Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”

Với các mẹo nhỏ sau đây, ba mẹ có thể tập cho bé tự ngủ mà không phải dùng đến phương pháp nhiều nước mắt là “để bé khóc”.

Bí quyết tập cho bé tự ngủ “không nước mắt”

Khuyến khích bé ăn nhiều cữ trong ngày. Bằng cách này, bé có thể học được rằng ban ngày là để ăn, ban đêm là để ngủ. Đây là bước dạo đầu để tập cho bé tự ngủ. Việc cho ăn nhiều vào ban ngày còn giúp bé ít bị đói vào ban đêm, một trong những lý do khiến bé thức dậy nhiều lần.

Lập thời gian biểu cho giấc ngủ trưa của bé. Khi đã quen với giờ giấc ngủ ban ngày, bé cũng sẽ điều chỉnh được giấc ngủ ban đêm.

Đặt bé vào giường sớm, khoảng 18h30 hoặc 19h. Đừng nghĩ rằng để bé thức khuya, bé sẽ ngủ sâu hơn. Cách này chỉ làm bé mệt mỏi, càng thêm khó ngủ. Ngược lại, nếu bé đi ngủ sớm hơn có thể sẽ ngủ lâu hơn.

Thay đổi từ từ thói quen của bé trong quá trình tập cho bé tự ngủ. Nếu bé thường đi ngủ trễ, đừng đột nhiên thay đổi giờ ngủ của bé từ 21h30 thành 19h. Hãy cho bé ngủ sớm hơn một chút vào mỗi tối cho tới khi bạn đạt tới giờ mà được cho là tốt nhất cho bé.

Tập cho bé tự ngủ: Bí quyết “không nước mắt”
Nếu muốn tập cho bé tự ngủ với phương pháp không nước mắt, bạn cần xác định rằng sẽ phải tốn khá nhiều thời gian

Tìm một lịch trình đi ngủ có thể xoa dịu bé và bám sát nó, ví dụ như tắm, sau đó là đọc sách, tiếp theo là hát ru và sau đó là ngủ và tối nào cũng giống như thế.

Phát triển một số từ cốt yếu để ra hiệu cho bé đó là giờ ngủ. Có thể đơn giản là âm thanh “suỵt” hoặc một câu nói êm dịu như: “Đã đến giờ ngủ rồi con yêu”. Lặp lại âm thanh hoặc câu nói đó khi bạn đang dỗ bé ngủ hoặc dỗ bé ngủ lại. Bé sẽ liên hệ từ đó với giờ ngủ.

Tạo một môi trường ngủ thoải mái phù hợp với bé. Một số bé cần yên tĩnh và bóng tối hơn những bé khác. Bạn có thể thu những bài nhạc nhẹ hoặc những âm thanh tự nhiên như tiếng nước hồ cá, cho bé nghe khi ngủ để xoa dịu bé. Bạn cũng cần chú ý xem chỗ nằm của bé có đủ ấm áp, thoải mái không, đặc biệt là tấm lót đó không được nhăn nhúm. Các bé sơ sinh có thể ngủ ngon hơn khi được bọc tã. Không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé hoặc để nhiệt độ phòng quá cao, có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Không phải lúc nào cũng cần phản ứng với những tiếng động do bé tạo ra. Bạn cần phân biệt giữa tiếng khóc và tiếng thút thít khi ngủ. Bạn có thể đợi bên ngoài một vài phút xem bé có đang khóc không. Như thế, bạn sẽ không làm phiền  nếu bé vẫn đang ngủ hay chỉ đang lớ mớ.

Tập cho bé tự ngủ mà không để bé khóc có thật sự hiệu quả?
Không phương pháp tập  cho bé tự ngủ nào có hiệu quả với tất cả các bé. Thậm chí nếu phương pháp hợp với bé ở giai đoạn hiện tại không có nghĩa nó hiệu quả khi lớn hơn. Bạn phải hiểu rõ bé, linh động tìm xem phương án nào thích hợp.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ “không nước mắt” có thể phải mất thời gian hơn một chút so với phương pháp “để bé khóc”. Đó là điều chắc chắn, nhưng về lâu dài, nó ít gây tổn thương cho bé và có thể là cho cả ba mẹ hơn.

Một sự thật không thể chối cãi là chúng ta không thể thay đổi thói quen thích ngủ lúc nào thì ngủ và thích thức dậy nhiều lần trong đêm của bé thành thói quen đi ngủ đúng giờ, tự mình ngủ mà không có một trong hai thứ là nước mắt và thời gian.

Phương pháp tập cho bé tự ngủ mà không phải khóc có thể phù hợp với bạn. Nếu bạn thấy phương pháp này không hiệu quả, có thể phải thử phương pháp “để bé khóc”.