Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Tháng thứ 26 của bé: Những câu hỏi bất tận

Những câu hỏi và thắc mắc của trẻ 2 tuổi dường như chẳng bao giờ cạn, thậm chí có lúc khiến bạn đau đầu. Tuy vậy, bạn nên kiên nhẫn và giải đáp nhanh gọn cho bé để bé yêu có thể vừa khám phá thế giới, vừa phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Bé 2 tuổi tuổi và những thắc mắc bất tận

Bé 2 tuổi của bạn là một tài năng hùng biện vừa chớm nở, mặc dù bạn là người quản trò trong hầu hết cuộc nói chuyện này. Bé bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, đây là cơ hội giúp bé phát triển 2 kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình lớn lên: đó là cách để khám phá mọi thứ xung quanh, và cách để cuộc trò chuyện được tiếp tục. Bạn nên tạo điều kiện cho bé gắn kết với bạn lâu hơn và bắt nhịp nhiều hơn những từ ngữ của bé.

Ban đầu những câu hỏi yêu thích của bé sẽ là: “Tại sao?”, “Đó là gì vậy ba mẹ?” và đa phần là “Gì vậy?”, hoặc đơn giản hơn là những từ ngọng nghịu không rõ nghĩa. Khi kỹ năng ngôn ngữ của bé phát triển cũng là lúc nhiều câu hỏi trí tuệ hơn xuất hiện, chẳng hạn như: “Điều gì làm nên âm thanh?”, “Sao xe lại chỉ đi trên đường?”, “Tại sao những con chim không rớt xuống?”…

Mẹ nên trả lời những thắc mắc của bé càng nhanh càng tốt, đơn giản và trọn câu, chẳng hạn như: “Những chú chim có cánh để giúp chúng bay cao trên bầu trời”. Bạn nên biết rằng trả lời câu hỏi của bé cũng là cách để động viên bé hăng hái đặt những câu hỏi khác trong tương lai và qua những lời giải đáp của bạn sẽ giúp bé học hỏi rất nhiều, chẳng hạn như cách kết hợp câu văn như thế nào cho trôi chảy. Đừng sợ phải nói câu: “Mẹ không biết”, bạn nên tham khảo và đọc những cuốn sách hay về các chủ đề mà bạn muốn chia sẻ cùng con.

Con bạn thích trả lời câu hỏi cũng nhiều như cách bé đặt câu hỏi. Vì vậy, khi bạn đọc sách, hãy hỏi bé về những bức tranh hay câu chuyện trong đó, như là: “Con có thấy con cún màu nâu trong bức tranh ở đâu không?”, “Con nghĩ cún nâu thích ăn món gì nào?”, “Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong câu chuyện này đây?”…

Bé 2 tuổi và những câu hỏi bất tận
Các bé 2 tuổi nổi tiếng với những tràng dài câu hỏi không bao giờ kết thúc

Cuộc sống của mẹ: Nên cho bé thời gian tự xoay xở
Bé 2 tuổi không phải lúc nào cũng hoạt động cùng một khung giờ như người lớn. Bé dễ dàng xao lãng khi ngồi vào bàn ăn, hay nằng nặc đòi tự mình mang tất bất kể phải tốn bao nhiêu thời gian đi nữa. Ngay cả đối với những bậc phụ huynh mang tiếng kiên nhẫn nhất cũng có thể cảm thấy quá sức chịu đựng, đặc biệt là khi họ phải chạy đua với thời gian vì trễ giờ.

Thay vì dỗ dành bé 2 tuổi của bạn phải làm nhanh lên, tại sao bạn không dành thêm vài phút và để bé tự do làm mọi thứ theo cách riêng của bé. Một cách khác để bạn lấy lại bình tĩnh là hít thở thật sâu và chậm rãi hoặc đếm đến mười để cố gắng làm bạn lắng dịu xuống.

Tất nhiên nếu bạn thực sự đang vội, bạn chỉ còn cách là nhảy vào cuộc và mang bé theo cùng, bạn có thể cho bé làm những việc bé thích vào những ngày ít bận rộn hơn.