Lươn chứa nhiều dưỡng chất và là thực phẩm bổ dưỡng cho bà bầu. Thế nhưng, một số mẹ bầu chưa biết sơ chế lươn cũng như cách nấu cháo lươn cho bà bầu sao cho món cháo không tanh và dễ ăn. MarryBaby sẽ hướng dẫn cụ thể cho mẹ.
Cách chọn lươn ngon
Một trong những bí quyết trong cách nấu cháo lươn cho bà bầu thành công là bạn phải chọn được lươn đồng ngon. Lươn đồng tự nhiên có bụng màu vàng và lưng màu đen. Bạn nên chọn con có độ lớn vừa phải, vì những loại lươn bé thường ít thịt và công đoạn gỡ thịt cũng khó khăn hơn.
Ngược lại, những con lươn lớn và có phần bụng màu đen đa phần là lươn nuôi, thịt thường nhão và không ngon, nên bạn tránh chọn những loại này.
[inline_article id=259501]
Cách sơ chế lươn sạch, không nhớt
Rất nhiều mẹ thích ăn lươn nhưng ngại sơ chế. Với 4 cách mà MarryBaby gợi ý dưới đây, chắc chắn bạn sẽ không thấy làm sạch lươn là một trở ngại nữa.
Cách 1: Tuốt lươn bằng nước vo gạo
– Nước vo gạo bạn đổ vào một cái chậu nhỏ, sau đó cho lươn vào và tiến hành tuốt lươn.
– Sau khi lươn đã hết nhớt, bạn mổ bụng, bỏ hết ruột và mật lươn gây đắng ở gần đầu lươn. Cuối cùng rửa lại lươn với nước muối.
Cách 2: Bóp lươn với muối
– Bạn để nguyên con lương trong túi bóng sau khi mua về và cho muối hạt vào (khoảng một nắm to muối), sau đó lắc mạnh để muối chà xát vào mình lươn.
– Sau khi lắc khoảng 2 phút, bạn đổ lươn cùng muối ra chậu và dùng tay có đeo găng bóp mạnh cho lươn sạch nhớt.
– Xả sạch muối và nhớt, sau đó dùng nước cốt chanh rửa lại lươn một lần nữa. Tiếp theo, bạn rửa lại lươn bằng nước sạch và dùng khăn thấm khô.
– Cuối cùng, tiến hành mổ lươn và bỏ hết nội tạng bên trong.
Cách 3: Chà lươn với tro bếp
Một trong những cách làm lươn nhanh và sạch nhất mà ông bà ngày xưa hay dùng là chà lươn với tro bếp. Cách này thực hiện đơn giản. Bạn chỉ cần lấy một ít tro bếp, sau đó chà xát lên thân lươn, vuốt sạch nhớt và cuối cùng rửa lại với nước sạch.
Cách 4: Sử dụng nước ấm
Nhiều người không biết cách nấu cháo lươn cho bà bầu vì họ thấy khó khi sơ chế lươn. Thế nhưng, sử dụng nước ấm là phương pháp làm sạch lươn rất đơn giản.
Bạn đun một nồi nước ấm (khoảng 60-70 độ C), sau đó tắt bếp, cho lươn vào nồi và đậy chặt vung lại. Sau một lúc lươn quẫy mạnh sẽ hết sạch nhớt, bạn vớt chúng ra và rửa lại thật sạch.
Mẹo sơ chế lươn: Một số mẹ rất sợ phải sơ chế lươn vì con vật này không chỉ trơn, nhiều nhớt mà có hình thù giống con rắn. Mẹo nhỏ để các mẹ hết sợ đó là cho lươn vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 giờ, sau đó mang lươn ra sơ chế.
Cách lọc thịt lươn
Lọc thịt lươn nhìn chung khá đơn giản, theo 2 cách sau:
– Nếu như lươn đã chín, bạn chỉ cần dùng một đôi đũa hoặc dùng tay tuốt thịt lươn từ trên đỉnh đầu xuống dưới.
– Nếu là lươn sống, bạn dùng dao nhọn và sắc cắt từng bên phía đầu lươn rồi lạng thịt theo xương. Làm tương tự với phần còn lại sẽ lọc được hết thịt lươn.
Cách nấu cháo lươn cho bà bầu
Không phải ai cũng biết nấu cháo lươn thơm ngon và không tanh. Những cách nấu cháo lươn dưới đây sẽ giúp mẹ bầu có thể dễ dàng chế biến được món ăn ngon và bổ dưỡng cho mẹ và bé:
1. Cách nấu cháo lươn cho bà bầu kiểu truyền thống
Cháo lươn truyền thống là cách nấu cháo lươn cho bà bầu chỉ sử dụng các loại gạo cùng các gia vị như bình thường.
Nguyên liệu
– Lươn: 200 – 300g
– Gạo tẻ: 1/3 bát
– Gạo nếp: 1-2 nắm
– Nước dùng: nước hầm xương
– Hành khô: 3 củ
– Hành khô, nghệ, rau mùi: mỗi thứ một ít
– Gia vị: Mắm, mì chính (bột ngọt), bột canh, hạt tiêu
Cách nấu cháo lươn truyền thống
– Lươn sau khi đã làm sạch nhớt, bạn luộc chín lươn, gỡ lấy thịt cùng tiết lươn, để riêng phần đầu và xương lươn ra một bên.
– Phần thịt lươn bạn cho gia vị vào ướp cho ngấm.
– Cho phần xương và đầu lươn vào cối giã nát. Trộn với nước luộc lươn rồi tiến hành lọc lấy nước và phần thịt lươn còn sót lại.
– Gạo nếp, gạo tẻ vo sạch và cho vào nồi cùng nước hầm xương, nước lọc của xương lươn cùng gia vị, sau đó tiến hành ninh cháo.
– Khi cháo ninh gần nhuyễn, bạn dùng một dùng chảo, cho dầu ăn vào, phi thơm hành khô và xào lươn thật săn. Ở bước này, bạn nhớ cho nghệ đã giã nát hoặc tinh bột nghệ vào để lươn có màu đẹp mắt.
– Khi cháo chín, bạn cho lươn đã xào săn vào nồi và đun thêm 2-3 phút cho cháo ngấm. Nêm nếm gia vị lại một lần nữa và tắt bếp.
– Múc cháo lươn ra bát, thêm hành lá, rau mùi, hạt tiêu nếu thích và thưởng thức. Cháo lươn bạn nên ăn lúc nóng sẽ không bị tanh và ngon hơn.
>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu ăn cháo nhiều có tốt không?
2. Cách nấu cháo lươn đậu xanh cho bà bầu
Một trong cách nấu cháo lươn cho bà bầu mà nhiều người hay áp dụng đó là nấu với đậu xanh. Cách này đơn giản như sau:
Nguyên liệu
– Lươn: 300g
– Gạo tẻ: 100g
– Đậu xanh: 100g
– Nước dùng: nước hầm xương lợn hoặc nước luộc gà
– Tinh bột nghệ: 1 thìa
– Hành khô, rau mùi, hành lá
– Dầu ăn, muối, hạt tiêu, mì chính (bột ngọt), bột canh
Cách nấu cháo lươn đậu xanh
– Lươn sau khi đã sơ chế sạch nhớt, bạn cho vào nồi cùng một nhánh gừng nhỏ và luộc chín.
– Gỡ thịt lươn cho vào bát tô, phần xương lươn và đầu lươn cho vào cối giã nát sau đó lọc lấy nước để riêng.
– Gạo tẻ, đậu xanh vo sạch, cho vào nồi ninh nhừ cùng nước dùng và nước lọc xương lươn.
– Khi gạo và đậu xanh đã nhuyễn, bạn tiến hành xào thịt lươn để cho vào cháo. Đun sôi dầu ăn, cho hành khô vào phi thơm và cho thịt lươn đã ướp gia vị vào đảo nhẹ cho thịt săn.
– Cho thịt lươn đã xào săn vào cháo đậu xanh và đun tiếp trong vòng 3 phút (vừa đun vừa đảo nhẹ tay để cháo không dính đáy nồi).
– Nêm nếm lại cho món cháo lươn đậu xanh vừa miệng, sau đó tắt bếp và múc cháo ra bát.
– Thêm rau mùi, hành lá cùng một ít tiêu xay vào và thưởng thức.
[inline_article id=162175]
Lưu ý khi ăn cháo lươn
Mẹ đã biết cách nấu cháo lươn cho bà bầu thơm ngon, bổ dưỡng. Song theo các chuyên gia sức khỏe, ăn lươn có nguy cơ nhiễm bệnh vì chúng sinh sống trong môi trường đầm lầy nên có thể bị nhiễm ký sinh trùng hoặc chất độc. Vậy nên, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe:
– Không được ăn lươn chết: Trong lươn có chứa axit amin histidine, sau khi lươn chết sẽ chuyển hóa thành một loại axit độc hại, có thể làm cho người ăn bị nhiễm độc. Bà bầu và trẻ nhỏ là những người có sức đề kháng yếu, vậy nên tuyệt đối không ăn lươn đã bị ươn hoặc chết.
– Lươn phải được nấu thật chín: Như đã nói, lươn sống trong đầm lầy có thể nhiễm ký sinh trùng. Thế nên khi nấu cháo lươn cho bà bầu, bạn hãy xào thật kỹ lươn để làm chết các ấu trùng bên trong, tuyệt đối không ăn lươn khi còn tái.
– Không ăn những đồ ăn có tính hàn sau khi ăn cháo lươn: Lươn là thực phẩm có tính hàn, vậy nên, sau khi ăn cháo lươn, để tránh tình trạng lạnh bụng hoặc đau bụng, mẹ bầu không nên ăn các loại đồ ăn thức uống cũng có tính hàn như chuối tiêu, dưa hấu, tôm, cua…
– Không nên ăn nhiều lươn vào ban đêm: Cháo lươn mẹ bầu nên ăn vào buổi sáng để cơ thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng. Ăn cháo vào ban đêm có thể dẫn tới nhanh đói, khó ngủ.
– Ăn cháo lươn đúng cách: Cháo lươn nên ăn lúc nóng và tuyệt đối không thêm rau răm, bởi rau răm không tốt cho mẹ và bé.
[inline_article id=259992]
Trên đây là 2 cách nấu cháo lươn cho bà bầu thơm ngon, bổ dưỡng cùng những lưu ý khi mẹ bầu ăn lươn. Mỗi tuần mẹ bầu nên ăn cháo lươn 2 – 3 tuần để bổ sung dưỡng chất nhé. Chúc mẹ bầu luôn ngon miệng!
Hoa Hà