Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Cách dạy bé đánh vần hiệu quả và nhanh chóng

Các bé từ mẫu giáo lên lớp 1 sẽ được tiếp xúc với một thứ thú vị gọi là ngôn ngữ. Việc bé biết đánh vần trong giai đoạn này vô cùng quan trọng vì nó quyết định khả năng nói, đọc và cả viết sau này của bé.

Cha mẹ nên biết cách dạy bé đánh vần theo một trình tự có bài bản để bé vừa dễ hiểu, học nhanh và nhớ mãi đến lớn.

1. Dạy bé phân biệt tên gọi chữ cái và âm đọc chữ cái

Trước khi dạy bé đánh vần đúng cách, cha mẹ cần phân biệt cho bé đâu là tên gọi; đâu là âm của một chữ cái.

Chắc hẳn có nhiều cha mẹ thắc mắc tại sao cùng là 1 chữ “b” nhưng lúc thì lại đọc là “bê”, lúc thì được đọc là “bờ”. Liệu đó có phải do mỗi miền sẽ đọc 1 cách khác nhau? Hay là người ta sáng tạo ra 2 cách đọc; ai thích cách nào thì đọc cách đó?

Sự thật hoàn toàn không phải vậy, theo đó:

  • Khi cha mẹ nói “bê, xê, dê, đê,…”, đó là cha mẹ đang đọc tên gọi của chữ cái.
  • Còn khi nói “bờ, cờ, dờ, đờ,…” là cha mẹ đang nói đến cách phát âm của chúng.

Sau khi bé đã phân biệt được tên gọi và âm đọc chữ cái. Cha mẹ đi đến cách dạy bé đánh vần tiếp theo đó là làm quen với mặt chữ.

>> Cha mẹ có thể tham khảo: Bé 2 tuổi chậm nói: Dấu hiệu nhận diện và thơ hay cho trẻ tập nói

2. Dạy bé đánh vần bằng cách cho bé làm quen mặt chữ

Dạy bé đánh vần bằng cách cho bé làm quen mặt chữ
Làm quen với mặt chữ là bước thứ 2 của quá trình dạy bé đánh vần

Tiếng Việt có tổng cộng 29 chữ cái. Cha mẹ có thể mua các thẻ chữ cái từ nhà sách hoặc tự làm, trang trí thành những bảng màu ngộ nghĩnh, dễ thương, kích thích thị giác của trẻ.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể mua những chữ cái gắn nam châm, gắn lên cánh cửa tủ lạnh hoặc mua bảng chữ cái ngộ nghĩnh dán lên góc học tập – vị trí bé dễ nhìn thấy nhất. Mỗi lần bé ở gần bảng chữ cái, mẹ hãy hỏi bé “Đây là chữ gì?”. Dạy bé đánh vần nhiều lần như vậy; bé sẽ nhớ chữ cái đó một cách tự nhiên, chủ động.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Phương pháp giáo dục Reggio Emilia giúp trẻ phát triển như thế nào?

3. Dạy bé dấu câu trong tiếng Việt

Sau khi cho bé làm quen mặt chữ; để dạy bé đánh vần đúng cách, mẹ cần cho bé làm quen với dấu câu. Trong tiếng Việt có tổng cộng 5 dấu câu:

  • Dấu Sắc dùng vào 1 âm đọc lên giọng mạnh, ký hiệu ( ´ ).
  • Dấu Huyền dùng vào 1 âm đọc giọng nhẹ, ký hiệu ( ` ).
  • Dấu Hỏi dùng vào một âm đọc đọc xuống giọng rồi lên giọng ( ˀ ).
  • Dấu Ngã dùng vào âm đọc lên giọng rồi xuống giọng ngay, ký hiệu ( ~ ).
  • Dấu Nặng dùng vào một âm đọc nhấn giọng xuống, kí hiệu ( . ).

Đến bước này, mẹ đã gần như hoàn tất quá trình dạy bé đánh vần. Chỉ còn bước cuối cùng đó là ghép chữ, mẹ đọc tiếp nhé!

4. Cách dạy bé đánh vần bằng ghép chữ

Bước cuối cùng, có vai trò cốt lõi trong quá trình dạy bé đánh vần chính là dạy bé ghép chữ.

4.1 Dạy bé thứ tự đánh vần

Trong tiếng Việt, mỗi tiếng thường có 3 bộ phận: âm đầu, vần và thanh. Dạy bé đánh vần phần “vần” trước, sau đó đọc ghép “âm đầu” với “vần”. Cuối cùng là ghép với “thanh”.

Ví dụ chữ “bánh”, trước tiên bạn dạy bé đánh vần “a” + “nh” = “anh”. Sau đó nối chữ “b” (bờ) với vần “anh” ta được “banh”. Cuối cùng ghép chữ “banh” với dấu sắc ta được từ “bánh’. Lúc đầu cha mẹ dạy cho bé đánh vần với phương pháp như vậy. Sau đó, khi trẻ đã hiểu và ghi nhớ dần cách đánh vần bằng ghép chữ này, trẻ có thể tự đánh vần một mình.

4.2 Chọn từ đơn giản

Cha mẹ nên dạy bé từ những chữ cái đơn giản và từ ngữ gần gũi với bé. Đó là những chữ mà bé thường hay nói, gọi hàng ngày như “ba”, “mẹ”, cái “bàn”, cái “ghế”, cái “chén”, con “mèo”… Những từ ngữ gần gũi sẽ giúp bé dễ tưởng tượng và nhanh chóng tiếp thu hơn so với những từ ngữ xa lạ, khoa học, không thông dụng khác.

4.3 Kiên nhẫn với từ khó

Với những từ khó đánh vần như “ưu”, “ai”, “uyên”… hoặc từ quá dài mẹ không nên nôn nóng dạy bé. Khả năng phát âm của bé vẫn đang phát triển nên nếu mẹ dạy bé những từ đánh vần khó; bé sẽ cảm thấy không hứng thú với việc học. Tốt nhất, mẹ hãy cho bé làm quen với những từ ngắn, dễ nhớ, kích thích việc ham học ở bé, sau đó thì mới nâng độ khó lên.

Sau khi bé đã có thể tự ghép chữ một mình, cha mẹ có thể cho bé đọc một câu ngắn. Tiếp theo đó là đọc truyện kèm hình ảnh. Điều này sẽ làm tăng tính liên tưởng của bé hơn.

5. Lưu ý cho cha mẹ khi dạy bé đánh vần

Lưu ý cho ba mẹ
Lưu ý cho cha mẹ khi dạy bé đánh vần

5.1 Thời gian học ngắn và rèn luyện mỗi ngày

Thời gian dạy bé đánh vần mỗi ngày tốt nhất là từ 5 – 10 phút hoặc học ngẫu nhiên khi bé đang ở gần bảng chữ cái và ngày nào mẹ cũng dạy bé. Từ đó, bé sẽ quen dần và vui vẻ với việc học. Thời gian dạy quá lâu sẽ làm bé dễ bị chán nản, xao nhãng và không hứng thú.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Dạy bé 1 tuổi những gì để con phát triển toàn diện và thông minh?

5.2 Kinh nghiệm dạy bé học đánh vần

Cha mẹ cần chọn thời gian dạy bé đánh vần. Thời gian cùng bé học đánh vần nên là những thời điểm bé ít bị chi phối bởi những trò chơi tiêu khiển. Theo các nghiên cứu, thời gian tốt nhất là khi tắm vì trong phòng tắm bé không có nhiều trò chơi như những chỗ khác. Nên khi dạy bé đánh vần vào lúc này, bé dễ tập trung hơn.

Cha mẹ không nên ép bé học đánh vần: Cha mẹ mong con mình nhanh biết đánh vần, nhưng không được dùng biện pháp bạo lực, ép buộc trẻ đánh vần. Cha mẹ hãy nhớ, trẻ con rất ưa nịnh, và thích những điều vui vẻ vì thế đừng tạo áp lực cho chúng. Dạy trẻ học, cha mẹ cần phải kiên nhẫn, mỗi ngày cho bé tiếp nhận một ít và tích tụ dần dần.

Trước khi dạy bé tập đánh vần đúng cách, cha mẹ có thời gian dạy cho bé nhớ hết mặt chữ cái, dấu câu. Có thể mua các thẻ chữ, số, kèm hình ảnh để bé có hứng thú học hơn.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý

6. Học đánh vần qua các trò chơi bé yêu thích

Cha mẹ có thể mua 1 bộ chữ tượng hình có kèm tranh ảnh rồi dạy bé đánh vần từng chữ một.

Dạy những chữ liên quan mật thiết đến bé như: tên bé, ba mẹ, anh chị thì bé dễ tiếp thu. Hàng ngày, cho bé ký tên vào các bức tranh tự vẽ, viết tên riêng của bé lên ba lô, hộp bút…

Chơi đồ hàng: Hai mẹ con chơi bán chữ, nếu từng chữ cái thì mua rẻ, dạy bé xếp dần những chữ có nghĩa đơn giản như “ba”, “mẹ”, “em bé”, “cá”… để bán hàng “đắt” hơn.

Lưu ý trong cách dạy bé đánh vần bằng trò chơi:

  • Để ôn những chữ đã dạy, không ép bé phải thuộc cả chữ. Nên cho bé tìm chữ cái bị mất, ví dụ như từ “bàn” chỉ còn “…àn” rồi cho bé từ “b” và “d” hỏi bé xem phải ghép thêm chữ nào. Cha mẹ nên cho bé vài cơ hội lựa chọn, thì bé đỡ ngại, đỡ sợ khi trả lời.
  • Phải khen ngợi và khuyến khích nếu con đánh vần, ghép đúng được 1 từ…
  • Trẻ nhỏ thường hiếu động nên rất khó ngồi “ôm sách”, do đó cha mẹ nên dán bảng chữ cái lên tường và cùng chơi trò học chữ cùng với trẻ. Khi chơi, xem xét độ hào hứng của trẻ, nếu trẻ thích có thể dạy nhiều chữ, còn trẻ không hứng thì chỉ nên dạy khoảng 2-3 chữ. Sau đó, khi bé xem phim thì cha mẹ nhắc lại những chữ đã dạy để trẻ nhớ.
    • Tìm bảng phụ âm (b,c,d,đ,g,h,…) phóng to dán lên tường để nhắc nhở bản thân phương pháp dạy trẻ hợp lý nhất.
    • Tìm những câu đơn giản để bé có thể đánh vần. Giúp đỡ bé đánh vần và lưu tâm những từ khó đánh vần như “a+i” để bé tập ghép hiệu quả một vài câu đơn giản.

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Cha mẹ áp đặt con cái: Hậu quả và cách buông bỏ áp lực đối với con

7. Bài đồng giao dạy bé đánh vần và học bảng chữ cái

Bài đồng giao dạy bé đánh vần và học bảng chữ cái
Bài đồng giao dạy bé đánh vần và học bảng chữ cái

Dạy bé đánh vần bằng bài đồng dao được nhiều cha mẹ ưa chuộng. Sau đây là một bài vô cùng dễ cho bé con nhà mình!

Chữ A đứng trước
B bước ngang qua
La lả là la…
Bờ A ba bà
La lả là la…

Cờ A ca cá
Chữ Dê nấn ná
Bị xếp thứ tư
E đứng chần chừ
Bạn chờ tôi nhá
La lả là la…

Chuyển qua chữ Gờ
Đứng chờ chữ Hát
I con nhút nhát
Cùng hát la la…
Chữ I chữ Ka
Ca I ki cốc
La lả là la…

Xếp thứ 13
Là anh Lờ lớn
Đứng thứ 14
Đến Mờ ba chân
Chẳng phải phân vân
Tiếp sau Nờ thấp
La lả là la…

Bộ ba đứng đó
O Ô Ơ nhở
Cùng có bụng tròn
Cong cong hình bóng
La lả là la…
Nhìn ra chữ Pê
Chân dài lê thê
Chữ Pê nối tiếp
Chữ Quy quỳ gối
Chữ Rờ uốn cong
Dáng chạy vòng vòng
Là chữ Sờ nặng
La lả là la…
Chữ Tê, U, Vê
Tu U tu hú
Chào chú chào anh
Chân chạy nhanh nhanh
Chữ Xờ xa tít
Y dài út ít
Hạt mít cuối cùng
La lả là la…

>> Cha mẹ có thể xem thêm: Bài thơ bé học toán: Chỉ cần 120s – Bé đọc vào là nhớ ngay!

Tóm lại, dạy bé đánh vần là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn từ cha mẹ. Việc này đòi hỏi cần làm theo trình tự: phân biệt cho bé tên gọi và âm của chữ cái, cho bé làm quen mặt chữ, dấu câu và cuối cùng là cho bé nối vần. Các cha mẹ đừng quá nôn nóng mà đốt cháy giai đoạn hoặc bắt con học quá nhiều. Điều này sẽ bị phản tác dụng. Chẳng những trẻ không hấp thu được kiến thức mà còn trở nên chán ghét việc học đánh vần, thậm chí nghi ngờ năng lực của bản thân.

[inline_article id=66754]

By Huỳnh Quế Trân

Tác giả Huỳnh Quế Trân đang phụ trách sản xuất các bài viết cho chuyên mục Mẹ và Bé cũng như Đời sống sức khỏe gia đình. Với sứ mệnh gián tiếp chăm sóc các thiên thần nhỏ và mẹ bầu, chị không ngừng cung cấp những chủ đề hữu ích và thiết thực dành cho các độc giả của MarryBaby.