Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Mách mẹ: Cách kiểm soát ù tai khi mang thai hiệu quả bất ngờ!

Mang thai là một cuộc hành trình kỳ diệu với vô vàn những cung bậc cảm xúc. Thế nhưng, một trong những triệu chứng có thể khiến bạn lo lắng chính là ù tai khi mang thai. Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu thêm về tình trạng này nhé.

Ù tai khi mang thai là triệu chứng thai kỳ khá phổ biến. Mặc dù không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé nhưng nó lại khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu.

Ù tai khi mang thai là gì? có phổ biến không?

Ù tai là tình trạng xuất hiện tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai, bạn có thể nghe thấy tiếng kêu đơn âm hoặc những âm phức như tiếng sóng biển, tiếng dế kêu, tiếng quạt máy chạy…

Tình trạng này có thể là tạm thời, kéo dài dai dẳng hoặc mãn tính. Tuy không gây nguy hiểm nhưng ù tai khi mang thai có thể làm cho bạn khó chịu cực độ.

Ù tai có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người từ 50 tuổi trở lên. Phụ nữ mang thai bị ù tai trong thai kỳ là điều khá bình thường, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể kéo dài cho đến khi thai kỳ kết thúc.

Nhìn chung, hiện tượng này không gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Tuy nhiên, có những nguyên nhân gây ù tai do bệnh lý mà mẹ bầu cần phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

Ù tai khi mang thai
Ù tai khi mang thai gặp khá nhiều ở các mẹ bầu

Nguyên nhân nào khiến bà bầu bị ù tai?

Ù tai có thể đi kèm với triệu chứng mệt mỏi, có tiếng động lạ trong tai với mức độ ngày càng nhiều. Hiện tượng này thường hay xuất hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Nguyên nhân chủ yếu làm cho bà bầu bị ù thai khi mang thai là do thiếu máu, khiến lượng oxy vận chuyển lên não không đủ.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác gây ù tai như:

  • Bà bầu bị viêm nhiễm vùng tai mũi họng như khiến mũi bị tắc nghẹt
  • Bà bầu bị căng thẳng, có tâm trạng không ổn định, hay lo lắng, suy nghĩ… dẫn đến mất ngủ, suy nhược cơ thể
  • Bà bầu mắc các bệnh về tai như viêm tai giữa, viêm màng nhĩ tai…
  • Bà bầu bị tăng huyết áp thai kỳ
  • Do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ
  • Do bị chấn thương cổ, tai hoặc chấn thương vùng đầu
  • Do tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài
  • Sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê quá nhiều.
  • Trong một số trường hợp, ù tai phát triển do các vấn đề răng miệng, đặc biệt là vấn đề khớp cắn. Một số triệu chứng phổ biến nhất của vấn đề khớp cắn là cứng hàm, đau âm ỉ ở hàm và đau đầu. Và, đôi khi, tất cả các triệu chứng này đều đi kèm với ù tai.

Ngoài ra, những bà bầu từng bị ù tai ở lần mang thai trước cũng có nguy cao bị ù tai ở những lần mang thai tiếp theo.

Ù tai khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng ù tai của mẹ bầu

Điều trị chứng ù tai khi mang thai

Ù tai khi mang thai hầu hết là do một trong những nguyên nhân kể trên. Do đó, nếu nguyên nhân là do bệnh lý thì điều trị các căn bệnh này sẽ giảm chứng ù tai.

Nếu bị ù tai là do tích tụ ráy tai, các vấn đề về khớp cắn răng và chấn thương cổ, bạn có thể tìm cách điều trị ngay lập tức và kiểm tra xem tình trạng có cải thiện hay không.

Bí quyết giúp bà bầu tránh ù thai khi mang thai

Để kiểm soát chứng ù tai khi mang thai, bà bầu có thể thử một số bí quyết sau:

1. Tập yoga, thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên là lời khuyên bạn được nghe nhiều nhất khi muốn có một thai kỳ khỏe mạnh. Thực tế, điều này hoàn toàn đúng bởi các bài tập yoga, tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp tăng cường thể lực, giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu mà còn giúp giảm nguy cơ gặp phải các triệu chứng khó chịu thường gặp trong thai kỳ, trong đó có chứng ù tai.

2. Tránh căng thẳng

Mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng là những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy căng thẳng trong thai kỳ. Ngoài việc gây ra nhiều triệu chứng thai kỳ, tình trạng căng thẳng cũng có thể khiến bà bầu bị ù tai.

Do đó, để tránh gặp phải triệu chứng này, bà bầu tìm cách giảm căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ trong suốt thời gian mang thai.

3. Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn

Những tiếng động lớn có thể làm triệu chứng ù tai trở nên nghiêm trọng và khiến bạn vô cùng khó chịu. Chính vì vậy, bạn hãy cố gắng tránh tiếp xúc hoặc đi đến những nơi có tiếng ồn lớn trong thời gian này.

Ù tai khi mang thai
Tập yoga giúp mẹ giảm ù tai

4. Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Việc duy trì một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, lành mạnh và cân bằng trong thai kỳ không chỉ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng mà còn giúp giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng thường gặp trong thai kỳ như ù tai.

Bên cạnh đó, bạn cũng tránh ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều muối bởi điều này có thể gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bị ù tai.

5. Nghe nhạc hoặc sử dụng tiếng ồn trắng

Tiếng ồn trắng là những âm thanh có thể che lấp những âm thanh khác thường được phát ra từ môi trường xung quanh như tiếng mưa, tiếng sóng vỗ, tiếng máy sấy tóc, tiếng suối chảy xuôi dòng, tiếng tivi nhiễu sóng…

Những âm thanh này có thể “che bớt” tiếng ồn xung quanh giúp bạn thư giãn và đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bật những bài hát, những bản nhạc yêu thích để tránh bị làm phiền bởi những tiếng ồn xung quanh.

6. Bổ sung kẽm

Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung kẽm, có thể giúp giảm tác động của chứng ù tai.

Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra với bác sĩ phụ khoa và bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào cho chứng ù tai.

Khi nào chứng ù tai khi mang thai mới biến mất?

Ù tai khi mang thai chỉ là một triệu chứng tạm thời và nó sẽ tự biến mất sau khi bạn sinh em bé. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu bạn thấy chứng ù tai khi mang thai không thuyên giảm hoặc gây khó chịu quá mức, bạn nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách can thiệp kịp thời. Bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm tra tai mũi họng toàn diện để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Xem thêm:

By Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo

Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo đã có 3 năm kinh nghiệm trong việc biên tập nội dung các bài viết liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: Giải trí, Sức khỏe, Làm đẹp,... 

Với vị trí tác giả phụ trách nội dung cho các chủ đề về mẹ và bé cho website MarryBaby, Nguyệt Thảo mong muốn có thể góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích đến cho bạn đọc.