Mọc mụn khi mang thai là tình trạng không hiếm gặp. Thực tế có rất nhiều người xuất hiện các nốt mụn bất thường trong quá trình mang bầu. Đây là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý nên mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan. Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp của tình trạng này là gì? MarryBaby sẽ giải đáp.
Mọc mụn khi mang thai là do đâu?
Cơ thể người phụ nữ khi mang thai sẽ có rất nhiều thay đổi và tình trạng nổi mụn là không hiếm gặp. Thực tế có đến hơn nửa chị em bị mọc mụn khi mang thai. Tùy thuộc vào từng loại mụn mà nguyên nhân xuất hiện có thể khác nhau như:
♦ Mụn trứng cá
Đây là tình trạng nhiều người gặp phải nhất khi mang thai. Nguyên nhân chính dẫn là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, khiến da tiết ra nhiều dầu, chất nhờn, làm cho lỗ chân lông bị bít tắc và gây nên mụn. Lúc này bà bầu mọc mụn ở mặt là chủ yếu, ngoài ra có thể xuất hiện mụn nhọt ở nách, ở lưng, ngực.
Những người trước đó đã từng bị mụn, khi mang thai sẽ bị nhiều hơn.
Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ. 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ ít bị hơn.
♦ Bà bầu mọc mụn nước khi mang thai
Mụn nước là tình trạng các nốt mụn bên trong có chứa nước hoặc mủ. Mụn có thể gây ngứa hoặc không tùy thuộc vào tác nhân gây nên. Các nguyên nhân thường gặp có thể là do bị dị ứng sữa tắm, dầu gội, xà bông hoặc do côn trùng cắn, bò vào quần áo.
♦ Mọc mụn vùng kín khi mang thai
Mọc mụn vùng kín khi mang thai cũng là tình trạng nhiều mẹ gặp phải. Mụn vùng kín có thể là do mẹ bầu không vệ sinh sạch sẽ chỗ nhạy cảm dẫn đến viêm nhiễm và xuất hiện các nốt mụn.
Ngoài mặc quần bó sát, khiến cho vùng kín nóng bức, ẩm ướt, bà bầu bị mọc mụn ở vùng kín còn có thể là mắc các bệnh xã hội. Mụn có thể do herpes sinh dục gây ra. Bệnh xã hội này xảy ra khi bạn có quan hệ tình dục không an toàn trong thời kỳ mang thai với người mắc bệnh hoặc tiếp xúc, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh…
Herpes sinh dục khiến người bệnh nổi mụn nước tại nhiều vị trí khác nhau, gây ngứa ngáy, đau rát vô cùng khó chịu, nhất là khi chúng vỡ.
Ngoài herpes sinh dục còn có thể là do bệnh sùi mào gà. Nếu là sùi mào gà, các nốt mụn nhỏ li ti ban đầu có màu hồng nhạt, mọc lẻ tẻ, sau đó chúng sẽ liên kết lại thành từng mảng. Hình dáng lúc này trông giống như bông súp lơ hoặc mào gà.
Mọc mụn khi mang thai có nguy hiểm không?
Mọc mụn khi mang bầu có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Nếu là mụn trứng cá thông thường thì mẹ bầu không cần quá lo lắng.
Mọc mụn ở lông mày, ở mặt hay lưng, ngực sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ bầu. Tuy nhiên, bạn có thể mất tự tin nên hãy đến bác sĩ da liễu để hạn chế tình trạng này.
Nếu là mọc mụn viêm hoặc mụn ở vùng kín do bệnh xã hội thì không nên chủ quan. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
Những bệnh lý này có thể lây sang trẻ trong quá trình sinh và khiến trẻ mắc bệnh, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, dị tật.
[inline_article id=272048]
Nên làm gì khi bị mọc mụn khi mang thai?
– Quan sát tình trạng các nốt mụn có các dấu hiệu bất thường đi kèm hay không, chẳng hạn như ngứa, rát, đau đớn hay khó chịu.
– Vệ sinh sạch sẽ vùng nổi mụn, nhất là mụn ở vùng kín.
– Không nên quan hệ tình dục khi bạn xuất hiện các nốt mụn bất thường ở vùng kín.
– Không tự ý nặn mụn, không gãi, cào, khiến cho các nốt mụn vỡ, loét.
– Không tự ý điều trị khi chưa rõ nguyên nhân gây mụn bởi điều trị sai có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
– Nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Sau đó tiến hành điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Gợi ý cách chữa mọc mụn khi mang thai
Điều trị mọc mụn khi mang thai như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Dưới đây là một số gợi ý cách chữa mọc mụn khi mới mang thai mà chị em có thể tham khảo.
♦ Điều trị mụn viêm
Đối với các nốt mụn do kích ứng hoặc viêm nhiễm nhẹ, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng viêm dạng bôi để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
♦ Điều trị mụn trứng cá
Đối với mụn trứng cá nhẹ, bác sĩ da liễu sẽ hướng dẫn bạn xử lý. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số cách điều trị mụn trứng cá nhẹ bằng phương pháp thiên nhiên như:
– Dùng một vài giọt dầu dừa xoa lên vùng da bị mụn khoảng 1 – 2 phút rồi để qua đêm.
– Dùng giấm táo trộn với nước theo tỷ lệ 1:3 và ngâm khăn sạch vào hỗn hợp này rồi đặt áp lên vùng da bị mụn mỗi ngày 1 lần.
– Dùng baking soda hòa với nước rồi bôi lên vùng da bị mụn. Khi khô thì rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện cách này 2 – 4 lần/tuần.
– Rửa mặt bằng nước ấm, sau đó dùng mật ong thoa lên vùng da bị mụn. Bạn đợi khoảng 20 – 30 phút rồi rửa mặt bằng nước sạch. Thực hiện 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối.
Nếu mụn ở cấp độ trung bình có thể được chỉ định sử dụng một số loại kháng sinh. Còn mụn trứng cá nặng, bác sĩ sẽ tiến hành nặn và điều trị chuyên sâu nhằm tránh để lại sẹo về sau.
[inline_article id=278175]
♦ Chữa mọc mụn ở vùng kín khi mang thai
Với các bệnh xã hội, bạn cần thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều trị bởi có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Một số phương pháp thường được sử dụng để điều trị sùi mào gà mà bạn có thể tham khảo như:
– Điều trị bằng ni tơ lỏng để đóng băng nốt sùi
– Thực hiện phẫu thuật loại bỏ các nốt mụn
– Điều trị bằng laser để tiêu diệt virus và đốt cháy các nốt mụn cóc
Cách phòng tránh mọc mụn khi mang thai
♦ Chăm sóc da đúng cách
Bạn hãy giữ cho da sạch sẽ, thông thoáng. Nên dùng nước cân bằng cùng với các loại sữa rửa mặt và giấy thấm dầu để da được khô thoáng. Hãy đắp mặt nạ 2 lần/tuần bằng các sản phẩm tự nhiên. Đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài.
♦ Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh viêm nhiễm. Nên mặc quần lót làm từ các chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
Cần thay giặt quần lót thường xuyên để đảm bảo vệ sinh vùng kín. Tuyệt đối không mặc đồ lót bị ẩm mốc và thay mới 6 tháng/lần để đảm bảo không bị mọc mụn khi mang thai.
♦ Quan hệ tình dục an toàn
Để tránh lây nhiễm bệnh gây mụn vùng kín, bạn hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su.
Đồng thời vệ sinh sạch sẽ sau khi quan hệ để không bị tình trạng mụn nhọt, viêm nhiễm.
♦ Có chế độ sinh hoạt khoa học
Bạn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể và tránh dùng đồ uống có ga, có cồn hay caffeine. Bổ sung trái cây tươi và rau củ, tránh đường tinh chế, các thực phẩm chế biến sẵn. Nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên vệ sinh gối và khăn tắm…
Trên đây là những thông tin cơ bản về hiện tượng mọc mụn khi mang thai mà mẹ bầu có thể tham khảo. Hy vọng những thông tin mà MarryBaby vừa chia sẻ sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông!
[inline_article id=233469]
Dương Trang