Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe tuổi dậy thì Tuổi dậy thì (10-15 tuổi)

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) ảnh hưởng tâm lý như thế nào?

Có bao giờ bạn tự hỏi, mỗi khi gặp gỡ bạn bè, hay đọc tin tức từ mạng xã hội, trong mình thường bùng lên một cảm giác vừa lo sợ vừa ghen tỵ hay không? Cảm giác đó còn được gọi là áp lực đồng trang lứa (tiếng Anh là peer pressure).

Vậy áp lực đồng trang lứa là gì? Nguyên nhân, cách nhận biết và cách vượt qua như thế nào? Cùng MarryBaby tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!

1. Áp lực đồng trang lứa là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – APA, áp lực đồng trang lứa (peer pressure) là khái niệm chỉ sự ảnh hưởng của bạn bè lên một người khiến họ cảm thấy phải hòa nhập; hoặc tuân theo quy tắc, kỳ vọng của tập thể.

Peer pressure có thể khiến bạn thấy bị áp lực; bị so sánh; hoặc phải thực hiện những hành vi mà một nhóm cho là phù hợp hoặc không phù hợp.

Áp lực đồng trang lứa có thể xuất phát từ chính nội tâm của bạn; hoặc do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Tình trạng này có thể tạo ra những động lực tích cực; nhưng cũng có thể đánh gục tinh thần và thể chất của bạn.

2. Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa là gì?

Tùy vào lứa tuổi và cách suy nghĩ ở mỗi giai đoạn, tình trạng áp lực đồng trang lứa sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhìn chung, khi bạn tự so sánh hoặc người khác so sánh bản thân bạn với người đồng trang lứa; nguy cơ bạn bị ảnh hưởng tiêu cực từ peer pressure là rất cao.

Những biểu hiện thường thấy khi bạn bị peer pressure:

  • Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều.
  • Sa sút trong học tập và công việc.
  • Luôn so sánh mình với người khác.
  • Cảm thấy tự ti và không tin vào khả năng của bản thân.
  • Tự trách bản thân vì không cố gắng để được như các bạn.
  • Cố gắng thể hiện bản thân rằng mình không thua kém người khác.
  • Cạnh tranh không lành mạnh, gây áp lực tinh thần rằng mình phải giỏi nhất.
  • Luôn chịu một loại áp lực mang tên “phải cố gắng hơn nữa, hơn nữa”. Và đây là nguy cơ khiến một cá nhân dễ rơi vào trạng thái kiệt quệ (burn-out).

>> Cùng chủ đề: Dậy thì sớm ở trẻ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Peer Pressure là gì?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Peer Pressure là gì?

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp lực đồng trang lứa

Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng, tại sao một đứa trẻ phải chịu áp lực đồng trang lứa? Lý do là vì trẻ mong muốn được yêu thích; và trẻ thường nghĩ rằng đáp ứng kỳ vọng của bạn bè sẽ giúp hòa nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, nỗi lo của các bé là sợ bạn bè trêu chọc khi chúng không tương đồng với nhóm. Thành thử, chúng phải đi cùng với nhóm; hoặc phải học cách thực hiện các hành vi giống với nhóm.

Một số nguyên nhân khác:

  • Ảnh hưởng từ định kiến xã hội: Nhất là ở các nước phương Đông, người lớn ở thế hệ trước thường xuyên tạo áp lực cho các con bằng quan niệm “con nhà người ta”. 
  • Ảnh hưởng từ mạng xã hội: Đây là nơi thường xuyên đưa tin và đề cao những người thành công về tiền bạc; địa vị; ngoại hình,..
  • Chưa thấu hiểu bản thân: Về bản chất, những ai chưa thấu hiểu bản thân sẽ thường xuyên tự ghen tị, so sánh bản thân thấp hơn người khác,… Lý do là vì các em chưa có trải nghiệm sống; cũng như là chưa biết bản thân muốn gì.

Trong khi đó, mỗi người trong chúng ta sẽ có mục tiêu và tốc độ phát triển khác nhau. Nhưng ngặt nỗi, cũng chính chúng ta lại tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách tự so sánh; tự đánh giá thấp chính mình; hay thậm chí là đặt kỳ vọng chưa phù hợp cho bản thân.

>>  Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và cách ngăn ngừa

Vậy áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào? Và có ưu nhược điểm gì không?

4. Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực?

4.1 Ảnh hưởng tích cực của áp lực đồng trang lứa

Đây là dạng peer pressure mà khi bạn bè, đồng nghiệp của bạn ủng hộ; tán thành; hoặc tạo ra áp lực để bạn thực hiện những hành vi nhằm mang lại lợi ích cho bản thân bạn.

Nhờ vào sự cạnh tranh lành mạnh này, bạn sẽ có động lực để hành động ngay lập tức. Ví dụ:

  • Bạn và bạn của mình tạo áp lực cho nhau để cùng đi tập thể dục đều đặn.
  • Khuyến khích để cùng nhau tiết kiệm một khoảng tiền cho tương lai khi về già.
  • Thúy đẩy và cạnh tranh nhau về việc học tập, đạt điểm cao trong kỳ thi, thành tích công việc,…
  • Ngăn cản bạn thực hiện những hành vi bất hợp pháp; hoặc khi liên tục sử dụng chất kích thích.
  • Người bạn này là một hình mẫu để bạn phấn đấu mà không hề cảm thấy áp lực vì sự thua kém. Thay vào đó là cảm giác biết ơn vì đã đồng hành.

4.2 Ảnh hưởng tiêu cực của áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là gì?
Áp lực đồng trang lứa có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực như đua đòi theo các thói quen không lành mạnh

Đây là tình trạng mà khi bạn liên tục phải chịu áp lực vì phải thực hiện một hành vi nào đó; với mong muốn được hòa nhập với đám đông và xã hội. 

Ví dụ như:

  • Bạn bị ép uống rượu, sử dụng ma túy hoặc quan hệ tình dục.
  • Trầm cảm, luôn cảm thấy lo lắng và áp lực vì tập thể quá xuất chúng.
  • Chất lượng cuộc sống bị suy giảm vì làm việc quá sức, nhưng không hiệu quả.
  • Đánh mất sự tự tin và tự tôn của bản thân khi phải chạy đua theo mục tiêu của người khác.
  • Vì muốn thể hiện bản thân không thua kém người khác, nên cá nhân dễ bị kích động khi bị ai đó khiêu khích.
  • Vì những áp đặt mong muốn từ xã hội và những người xung quanh nên bạn cố mang một mặt nạ để che đi, nên luôn cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

>> Cùng chủ đề: Tác hại của việc hút thuốc lá điện tử ở tuổi dậy thì

5. Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure)

Áp lực đồng trang lứa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ngay lúc này. Chính vì vậy, để buông bỏ bớt gánh nặng từ peer pressure bạn cần:

5.1 Học cách hiểu bản thân

Học cách hiểu bản thân hay yêu bản thân (self-love) là bước đầu tiên để bạn có thể vượt qua các khó khăn nào trong cuộc sống.

Hiểu bản thân là cách để bạn biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu; đâu là điểm có thể khắc phục và cải thiện. Để từ đó, bạn không phải lo sợ khi nhìn thấy ai đó làm quá tốt còn mình thì không. Đơn giản là vì bạn đã làm tốt phần của mình.

5.2 Xây dựng sự quyết đoán

Bản lĩnh quyết đoán của bạn phần nào dựa trên mức độ hiểu bản thân. Nếu bạn đủ hiểu bản thân thì khó lòng mà ai có thể ép bạn làm điều bạn không thích; hoặc không muốn. Vì khi đó, bạn sẽ có đủ lý luận để phản biện và từ chối đối phương một cách thuyết phục.

5.3 Hãy có hành động cụ thể

Bạn có từng nghe câu qua nói: “You are what you do, not what you say you’ll do – Carl Gustav Jung”. Tạm hiểu là, bạn là những gì bạn làm, chứ bạn không phải là những gì bạn nói bạn sẽ làm.

Hành động hình thành thói quen. Thói quen hình thành tính cách. Và tính cách hình thành nên con người và cuộc đời bạn. Khi đó áp lực đồng trang lứa còn được bạn xem là một nguồn động lực vô hình thúc đẩy bạn hành động.

>> Xem thêm: Cha mẹ cần làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì?

5.4 Biết chọn bạn mà chơi

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ loại áp lực này, bạn có thể phân loại và chọn lọc những thông tin trên mạng xã hội. Bạn có thể ưu tiên chọn theo dõi những người bạn, fanpage có những nội dung lành mạnh, giúp phát triển bản thân,..

Áp lực đồng trang lứa
Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, hãy “chọn bạn mà chơi”

Tóm lại

Cho dù bạn ở bất cứ đâu, bất cứ độ tuổi nào, bạn vẫn sẽ chịu áp lực đồng trang lứa. Hiểu được điều đó, cách tốt nhất bạn có thể làm là tập dành thời gian cho bản thân bằng việc đọc sách; tập thể dục; và học tập kiến thức mới. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với quá nhiều sự thành công của những bạn đồng trang lứa. 

Bài viết là tất cả những gì bạn có thể cần biết về áp lực đồng trang lứa là gì. Hãy tham gia cộng đồng MarryBaby ngay hôm nay để trực tiếp đặt câu hỏi với bác sĩ; giúp bạn giải tỏa khúc mắc về tình thần.

By Huỳnh Phong

Senior Writer at HelloBacsi & MarryBaby

Expertise in healthcare, parenting and psychological content development, keyword research, and content planning to drive organic traffic and enhance online visibility.