Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Ăn dặm cùng con: Làm sao để thật “suôn sẻ”?

Trong suốt hành trình nuôi con, chắc hẳn ba mẹ nào cũng cảm thấy hào hứng, vui mừng khi trẻ nhỏ bắt đầu “quan tâm” đến thức ăn mà con ăn. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm, nghĩa là bé có thể ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, thực tế là việc cho bé tập ăn dặm cũng mang đến không ít thử thách cho ba mẹ.

Nếu bạn làm mẹ lần đầu, làm sao để ăn dặm cùng con thật “suôn sẻ”? Bài viết sau sẽ gợi ý một số bí quyết để mẹ nuôi con ăn dặm đúng cách, nhẹ nhàng và giúp bé phát triển tối ưu.

Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ nên được làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc công thức sữa khi bé được khoảng 6 tháng tuổi [1]. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của mỗi trẻ em là khác nhau. Vì vậy, để chọn được thời điểm ăn dặm phù hợp, bạn nên lưu ý thêm một số dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm như [1], [2]:

  • Trẻ có thể tự ngồi dậy hoặc ngồi với sự hỗ trợ
  • Trẻ có thể kiểm soát tốt đầu và cổ
  • Trẻ mở miệng khi bạn đưa thức ăn đến gần
  • Trẻ nuốt thức ăn thay vì dùng lưỡi đẩy ra ngoài
  • Trẻ hay đưa đồ vật vào miệng
  • Trẻ cố gắng với tay nắm lấy những đồ vật nhỏ như đồ chơi hoặc thức ăn
  • Trẻ hứng thú với thức ăn, biểu hiện qua việc nhìn chằm chằm những gì bạn ăn, với tay ra hoặc há miệng đòi ăn

Ăn dặm cùng con: Làm sao để thật “suôn sẻ”?

Nhiều mẹ lần đầu nuôi con sẽ khó tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ khi em bé đến tuổi ăn dặm. Chắc hẳn mẹ sẽ có những băn khoăn về việc bắt đầu cho con ăn như thế nào? Làm sao để con thích bữa ăn hoặc không gặp các vấn đề tiêu hóa khi ăn dặm? Dưới đây là tổng hợp một số lời khuyên giúp mẹ ăn dặm cùng con thật “suôn sẻ”:

Chọn thời điểm cho bé ăn thật phù hợp

thời điểm cho bé ăn

Khi em bé đã đến tuổi ăn dặm, điều đầu tiên là bạn hãy cân nhắc việc chọn thời điểm trong ngày để cho con ăn. Thực tế sẽ không có một thời điểm cố định mà sẽ tùy thuộc vào mỗi em bé. Bạn nên chọn thời điểm cho con ăn khi bé không mệt mỏi hoặc quấy khóc, không quá đói hoặc quá no. Nếu bạn muốn chắc rằng bé không cáu gắt vì quá đói thì có thể thử cho con bú một ít sữa mẹ hoặc công thức sữa trước khi cho bé ăn thức ăn khác [2].

Lựa chọn thực phẩm và cách chế biến phù hợp

Đối với việc lựa chọn thực phẩm, bạn có thể cho trẻ ăn đa dạng từ ngũ cốc, thịt, rau củ, trái cây… đặc biệt là các thực phẩm giàu chất sắt và kẽm [2], [3]. Dù bạn không cần cho bé làm quen với các thực phẩm theo một thứ tự nhất định nhưng hãy ưu tiên các thực phẩm ít gây dị ứng. Theo đó, các thực phẩm dễ gây dị ứng mà bạn cần lưu ý bao gồm trứng, cá, hải sản, đậu phộng… [1]. Trong thời gian đầu, cách tốt nhất là bạn nên cho trẻ ăn từng thực phẩm riêng lẻ trước và quan sát 3 – 5 ngày để xác định có dị ứng không trước khi giới thiệu món ăn khác cho con [3].

Đối với việc chế biến món ăn cho trẻ ăn dặm, điều quan trọng nhất là kết cấu thức ăn cần phù hợp với khả năng nhai nuốt của trẻ [1]. Vì vậy, những thức ăn đầu tiên của bé cần đảm bảo được nấu chín, xay nhuyễn, mềm mịn [1], [3]. Ở giai đoạn đầu khi bé mới chuyển từ bú sữa mẹ hoặc công thức sữa sang thức ăn đặc thì bé dễ bị táo bón [4] do hệ tiêu hóa chưa kịp thích nghi. Hơn nữa, một số thực phẩm có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nghẹn. Khi con mới ăn dặm, mẹ nên cho trẻ bắt đầu ăn với lượng nhỏ, chậm rãi [1]. Đồng thời, cố gắng cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa, bổ sung nước và vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ.

Duy trì nguồn sữa mẹ cho bé trong giai đoạn tập ăn dặm

duy trì cho bé bú mẹ

Trong giai đoạn tập ăn dặm, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho đến khi trẻ 12 tháng tuổi hoặc lâu hơn [5]. Do đó, bạn vẫn nên duy trì việc cho bé bú sữa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé [6].

Không những vậy, bạn cũng có thể “tận dụng” sữa để giúp bé làm quen với việc ăn dặm tốt hơn bằng cách dùng sữa mẹ hoặc công thức sữa trộn với thức ăn dặm. Điều này sẽ giúp bé làm quen với mùi vị và kết cấu của thức ăn mới dễ dàng. Hơn nữa, trong sữa mẹ còn chứa đạm mềm tự nhiên, dễ tiêu nên có thể giúp hệ tiêu hóa của bé dễ “thích nghi” với việc ăn dặm. Qua đó, giúp giảm nguy cơ táo bón – tình trạng thường gặp khi bé tập ăn dặm.

Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm mẹ cần biết

đồ ăn dặm cho bé

Khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ tập ăn dặm, đặc biệt là khi bạn tự nấu hoặc chế biến tại nhà, bạn sẽ cần lưu ý một số điều sau:

  • Mẹ cần chú ý đến an toàn thực phẩm, bao gồm rửa tay kỹ và thường xuyên khi chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé [2]
  • Lựa chọn cách nấu giúp bảo toàn được nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn của bé, chẳng hạn như hấp rau củ thay vì luộc [2]
  • Tránh cho gia vị vào thức ăn của bé. Đồng thời, mẹ cần lưu ý các thực phẩm cần tránh đối với trẻ dưới 1 tuổi như mật ong, thực phẩm chế biến sẵn, đồ tươi sống, sữa chưa tiệt trùng, nước trái cây, nước ngọt, cà phê… [3], [5]
  • Bạn nên quan sát khi trẻ ăn để đảm bảo bé không gặp các sự cố, chẳng hạn như xóc, nghẹn thức ăn… [1]
  • Quan sát phân của bé trong giai đoạn ăn dặm. Phân của bé có thể chứa những mẩu thức ăn nhỏ do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa đủ khả năng tiêu hóa toàn bộ thức ăn. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên đảm bảo thức ăn của bé được nấu mềm hơn, cho bé ăn chậm rãi để phù hợp với khả năng nhai nuốt và tiêu hóa của bé [3].

Trong hành trình bé tập ăn dặm, bạn cũng nên giúp con xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ những bữa ăn đầu tiên. Ba mẹ nên cung cấp các thực phẩm lành mạnh và giàu chất dinh dưỡng nhưng cần đảm bảo kết cấu thức ăn phù hợp với khả năng nhai nuốt của bé theo từng giai đoạn. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc nỗi lo nào về dinh dưỡng cho bé, hãy hỏi thêm ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia nhé!