Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Mẹ bầu bị hồ huyết bánh nhau là gì? Có nguy hiểm không?

Hồ huyết bánh nhau là tình trạng trên bề mặt hoặc bên trong nhau thai xuất hiện các điểm tụ máu và hiện tượng này không có cách để ngăn ngừa.

Hồ huyết bánh nhau là thuật ngữ để nói đến sự xuất hiện các điểm tụ máu trên bề mặt hoặc bên trong nhau thai. Theo như nhiều nghiên cứu khoa học thì hiện tượng này không nghiêm trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé nhưng việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn yên tâm phần nào với kết quả siêu âm này.

Để hiểu rõ hơn về những dấu hiệu và cách phòng ngừa của hồ huyết bánh nhau, sau đây sẽ là một số thông tin bổ ích mà MarryBaby muốn chia sẻ cùng bạn.

Mẹ bầu bị hồ huyết bánh nhau là gì?

Hồ huyết bánh nhau (một số vùng miền còn gọi là hồ huyết bánh rau) là hiện tượng tụ máu tại khoảng không gian giữa nhau thai với tử cung.

Cụ thể tình trạng này là trên bề mặt nhau thai hoặc đôi khi bên trong nhau thai có xuất hiện các điểm tụ máu. Phương pháp siêu âm có thể được sử dụng để xác định vị trí của những điểm tụ máu này.

hồ huyết bánh nhau
Có nhiều guyên nhân khiến mẹ bị hồ huyết bánh nhau

Hồ huyết nhau thai trên kết quả siêu âm là một khối màu đen ở vị trí giữa nhau thai và tử cung, phía trên em bé. Tình trạng hồ huyết bánh nhau thường được phát hiện trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc trước đó nhờ phương pháp siêu âm.

Khi dịch máu tụ lại và lớn dần sẽ khiến nhau thai bị bóc tách khỏi tử cung có thể dẫn các biến chứng như động thai, dọa sảy thai hoặc sinh non.

Ngoài ra, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng tuần hoàn nhau thai và ảnh hưởng đến trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Nếu tụ huyết nhiều, thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân.

>> Mẹ có thể tham khảo: Nhau thai là gì? Những vấn đề của nhau thai mẹ bầu cần biết

Nguyên nhân gây nên tình trạng hồ huyết bánh nhau ở mẹ bầu

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ bầu bị hồ huyết bánh nhau. Các chuyên gia nhận thấy rằng phụ nữ mang thai có nhau thai dày thường dễ bị hồ huyết bánh nhau hơn.

Vì nguyên nhân gây bệnh vẫn được chưa tìm ra nên chúng ta chưa thể làm được gì để ngăn ngừa tình trạng này.

Dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi bị hồ huyết bánh nhau

Tình trạng hồ huyết bánh nhau thường không dẫn đến bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thận trọng nếu bác sĩ cho biết mình đang mắc tình trạng này. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết mình nên làm gì để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.

Nếu phát hiện tình trạng xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Nguyên do là tình trạng này có thể dẫn đến việc thai nhi phát triển nhỏ hơn bình thường.

Tuy nhiên, nếu tình trạng hồ huyết nhau thai phát triển to bất thường hoặc chiếm hơn 10% thể tích nhau thai thì có thể dẫn đến nguy cơ mắc tình trạng nhau cài răng lược (placenta accreta).

Khi đó, các bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành siêu âm bổ sung, đặc biệt là ở những bệnh nhân có hồ huyết nhiều và lớn.

Nếu mẹ bầu từng phẫu thuật tử cung hoặc vị trí của hồ huyết nhau thai quá gần cổ tử cung thì bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra y khoa khác để chẩn đoán chuyên sâu. Phương pháp siêu âm có thể xác định được sự có mặt của các hồ huyết bánh nhau này.

Hiện tượng bánh nhau dày là gì? Phân loại bánh nhau dày thường gặp

Ngoài hiện tượng thường gặp mà MarryBaby đã kể ra ở trên, bánh nhau dày (phù nhau thai) cũng là một biểu hiện thường gặp ở mẹ bầu. Vậy bánh nhau dày là gì? Nó có nguy hiểm như hiện tượng hồ huyết bánh nhau không?

>> Mẹ có thể tham khảo: 14 đặc điểm kỳ lạ của nhau thai người mẹ và nhau thai sau sinh sẽ về đâu?

hồ huyết bánh nhau
Bánh nhau dày là bệnh lý các mẹ cần quan tâm

1. Bánh nhau dày là gì?

Bánh nhau dày (phù nhau thai) thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường như: Bất thường về tim mạch, đường tiêu hóa, lồng ngực, truyền máu thai nhi ở song thai,…

Bánh nhau dày trên 4cm được chẩn đoán là phù bánh nhau và khi bánh nhau bị bệnh thì chức năng của nhau thai sẽ không đảm bảo.

Phù nhau (rau) thai là một bệnh lý. Nhau thai bị phù, độ dày có thể gấp đôi bình thường và sẽ dẫn đến những bất thường của thai hay nước ối.

2. Các loại bánh nhau dày thường gặp

Có hai loại hồ huyết bánh nhau thường gặp đó là miễn dịch và không miễn dịch. Chúng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hồ huyết bánh nhau.

Bánh nhau dày không miễn dịch là loại phổ biến nhất, xảy ra khi có tình trạng bất thường hoặc một bệnh khác cản trở khả năng điều tiết chất lỏng của thai nhi như:

  • Thiếu máu nghiêm trọng, bao gồm cả thalassemia.
  • Xuất huyết thai nhi.
  • Thai nhi bị khuyết tật ở tim hoặc phổi.
  • Rối loạn di truyền và chuyển hóa, bao gồm hội chứng Turner và bệnh Gaucher.
  • Nhiễm một số loại virus và vi khuẩn, như bệnh Chagas, parvovirus B19, herpes,…
  • Dị tật mạch máu.
  • Khối u.

Phù nhau thai miễn dịch thường xảy ra khi nhóm máu của mẹ và thai nhi không tương thích với nhau, hay còn được gọi là trường hợp không tương thích yếu tố Rh.

Nếu bạn là Rh âm tính và có em bé Rh dương, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi. Điều này gây ra thiếu máu.

hồ huyết bánh nhau
Lắng nghe bác sĩ tư vấn về bệnh bánh nhau dày là gì

3. Nguyên nhân của bánh nhau dày là gì?

Nhau thai cũng giống như một miếng lá chắn, giúp bảo vệ bào thai trước nhiều loại vi khuẩn. Nhưng nó không đủ khả năng chống lại virus như virut cúm, virut gây bệnh Rubella vẫn có thể xâm nhập vào bào thai. Phòng tránh nhiễm trùng tốt thì sẽ tránh được nguy cơ phù nhau thai.

Nguyên nhân phù nhau thai thường là do nhiễm trùng, có thể là vi trùng hay siêu vi trùng (virus), cũng có khi do bất thường về nhiễm sắc thể gây ra bất thường nhau và thai.

4. Phòng tránh cho lần mang thai tới

Cách phòng ngừa bệnh là tránh để bị các bệnh nhiễm trùng khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thường xuyên thăm khám và theo dõi thai định kỳ. Hiện nay, không có cách điều trị khi đã mang bệnh.

Khi phát hiện bánh nhau bị phù nếu không đình chỉ thai, thai vẫn tiến triển nhưng sẽ tự mất sau một thời gian do nhau không đảm nhiệm được chức năng dinh dưỡng cho thai.

Dù là hồ huyết bánh nhau hay “Bánh nhau dày là gì?” thì mẹ bầu vẫn nên bình tĩnh và nghe theo hướng giải quyết của bác sĩ chuyên môn để có thể có phương pháp điều dưỡng tốt nhất cho sức khỏe của bản thân nhé. Ngoài bài viết này, MarryBaby còn có rất nhiều dạng thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, đừng bỏ lỡ bạn nhé!

By Đỗ Phương Vy

Sau hơn 3 năm nghiên cứu và cộng tác với nhiều trang báo, chăm sóc sức khỏe thai kỳ cũng như nuôi dạy, giáo dục con cái và hôn nhân gia đình là những lĩnh vực mà Phương Vy cực kỳ đam mê và dành nhiều thời gian để học hỏi. Vì vậy, Vy muốn chia sẻ những kiến thức quý báu này đến các độc giả của MarryBaby thông qua những bài viết đơn giản, thân thiện, dễ hiểu và cực kỳ bổ ích. 

Hi vọng, các nội dung do Vy truyền tải giúp các nữ độc giả của MarryBaby giải đáp được đa dạng các thắc mắc từ thực đơn ăn uống, tẩm bổ, chế độ tập luyện như thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh cũng như các mẹo giữ dáng, chăm sóc da, bí quyết giữ lửa hôn nhân gia đình và cách nuôi dạy con cái.