Rất nhiều mẹ gặp khó khăn trong việc điều trị và chăm sóc cho bé khi bị ốm. Nguy hiểm hơn là khi mẹ áp dụng các phương pháp mà chưa đảm bảo về tính an toàn và hiệu quả cho con. Một trong số đó là cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không. MarryBaby sẽ giúp mẹ giải quyết thắc mắc tại sao không nên áp dụng phương pháp này nhé.
Công dụng của lá trầu không trong Đông y
Lá trầu không từ lâu đã được biết đến vì các đặc tính chữa bệnh của nó. Lá trầu có chứa tinh dầu và các thành phần hóa học có những vai trò như sau:
- Có đặc tính giải độc, chống oxy hóa và chống lại bệnh.
- Khả năng sát trùng và làm thơm hơi thở.
- Chống tiểu đường, tim mạch, chống viêm/điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan, chống nhiễm trùng.
- Chống viêm, chống ung thư và điều hòa miễn dịch.
Tuy lá trầu không có nhiều công dụng như vậy, nhưng việc sử dụng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh cần phải hết sức cẩn thận. Mẹ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này, đặc biệt là cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không.
Những quan niệm dân gian về việc dùng lá trầu không đối với trẻ sơ sinh
1. Đắp lá trầu hạ sốt
Cách làm rất đơn giản, đó là hơ nóng lá trầu rồi đắp lên ngực và lưng của bé. Nhiều người cho rằng cách này còn có thể giúp trẻ nôn hết đờm, nhớt trong họng ra ngoài một cách dễ dàng.
2. Giã lá trầu nhét vào hậu môn cho bé chống táo bón
Đối với trường hợp táo bón của trẻ, kinh nghiệm dân gian cho rằng việc giã lá trầu không (được ngâm trong dung dịch thầu dầu hay mật ong) và đút hậu môn của bé sẽ kích thích trực tràng co bóp, hết táo bón.
3. Giã lá lấy nước uống hạ sốt
Những đặc tính của lá trầu không được tận dụng bằng cách ép hoặc giã lấy nước uống. Nhiều mẹ tin rằng cách này phù hợp với cả trẻ sơ sinh.
Góc nhìn khoa học, y khoa đối với các quan niệm này
Mẹ lưu ý rằng các phương pháp này vẫn chưa được các chuyên gia hoặc tổ chức y tế xác minh. Ngay cả các ghi chép cổ của Đông y cũng không có tài liệu về bài thuốc trị ho, cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không. Đây là những phương pháp không an toàn, thậm chí còn gây nguy hiểm cho trẻ.
Cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không đối với trẻ sơ sinh có nguy cơ gì?
Đã có trường hợp trẻ bỏng nặng do sử dụng phương pháp hơ nóng lá trầu không. Không chỉ gây đau đớn, nó được hơ nóng còn để lại vết sẹo lớn trên da của bé. Đặc biệt đối với trẻ dưới 1 tuổi, da bé còn rất non nớt nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bài thuốc nào có tính nóng.
Cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không kết hợp với mật ong trị ho không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Bởi một số hoạt chất bất lợi trong mật ong có khả năng tác động đến sức khỏe của bé.
Việc uống nước lá trầu lại càng nguy hiểm vì nó có thể sẽ gây ngộ độc cho trẻ, đặc biệt đối với các bé ở giai đoạn sơ sinh.
Cách hạ sốt đúng cho trẻ theo y học
- Chườm nước ấm lên các vị trí có mạch máu lớn như nách, cổ, bẹn. Theo đó, nhiệt độ cao trong máu sẽ truyền ra ngoài và giúp trẻ hạ sốt.
- Cho con uống thuốc hạ sốt an toàn, hoạt chất được khuyến cáo là paracetamol.
- Cho con mặc quần áo mỏng, nhẹ. Quần áo thừa sẽ giữ nhiệt cơ thể và khiến nhiệt độ tăng lên.
- Cho trẻ bú mẹ nhiều nhất có thể. Sữa mẹ sẽ giúp trẻ bù đắp dinh dưỡng, lượng nước mất đi và tăng đáng kể sức đề kháng.
- Khuyến cáo mẹ không dùng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi.
>>> Mẹ có thể tham khảo: Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ sốt cần đi cấp cứu ngay
Hạ sốt cho trẻ sơ sinh bằng lá trầu không thực sự không có hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, mẹ cần gọi cho bác sĩ ngay nếu con bị sốt đi kèm các dấu hiệu sau:
- Bé từ 2 tháng tuổi trở xuống
- Con đã bị sốt hơn ba ngày
- Con sốt cao trên 39 độ C
- Con có các triệu chứng khác bao gồm:
>>> Mẹ sẽ cần đọc thêm: Con bị sốt, khi nào đáng lo?
Hi vọng với những chia sẻ trên đây, mẹ đã có những kiến thức về ảnh hưởng của cách hạ sốt cho trẻ bằng lá trầu không đối với bé. Hiểu rõ các nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng các biện pháp chưa được kiểm chứng, mẹ có thể bảo vệ sức khỏe con yêu một cách an toàn.