Mẹ lo lắng con không chịu ăn sẽ thiếu chất? Mẹ không biết làm thế nào để tập thói quen ăn uống tốt cho bé? Bé không chịu ăn dặm phải làm sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân khiến bé không chịu ăn dặm, biếng ăn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé không hợp tác khi ăn dặm. Bên cạnh nguyên nhân trẻ bị bệnh, mọc răng; mẹ cần chú ý đến thời điểm ăn dặm, lịch ăn phù hợp và món ăn dặm cho bé.
1.1 Thời điểm ăn dặm không phù hợp
Theo CDC Hoa Kỳ, mẹ nên cho bé tập ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Thời điểm này, hệ tiêu hoá của bé đã có sự phát triển nhất định; có thể tiêu hoá được thức ăn ngoài sữa. Ngoài ra, bé 6 tháng tuổi đã bắt đầu có sự tò mò, thích thú khám phá thức ăn, thích đưa đồ vật lên miệng và bắt chước động tác nhai.
Nhiều mẹ cho bé ăn dặm khi bé được 4 – 5 tháng tuổi; tuy nhiên, đây là thời điểm tập ăn dặm quá sớm. Trước 6 tháng tuổi, trẻ có đủ dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ; do đó, mẹ không cần thêm bất cứ thức ăn nào. Như vậy, nếu mẹ thắc mắc vì sao bé 5 tháng không chịu ăn dặm thì có thể mẹ đang cho bé ăn hơi sớm.
1.2 Khoảng cách bữa ăn chưa hợp lý
Khi bắt đầu ăn dặm, sữa vẫn đóng vai trò là một bữa ăn của bé. Nếu mẹ cho bé uống sữa trước bữa ăn; hoặc khoảng cách giữa cữ sữa và cữ ăn quá gần nhau; bé sẽ không ăn dặm do cảm thấy no bụng.
Đối với nguyên nhân khiến bé 6 tháng không chịu ăn dặm này; mẹ cần bố trí khoảng cách bữa ăn hợp lý để bé có cảm giác đói và muốn được ăn.
1.3 Món ăn không phù hợp
Thực đơn không phong phú, không bắt mắt cũng khiến bé chán ăn. Ngoài ra, mẹ lưu ý không nêm bất cứ gia vị gì trong thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi. Nếu mẹ chế biến món ăn quá mặn, mùi vị quá nồng; nhiều khả năng bé sẽ từ chối, thậm chí sợ ăn.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi mau lớn, tăng cân, đầy đủ chất
2. Bé không chịu ăn dặm phải làm sao?
Bé không chịu ăn dặm chỉ bú mẹ, mẹ phải làm sao? Loại trừ các yếu tố bệnh lý, việc bé không chịu ăn dặm hoàn toàn có thể khắc phục được với những gợi ý sau.
2.1 Không nên cai sữa sớm
Sữa là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ dưới 1 tuổi. Mẹ không nên vội vàng cắt sữa cho bé để thay thế bằng thức ăn. Đột ngột cai sữa sẽ khiến bé thiếu chất dinh dưỡng. Đồng thời, điều này còn ảnh hưởng đến tâm lý bé. Con thèm sữa sẽ quấy khóc, khó chịu và không có hứng thú với thức ăn.
Theo đó, khi không biết bé 7 tháng không chịu ăn dặm phải làm sao; mẹ cần lưu ý duy trì lượng sữa cần thiết theo độ tuổi của trẻ.
2.2 Thường xuyên đổi khẩu vị đồ ăn cho trẻ nhỏ
Nếu mẹ băn khoăn bé không chịu ăn dặm phải làm sao; mẹ hãy xem thực đơn của bé có bị lặp lại quá nhiều món ăn hay không.
Bé tuy nhỏ nhưng cũng đã biết thưởng thức mùi vị; nếu mẹ chỉ cho bé ăn những món giống nhau thường xuyên sẽ gây nên sự nhàm chán cho bé. Và không phải khẩu vị của mẹ giống với khẩu vị của con; nên mẹ cần thay đổi và tìm những món ăn bé cảm thấy thích.
Đổi món thường xuyên để bé nhận được nhiều mùi vị thức ăn khác nhau, đồng thời cung cấp nhiều loại chất dinh dưỡng cho bé mà không làm cho bé bị ngấy.
2.3 Lên lịch ăn dặm hợp lý cho bé
Thông thường, khi mới làm quen với thức ăn, mẹ chỉ cần cho bé ăn 1 – 2 bữa ăn dặm mỗi ngày là đủ. Lịch ăn quá dày đặc, 3 – 4 bữa trong một ngày sẽ khiến bé luôn có cảm giác no.
Mẹ có thể sắp xếp bữa sữa và bữa ăn dặm xen kẽ. Nguyên tắc là cần có khoảng cách hợp lý giữa các bữa ăn, để bé thấy đói, từ đó ham thích khám phá món ăn.
>> Bé không chịu ăn dặm phải làm sao: Bé 8 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ và chế độ ăn như thế nào?
2.4 Cung cấp lượng sữa phù hợp
Việc duy trì sữa trong thời điểm bé ăn dặm, không có nghĩa là cho bé uống sữa thoải mái. Lượng sữa được khuyến khích cho bé từ 6 tháng đến 2 tuổi là 500ml đến 700ml một ngày.
Nếu mẹ cho bé uống quá nhiều sữa, bé sẽ không có nhu cầu nạp thêm thức ăn. Nhiều mẹ có thói quen bú sữa nếu trẻ bỏ bữa ăn. Điều này sẽ tạo nên một vòng luẩn quẩn. Bé không chịu ăn, mẹ xót con nên cho uống sữa thay ăn, dẫn đến bé no và tiếp tục không ăn trong bữa tiếp theo.
2.5 Bé cần một không khí ăn uống vui vẻ
Các hình thức la mắng, doạ nạt, dụ dỗ sẽ không có tác dụng lâu dài để giải quyết tình trạng biếng ăn của trẻ. Các phương pháp này thường đem lại tác dụng ngược, khiến bé càng chán ghét mỗi khi ngồi vào bàn ăn.
Mẹ cần tạo không khí vui tươi, dễ chịu trong mỗi bữa ăn. Bé sẽ không cảm thấy bị ép buộc, từ đó hào hứng khám phá thức ăn. Khi mới tập ăn dặm, bé có thể làm dơ bàn ghế và quần áo. Đó là cách bé làm quen và tìm hiểu các món ăn.
Tóm lại, nếu chưa biết bé không chịu ăn dặm phải làm sao; mẹ hãy chủ động tạo không khí ăn uống vui vẻ. Đây là một trong những cách cải thiện chứng biếng ăn ở trẻ.
2.6 Cho bé ngồi ăn cùng gia đình
Bé sẽ cảm thấy hứng thú hơn nếu được tham gia bữa ăn cùng các thành viên trong gia đình. Khi mới tập ngồi ghế ăn, bé có thể thấy khó chịu và không chịu ngồi ghế ăn dặm.
Do đó, mẹ nên cho bé ngồi ăn chung; chỉ cho bé thấy những thành viên khác cũng đều ngồi ghế. Ngoài ra, mẹ nên chú ý chọn loại ghế vừa vặn với bé.
2.7 Xây dựng thói quen tốt ngay từ đầu
Có nhiều bé trước đây rất thích thú khi được ăn dặm. Nhưng qua một thời gian, bé tỏ ra biếng ăn, từ chối ngồi vào bàn; thậm chí còn ném thức ăn. Để khắc phục điều này, mẹ cần rèn luyện thói quen ăn uống tốt cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ ăn vặt bánh kẹo trước bữa ăn.
Bữa ăn chỉ nên gói gọn trong vòng 30 – 40 phút. Sau thời gian đó, dù con ăn chưa hết, mẹ cũng dọn đi và kết thúc bữa ăn. Con nên tập thói quen ngồi vào bàn và tập trung thưởng thức món ăn. Mẹ nên nói không với hình thức ăn rong; vừa ăn vừa xem ti vi hoặc vừa chơi đồ chơi vừa ăn.
2.8 Mẹ cần kiên nhẫn và học cách tôn trọng con
Giai đoạn đầu ăn dặm, bé chỉ tập trung làm quen với thức ăn ngoài sữa. Cơ thể bé cần có sự thích nghi từ từ. Lượng ăn của bé cũng bắt đầu từ rất ít, sau đó mới tăng dần lên từng chút một. Mẹ không nên quá lo lắng, nóng ruột mà tìm đủ mọi cách để ép con ăn.
Hãy để con tự quyết định lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Mẹ chỉ nên là người hỗ trợ, sắp xếp bữa ăn hợp lý, nấu những món ăn phù hợp và tập cho con thái độ ăn uống đúng. Khi mẹ quá stress với việc ăn uống của bé, tâm trạng này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến con.
[inline_article id=218735]
Tóm lại về bé không chịu ăn dặm phải làm sao?
Bất cứ người mẹ nào cũng muốn nhìn bé yêu ăn uống ngon lành, hào hứng trong mỗi bữa ăn; mỗi bé sẽ có một nhu cầu ăn uống khác nhau. Quan trọng là mẹ quan sát, tìm hiểu và khám phá sở thích ăn uống của con.
Hãy để ăn dặm là niềm vui! Hy vọng thông tin trong bài giúp mẹ trả lời được “bé không chịu ăn dặm phải làm sao?”. Nếu đã áp dụng tất cả các cách trên mà bé vẫn không chịu ăn dặm; mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ từ các bác sĩ nhi khoa nhé.