Bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu là tình trạng một số mẹ bầu gặp phải. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gián tiếp tác động đến thai nhi. Mẹ bầu cần chú ý can thiệp đúng cách để tránh gặp các vấn đề không mong muốn.
Bệnh viêm xoang khi mang thai
Do thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ thường có những biến đổi nội tiết cũng như suy giảm về hệ miễn dịch do phải nuôi dưỡng thai nhi. Điều này tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.
Dưới tác động tấn công của vi khuẩn, virus hay các tác nhân gây dị ứng, các niêm mạc xoang bị tổn thương, từ đó làm tăng dịch nhầy tiết ra, ứ đọng và gây khó thở.
Viêm xoang là tình trạng mà lớp niêm mạc ở các xoang do một nguyên nhân nào đó có thể là nhiễm virus, nấm, vi khuẩn hay do tác nhân dị ứng gây ra tình trạng viêm, sưng, tăng tiết dịch dẫn đến cản trở dòng chảy của chất nhầy ra khỏi các xoang gây ứ đọng các chất này.
Tình trạng ứ đọng này sẽ dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi, đau tại các vị trí xoang hay lân cận. Nếu bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu thì có thể nặng hơn do cơ thể đáp ứng miễn dịch kém hơn.
Ngoài ra, trong quá khi mang thai, việc sử dụng thuốc điều trị rất hạn chế để an toàn cho thai nhi. Viêm xoang chia thành viêm xoang cấp, bán cấp và mạn tính:
- Viêm xoang cấp tính: Biểu hiện tình trạng viêm xoang kéo dài dưới 4 tuần. Tình trạng viêm cấp tính làm các xoang bị ứ đọng dịch nhiều dẫn đến các triệu chứng thường biểu hiện rõ ràng.
- Nếu bệnh kéo dài từ 4-12 tuần gọi là viêm xoang bán cấp.
- Viêm xoang mạn tính phát triển khi các triệu chứng của bệnh viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần và tiếp tục trong vài tháng.
Nguyên nhân và triệu chứng bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu
Mẹ bầu bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu có thể do các nguyên nhân và có các triệu chứng như sau:
1. Nguyên nhân gây viêm xoang khi mang thai
- Hệ miễn dịch suy yếu khi mang thai và làm tăng nguy cơ bị viêm xoang do nhiễm vi khuẩn, nấm và virus
- Trong quá trình mang thai, hormone progesterone và estrogen tăng, có thể khiến tình trạng viêm xoang trở nên nghiêm trọng hơn, do tăng hiện tượng tắc nghẽn và chảy dịch mũi sau.
- Mắc bệnh cảm cúm khi mang thai.
- Viêm mũi dị ứng, khi cơ thể bị dị ứng với tác nhân nào đó có làm gây ra phản ứng viêm ở niêm mạc mũi xoang cũng gây nên tình trạng viêm mũi xoang.
- Chấn thương vùng mũi xoang.
[inline_article id=84838]
2. Triệu chứng khi mẹ bầu bị viêm xoang
Bà bầu bị viêm xoang có thể có các triệu chứng điển hình sau:
- Chảy nước mũi, ngạt mũi
- Đau đầu, đau nhức xoang mũi
- Khứu giác bị giảm
- Ho, sốt
- Dịch ở khe mũi, có thể có màu xanh
Mẹ bầu bị viêm xoang có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Theo các chuyên gia sức khỏe thì viêm xoang do nhiễm trùng hoặc những bệnh lý về đường hô hấp sẽ không ảnh hưởng tới em bé. Lý do là bé được bảo vệ bởi nhau thai và nhau thai có khả năng sàng lọc hầu hết các độc tố gây bệnh tật.
Thế nhưng, bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu thì những tác động gián tiếp của viêm xoang lại có tác động không nhỏ tới quá trình thai nghén của mẹ bầu.
- Viêm xoang sẽ khiến cho thai phụ phải chịu tình trạng ho, hắt hơi liên tục, tần suất của các cơn ho tăng lên sẽ kích thích các cơn gò ở tử cung. Nếu tình trạng kích thích tăng dần có thể có khả năng sinh non không mong muốn.
- Đau đầu, mệt mỏi dẫn tới tình trạng sức khỏe của mẹ bị giảm sút, suy sụp, tác động không nhỏ tới tâm lý của mẹ bầu.
- Viêm xoang cũng sẽ gây ra cho mẹ bầu sự chóng mặt, hoa mắt… rất dễ khiến cho mẹ bầu bị té ngã.
Nhìn chung, khi mẹ bầu bị viêm xoang thì chính bản thân và người nhà cần phải lưu ý kiểm soát tình trạng bệnh.
Làm gì khi mang thai bị viêm xoang?
Điều trị viêm xoang khi mang thai có thể kết hợp dùng thuốc chữa triệu chứng, thuốc chữa nguyên nhân và các biện pháp chăm sóc kết hợp giúp giảm các triệu chứng. Các thuốc này phải do bác sĩ kê, mẹ bầu không được tự ý mua nhé.
1. Thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ mang thai
Tùy vào nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ cho sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân. Nếu do vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh, lựa chọn nhóm kháng sinh điều trị diệt vi khuẩn và an toàn cho thai nhi. Nếu do virus thì điều trị chủ yếu là nâng cao thể trạng và điều trị triệu chứng.
– Điều trị triệu chứng: Nếu đau đầu, đau họng nhiều có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol.
– gạt mũi nhiều: Dùng các thuốc giảm viêm, giảm tiết dịch.
– Dùng các thuốc kháng histamin trong trường hợp viêm do dị ứng hay để làm giảm viêm, giảm tiết dịch.
2. Các biện pháp không dùng thuốc
– Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thường xuyên rửa mũi có thể làm giảm các kháng nguyên bề mặt niêm mạc mũi xoang, giảm phản ứng dị ứng.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng vào ban đêm để giữ ẩm cho mũi và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh trong khi đang ngủ.
– Ngủ kê gối cao hơn giúp giảm khó thở và ngăn chặn chất nhầy tích tụ trong các xoang vào ban đêm.
– Xông mũi bằng hơi nước ngày 2 lần để giúp làm loãng dịch nhầy, giúp chất nhầy dễ được đào thải khỏi xoang, tránh tích tụ.
– Súc miệng bằng nước muối ấm giúp làm sạch vùng miệng họng và làm giảm đau họng.
– Chế độ ăn uống: Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, uống nhiều nước, có thể uống các loại nước ép trái cây từ họ cam quýt chứa nhiều vitamin C, giúp nâng cao sức đề kháng.
– Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
– Bị viêm xoang thường dẫn tới đau đầu, khó chịu, bạn có thể giảm đau đầu bằng các biện pháp không dùng thuốc như: chườm ấm lên vai, cổ hoặc trán, xoa nhẹ vùng trán và tắm nước ấm.
Ngăn ngừa viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu
Viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu mặc dù không quá nguy hiểm nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thai kỳ. Để có được một thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ cần chủ động trong việc ngăn ngừa bệnh lý này.
Dưới đây là một số khuyến nghị từ bác sĩ chuyên khoa:
- Hạn chế đến những khu vực nhiều khói bụi.
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cảm lạnh.
- Dọn dẹp khu vực sinh hoạt của gia đình thật sạch sẽ, hút bụi định kỳ.
- Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách ăn trái cây tươi, rau củ, sữa chua.
- Kẽm cần thiết để bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh và giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Bạn có thể ưu tiên những thực phẩm chứa kẽm, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám, đậu lăng, đậu xanh, trứng, hạt điều, khoai tây nướng, cá và thịt.
Mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng nếu bị viêm xoang khi mang thai 3 tháng đầu. Bởi khoảng thời gian đầu thai kỳ thường rất nhạy cảm. Chỉ một sơ suất nhỏ trong việc chăm sóc và điều trị bệnh cũng sẽ khiến sức khỏe của cả mẹ và bé bị ảnh hưởng. Nếu còn thắc mắc bất cứ vấn đề nào khi bị viêm xoang, mẹ bầu hãy đi khám ngay để được giải đáp.
Tâm Anh