nhưng cũng có mẹ đến tuần thứ 17 vẫn chưa thấy thai máy.
Thai 17 tuần sao không thấy máy, thai 17 tuần máy như thế nào là những thắc mắc phổ biến ở mẹ bầu. MarryBaby sẽ giúp mẹ đi tìm câu trả lời nhé.
1. Thai nhi 17 tuần đã phát triển như thế nào?
- Thai nhi 17 tuần có kích thước to bằng bàn tay của người lớn, dài tầm 13cm và nặng khoảng 0,14kg.
- Nhịp tim của bé rơi vào khoảng 140 – 150 nhịp/phút.
- Đây là thời điểm thai nhi phát triển với tốc độ nhanh, bụng mẹ sẽ nhô ra rõ rệt.
- Bé bắt đầu hình thành các mô mỡ.
- Kỹ năng mút và nuốt đang dần được hoàn thiện.
- Đầu ngón tay, ngón chân sẽ bắt đầu xuất hiện dấu vân tay, vân chân.
- Khả năng nghe đang được cải thiện và phát triển không ngừng.
- Hệ thống xương và sụn trở nên cứng cáp hơn, khiến cho tỷ lệ giữa đầu và thân mình của bé được cân bằng hơn so với giai đoạn 3 tháng đầu.
- Dây rốn trở nên dày hơn, phát triển mạnh mẽ để cung cấp đủ lượng dưỡng chất và oxy cần thiết từ cơ thể mẹ sang cho thai nhi.
- Bé bắt đầu nuốt dịch ối, thận cũng đã hoạt động để sản xuất ra nước tiểu.
- Cơ thể bé bắt đầu mọc lông và tóc.
2. Thai 17 tuần máy như thế nào?
Nhiều mẹ thắc mắc liệu thai nhi 17 tuần tuổi đã máy chưa. Thực tế, khi em bé được 8 tuần tuổi, bé đã có sự cử động, tuy nhiên lúc này thai còn quá bé nên mẹ chỉ có thể thấy được nhịp tim đập thông qua màn hình siêu âm. Nhiều mẹ bầu sẽ cảm nhận được cử động thai máy từ 16 tuần tuổi trở đi. Các cử động này sẽ dần rõ hơn khi thai nhi bước vào tuần tuổi thứ 17 đến 20.
Thai 17 tuần máy như thế nào? Ở thời điểm này, em bé đã có thể làm những động tác như nấc, uốn cong người, đạp, mút tay, nháy mắt, nghịch dây rốn, dang rộng tay chân, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Tuy nhiên, cảm nhận của mỗi mẹ về cử động của thai nhi là khác nhau. Có mẹ sẽ cảm thấy như có chú cá đang quẫy đuôi trong bụng, có mẹ lại chỉ thấy nhẹ nhàng như bọt khí vỡ ra. Với những em bé tinh nghịch, hiếu động, mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn những cú đạp vào thành bụng, có thể khiến mẹ cảm thấy đau nhẹ.
[inline_article id=288309]
3. Thai 17 tuần sao không thấy máy?
Như vậy, mẹ đã biết được thai nhi 17 tuần đã máy chưa và thai 17 tuần máy như thế nào. Nếu mẹ rơi vào trường hợp thai 17 tuần chưa thấy máy thì mẹ cũng đừng nên quá lo lắng. Tùy theo sự phát triển của thai nhi, cơ địa và sức khỏe của mẹ, thời điểm thai máy sẽ đến sớm hơn hoặc muộn hơn so với mốc thời gian thông thường.
Các cử động của em bé sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất vào tuần thứ 20 nên mẹ hãy đợi đến thời gian này để biết chính xác tình trạng thai máy nhé. Từ tuần 20 trở đi cho đến cuối thai kỳ, hiện tượng thai máy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, mẹ cảm nhận được rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
>>> Bạn có thể tham khảo: Thai nhi không máy khi nghe nhạc hoặc nghe tiếng xe lửa
Ngoài ra, tình trạng thai 17 tuần sao không thấy máy có thể do ảnh hưởng của một vài lý do sau đây:
– Số lần mang thai của mẹ: Nếu mẹ mang thai lần đầu, thông thường mẹ sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như sự tinh ý để nhận ra cử động nhỏ của thai nhi. Những mẹ đã từng sinh con trước đó sẽ nhận ra hiện tượng thai máy sớm hơn so với những mẹ sinh lần đầu.
– Vị trí của em bé: Theo thống kê, thai nhi có vị trí của nhau thai bám vào mặt trước sẽ có xu hướng mẹ chậm cảm nhận được cử động hơn thai nhi có nhau thai bám vào mặt sau.
– Sức khỏe của mẹ bầu: Những mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, tăng cân vừa phải thường sẽ cảm nhận được thai máy tốt hơn. Nếu mẹ tăng cân quá nhiều, mỡ nơi thành bụng sẽ phần nào ngăn cản mẹ phát hiện ra cử động của em bé.
Ngược lại, nếu mẹ bầu có sức khỏe yếu, ăn uống thiếu chất thì em bé cũng phát triển chậm hơn bình thường, dẫn đến thời điểm thai máy xảy ra muộn hơn.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bao nhiêu tuần thì thai máy? Hướng dẫn theo dõi cử động thai cho mẹ bầu
4. Thai 17 tuần sao không thấy máy, khi nào là dấu hiệu đáng lo?
Như vậy, thai 17 tuần chưa thấy máy là tình trạng không hiếm gặp. Nếu rơi vào trường hợp này, mẹ không nên quá hoang mang mà hãy theo dõi thêm một vài tuần nữa. Trong thời gian đó, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường sau, mẹ hãy đến thăm khám bác sĩ ngay để tránh những rủi ro cho thai nhi nhé.
– Thai đã có dấu hiệu máy trước đó mà đột nhiên giảm hẳn thì có thể là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang gặp vấn đề nào đó.
– Thai 17 tuần sao không thấy máy, nếu đi kèm với các triệu chứng bất thường như nôn mửa, ra máu âm đạo, ngực không còn căng cứng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường ở nhau thai.
5. Thai 17 tuần sao không thấy máy, mẹ cần phải làm gì?
Như vậy, đối với những mẹ vẫn chưa cảm nhận được những cử động của thai nhi khi em bé được 17 tuần tuổi, mẹ hãy kiên nhẫn chờ thêm một vài tuần nữa nếu thai bình thường hoặc đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ có thể hướng dẫn cho mẹ thấy các cử động thai nhi dưới màn hình siêu âm đối chiếu với những cảm nhận trên bụng mẹ. Cần đi khám nếu quá thời gian này mà mẹ vẫn chưa thấy thai máy, hoặc thai 17 tuần chưa thấy máy đi kèm với những triệu chứng bất thường.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi trong thời gian này, mẹ cần chú ý các điểm sau:
– Chế độ dinh dưỡng: Nếu đang gặp các vấn đề bất thường về thai máy, mẹ nên tăng cường bồi bổ cơ thể. Chế độ ăn uống không đủ chất sẽ ảnh hưởng đến thể chất của mẹ và thai nhi. Mẹ có thể bổ sung chất đạm từ thịt, cá, sữa, ngũ cốc, các loại đậu, bổ sung sắt, vitamin, chất xơ từ rau củ quả và các loại thuốc bổ.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bé chỉ đạp bên trái trong bụng mẹ
– Bên cạnh đó, mẹ hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần thư giãn, tránh xa căng thẳng, stress. Mẹ tuyệt đối tránh xa các chất kích thích, bia rượu, thuốc lá nhé.
Thai 17 tuần sao không thấy máy khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ gỡ rối được phần nào những thắc mắc về vấn đề này. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và vui vẻ.
[inline_article id=241655]
Thu Sương